(Baothanhhoa.vn) - Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) thực chất là quá trình ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất, góp phần giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất, là tiền đề quan trọng để các địa phương hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao

Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) thực chất là quá trình ứng dụng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất, góp phần giảm chi phí nhân công, nâng cao hiệu quả kinh tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vào sản xuất, là tiền đề quan trọng để các địa phương hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh.

Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ caoDiện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của hộ anh Dương Văn Khoa, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy).

Sau nhiều năm bôn ba, lao động và tu nghiệp tại Israel, năm 2016, sau khi tích lũy được một số vốn, chàng trai trẻ Dương Văn Khoa, thôn Song Nga, xã Cẩm Ngọc (Cẩm Thủy) quyết định trở về quê thực hiện ước mơ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên vùng đất quê hương. Trên diện tích vườn đồi của gia đình, anh đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để san, cải tạo mặt bằng, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phát triển nông nghiệp theo hướng CNC. Nhờ có kinh nghiệm tham gia sản xuất nông nghiệp tại Israel hơn 1.000m2 nhà lưới sản xuất dưa Kim Hoàng hậu của mình, anh Dương Văn Khoa đã áp dụng công nghệ 4.0 và ứng dụng internet vạn vật để quản lý dữ liệu về độ ẩm của đất, lượng nước tưới, quá trình sinh trưởng của cây trồng thông qua điện thoại thông minh. Sự tiến bộ của công nghệ đã hỗ trợ anh khâu phân tích, đưa ra khuyến cáo chăm sóc cây trồng một cách khoa học, hiệu quả.

Anh Dương Văn Khoa, chia sẻ: "Chi phí để đầu tư hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống tưới tự động gần 80 triệu đồng/ha. Đổi lại, người trồng sẽ tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kinh phí thuê lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng nông sản vượt trội”. Không chỉ thành công với dưa Kim Hoàng hậu, nông trại của anh Khoa còn là một trong những mô hình đầu tiên của tỉnh “thuần hóa”, phát triển hiệu quả cây dâu tây có nguồn gốc xứ lạnh và sản xuất khoảng 1,5 ha rau, củ, quả an toàn cung cấp cho thị trường. Với việc sản xuất nông nghiệp CNC, gia đình anh Dương Văn Khoa đã có doanh thu đạt khoảng 1,7 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm.

Với diện tích sản xuất nông nghiệp lên tới 7 ha, nông trại Hương Quê Farm, ở xã Đông Tiến (Đông Sơn) cũng là một trong những mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Ông Thiều Khắc Hạnh, quản lý nông trại, cho biết: “Bên cạnh việc sản xuất theo hướng hữu cơ, nhiều khâu sản xuất của nông trại đã áp dụng CNC, như hệ thống tưới nước, bón phân tự động, hệ thống cảm biến theo dõi độ ẩm của cây trồng và hệ thống nhà màng, nhà lưới để sản xuất rau, củ, quả an toàn... Ngoài ra, các sản phẩm nông sản của Hương Quê Farm đã khẳng định được niềm tin với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Hương Quê Farm đã có 2 sản phẩm là bí xanh và măng tây sạch đạt chứng nhận OCOP 3 sao, được phân phối rộng rãi tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn trong tỉnh”.

Đánh giá từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất không chỉ trong lĩnh vực trồng trọt mà còn được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực với hàng loạt công nghệ hiện đại, như: Thụ tinh nhân tạo bằng tinh phân giới tính cho bò sữa, thụ tinh nhân tạo nâng cao tầm vóc đàn bò; nghiên cứu đánh giá, tuyển chọn bò đực giống tại Moncada để sản xuất tinh đông lạnh, phục vụ công tác phát triển giống bò Việt Nam... Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng thành công các mô hình trang trại chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, áp dụng hệ thống chuồng kín, nuôi sàn, điều hòa ẩm độ và nhiệt độ, xử lý chất thải và kiểm soát dịch bệnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất. Lĩnh vực sản xuất giống cây lâm nghiệp, đã ứng dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô để nhân rộng một số loài. Trong nuôi trồng thủy sản, đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi ứng dụng CNC, như: Nuôi tôm hùm, cá giò, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh...

Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.100 ha đất sản xuất các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP...); gần 20 ha cây trồng được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; hơn 760 ha cây trồng được sản xuất áp dụng theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; khoảng 260 ha nhà màng nhà lưới sản xuất nông nghiệp CNC, hơn 2.500 ha sản xuất nông nghiệp áp dụng tưới tiên tiến và 39 cụm trang trại chăn nuôi tập trung, hiện đại...

Bài và ảnh: Lê Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]