(Baothanhhoa.vn) - Là 1 trong 35 vị khai quốc công thần được Lê Thái tổ ngự danh trong “Lam Sơn thực lục” (xếp theo thứ tự trong bản Ngự danh), Lê Sát, người làng Bỉ Ngũ, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Cả đời ông gắn bó với giai đoạn hưng thịnh của nhà Lê sơ. Đánh giá về ông, bên cạnh những đóng góp thì vẫn còn đó câu hỏi về cái chết oan nghiệt của ông.

Lê Sát - Vị tướng tài và cái chết oan nghiệt

Là 1 trong 35 vị khai quốc công thần được Lê Thái tổ ngự danh trong “Lam Sơn thực lục” (xếp theo thứ tự trong bản Ngự danh), Lê Sát, người làng Bỉ Ngũ, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Cả đời ông gắn bó với giai đoạn hưng thịnh của nhà Lê sơ. Đánh giá về ông, bên cạnh những đóng góp thì vẫn còn đó câu hỏi về cái chết oan nghiệt của ông.

Lê Sát - Vị tướng tài và cái chết oan nghiệtKhu lăng mộ Lê Sát tại thôn Duyên Lộc, xã Định Hải (Yên Định). Ảnh: Chi Anh

Ngay từ những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428), sau khi Lê Lợi xưng Bình Định vương khởi binh, Lê Sát đã tham gia và theo Lê Lợi trải bao gian hiểm.

Chiến thắng đầu tiên là năm Canh Tý (1420), nghĩa quân Lam Sơn đánh bại 10 vạn quân do Lý Bân, Phương Chính chỉ huy ở Thi Lang, Lý An, Phương Chính chỉ chạy thoát được thân mình. Tháng 12 năm đó, Lê Lợi tiến quân đóng ở sách Ba Lẫm, thuộc huyện Lỗi Giang, khiêu khích quân Minh ra đánh. Lê Lợi ngày đêm dùng nhiều cách tiến công uy hiếp để quân Minh mỏi mệt, rối loạn, rồi sai Lê Sát, Lê Hào chia nhau tiến đánh, cản phá bọn giặc, thu được rất nhiều chiến cụ, từ đó thế giặc ngày một suy. Hay như trận Khả Lưu, năm Giáp Thìn (1424), mà Lê Quý Đôn khẳng định trong “Đại Việt thông sử”: “Từ đó thế quân lừng lẫy”. Bằng cách giả trốn đi, rồi quay lại theo đường tắt, ngầm đợi quân Minh đến rồi tung phục binh ra đánh. Trận chiến này, Lê Sát cùng các tướng lĩnh khác đã khiến quân Minh tan vỡ, chém chết đô ty Hoàng Thành, bắt sống đô đốc Chu Kiệt cùng hàng nghìn người; vật tư, khí giới, thuyền bè thu được không sao kể xiết.

Ở trận vây thành Tây Đô năm Ất Tỵ (1425), Lê Lợi sai chọn 2.000 quân tinh nhuệ, 2 thớt voi, Lê Lễ, Lê Sát, Lê Nhân Chú và Lê Triện, Lê Bị đi gấp theo đường đất đánh úp thành, bắt sống được rất nhiều quân Minh.

Sau khi đánh bại 10 vạn quân Vương Thông ở trận Tốt Động, Chúc Động, tháng 6-1427, Lê Sát được thăng làm Tư mã, Lê Lợi sai ông cùng Thái úy Trần Nguyên Hãn đánh gấp thành Xương Giang, tháng 9 đã chiếm thành. Đặc biệt, tháng 10-1427 âm lịch, quân Lam Sơn tổng tấn công, thắng quân Minh một trận lớn, tiêu diệt 5 vạn địch, bắt sống Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng hơn 3 vạn quân. Trong chiến dịch này, sử gia Lê Quý Đôn cho rằng “công Lê Sát đứng đầu các tướng”.

Với những chiến công ấy, năm Thuận Thiên thứ nhất, Mậu Thân (1428), Lê Sát được ban hiệu Suy trung Tán trị Hiệp trung mưu quốc công thần. Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu Bình chương quân quốc trọng sự. Tháng 5, ngày mồng 3, năm 1429 ban biển ngạch công thần cho 93 viên, Lê Sát được phong Huyện thượng hầu, công hàng thứ nhất.

Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Sát cùng 6 vị đại thần khác được lệnh của vua Lê Thái tổ mang kim sách lập quốc vương Lê Tư Tề và Hoàng thái tử Lê Nguyên Long.

Lê Sát được sự tín nhiệm của Lê Thái tổ trong việc ủy thác phò trợ con nhỏ là thái tử Lê Nguyên Long mới lên 10 tuổi. Năm 1433, Lê Thái tổ gia phong ông làm Dương Vũ tĩnh nạn công thần, thăng Đại tư đồ, phong là 1 trong 3 vị tể tướng đương triều ngang hàng Phạm Vấn - Lưu Nhân Chú, cùng phò thái tử Lê Nguyên Long.

Khi Lê Thái tổ mất (tháng 8-1433 âm lịch), Hoàng thái tử Lê Nguyên Long kế vị, trở thành vị hoàng đế thứ hai của Nhà nước Hậu Lê với niên hiệu Lê Thái tông. Với vị trí chỉ dưới một người, trên vạn người, lại sẵn tính tình nóng nảy, vì thế Lê Sát từ một công thần ngày càng trở thành cái gai trong mắt Lê Thái tông.

“Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép lại một số việc liên quan đến Lê Sát như vu cáo độc hại Tư Khấu Lưu Nhân Chú, đuổi em của ông là Lê Khắc Phục từ chức Hành khiển Nam đạo ra làm phán đại lý chính; bắt thợ và dân phu phục dịch làm chùa Báo Thiên rồi chùa riêng cho mình; bị người vụng trộm nói xấu thì đem ra chém dù vua cũng đã có ý muốn tha, tự ý lạm dụng tư hình, hành hình tra tấn kẻ khác ngay trên điện; nâng đỡ phe cánh của mình, đuổi hoặc biếm chức những người bất đồng chính kiến ra ngoài...

Sự ghét bỏ của vua Thái tông đối với Lê Sát càng ngày càng lớn và chỉ muốn loại trừ ông. Tiếc là Lê Sát quá mải mê, say sưa với quyền lực mà quên cả việc đề phòng hậu họa.

Trong chiếu bãi chức Lê Sát, Lê Thái tông hạ rằng: “Lê Sát tự chuyên giữ quyền bính, ghen ghét người tài, giết Lưu Nhân Chú để ra oai của mình, truất Trịnh Khả để người ta phục, bãi chức của Ư Đài khiến đình thần không ai dám nói, đuổi Cầm Hổ ra nơi biên thùy để gián quan phải ngậm miệng. Xem thảy việc làm đều không phải đạo làm tôi. Nay muốn khép vào luật hình để rõ phép nước, song vì là cố mệnh đại thần, có công với nước, đặc cách khoan tha, nhưng phải bãi chức tước”.

Sau khi bãi chức Lê Sát, vua Lê Thái tông còn ban chiếu xử tử với nguyên do: “Lê Sát nay lại ngầm nuôi võ sĩ, mưu hại trung lương, mưu kế hiểm giảo, giấu tích gian phi ngày càng lộ ra, đáng chém để nêu gương”. Lê Thái tông cho ông được tự vẫn tại nhà (1437). Vợ con và điền sản của ông bị tịch thu, những người cùng phe hoặc từng nói đỡ tội cho ông cũng bị phạt.

Xét một mặt nào đó có vẻ như cái án này là quá lớn với Lê Sát, một người đã nhiều năm ở vai trò cố mệnh đại thần, quan phụ chính dìu dắt Lê Thái tông từ thuở 11 tuổi lên ngôi vua, nhưng lại dễ dàng chết oan nghiệt.

16 năm sau (năm 1453), vua Lê Nhân tông đại xá, cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự. Đến đời vua Lê Thánh tông (năm 1484), Lê Sát được truy tặng là Thái Bảo, Cảnh Quốc Công.

Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Sát đánh dấu một giai đoạn lịch sử hưng thịnh của triều Lê, đồng thời cũng thể hiện vai trò của một võ tướng, ít toan tính nên dẫn đến cái chết. “Ông là người có công đầu mở nước, bị chết không đáng tội, thiên hạ cho là oan”.

Sau khi chết, thi thể của ông được đưa đi chôn ở 7 nơi, cụ thể về 7 địa điểm thì chưa rõ. Trong đó, ngay tại quần thể Khu di tích lịch sử Lam Kinh (căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn), đền Ngọc Lan ngoài thờ công chúa Ngọc Lan còn có thờ Lê Sát và 6 vị khai quốc công thần nhà Hậu Lê.

Ngoài ra, tại thôn Duyên Lộc, xã Định Hải (Yên Định), nơi Lê Sát về lập ấp và cùng vợ sinh sống ở đây cho đến khi qua đời, đến nay vẫn còn bia mộ ông. Về thôn Duyên Lộc hôm nay, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi nhìn thấy bia mộ ông được khoanh vùng trong phần đất của gia đình bà Trịnh Thị Đậu. Ông Lê Xuân Nông, trưởng thôn Duyên Lộc rất tự hào nói: Dù đây không phải nơi sinh ra nhưng đã được tướng Lê Sát lựa chọn lập ấp. Đất lành chim đậu, sau khi đến nơi này, ông đã lập nên nghề đúc lưỡi cày của làng. Bên cạnh bia mộ Lê Sát, hiện nay ở thôn còn có nhiều công trình kiến trúc, văn hóa khác. Đặc biệt, hàng năm vào ngày rằm tháng 2, Nhân dân trong thôn thường tổ chức lễ hội kỳ phúc với mong ước cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Tuy vậy trưởng thôn cũng cho biết: Nhiều năm trước xã đã làm hồ sơ đề nghị cấp kinh phí trùng tu tôn tạo, thỉnh thoảng có người đến tìm hiểu, khảo sát rồi đâu vẫn vào đó. Nhân dân thôn Duyên Lộc rất mong các cấp chính quyền sẽ quan tâm hơn đến nhân vật Lê Sát, một tướng tài giữ vai trò quan trọng trong nhiều năm ở vương triều Lê.

CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]