Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang

(Baothanhhoa.vn) - Mã giang - dòng sông văn hóa, tâm linh nơi xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”. Trên dọc dài hành trình xuôi về với biển, nơi nào sông Mã đi qua mà không soi bóng những ngôi đền, chùa, miếu mạo... Như ngôi chùa Hồng Ân (còn có tên gọi khác là chùa Kiểu, xã Yên Trường (cũ), huyện Yên Định) vẫn hướng mặt về sông mà vang tiếng chuông ngân...

Mã giang - dòng sông văn hóa, tâm linh nơi xứ Thanh “địa linh nhân kiệt”. Trên dọc dài hành trình xuôi về với biển, nơi nào sông Mã đi qua mà không soi bóng những ngôi đền, chùa, miếu mạo... Như ngôi chùa Hồng Ân (còn có tên gọi khác là chùa Kiểu, xã Yên Trường (cũ), huyện Yên Định) vẫn hướng mặt về sông mà vang tiếng chuông ngân...

Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang Chùa Hồng Ân sau khi được trùng tu.

Xã Yên Trường trước hay sau khi sáp nhập vào xã Yên Bái, vẫn là vùng quê ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, mang đậm nét mộc mạc, thanh bình với những giá trị văn hóa truyền thống, di tích độc đáo. Tại đây các di tích tiêu biểu như: đền Hổ Bái, bia ký Hoàng Giáp thượng thư Trịnh Cảnh Thụy, đền thờ Trương Công Mỹ, chùa Hồng Ân, đã góp phần tô điểm thêm cho truyền thống, mạch nguồn lịch sử - văn hóa, tâm linh trên mảnh đất này.

Chùa Hồng Ân tọa lạc nơi có địa thế “tựa sơn hướng thủy”, cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Chùa có lưng tựa vào núi Long Sơn, hướng mặt ra dòng sông Mã êm đềm nước chảy. Đứng ở vị trí của chùa, ngước mắt trông về dãy núi Xuân Đài (Vĩnh Lộc), đối diện là dãy Tam Thai nổi danh có đền Đồng Cổ, hai bên là hai ngọn núi thấp tựa như voi chầu. Ngay bên cạnh chùa là đền thờ Phò mã Đô đốc Trương Công Mỹ - vị tướng thời Trần, người có công dàn trận thủy chiến đánh quân Nguyên Mông.

Ngôi chùa gắn với nhiều giai thoại về cuộc đời, công đức của một số nhân vật tiêu biểu thời Trần. Trong bài viết “Chùa Hồng Ân" của Ths. Trịnh Quốc Tuấn (Chùa Xứ Thanh, tập 2, 2010, NXB Thanh Hóa) thuật lại chi tiết: Phò mã Đô đốc Trương Công Mỹ là dị tướng kỳ tài, tóc vàng mắt sáng, quê ở trang Vĩnh Niên, huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình (nay là tỉnh Thái Bình). Ngay từ thuở nhỏ, ông đã rất chăm lo học hành, làm việc thiện và lễ Phật. Ông đã từng hành hương đến chùa Hương lễ cầu, rồi đến chùa Cổ Lễ (tỉnh Nam Định) quy Phật trì kinh trong vòng 3 năm. Năm 18 tuổi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người trai ấy giã biệt quê hương hành trình về phương Nam. Đến vùng núi Long Sơn bên dòng sông Mã, ông nhận thấy nơi đây là mảnh đất phong thủy tốt nên quyết định cư ở đây, sống trên chùa Linh Cảnh Sơn trì kinh, niệm Phật và tiếp tục rèn đức luyện tài. Trai tráng trong vùng nghe danh nên tìm đến rất đông, bày tỏ ý nguyện được ông truyền dạy văn võ.

Chùa Hồng Ân soi bóng Mã giang Cảnh sắc sông Mã phía trước chùa Hồng Ân và đền thờ Trương Công Mỹ.

Thời ấy, vào đầu triều Trần, công chúa con vua Trần Thái tông (1225 - 1258) dong thuyền trên dòng sông Mã tìm người tài giỏi giúp dân, giúp nước. Đến ghềnh Kiểu, thấy cảnh non kỳ, thủy tú, nàng cập bến, dạo chơi, vào Linh Cảnh Sơn tự lễ Phật. Cảm mến người con trai dung mạo khôi ngô, tài hoa họ Trương, công chúa đem lòng yêu mến, nguyện kết tình. Cũng chính hai người đã đồng lòng hợp sức chiêu mộ dân binh, hợp quân đánh thắng giặc Nguyên Mông, sau đó cùng du ngoạn ghềnh Kiểu và cùng bị cuốn vào hang, mất tích. Vua Trần nghe tin buồn rất đau lòng, dong thuyền về viếng và làm thơ điếu. Vua Trần cấp tiền cho dân lập đền thờ tế tự, đồng thời cho trùng tu, tôn tạo lại ngôi chùa trên núi. Nhớ ơn vua đã cho dựng lại chùa ban phúc cho dân, người dân nơi đây đặt tên chùa là Hồng Ân.

Ngôi chùa lặng lẽ hiện diện, song hành cùng đời sống của các thế hệ người dân nơi đây. Một thời sôi nổi trên bến dưới thuyền, đò dọc đi qua khu vực Kiểu vẫn tâm linh mà vọng bái lên chùa, văng vẳng điệu hò: “Thuyền tôi ván táu chênh vênh/ Trông ra bến Kiểu gập ghềnh nao nao/ Phật cho mát mái chắc sào/ Tu nhân tích đức, ai nào chẳng thương”.

Trước những biến động thời cuộc, lịch sử làng, xã ghi lại sự kiện: Ngày 19/5/1950, giữa lúc chợ Kiểu đang họp đông đúc, thực dân Pháp đưa 4 máy bay đến ném bom, sau đó quân giặc tiếp tục vòng trở lại ném bom tiếp gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người, tài sản. Ngôi chùa Hồng Ân cũng bị tàn phá nặng nề trong đợt ném bom này.

Nhằm đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng địa phương, năm 2015 chùa được trùng tu. Trong đó, ngôi tổ đường có diện tích 315m2, được xây dựng theo kiến trúc chữ đinh gồm 7 gian tiền đường và 3 gian hậu cung, nền móng được nâng cao tạo độ thông thoáng. Phần khung được kết cấu hoàn toàn bằng gỗ, phần mái được làm bằng ngói mũi hài; các phần hoành, xà, câu đầu và một số cấu kiện trên mái được thiết kế theo phong cách truyền thống với cách chồng rường, kẻ bảy. Hoa văn trang trí mang đậm tín ngưỡng Phật giáo. Ngoài ra, chùa còn có giảng đường, nhà ăn và một số công trình phụ trợ khác. Tháng 4/2022, chùa đã tổ chức lễ rót đồng đúc đại hồng chung với trọng lượng 1 tấn, cao hơn 2m, miệng chuông rộng 1,2m với các họa tiết trang trí tinh tế. Từ đây, tiếng chuông chùa Hồng Ân lại mênh mang cùng dòng sông Mã...

Trong bức tranh sông núi hữu tình, chùa Hồng Ân, đền thờ Trần Công Mỹ như những nét chấm phá độc đáo, tăng thêm linh khí. Sông vẫn chảy đời sông, núi vẫn lặng im đời núi, ngôi chùa vẫn mãi là niềm tự hào, biểu tượng cho nét đẹp, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đất và người nơi đây.

Bài và ảnh: Hoàng Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]