(Baothanhhoa.vn) - Với bản tính hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích (TNTT). Mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng cứ vào dịp hè, số vụ TNTT ở trẻ em lại gia tăng.

Bảo vệ trẻ trước những nguy cơ gây tai nạn thương tích

Với bản tính hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng, phòng tránh nên trẻ em rất dễ bị tai nạn thương tích (TNTT). Mặc dù đã được khuyến cáo rất nhiều nhưng cứ vào dịp hè, số vụ TNTT ở trẻ em lại gia tăng.

Bảo vệ trẻ trước những nguy cơ gây tai nạn thương tíchĐiểm dạy bơi cho trẻ tại Trường THCS Đông Thọ (TP Thanh Hóa).

Thời gian gần đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng vết thương gót chân có dấu hiệu bị nhiễm trùng, hoại tử do bị nan hoa xe đạp kẹp vùng gót chân. Đơn cử, trường hợp bé gái N.H (6 tuổi, ở Nam Định) không may bị kẹt gót chân vào nan hoa xe đạp, gây ra vết thương rách da phức tạp, lộ gân gót chân trái. Sau khi điều trị ở tuyến cơ sở không đỡ, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh Viện Nhi Trung ương với tình trạng vết thương khá nghiêm trọng, lộ gân và xuất hiện tình trạng viêm, hoại tử, chảy dịch. Tại đây, trẻ được chỉ định phẫu thuật cắt lọc và chuyển vạt da che phủ khuyết hổng, chăm sóc và rửa vết thương hàng ngày. Hiện sức khỏe trẻ ổn định và đã được ra viện.

Cũng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bé gái T.M (3 tuổi, Hà Nội) cũng phải nhập viện trong tình trạng bị gãy 1/3 xương gót, hoại tử da gót chân. Được biết, trước khi nhập viện trẻ được người nhà chở đi chơi bằng xe đạp, không may chân trẻ vướng vào nan hoa xe đạp. Sau tai nạn, trẻ đau nhiều vùng gót chân trái và được người nhà cho đến phòng khám tư gần nhà để thay băng, rửa vết thương hàng ngày. Tuy nhiên, khoảng 3 ngày sau đó, gia đình quan sát thấy chân trẻ có dấu hiệu bị nhiễm trùng nên đã đưa trẻ đến viện thăm khám và điều trị.

Tại Thanh Hóa, một số vụ tai nạn trẻ em bị điện giật khi vừa sạc vừa dùng điện thoại xảy ra hồi tháng 6-2023 cũng là bài học cảnh báo cho nhiều gia đình. Vụ việc thương tâm xảy ra ngày 15-6 đã khiến em H.Đ.N. (7 tuổi), trú xã Phú Xuân (Quan Hóa) tử vong. Theo thông tin người nhà kể lại, sau khi đi tắm ao về, cháu H.Đ.N. vào nhà cầm chiếc điện thoại đang sạc để chơi. Khi ông nội của cháu vào nhà thì thấy cháu N. nằm bất động, chiếc điện thoại vẫn ở trên bụng, ông chạm vào thì bị điện giật nhẹ. Sau khi ngắt nguồn điện, ông nội đưa cháu đi cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Trước đó, ngày 4-6, tại xã Thạch Sơn (Thạch Thành) cũng xảy ra vụ việc tương tự, một bé trai 7 tuổi bị điện giật tử vong vì sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin.

Các vụ TNTT do bị súc vật cắn cũng thường xảy ra đối với trẻ nhỏ. Thống kê của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho thấy, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến chó cắn. Đơn cử, tháng 11-2022, bé trai Y.T.B. (2 tuổi) trú tại thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy) phải cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng tổn thương nặng do bị chó cắn. Bé nhập viện trong tình trạng sốc mất máu, trên vùng mặt có nhiều vết thương hở, để lộ xương sọ, tổn thương mắt. Bệnh nhi sau đó được tiến hành phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Sau một thời gian chăm sóc, điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi mới ổn định. Người nhà bệnh nhi cho biết, hôm xảy ra sự việc, khi bé B. đang chơi gần nhà bị một con chó tấn công.

TNTT xảy ra đối với trẻ em ở nhiều dạng khác nhau, như: tai nạn giao thông, bỏng, hóc nghẹn dị vật, bị súc vật cắn, bị vật sắc nhọn cắt, đâm, đuối nước, té ngã, điện giật,... Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu để lại di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ, thậm chí dẫn đến tử vong. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm 2023 đến trung tuần tháng 6-2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 26 vụ TNTT, gây tử vong đối với 31 trẻ em. Trong đó, có 17 vụ tai nạn đuối nước khiến 20 em tử vong; 5 vụ tai nạn giao thông, khiến 6 em tử vong; 4 vụ TNTT khác (cháy nhà, ngã xe đạp, điện giật do sạc điện thoại) khiến 5 trẻ em tử vong.

Nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ, UBND tỉnh đã ban hành một số công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống TNTT, tai nạn đuối nước trẻ em. Quan trọng nhất là cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống TNTT để nâng cao nhận thức và vai trò trách nhiệm của gia đình trong việc chăm sóc, quản lý, giám sát và trông giữ con em đảm bảo được an toàn, nhất là trong dịp hè, mùa mưa, bão. Giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, dạy trẻ cách phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm, những tình huống nguy hiểm; biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm (cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi...), biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi ở nhà một mình, khi đi chơi, khi ở trường học. Đặc biệt, trẻ cần rèn luyện thể lực và biết bơi, khi đi bơi phải tuân thủ quy tắc an toàn; không cho trẻ ra gần ao hồ, sông, suối một mình...

Bài và ảnh: Minh Hiền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]