Về xã Xuân Trường - nơi in đậm dấu ấn của trò Xuân Phả, trao đổi với Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng - người còn nắm giữ tương đối đầy đủ những kiến thức về trò Xuân Phả được biết: Xuân Phả được xem là sự kết tinh giữa nghệ thuật cung đình và trí tuệ dân gian. Sân khấu dân gian ra đời cùng với nhu cầu văn hóa khép kín trong làng xã và hội làng Xuân Phả mà điểm nhấn là múa Xuân Phả, tồn tại đến tận ngày nay cũng bởi nhu cầu cân bằng giữa đời sống vật chất với đời sống tinh thần con người. Nếu nói trò diễn dân gian là linh hồn của sân khấu tục lệ, thì trò Xuân Phả chính là sợi chỉ xanh lấp lánh được thêu thùa một cách cầu kỳ và lắm công phu trên bức họa làng quê bình yên và trù phú bao đời, với những tiếng trống, nhịp phách và những ca từ, giai điệu dẫu dân dã, chất phác nhưng chất chứa đầy ắp những tâm sự, khát khao của người dân.
Cũng theo các nghệ nhân ở địa phương, từ những năm 1930 trò Xuân Phả đã được mời đi trình diễn ở nhiều nơi và được đông đảo quần chúng Nhân dân đón nhận. Trải qua nhiều biến đổi thăng trầm, trò Xuân Phả cũng từng có lúc bị mai một. Song, vì là di sản quý của địa phương nên từ năm 1990, địa phương đã có chủ trương cho khôi phục lại trò Xuân Phả. Đồng thời, thành lập ở mỗi làng một đội múa để biểu diễn trong các dịp lễ tế thành hoàng hay một số sự kiện của huyện, tỉnh, trung ương.
Trò Xuân Phả là tổ hợp của 5 trò diễn, gồm Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung). Truyền thuyết có phần thần bí về nguồn gốc phát tích trò diễn dường như cũng là một cách thức ẩn chứa những bí mật nào đó hay những giá trị tiềm ẩn, chưa được khám phá hết của trò diễn này. Người dân làng Xuân Phả tin rằng, trò diễn được lưu giữ qua nhiều đời của làng có từ thế kỷ thứ IX, gắn với tích thành hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi khải hoàn, vua cho tổ chức tế thành hoàng và ban cho dân làng 5 điệu múa “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”.
Cũng vì vậy mà trong trò Xuân Phả có bóng dáng của nghệ thuật cung đình thời bấy giờ. Đó là nét tinh tế, nhuần nhị, lớp lang của các lớp trò, với tích truyện được kết cấu tương đối bền vững, đem đến cho người xem cảm hứng sâu sắc. Đồng thời, có sự kết hợp nhuần nhuyễn, đầy ý vị của các yếu tố âm nhạc, múa, hát và diễn (gồm cả người diễn và người xem). Trò Hoa Lang là một điển hình. Trò gồm 1 chúa, 1 mế nàng, 2 lính hầu, 10 quân và 2 người điều khiển ngựa. Đạo cụ cầu kỳ, với cờ, roi, quạt, siêu đao, mái chèo. Các con trò vừa múa vừa hát theo nhịp thanh âm của trống, nạo bạt, mã la, mõ tre, lúc khoan thai, khi dồn dập. Lời hát thể hiện tình bang giao và “chúc mừng tuổi vua vạn niên/ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa”.
Bên cạnh đó, trang phục với màu sắc và hoa văn bắt mắt, xuất hiện biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến cũng là tín hiệu của yếu tố cung đình trong trò diễn.
Trò Xuân Phả, xét về nguồn gốc là sự mô phỏng việc 5 quốc gia đến tiến cống vua nước Đại Việt, mang theo lễ vật và các điệu múa để chúc mừng. Song, trải qua cả chục thế kỷ, trò diễn được đưa lên sân khấu dân gian và giới hạn trong văn hóa làng, nên các yếu tố của nghệ thuật cung đình cũng bị bào mòn và thay vào đó là nghệ thuật dân gian, với sự dân dã, hồn hậu trở thành nét chủ đạo. Cũng vì vậy, khi nói về giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ của trò Xuân Phả, sách Địa chí Thanh Hóa (tập II, Văn hóa - xã hội), nhấn mạnh: “Trò Láng, nhất là múa (múa Xuân Phả) được giới nghiên cứu nghệ thuật đánh giá cao, được tuyển vào giáo trình múa dân tộc thời Lê và coi đó là “vang bóng của điệu múa chư hầu lai triều” để ca ngợi Lê Thái Tổ, ca ngợi chiến thắng giặc Minh của dân tộc ta ở thế kỷ XV”.
Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc và hệ thống ngũ trò tương đối hoàn chỉnh, tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây có thể xem là bước đệm để đưa trò Xuân Phả tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, trở thành di sản văn hóa nhân loại. Đó cũng là mong mỏi của chính quyền, Nhân dân cũng như những nghệ nhân đang hàng ngày tâm huyết giữ gìn và phát huy trò diễn Xuân Phả. Để rồi, hàng năm vào ngày 10 và 11-2 âm lịch từ mọi nẻo đường du khách gần xa và Nhân dân xã Xuân Trường tạm gác lại công việc hàng ngày, mặc những bộ quần áo đẹp nhất nô nức đổ về sân nghè làng Xuân Phả để tham gia lễ hội trò Xuân Phả.
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng, người đã dành cả cuộc đời cho trò Xuân Phả khẳng định: Trò Xuân Phả được trao truyền từ đời này qua đời khác. Từ người già đến người trẻ, không ai ở Xuân Trường là không biết trò Xuân Phả. Hiện nay, ở hầu khắp các thôn trên địa bàn xã đều có đội múa Xuân Phả.
“Để trò diễn ngày càng được trao truyền và phát huy giá trị, hàng năm chúng tôi còn tổ chức các lớp tập huấn cho học sinh tại các trường học trên địa bàn. Đây chính là những tín hiệu lạc quan, đảm bảo cho sự tồn tại đầy sinh động của di sản phi vật thể Quốc gia trò Xuân Phả”, nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng nói.
Với giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ hay những yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc, có thể nói trò Xuân Phả là sự đan xen, giao lưu, tiếp biến một cách hồn nhiên giữa sân khấu cung đình và sân khấu dân gian. Nói cách khác, đó là đỉnh cao của sự kết tinh giữa nghệ thuật múa cung đình và múa dân gian người Việt. Bởi vậy, trò Xuân Phả xứng đáng là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này hiện rất cần một chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị trong cộng đồng làng xã và rộng là cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nội dung: Nhóm PV CT-XH
Ảnh: PV, TL
Đồ họa và trình bày: Mai Huyền
Xuất bản: 13/9/2022