(Baothanhhoa.vn) - Theo phản ánh của chị Lê Thị Hảo ở thôn Thổ Tân, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, dù chưa nhận được sự đồng ý của các hộ còn lại, nhưng anh Lê Văn Tình (một trong 7 thành viên của nhóm) đã tự ý đứng ra giao dịch, bán đi toàn bộ 13,5 ha đất trồng rừng dự án 327. Đây là diện tích đất rừng Nhà nước giao cho 7 hộ thời điểm năm 1994.

Cần sớm giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng thuộc dự án 327 tại xã Tế Thắng

Theo phản ánh của chị Lê Thị Hảo ở thôn Thổ Tân, xã Tế Thắng, huyện Nông Cống, dù chưa nhận được sự đồng ý của các hộ còn lại, nhưng anh Lê Văn Tình (một trong 7 thành viên của nhóm) đã tự ý đứng ra giao dịch, bán đi toàn bộ 13,5 ha đất trồng rừng dự án 327. Đây là diện tích đất rừng Nhà nước giao cho 7 hộ thời điểm năm 1994.

Cần sớm giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng thuộc dự án 327 tại xã Tế Thắng

Các hộ dân phản ánh về nỗi lo khi đất trồng rừng dự án 327 sắp đến kỳ thu hoạch bị bán cho một người khác.

Đang canh tác ổn định trên đất được Nhà nước giao gần 30 năm nay, chị Lê Thị Hảo cùng các gia đình khác tại thôn Thổ Tân (xã Tế Thắng, huyện Nông Cống) bất ngờ khi nghe tin thửa đất trồng rừng của gia đình đã được bán cho một người khác.

Chị Hảo cho biết, năm 1994 Nhà nước có chủ trương trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng dự án 327. Sau khi được biết và tiếp cận dự án, 7 hộ dân gồm gia đình anh Nguyễn Xuân Bốn (chồng chị Hảo), Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Văn Thuật, Nguyễn Văn Ba, Đỗ Thị Hường, Lê Văn Ba, Lê Văn Tình được Nhà nước giao lô đất đồi (thuộc núi Nưa) có tổng diện tích 13,5 ha.

Sau khi được giao đất, mỗi hộ dân đã đóng 80.000 đồng để anh Lê Văn Tình làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đều thống nhất để anh Tình đại diện đứng tên.

“Việc này không có văn bản, tuy nhiên thời điểm trên ở thôn, xã có nhiều tổ nhóm cùng thực hiện dự án và đều thống nhất chỉ giao cho một người đứng tên. Bên cạnh đó anh Tình là anh em trong gia đình, các thành viên rất tin tưởng nên cũng không có cam kết ràng buộc”, chị Hảo nói.

Những năm đầu canh tác, các hộ đứng ra sản xuất chung, tuy nhiên không hiệu quả. Sau đó 7 gia đình đã họp bàn nhau chia đều các lô ra để canh tác, chăm sóc, bảo vệ. Đất được chia đều thành 7 lô, mốc ranh giới chỉ là những hàng rào đá và cứ thế trồng keo cho đến thời điểm hiện tại.

“Chẳng có việc gì xảy ra nếu thời gian gần đây phong thanh trong xã sẽ có dự án gì đấy ở khu vực này. Anh Tình mời các hộ dân lại họp và nói là đất của anh ấy và anh có quyền bán. Mấy hộ trong nhóm “ngã ngửa” khi nghe anh ấy nói vậy”, chị Hảo rơm rớm nước mắt kể lại.

Theo chị Hảo, đây là đất của Nhà nước giao cho 7 hộ dân để canh tác theo dự án của Chính phủ chứ không phải là tài sản riêng của anh Tình. Mọi việc được tất cả người dân trong thôn, xã thời điểm bấy giờ xác nhận. Anh Tình bán hay chuyển nhượng phải có sự đồng ý của tất cả thành viên.

Thế nhưng anh Tình đã tự ý bán cho người khác với giá hơn 200 triệu đồng/ha và đã có đoàn cán bộ về tiến hành đo đạc. Do chúng tôi không đồng ý cho đo nên họ đã không thực hiện được.

Cần sớm giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng thuộc dự án 327 tại xã Tế Thắng

Ông Trần Minh Hán, nguyên là trưởng làng Thổ Vị thời điểm giao đất, giao rừng xác nhận có việc giao đất, giao rừng cho nhóm hộ bảo vệ, sản xuất.

Cũng theo chị Hảo, khi chứng kiến sự việc trên, các hộ trong nhóm đã làm đơn gửi lên UBND xã, xã đã gọi các bên lên hòa giải, nhưng giữa các hộ và anh Tình không tìm được tiếng nói chung. Hòa giải không thành công, các hộ đã gửi đơn lên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nông Cống, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Để hiểu rõ hơn về sự việc này, chúng tôi tìm gặp ông Trần Minh Khoản, nguyên Chủ tịch UBND xã Tế Thắng thời điểm năm 1994, ông Khoản khẳng định: “Anh Tình là người đứng tên trong giấy chứng nhận QSDĐ nhưng thực tế đây là diện tích đất rừng giao cho nhóm hộ. Giữa các hộ đều có cắm mốc giới và sản xuất cho đến ngày nay”.

Ông Trần Minh Hán, nguyên trưởng làng Thổ Vị thời điểm giao đất giao rừng xác nhận: “Thời điểm giao đất, giao rừng năm 1994 để triển khai dự án 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc là giao cho tổ, nhóm hộ, chứ không phải cá nhân anh Lê Văn Tình”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thập, nguyên thành viên Ban giao đất, giao rừng thời điểm trên cũng khẳng định: Thửa 13,5 ha đất rừng tại khu vực núi Nưa là tài sản chung của 7 hộ gia đình chứ không phải của cá nhân.

“Thời điểm năm 1994 xã giao hơn 400 ha đất rừng cho người dân để canh tác. Nhóm của anh Tình là đông nhất, họ đều là anh em trong nhà hoặc có họ hàng, sống gần nhau nên nhận chung 1 lô và đồng ý anh Tình đứng tên. Nếu trường hợp cần họp làng để chứng minh điều này, chúng tôi sẵn sàng làm chứng”, ông Thập nói.

Cần sớm giải quyết tình trạng tranh chấp đất rừng thuộc dự án 327 tại xã Tế Thắng

Ông Lê Văn Thập, nguyên thành viên Ban giao đất, giao rừng thời điểm năm 1994 xác nhận việc giao đất, giao rừng cho nhóm 7 hộ chứ không giao cho cá nhân.

Đồng quan điểm, bà Viên Thị Vân, cán bộ địa chính xã Tế Thắng thời điểm năm 1994 cũng xác nhận sự việc giao 13,5 ha thời điểm năm 1994 là giao cho nhóm hộ.

Dù tất cả các nhân chứng thời điểm triển khai dự án trồng rừng 327 đều khẳng định đây là tài sản chung của nhóm hộ, không phải tài sản cá nhân, tuy nhiên do thời gian dài, không còn lưu giữ được bất kỳ giấy tờ nào chứng minh là tài sản chung của 7 hộ; đồng thời các hộ dân cũng không cung cấp được căn cứ xác nhận, cam kết thỏa thuận nào là tài sản chung nên UBND xã Tế Thắng không thể đứng ra giải quyết.

Ông Trần Văn Mậu, Chủ tịch UBND xã Tế Thắng cho rằng, sau khi nhận đơn đề nghị của các hộ, UBND xã đã mời các bên lên làm việc, tổ chức hòa giải tuy nhiên không thành công.

Cũng theo ông Mậu, thời gian vừa qua có một số trường hợp là người nơi khác về mua lại diện tích đất giao rừng của các hộ dân với giá cao. Theo dư luận thì khu đất dự án rừng 327 được xem là khu vực sắp quy hoạch khai thác mỏ quặng. Tuy nhiên, ông Mậu cho biết hiện tại khu vực trên không có quy hoạch hoặc dự án nào được triển khai cả.

Để làm sáng tỏ những tranh chấp về đất trồng rừng 327 tại khu vực núi Nưa cũng như sớm ngăn chặn những thông tin đồn đoán về khu vực có mỏ quặng, gây bất ổn trong Nhân dân, các cấp, ngành chức năng huyện Nông Cống cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng trên.

Sơn Đình


Sơn Đình

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]