(Baothanhhoa.vn) - Tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Cẩn trọng và tỉnh táo trước “ma trận” quảng cáo về thuốc đông y và thực phẩm chức năng

Tại Khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Cẩn trọng và tỉnh táo trước “ma trận” quảng cáo về thuốc đông y và thực phẩm chức năng

Những năm gần đây, trên mạng xã hội (facebook, youtube...) xuất hiện nhiều clip quảng cáo thuốc đông y, thực phẩm chức năng chữa được bệnh nan y, xương khớp, tiểu đường, sỏi thận, trĩ... với những lời quảng cáo hấp dẫn, cam kết dùng thuốc 100% sẽ khỏi. Không ít người đã tin tưởng, mua và sử dụng theo quảng cáo, dẫn đến hậu quả là “tiền mất tật mang”.

Trường hợp của anh Lê Văn S., 50 tuổi, ở phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) là một ví dụ. Tin vào lời đường mật trên quảng cáo nên đã gọi điện, đặt mua thuốc đông y chữa gout về sắc uống, hậu quả là anh phải nhập viện điều trị vì tác dụng phụ của thuốc. Anh S. cho biết, 3 năm về trước sau một lần ăn nội tạng động vật, 2 chân của anh trở nên sưng tấy, đau, nhức không đi nổi. Đến bệnh viện khám, anh được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh gout. Căn bệnh “nhà giàu” đã khiến anh nhiều đêm mất ngủ, bởi những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ khiến anh có lúc không đi lại được.

“Không chịu nổi với những cơn đau nên hễ ai mách gì, nói gì anh đều tìm đến mua về uống. Có lần gọi điện mua thuốc nam ở trên mạng về uống. Khỏi đâu chả thấy, chỉ thấy rước bệnh vào thân. Thậm chí cơn đau xuất hiện dày hơn, nặng hơn. Có đợt phải vào viện để điều trị đấy” - vợ anh S. nói.

Thấy vợ nói thế, anh S. phân trần “Một lần vào mạng, anh thấy có một kênh youtube giới thiệu một bài thuốc của bà lang, người dân tộc Dao, chữa được các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gout. Đang đau, nhức trong người, anh gọi ngay số điện thoại hiện trên màn hình, sau đó nghe họ giới thiệu là thuốc gia truyền, thuốc được hái từ những lá, cây, rễ rừng. Cam kết uống sẽ khỏi. Anh đặt mua về uống. Cuối cùng bệnh không khỏi mà phải đi nhập viện. Giờ thì sợ rồi. Trước kia, cứ đọc được thông tin giới thiệu về thuốc chữa bệnh gout trên báo, trên mạng, bất kể là thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc... là anh đều mua về uống nhưng cũng chỉ được thời gian, sau đó bệnh lại tái phát...”.

Cũng tin vào lời quảng cáo trên youtube, chị Phan Thị H., ở phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa) đã lặn lội vào tận An Giang bốc thuốc với mong muốn chữa khỏi bệnh ung thư máu cho chồng. “Có bệnh thì vái tứ phương thôi em. Cứ ai mách gì chị đều đi hết, vào Nam, ra Bắc, lên các huyện Mường Lát, Quan Hóa... chỗ nào nghe giới thiệu, quảng cáo chị đều tìm đến. Ngày anh mới phát hiện bệnh, sức khỏe còn thì hai vợ chồng đi. Đến khi bệnh của anh trở nặng thì mình chị đi. Được cái, anh ấy cũng rất chịu khó uống thuốc. Thuốc gì chị sắc lên cũng uống. Từ lá vườn, đến cây rừng... cho đến thuốc tây anh đều uống. Có lúc kết hợp cả 2 đến 3 loại thuốc nhưng cũng không giành lại sự sống cho anh được” - chị H. nói trong nuối tiếc.

Là người có trình độ, cũng hiểu biết xã hội, nhưng khi được bác sĩ chẩn đoán bị u xơ tử cung, chị Phạm Thị N., ở huyện Quảng Xương rất lo lắng bởi chị sợ u xơ to lên sẽ phải cắt tử cung bán phần hoặc cắt bỏ tử cung hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Tin tưởng vào những lời quảng cáo của thực phẩm bảo vệ sức khỏe P.K với hy vọng uống thuốc sẽ ức chế sự phát triển của u, thu nhỏ u, suốt hơn 1 năm trời chị đều đặn uống sản phẩm theo chỉ dẫn bên trong sản phẩm nhưng rồi u xơ của chị không những không nhỏ lại mà ngày một to lên, cuối cùng chị phải đi bệnh viện để mổ cắt u. “Từ kinh nghiệm bản thân, tôi khuyên mọi người nên thận trọng trước “ma trận” của những lời quảng cáo từ các sản phẩm” - chị N. cho biết.

Trường hợp của anh S., chị H., chị N. là 3 trong số rất nhiều người có chung tâm lý “Có bệnh thì vái tứ phương” nên hễ nghe thông tin, quảng cáo, giới thiệu ở đâu chữa khỏi bệnh là tìm hoặc mua thuốc về uống mà không quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc thuốc. Cũng chính vì nắm bắt được tâm lý của người bệnh nên nhà sản xuất, công ty, thậm chí có người tự xưng là lương y tung ra các chiêu trò quảng cáo trên mạng xã hội, tạo ra “ma trận” thông tin đánh đố người dùng, với tính năng chèn clip một cách tự động vào trong phim, trong những bản tin chính thống của các đài truyền hình, cơ quan báo chí để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022 diễn ra vào sáng 10-3-2022 do Bộ Y tế tổ chức, các vi phạm chủ yếu trong hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe đã được chỉ ra, đó là quảng cáo sai sự thật, quảng cáo quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm với thuốc chữa bệnh. Đáng chú ý, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn mạo danh cơ quan báo chí, trong đó phần lớn các clip quảng cáo trên mạng xã hội đều tự gắn logo của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Truyền hình Quân đội Nhân dân và một số đài phát thanh, truyền hình của địa phương...; cắt ghép video có lời dẫn của người dẫn chương trình (MC truyền hình) để tăng niềm tin và độ uy tín với người xem; nhiều clip quảng cáo lấy hình ảnh một số bác sĩ có uy tín công tác trong ngành y chèn tên, cắt ghép và lồng tiếng để giới thiệu một số loại thuốc đông y, thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc, chất lượng, công dụng. Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo. Quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 2 năm 2020, 2021, cục đã xử phạt 76 cơ sở (với 94 hành vi vi phạm về quảng cáo) với tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Cục An toàn thực phẩm đã chuyển Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) các website, đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể; chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) 24 đường link của sàn giao dịch điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị nêu trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các quy định của pháp luật liên quan đến thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các hoạt động quảng cáo bảo vệ sức khỏe để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình hiện nay; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; phối hợp chặt chẽ, tăng cường chia sẻ thông tin với nhau; quản lý chặt chẽ các thủ tục hành chính, nội dung quảng cáo, làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan phát hành quảng cáo thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, kiên quyết không nhận và không phát hành quảng cáo của đơn vị chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Được biết, sau khi hội nghị trực tuyến diễn ra đã có một số tỉnh, thành phố ban hành công văn về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, bản thân người tiêu dùng muốn giữ gìn sức khỏe cho mình và các thành viên trong gia đình cũng cần phải tỉnh táo trước “ma trận” quảng cáo về thuốc đông y và thực phẩm chức năng trên zalo, facebook, youtube, các website... Nếu có nhu cầu mua nên mua theo chỉ định của bác sĩ, người có chuyên môn; chọn mua thuốc ở địa chỉ uy tín hoặc đến các cơ sở điều trị có uy tín, được cấp giấy phép, có chứng chỉ hành nghề để được chẩn đoán, kê đơn, điều trị đúng bệnh. Đừng vì tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” để rồi tiền vẫn mất mà tật vẫn mang như những trường hợp nêu trên.

Tại Khoản 4, Điều 52, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Ngân Hà


Ngân Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]