Nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Trước thông tin Pháp và một số quốc gia thành viên NATO đề cập đến khả năng viện trợ quân đội cho Ukraine, một số nhà phân tích chính trị - quân sự của Nga đã đưa ra nhận định về vấn đề này.
Pháp và một số thành viên NATO nêu ra khả năng viện trợ quân đội cho Ukraine
Những tin tức về khả năng NATO đưa quân tới Ukraine nổi lên kể từ đầu năm nay, sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục đề cập rằng phương Tây không loại trừ kịch bản triển khai lực lượng quân sự đến Ukraine để hỗ trợ huấn luyện cho quân đội Kiev. Khi Tổng thống Pháp Macron đề cập tới khả năng NATO gửi lính chi viện trực tiếp cho Ukraine vào tháng 2/2024, ông bị chỉ trích như thể đã đề xuất một giải pháp vượt ra khỏi “lằn ranh đỏ”. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước phương Tây bắt đầu thảo luận về vấn đề này, trong đó những quốc gia vùng Baltic và Phần Lan được cho là nhiệt tình nhất. Gần đây, nhà lãnh đạo Pháp tiếp tục khẳng định quan điểm Paris có thể gửi quân đến Ukraine trong trường hợp Nga phá vỡ phòng tuyến của Ukraine và Kiev đề nghị giúp đỡ.
Theo tờ New York Times ngày 16/5/2024, một số quốc gia thành viên NATO đang thảo luận về việc viện trợ người sang Ukraine. Chính xác thì NATO cân nhắc đưa các nhà thầu và chuyên gia quân sự sang Ukraine cho công tác đào tạo binh sĩ cũng như bảo trì vũ khí.
Kề từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, chiến lược của phương Tây đối với Ukraine tập trung vào một số khía cạnh sau: (1) Ủng hộ quân sự và kinh tế mạnh mẽ nhằm giúp Chính quyền Ukraine giải quyết các vấn đề trong nước, cũng như trụ vững trên chiến trường; (2) Tránh trực tiếp tham gia vào chiến trận vì lo xung đột lan rộng thành Thế chiến III, theo cách Tổng thống Mỹ Biden từng nói. Thay vào đó, Mỹ và đồng minh siết chặt cấm vận tập trung vào việc cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, cắt thu nhập từ ngành năng lượng của Nga, cũng như gây ra nhiều khó khăn đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga. Mục tiêu của Mỹ và phương Tây là nhằm đẩy nền kinh tế Nga kiệt quệ vì chiến tranh và cấm vận, từ đó buộc phải chủ động rút lui trong cuộc xung đột tại Ukraine; (3) Mỹ và đồng minh kêu gọi cộng đồng quốc tế cô lập ngoại giao, kinh tế với Nga; tập trung lên án “các hành động quân sự xâm lược, đi ngược lại luật pháp quốc tế của Nga” trên các diễn đàn quốc tế.
Giới phân tích Nga nhận định về khả năng NATO đối đầu trực diện với Nga ở Ukraine
Giải thích cho việc một số quốc gia thành viên NATO từ bỏ chủ trương tránh xung đột trực tiếp với Nga để đề xuất đưa người vào Ukraine, giới phân tích chính trị-quân sự Nga đưa ra một số nguyên nhân sau:
Một là, cục diện chiến trường Ukraine tiếp tục rối ren, thậm chí có phần bất lợi đối với quân đội Ukraine. Sau khi kiểm soát được thành phố Avdiivka từ tháng 2/2024, quân đội Nga tiếp tục các đợt tấn công mạnh dọc theo toàn chiến tuyến miền Đông Ukraine. Mặt khác, quân đội Nga có các bước tiến vững chắc, dần kiểm soát các khu vực Donetsk, Lugansk, Kharkov và Zaporizhia. Ngược lại, ở bên kia chiến tuyến, Quân đội Ukraine đang rơi vào thế khó dọc toàn chiến tuyến do thiếu vũ khí đạn dược và lực lượng.
Hai là, việc Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden thông qua gói viện trợ quân sự trị giá 61 tỷ USD vào cuối tháng 4/2024 và hàng loạt cam kết viện trợ từ châu Âu có thể giúp quân đội Ukraine giải quyết bài toán thiếu vũ khí đạn dược; nhưng, bài toán thiếu hụt lực lượng vẫn là vấn đề nghiêm trọng và hiện chưa có lời giải. Mới đây, ngày 8/5/2024, Quốc hội Ukraine đã thông qua dự luật cho phép một số nhóm tù nhân chiến đấu trong lực lượng vũ trang nước này. Quyết định cho thấy chủ trương kháng cự và chống Nga đến cùng của Chính quyền Tổng thống Zelensky; đồng thời, bộc lộ tình trạng thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt.
Ba là, bảo đảm tính hiệu quả cao nhất của các gói viện trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu cho quân đội Ukraine. Với cục diện như hiện nay, các gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ và phương Tây khó có thể đảo ngược tình thế. Thậm chí, điều này được chính các chuyên gia quân sự phương Tây thừa nhận. Matthew Savill, chuyên gia quốc phòng tại Viện Dịch vụ thống nhất Hoàng gia Anh, cảnh báo rằng, ngay cả việc nhanh chóng cung cấp đạn pháo cũng sẽ không thể lập tức tạo ra vị thế ngang bằng cho Ukraine với khối lượng hỏa lực của Nga như hiện nay. Đồng quan điểm này, trong một bài viết, tờ Financial Times cũng nhận định, gói viện trợ mới cho Ukraine nhiều khả năng sẽ làm chậm lại chứ chưa thể đảo ngược cuộc tấn công hiện tại của Nga. Kiev sẽ cần thời gian để phục hồi sau những tháng đầu năm khó khăn trước khi bắt đầu được hưởng lợi từ nguồn cung cấp thiết bị mới cũng như từ việc châu Âu và Mỹ tăng cường sản xuất đạn pháo.
NATO có thực sự muốn một cuộc chiến tranh toàn diện với Nga?
Rõ ràng, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều bất lợi, những đề xuất gửi quân chi viện sang Ukraine của một số quốc gia thành viên NATO là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu xảy ra, điều này có thể dẫn tới một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và NATO; và đây là kịch bản mà các nước phương Tây không hề mong muốn. Có nhiều lý do giải thích cho vấn đề này, nổi bật trong số đó là sự lo sợ về nguy cơ bị trả đũa hạt nhân, tuy nhiên ngay cả trong một cuộc chiến quy ước thông thường các chiến thuật và vũ khí của NATO cũng không thể bảo đảm chắc chắn khối này giành được ưu thế trước Nga, nhất là khi Ukraine đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề mặc dù đã sử dụng chiến thuật và vũ khí do NATO cung cấp.
Ngoài ra, đề xuất của một số quốc gia NATO về việc đưa quân sang chi viện cho quân đội Ukraine không phải đại diện cho toàn bộ khối này. Mặc dù quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây leo thang căng thẳng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, song hai bên vẫn tìm kiếm được lĩnh vực hợp tác chung. Điều này được thể hiện qua việc Nga tham gia cuộc diễn tập trực tuyến mô phòng một vụ tràn dầu lớn ở ngoài khơi phía Bắc Na Uy do các quốc gia Bắc Cực tổ chức vào tháng 3/2024.
Có thể khẳng định, mặc dù quân đội Ukraine đang gặp nhiều bất lợi trên chiến trường, nhưng khả năng NATO đưa quân sang chi viện là khó xảy ra. Bởi quyết định này có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và NATO, và các bên đều không mong muốn kịch bản này vì mức độ rủi ro là quá lớn. Do đó, thời gian tới phương Tây sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự, kinh tế cho quân đội Ukraine, bảo đảm Ukraine không để mất thêm nhiều lãnh thổ hơn nữa; nhưng, đến một thời điểm nhất định các bên sẽ phải tính tới một giải pháp chính trị để chấm dứt xung đột.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:07:00
Nga thay đổi học thuyết hạt nhân: Đòn “nắn gân” có sức nặng
-
2024-11-21 09:14:00
COP29: Các quốc gia giàu có cam kết không xây mới nhà máy điện than
-
2024-05-19 09:26:00
Thế giới mong muốn có cuộc chiến thay thế đồng USD
Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin tạo ra “xung lực” mới cho quan hệ chiến lược Nga-Trung
Phản ứng của truyền thông Mỹ về chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi tái đắc cử của Tổng thống Nga V. Putin
Những động lực chính thúc đẩy chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Nga Vladimir Putin
Sự mở rộng AUKUS: Có thể xuất hiện một liên minh quân sự mới?
Ấn Độ và tham vọng trở thành siêu cường kinh tế
EU 20 năm mở rộng - chặng đường phía trước có bằng phẳng?
AI thành tâm điểm khi mùa báo cáo thu nhập của các công ty công nghệ Mỹ đến gần
Indonesia: Trách nhiệm thực hiện cam kết của Tổng thống đắc cử Prabowo Subianto
10 năm Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột Ukraine ngày nay