(Baothanhhoa.vn) - Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang có những bước tiến lớn để hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xu thế phát triển đó đang cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng kinh tế. Việc tạo được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững chính là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.

Để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là nhân tố phát triển nông nghiệp bền vững (Bài 1): Xu thế phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang có những bước tiến lớn để hướng đến nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Xu thế phát triển đó đang cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng kinh tế. Việc tạo được những chuỗi liên kết sản xuất bền vững chính là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.

Để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là nhân tố phát triển nông nghiệp bền vững (Bài 1): Xu thế phát triển nền nông nghiệp hiện đạiDiện tích dứa tại xã Hà Long (Hà Trung) được tiêu thụ thông qua một số doanh nghiệp và đầu mối tiêu thụ lớn, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người dân.

Xác định phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông, lâm, thủy sản là xu thế tất yếu và nhu cầu không thể thiếu của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và người nông dân, do vậy, trong những năm qua, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm.

Những ngày bước vào vụ mùa 2023, người dân trên địa bàn xã Nga Yên (Nga Sơn) lại hào hứng chờ đợi HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên triển khai những mô hình cây trồng mới theo hình thức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Bởi, những năm gần đây, khi triển khai một mô hình sản xuất mới, HTX luôn đứng ra ký hợp đồng cung ứng vật tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm, người dân không còn lo cảnh được mùa mất giá, ùn ứ nông sản như trước đây.

Ông Mai Đăng Bắc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên, nhớ lại: “Năm 2018, khi khoai tây vụ đông xuân bước vào thời kỳ thu hoạch rộ. Bà con Nga Yên và nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện mừng thầm vì đạt năng suất cao, hứa hẹn sẽ mang hiệu quả kinh tế cao hơn các vụ trước. Thế nhưng, đổi lại chỉ là sự thất vọng bởi doanh nghiệp thu mua khoai tây với giá thấp, chỉ 4.700 đồng/kg đối với loại I, 4.000 đồng/kg đối với loại II và 2.000 đồng/kg đối với loại III, tức là giảm xuống gần một nửa giá so với cùng kỳ vụ trước. Bên cạnh đó, mặc dù HTX đã có biên bản ghi nhớ về cung ứng vật tư và bao tiêu sản phẩm, song khi vào mùa thu hoạch, doanh nghiệp vẫn thu mua chọn lọc, hạn chế, nên lượng khoai tây ùn ứ nhiều, buộc chúng tôi phải vận động người dân tiêu thụ tự do tại chợ truyền thống với giá thấp, hiệu quả kinh tế giảm sút”.

Cùng chung tình trạng đó, tháng 6-2018 cũng là thời điểm “suy thoái”, lao đao của người trồng dứa trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) khi bình quân giá dứa tiêu thụ trên thị trường chỉ đạt 2.000 - 2.500 đồng/kg đối với loại I, loại II có giá 1.500 - 1.800 đồng/kg, loại dứa bi thì chỉ được bán với giá 1.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá bán chung của các cánh đồng dứa trên địa bàn tỉnh tại thời điểm đó. Theo tính toán của các hộ dân trồng dứa, chi phí để sản xuất 1 kg dứa tối thiểu phải mất 3.000 đồng/kg, trong khi giá tiêu thụ bình quân chỉ đạt 2.000 đồng/kg. Đồng thời, sản phẩm bị ùn ứ, không tiêu thụ được rất lớn, nên người dân bị thua lỗ nặng.

Rút kinh nghiệm từ những vụ thu hoạch nông sản “thua lỗ”, HTX, các địa phương đã tìm kiếm doanh nghiệp uy tín, ký kết hợp đồng kinh tế để liên kết sản xuất, bao tiêu nông sản cho người dân. Trong đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và phát triển được chuỗi liên kết cung ứng rau, củ, quả, với sản lượng hàng chục tấn/tháng; chuỗi sản xuất lúa gạo thương phẩm với diện tích gần 50 ha/vụ... Vùng sản xuất dứa xã Hà Long đã liên kết với Công ty CP nông sản xuất khẩu Đồng Giao và một số doanh nghiệp chế biến dứa cung ứng hàng trăm tấn dứa nguyên liệu/năm...

Trái ngược với những mùa khoai tây, mùa dứa “đắng”, cũng ở thời điểm 2017 - 2018, người dân trồng ớt phục vụ chế biến xuất khẩu trên địa bàn huyện Yên Định nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung lại đạt thắng lợi toàn diện khi doanh thu có thể đạt 20 - 22 triệu đồng/sào. Nguyên nhân chính được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Định đưa ra là ở thời điểm đó, người dân trên địa bàn huyện đã phát triển được diện tích cây ớt lớn, sản lượng bảo đảm cho hàng chục cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến và thực hiện xuất khẩu ớt. Ngoài ra, nhiều HTX đã đứng ra làm trung gian ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp và thu gom sản phẩm nông sản chất lượng cho người dân.

Thực tế cho thấy, tình trạng được mùa mất giá, khủng hoảng thừa nông sản không phải quá xa lạ với người sản xuất trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Bá Lương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết: Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan về thời tiết, thị trường tiêu thụ thì việc nhiều nông sản rớt giá, ùn ứ trên địa bàn tỉnh xảy ra do các nguyên nhân chủ quan, như: Việc sản xuất của người dân còn mang tính tự phát, phong trào, quy mô không ổn định, sản xuất lại tiến hành đồng loạt, với diện tích lớn không theo định hướng và nhu cầu của thị trường dẫn đến sản phẩm đến kỳ thu hoạch đồng loạt, trong khi đó nhiều diện tích không thực hiện liên kết sản xuất, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở nội tỉnh, nên cung vượt quá cầu, khiến sản phẩm rớt giá thê thảm. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp chưa tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được yêu cầu của các nhà máy chế biến nên phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống thương lái và thị trường.

Sự so sánh về các sản phẩm nông nghiệp tại cùng một thời điểm cho thấy, khi người nông dân sản xuất theo quy hoạch, định hướng của thị trường và liên kết theo các hợp đồng kinh tế thì sẽ hạn chế được tình trạng dư thừa, ùn ứ nông sản. Điều này càng được khẳng định khi Nghị định 98/NĐ-CP, ngày 5-7-2018 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được ban hành. Tỉnh Thanh Hóa đã lồng ghép các nội dung hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP vào nhiều Quyết định của tỉnh về phát triển nông nghiệp nông thôn, góp phần khuyến khích hỗ trợ người dân hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa nông sản quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, tình hình liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nhiều vùng nguyên liệu sản xuất tập trung đã được hình thành, tư duy sản xuất của người nông dân đang chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”. Toàn tỉnh phát triển được 1.808 chuỗi liên kết bền vững, tăng hơn 1.000 chuỗi so với năm 2018. Trong đó, đối với nhóm sản phẩm chủ lực, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được hơn 1.000 chuỗi liên kết, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Cùng với đó, ngày càng nhiều chủ thể sản xuất tham gia xây dựng các chuỗi liên kết bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu, như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Nga Yên (Nga Sơn) xây dựng liên kết sản xuất rau an toàn theo chuỗi giá trị; HTX Dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn xã Xuân Minh (Thọ Xuân) xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lúa gạo; HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính (Quảng Xương) ứng dụng công nghệ trong chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm cho thành viên HTX... Qua đó, nâng tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp được liên kết sản xuất đạt 36,3%, tăng 25,9 % so với năm 2018.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Lê Bá Lương, khẳng định: Cùng những giá trị to lớn về kinh tế, môi trường, việc phối hợp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã khẳng định hướng đi phù hợp với xu thế của nền nông nghiệp hiện đại khi thu hút cả 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học) cùng tham gia. Thông qua các chuỗi liên kết, người nông dân trên địa bàn tỉnh đã nâng cao chất lượng nguồn giống, giảm chi phí sản xuất, sử dụng dịch vụ đầu vào giá thấp nhất và giữ giá bán sản phẩm có chất lượng ổn định, cao nhất... Đó là những thành công mà chúng ta nhìn thấy khi thực hiện tốt nhiệm vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, tạo nền móng vững chắc để nền nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Bài 2: Những khó khăn trong tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]