Để Nghị định về tuyển dụng giáo viên hợp đồng sớm mang lại hiệu quả (Bài1): Gỡ nút thắt
Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định 111) được ban hành đã mở ra nhiều “cơ hội” cho ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trong việc giải bài toán thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học.
Học sinh trường THCS thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) trong giờ học.
Niềm vui khi được tuyển dụng
Sau khi vượt qua 2 vòng thi tuyển do huyện Hậu Lộc tổ chức, cô giáo Cù Thị Thiện được Trường THCS thị trấn Hậu Lộc (Hậu Lộc) ký hợp đồng theo Nghị định 111 và bắt đầu giảng dạy từ tháng 4/2024.
Cô Thiện chia sẻ: "Sau khi được ký hợp đồng theo Nghị định số 111, tôi được bố trí giảng dạy bộ môn Hóa học từ khối 6 đến khối 9. Được tuyển dụng và giảng dạy theo đúng chuyên ngành mình đã học nên tôi rất phấn khởi. Hơn nữa, tôi được hưởng mọi quyền lợi, gồm lương cơ bản, phụ cấp ưu đãi (đứng lớp), đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ và được nhà trường tạo điều kiện tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nên tôi yên tâm công tác và gắn bó với nghề".
Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên cục bộ, năm học 2024-2025 Trường THCS thị trấn Hậu Lộc đã ký hợp đồng với 1 giáo viên theo Nghị định 111. Cô giáo Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Hậu Lộc cho biết: "Cô giáo Cù Thị Thiện là giáo viên trẻ, có năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, hơn nữa có lợi thế về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, tiếp nhận và triển khai có hiệu quả các phương pháp dạy học mới, phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Dù năm đầu tiên tham gia giảng dạy, nhưng cô đã phát huy được khá tốt chuyên môn của mình. Việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 đã giúp nhà trường giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, cũng như nâng cao chất lượng dạy và học".
Cũng là giáo viên được ký hợp đồng theo Nghị định 111, cô giáo Lê Thị Trang, giáo viên dạy môn Toán, Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ, thị trấn Yên Cát (Như Xuân), cho biết: "Từ ngày 1/4/2024 tôi được ký hợp đồng theo theo Nghị định 111 và đã thực hiện nhiệm vụ giảng dạy môn Toán cho học sinh khối 6, 7. Trong quá trình công tác, tôi đã được chi trả đầy đủ tiền lương và chế độ theo quy định của Nhà nước nên tôi rất yên tâm để giảng dạy và gắn bó lâu dài với nghề".
Được tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 là niềm vui lớn với nhiều giáo viên hợp đồng trên địa bàn tỉnh. Bởi, các giáo viên không chỉ được theo đuổi niềm “đam mê” đứng trên bục giảng, mà việc được hưởng các chế độ đầy đủ theo quy định của Nhà nước cũng phần nào giúp các thầy, cô ổn định cuộc sống và yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Giải “bài toán” thiếu giáo viên
Tình trạng thiếu giáo viên tại các trường học trên địa bàn tỉnh từ nhiều năm nay vẫn luôn là nỗi lo thường trực của ngành GD&ĐT. Trước thực trạng đó, các trường học, ngành và các địa phương đã và đang nỗ lực giải bài toán khó này bằng nhiều cách như bố trí giáo viên dạy liên trường, giáo viên dạy tăng giờ, phân công giáo viên kiêm nhiệm...
Tuy nhiên, những cách làm này không chỉ gây “áp lực” cho giáo viên mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Do đó, từ khi Nghị định 111 của Chính phủ ra đời đã mở ra nhiều “cơ hội” cho ngành giáo dục trong việc giải bài toán thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học.
Nói về vấn đề này, thầy giáo Lê Văn Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Yên Lễ, thị trấn Yên Cát (Như Xuân) cho cho biết: Nhà trường hiện có 496 học sinh, trong đó khối THCS có 6 lớp, khối tiểu học 11 lớp. Trước đây, nhà trường thiếu giáo viên dạy môn Toán và môn Địa lý nên phải bố trí giáo viên dạy liên trường hoặc tăng tiết. Việc dạy học ở miền núi vốn đã vất vả nhưng trong điều kiện thiếu giáo viên lại nhân lên bội phần, bởi các thầy cô thường phải “chạy sô” giữa các điểm trường cách nhau cả chục km để đảm bảo các em được học đầy đủ chương trình.
Từ tháng 4/2024 đến nay, sau khi được huyện giao chỉ tiêu giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111, nhà trường đã thực hiện ký hợp đồng với 2 giáo viên môn Toán và Địa lý, do đó hiện nay về cơ bản nhà trường đã đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy, đáp ứng được việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.
Tại huyện Hậu Lộc, trước đây toàn huyện thiếu 218 giáo viên bậc mầm non, 175 giáo viên bậc tiểu học và 103 giáo viên bậc THCS. Việc thiếu giáo viên gây ra khá nhiều áp lực cho ngành giáo dục của huyện, phải bố trí giáo viên dạy liên trường, tỷ lệ học sinh trong lớp vượt quá so với quy định, chất lượng giáo dục, giảng dạy học sinh ở tất cả các cấp học vì thế cũng bị ảnh hưởng theo. Từ tháng 4/2024 đến nay, được tỉnh giao chỉ tiêu giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111, huyện đã thực hiện 2 lần xét tuyển giáo viên, đến nay đã tuyển được 68 giáo viên, trong đó bậc mầm non là 28 giáo viên, tiểu học 2 giáo viên, THCS 38 giáo viên. Mặc dù chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu giáo viên, song việc tuyển dụng theo Nghị định 111 đã phần nào “gỡ khó” cho huyện về tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Đến tháng 10/2024 toàn ngành giáo dục trong tỉnh có 44.065 giáo viên trong biên chế, trong đó bậc mầm non có 13.988 giáo viên, tiểu học 14.004 giáo viên, THCS 10.665 giáo viên. Ngoài ra, có 1.780 giáo viên lao động hợp đồng, trong đó bậc mầm non là 450 giáo viên, tiểu học 361 giáo viên, THCS 736 giáo viên.
Với số giáo viên hiện có (biên chế và hợp đồng), còn thiếu so với định mức tối đa quy định của Bộ GD&ĐT là 8.244 người, trong đó bậc mầm non thiếu 2.275 người, tiểu học thiếu 3.372 người, THCS thiếu 2.056 người. Thiếu nhiều giáo viên nhất là các môn Tin học, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý.
Để giảm áp lực do tình trạng thiếu giáo viên, trong năm 2024 UBND tỉnh đã giao 3.840 chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 111 của Chính phủ cho Sở GD&ĐT và UBND các huyện, thị xã, thành phố. Sau khi được giao chỉ tiêu, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch và thực hiện việc tuyển dụng để bổ sung giáo viên còn thiếu, đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Việc tuyển dụng chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên theo Nghị định 111 với quy trình xét tuyển đơn giản hơn nhiều so với quy định về tuyển dụng viên chức đã góp phần bổ sung kịp thời số giáo viên còn thiếu, giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên hiện nay cho ngành GD&ĐT của tỉnh. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường.
Nguyễn Đạt - Anh Tuân
{name} - {time}
-
2025-01-07 16:57:00
Hệ thống Anh ngữ quốc tế Ocean Edu chào mừng sinh nhật 18 tuổi và chuỗi hoạt động ý nghĩa
-
2025-01-07 16:19:00
Tuyển sinh đại học 2025: Nhiều ngành đào tạo mới ra đời
-
2024-10-20 15:14:00
Xu hướng lựa chọn học tiếng Trung Quốc trong giới trẻ
Vụ cô giáo “tác động vật lý” với học sinh lớp 1: Nhiều học sinh bị bạo lực
Bộ GD-ĐT công bố dự thảo phương án tuyển sinh lớp 10 từ năm 2025
Sửa đổi, bổ sung quy định về liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ
Cô giáo “tác động vật lý” học sinh lớp 1 đã bị chuyển sang làm văn thư
Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2025
Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực trong học sinh
Khó khăn trong triển khai Luật Giáo dục nghề nghiệp
Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chào đón tân học sinh, sinh viên
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa khai giảng năm học 2024-2025