(Baothanhhoa.vn) - Họ, cũng như bao người phụ nữ khác với đong đầy tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm trong thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vậy nhưng, những “trận chiến” khốc liệt nơi phương Nam xa xôi đã thôi thúc họ ghi tên vào đoàn quân “áo trắng” tình nguyện của xứ Thanh. Ở nơi xa quê nhà hàng nghìn km ấy, họ đang ngày đêm hết mình cống hiến, giành giật sự sống trở về cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng.

Nữ “chiến sĩ áo trắng” xứ Thanh nơi tâm dịch

Họ, cũng như bao người phụ nữ khác với đong đầy tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm trong thiên chức làm vợ, làm mẹ. Vậy nhưng, những “trận chiến” khốc liệt nơi phương Nam xa xôi đã thôi thúc họ ghi tên vào đoàn quân “áo trắng” tình nguyện của xứ Thanh. Ở nơi xa quê nhà hàng nghìn km ấy, họ đang ngày đêm hết mình cống hiến, giành giật sự sống trở về cho những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng.

Nữ “chiến sĩ áo trắng” xứ Thanh nơi tâm dịch

Bác sĩ Nguyễn Thị Chung lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Gác lại công việc của một bác sĩ điều trị tại bệnh viện, gửi mẹ già mắc bệnh Alzheimer và 2 con nhỏ để người thân chăm sóc, bác sĩ Nguyễn Thị Chung, công tác tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương (đóng tại TP Sầm Sơn), có 6 tuần thực hiện nhiệm vụ nơi tâm dịch TP Hồ Chí Minh. Tăng cường cho bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, TP Thủ Đức, chị được phân công nhiệm vụ bác sĩ điều trị tại Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID nặng và hậu hồi sức.

“Khó có thể diễn tả hết sự vất vả cũng như tốc độ công việc cần kíp tại nơi này. Block 4B được ví như “tầng tháp” thứ 4/5 trong khung mức độ diễn biến tình trạng bệnh. Do đó, áp lực công việc đòi hỏi phải luôn sát sao theo dõi và thao tác nhanh để có thể quan sát, xử lý tình huống kịp thời hoặc kịp báo cáo chuyển khoa cấp cứu khi bệnh nhân đột ngột trở nặng. Sốt ruột, lo lắng lắm khi mẹ già ở quê đau đáu mong chờ, 2 con nhỏ mới học lớp 9 và lớp 5 phải tự chăm sóc nhau khi bố cũng bận rộn với công việc là bác sĩ, Phó trưởng Ban phòng, chống dịch của bệnh viện; nhưng, mỗi khi đối diện với công việc hiện tại, chứng kiến mức độ nguy cấp, sự sợ hãi của bệnh nhân, tôi lại tạm gác lại nỗi niềm riêng tư để hết lòng chú tâm vào công việc” - bác sĩ Chung xúc động chia sẻ với tôi trong phút giây tranh thủ ca trực tối.

Nữ “chiến sĩ áo trắng” xứ Thanh nơi tâm dịch

Cùng nhau đi trực ca.

Cũng trong đoàn công tác với bác sĩ Chung, suốt những tuần qua, điều dưỡng Trịnh Thị Trang không phút ngơi tay với công việc. 1 ca làm việc của điều dưỡng Trang, ngoài tiêm thuốc, đi buồng thăm khám 4 lần mỗi ngày, thì tuần tự 48 giờ phải lấy mẫu xét nghiệm kiểm tra lại cho bệnh nhân một lần. Bản thân chị, 3 - 4 ngày cũng phải làm xét nghiệm RT-PCR tầm soát lây nhiễm chéo COVID-19 tại nơi mà nồng độ virus COVID-19 rất cao trong không khí. Mỗi khi có bệnh nhân nặng cần phải chuyển bệnh viện tuyến trên, điều dưỡng Trang luôn xung phong đi hộ tống dù trong suốt quá trình đó đến khi về đều phải mặc bảo hộ kín mít, vô cùng ngột ngạt và bức bí. Hay mỗi khi thấy bệnh nhân được xuất viện bớt, điều dưỡng Trang lại đề xuất với Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Hải - phụ trách Block 4B nhận thêm bệnh nhân về. Trong khi đó, với “trận chiến” tại nơi tâm dịch này, vây quanh mình là các bệnh nhân COVID-19 - F0 nặng, dường như đã là những nỗi sợ hãi với tất cả những người ngoài cuộc khi phải tiếp xúc gần.

Nữ “chiến sĩ áo trắng” xứ Thanh nơi tâm dịch

Các y, bác sĩ tiêm truyền cho bệnh nhân.

Điều dưỡng Trang kể: Có những đêm, vì vội vã cần cho bệnh nhân thở, tôi và đồng nghiệp phải chạy vội đi lấy, lăn những bình ô xy to tướng trên sàn nhà. Sau mỗi ca trực, người đều tắm trong mồ hôi và ngồi thở dốc. Với những bệnh nhân tuổi cao, nằm liệt giường, mắc bệnh tâm thần, công việc lại càng nặng lên gấp bội. Có đôi khi, mình còn phải trở thành người bạn, người thân để hỗ trợ tinh thần cho bệnh nhân trong giây phút yếu mềm, mất niềm tin chống chọi với bệnh tật. Được mang nghiệp vụ, sức lực của mình để giúp đỡ những bệnh nhân nơi đây trong cơn hoạn nạn là một niềm hạnh phúc. Vậy nhưng, mỗi giây phút được nghỉ ngơi, nỗi nhớ nhà, thương con nhỏ lại trào dâng trong lòng. “Con nhà em còn bé lắm, năm nay cháu mới vào lớp 1. Lần khai giảng đầu tiên trong đời của con mà cả bố mẹ đều phải đi chống dịch. Em thì vào TP Hồ Chí Minh chi viện, bố cháu thì đi gác chốt kiểm dịch COVID-19. Ngày con bé đi khai giảng, động viên mãi con mới đồng ý để hàng xóm đưa đi. Ngắm kỹ bức ảnh cô con gái nhỏ bé, đáng yêu trong ngày đầu đi khai giảng với đôi dép cọc cạch, em đã khóc cả đêm vì thương xót, chỉ biết động viên con rằng: Ở nơi mẹ đang chiến đấu này, còn nhiều bạn nhỏ như con không có cơ hội được đi khai giảng vì mắc bệnh COVID-19 nặng. Nhiều bạn nhỏ thì mất cả bố và mẹ rồi, nên con ở nhà cố gắng ngoan ngoãn để mẹ yên tâm hoàn thành nhiệm vụ. Con bé chỉ khóc một chút rồi thôi...” - điều dưỡng Trịnh Thị Trang xúc động cho biết.

Nữ “chiến sĩ áo trắng” xứ Thanh nơi tâm dịch

Phút nghỉ ngơi của các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương sau ca trực.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Ngọ Viết Chung, Trưởng đoàn công tác của Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương đi chi viện cho TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đoàn y, bác sĩ tình nguyện đợt này của bệnh viện có 36 người, trong đó có đến 26 nữ. Ngày tiễn đoàn lên đường làm nhiệm vụ, lãnh đạo TP Sầm Sơn và bệnh viện đã ghi nhận và vô cùng cảm kích tinh thần xung kích, dũng cảm của các nữ bác sĩ, y tá, điều dưỡng bệnh viện. Vào “trận chiến” này, chúng tôi xác định sẽ vô cùng vất vả và sự hy sinh này còn nhân lên gấp nhiều lần với chị em khi sức khỏe hạn chế hơn nam giới, lại phải làm việc và thích nghi trong điều kiện thời tiết, sinh hoạt, ăn uống thất thường; cùng với đó là những cảm xúc, niềm trăn trở khi nghĩ về gia đình, lo cho con cái trong bối cảnh quê nhà cũng bùng phát dịch.

6 tuần đã trôi qua, 26 nữ bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Phục hồi chức năng Trung ương đang được điều động làm nhiệm vụ tại Block 4B - Khoa điều trị bệnh nhân COVID nặng và hậu hồi sức, với số lượng khoảng 450 bệnh nhân điều trị tích cực thường xuyên. Ngày trở về với những nữ “chiến sĩ áo trắng” dũng cảm này chưa thể biết trước, khi khối lượng công việc còn bộn bề, lượng bệnh nhân chuyển đến thuyên giảm chưa đáng kể. Gác lại nỗi lo lắng và tình cảm riêng tư, họ vẫn đang nỗ lực từng ngày với một công việc có tính chất phức tạp cao và hơn hết, vì trách nhiệm với tính mạng từng bệnh nhân đang chiến đấu, giành giật với sự sống ở “cuộc chiến” này.

NH - Minh Hằng


NH - Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]