ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi)
Chiều 7/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý về dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Tham gia góp ý, ĐBQH Cầm Thị Mẫn nhất trí cần thiết phải sửa đổi một cách toàn diện Luật Điện lực với những căn cứ đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia.
Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Cầm Thị Mẫn đã tham gia đóng góp ý kiến đối với chính sách phát triển điện lực quy định tại Điều 5 dự thảo Luật. Theo đó, Điều 5 dự thảo Luật được cấu thành bởi 15 khoản với những nội dung mang tính nguyên tắc và những nội dung thể hiện các chính sách cụ thể của Nhà nước về phát triển điện lực. Trong đó có một số nội dung, chính sách đã giao cho Chính phủ căn cứ tình hình thực tiễn để quy định chi tiết. Tuy nhiên, về cơ bản các chính sách được dự thảo Luật quy định một cách khái quát chung nhất để thể chế hoá quan điểm, chính sách của Nhà nước về điện lực song lại chưa có quy định việc giao cơ quan có thẩm quyền quy định chi tiết các chính sách này. Điều này có thể dẫn đến việc các chính sách này khó có thể đi vào cuộc sống khi luật có hiệu lực.
Do vậy, để đảm bảo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật; tính hiệu quả, sự công khai, minh bạch đối với từng chính sách, tránh tạo ra cơ chế xin cho, tiêu cực, lãng phí, đặc biệt là bảo đảm tính khả thi của điều luật, đại biểu đề nghị cần rà soát lại các nội dung tại Điều 5 để xác định rõ những nội dung, nhóm chính sách nào cần giao quy định chi tiết và cơ quan có thẩm quyền được giao quy định chi tiết.
Về các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện quy định tại Điều 8 dự thảo Luật, qua nghiên cứu đại biểu Cầm Thị Mẫn cho rằng việc quy định các hành vi cấm theo phương pháp liệt kê có thể dẫn đến tình trạng không đầy đủ các hành vi bị cấm, không mang tính khái quát, bao quát; có những nội dung giữa các khoản có sự trùng lặp về nội hàm, ý nghĩa; có nội dung đã được quy định ở những văn bản khác hoặc không cần thiết phải quy định tại luật này. Do vậy, đề nghị rà soát lại các hành vi cấm tại dự thảo luật để bảo đảm tính bao quát, khái quát, không trùng.
Cụ thể, tại khoản 2 và khoản 3 dự thảo có sự trùng lặp về hành vi trộm cắp nói chung. Như vậy, có thể gộp hai khoản này thành một khoản để quy định chung đối với việc cấm hành vi trộm cắp điện, trang thiết bị điện. Đồng thời, thay thế động từ “phá hoại” ở khoản 3 bằng các từ và cụm từ “huỷ hoại” và “cố ý làm hư hỏng trang thiết bị điện” để đảm bảo sự thống nhất với các quy định của pháp luật về xử lý trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hình sự đối với các hành vi này.
Các hành vi cấm được quy định tại các khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 về nội hàm có nhiều điểm trùng lặp, đồng thời việc sử dụng, khai thác, quản lý điện, công trình điện hoặc các công trình liên quan đều có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể riêng nên có thể khái quát lại.
Mặt khác, cách mô tả về hành vi cấm theo phương pháp liệt kê là không khoa học, không chặt chẽ. Do vậy, đề nghị xem xét đồng nhất, khái quát lại các quy định tại khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 để quy định chung thành một khoản theo hướng như sau: “Nghiêm cấm thực hiện các hành vi vi phạm các quy định trong việc vận hành, khai thác, quản lý, sử dụng điện, hành lang bảo vệ an toàn công trình điện, các quy định về bảo vệ công trình điện, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.”
Tại khoản 12 quy định về việc cấm đối với hành vi “Gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện", đại biểu cho rằng trong trường hợp này hành vi gây sách nhiễu nên được điều chỉnh bởi các quy phạm đạo đức trong các nội quy, quy chế của cơ quan đơn vị thì phù hợp hơn. Đối với hành vi “thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện”, quy định này không rõ ràng và cũng không cần thiết quy định tại luật này bởi pháp luật đã có những quy định chung về việc xử lý trách nhiệm đối với các hành vi thu lợi bất chính, bất hợp pháp cả về mặt hành chính cũng như hình sự. Do đó, đề nghị lược bỏ quy định tại khoản 12 Điều 8 dự thảo Luật.
Về chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực, khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật thể hiện nội dung quy định về việc UBND cấp tỉnh là cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp 110kV, 220kV đi qua địa giới hành chính từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thuộc trường hợp có đề nghị nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định Luật Đất đai. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Luật Đầu tư thì Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với “Dự án đầu tư đồng thời thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của từ 2 UBND cấp tỉnh trở lên”.
Do đó, để đảm bảo sự thống nhất với các quy định của Luật Đầu tư đề nghị chỉnh lý lại thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư tại khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật theo hướng: Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư lưới điện có cấp điện áp 110kV, 220kV đi qua địa giới hành chính từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.
Tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật mới chỉ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thủy điện mà chưa có quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định cụ thể về chủ thể có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án thủy điện.
Về nguyên tắc cấp giấy phép hoạt động điện lực quy định tại Điều 47 dự thảo Luật. Trong đó, tại Khoản 1 Điều 47 quy định: “Các lĩnh vực hoạt động điện lực phải được cấp giấy phép gồm: phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện”. Quy định này chưa bao gồm hoạt động “Tư vấn chuyên ngành điện lực”. Tuy nhiên, pháp luật về điện lực hiện hành đang có những quy định rất cụ thể về hoạt động “Tư vấn chuyên ngành điện lực” và việc cấp phép cho hoạt động “Tư vấn chuyên ngành điện lực”.
Do đó, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị bổ sung hoạt động “Tư vấn chuyên ngành điện lực” là lĩnh vực phải được cấp phép. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực bởi công trình điện là công trình kỹ thuật đặc thù, dễ gây mất an toàn cho con người và thiết bị nếu thiết kế, giám sát không đảm bảo kỹ thuật; việc thực hiện tư vấn chuyên ngành về công trình điện cần phải có đủ điều kiện năng lực để thiết kế, giám sát.
Quốc Hương
{name} - {time}
-
2024-12-22 10:45:00
Đại hội lần thứ II Hội Lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa
-
2024-12-22 09:24:00
Tinh gọn bộ máy để tạo đột phá về chất lượng hoạt động
-
2024-11-07 15:50:00
Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đào Xuân Yên chung vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại bản Chí Lý Nặm Đanh
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh làm việc với Công an tỉnh
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư thôn 5, xã Cán Khê
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Sơn Thắng
Tổ đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Lang Chánh
Cử tri huyện Triệu Sơn đề nghị nâng cấp hạ tầng giao thông, đê điều trên địa bàn
Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7-11-1917 / 7-11-2024): Ý nghĩa và tầm vóc thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 7/11/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng ngày 7/11
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 7/11/2024