(Baothanhhoa.vn) - Là mảnh đất có đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống, đến nay thôn Luông, xã Thành Minh (Thạch Thành) còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Mường từ trang phục, ẩm thực đến nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian... Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người am hiểu văn hóa, trong đó có ông Bùi Văn Xuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian thôn Luông.

Người đam mê giữ gìn văn hóa dân tộc Mường

Là mảnh đất có đa số đồng bào dân tộc Mường sinh sống, đến nay thôn Luông, xã Thành Minh (Thạch Thành) còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Mường từ trang phục, ẩm thực đến nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn dân gian... Để gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người am hiểu văn hóa, trong đó có ông Bùi Văn Xuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) văn hóa dân gian thôn Luông.

Người đam mê giữ gìn văn hóa dân tộc MườngÔng Bùi Văn Xuyên cùng các thành viên trong CLB văn hóa dân gian thôn Luông đang tập luyện.

Cơn mưa bất chợt làm cho con đường đất dẫn đến thôn Luông trơn trượt, khó đi hơn mọi ngày. Vẳng lại từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng hát xường vọng ra từ ngôi nhà nhỏ phía trước. Khi xe dừng hẳn, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lê Thị Hương giới thiệu đây là nhà của ông Bùi Văn Xuyên, Chủ nhiệm CLB văn hóa dân gian thôn Luông.

Lúc chúng tôi đến nơi cũng là khi mặt trời đã gần đứng bóng, nhưng các thành viên trong CLB vẫn hăng say luyện tập. Các bà, các chị ai nấy đều duyên dáng, uyển chuyển trong những bộ trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Mường, cất giọng ca trong vắt hòa nhịp cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, vừa thanh thoát vừa phảng nét hoang sơ như hơi thở của núi rừng. Thấy chúng tôi bước vào, ông Xuyên định dừng lại, bà Hương ra hiệu để ông tiếp tục bài dạy của mình. Dưới sự hướng dẫn của ông, các thành viên trong CLB đều thuần thục từng câu hát, điệu múa...

Tranh thủ phút nghỉ ngơi, ông Xuyên cho biết, từ nhỏ đã thường xuyên được nghe người dân trong thôn thể hiện những làn điệu dân ca, nghệ thuật diễn xướng dân gian như đánh cồng chiêng, múa hát pồn pôông, hát đúm, hát ru. Những làn điệu ấy đã ngấm sâu vào tiềm thức của ông. Lớn lên ông tích cực tham gia vào hoạt động văn nghệ của thôn, xóm và cũng thường xuyên học hỏi, sưu tầm thêm các làn điệu dân ca, cách đánh cồng chiêng... từ đời sống, sách báo hay kinh nghiệm từ lớp người đi trước.

Không đành lòng nhìn những giá trị văn hóa của cha ông bị mai một, ông đã tìm cách vun đắp bằng cách dốc hết “vốn liếng” nghệ thuật của mình để truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ông và một số người am hiểu văn hóa dân gian Mường đã tập hợp, kêu gọi thành lập CLB văn hóa dân gian thôn Luông, thu hút 105 người với đủ các thành phần, lứa tuổi tham gia. Tuy CLB được thành lập chưa lâu, nhưng các thành viên đều tích cực luyện tập, sáng tác, tham gia biểu diễn, giao lưu ở nhiều sự kiện cả trong và ngoài tỉnh.

Tuy nhiên, điều mà ông cùng các thành viên của CLB vẫn đang đau đáu là mong muốn gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ những câu hát, điệu múa của dân tộc mình, nhưng điều đó cần sự chung sức của cả cộng đồng. Ông mong muốn được Nhà nước và ngành văn hóa quan tâm, hỗ trợ hơn nữa trong việc sưu tầm, ghi chép những ca từ, ghi âm, ghi hình một cách bài bản những lời hát, sinh hoạt văn hóa, hình thức diễn xướng dân gian để lưu giữ, bảo quản lâu dài, tạo thuận lợi trong việc gìn giữ, truyền dạy cho thế hệ sau.

Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Lê Thị Hương cho biết: Những năm qua công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện luôn được chú trọng. Nhiều giá trị văn hóa dân gian như, mo Mường, hát Mường, hát bội, hát ru, séc bùa, cồng chiêng, khua luống và nhạc cụ... vẫn được đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện diễn xướng trong các dịp lễ hội, ngày lễ và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Có được kết quả đó là nhờ vào lớp nghệ nhân am hiểu các giá trị văn hóa dân gian đặc biệt là những người như ông Bùi Văn Xuyên.

Trong thời gian tới, để các giá trị văn hóa ấy tiếp tục được nhân rộng huyện sẽ chú trọng quan tâm hơn nữa đến đời sống của các nghệ nhân; tạo mọi điều kiện để các nghệ nhân yên tâm giữ gìn và truyền dạy lại giá trị văn hóa cho lớp trẻ. Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ để đồng bào nâng cao ý thức về văn hóa dân tộc mình; thành lập các CLB thu hút nhiều hội viên, và thường xuyên tham gia biểu diễn trong các lễ hội làng hay các dịp giao lưu văn hóa - văn nghệ do huyện, xã tổ chức...

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]