(Baothanhhoa.vn) - Không kể mưa nắng hay giá rét, những người giữ rừng ở Thanh Hóa vẫn âm thầm ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho đại ngàn. Phía sau bước chân lặng lẽ ấy là những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy luôn rình rập.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Không kể mưa nắng hay giá rét, những người giữ rừng ở Thanh Hóa vẫn âm thầm ngày đêm bảo vệ “lá phổi xanh” cho đại ngàn. Phía sau bước chân lặng lẽ ấy là những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy luôn rình rập.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Ăn ngủ cùng rừng…

Chúng tôi theo chân cán bộ kiểm lâm và các thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Bến En tuần rừng vào một ngày tháng 9-2022. Xen lẫn giữa cái nắng chói chang là những cơn mưa rừng bất chợt đã khiến cho những bước chân tuần tra vốn đã vất vả giờ còn thêm khó khăn gấp bội. Dao, rựa, nước uống, đồ bảo hộ, la bàn hay chút thức ăn trong ngày… là những thứ không thế thiếu trong mỗi cuộc hành trình.

Tán rừng già của VQG “đón khách” bằng những con dốc trơn trượt cùng những cây dây leo, cây gai… mọc tua tủa, chằng chịt khắp lối. Để có đường đi, cán bộ kiểm lâm, thành viên của tổ bảo vệ rừng phải luân phiên nhau dùng dao, rựa “mở đường” cho người đi sau có thể lách qua. Thi thoảng, chúng tôi lại rùng mình khi có ai đó trong tổ nhắc nhở phải chú ý quan sát đề phòng có rắn độc, ong rừng… ở những bụi rậm xung quanh hay dưới lớp lá mục ẩm ướt. Có đi, có trải nghiệm mới thấu hiểu được những khó khăn, vất vả và cả những hiểm nguy mà những người lính bảo vệ rừng luôn phải đối mặt.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Ông Lương Văn Hiệp ở thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, huyện Như Xuân - thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng, chia sẻ: Công tác kiểm tra rừng tương đối vất vả. Trời nắng thì còn đỡ, chứ những hôm mưa gió, giá rét những khó khăn càng trở nên gấp bội. Đó là chưa kể đến việc bị muỗi, vắt cắn, thậm chí là cả rắn, rết, ong rừng. Lâm tặc hay lợi dụng thời tiết xấu để xâm nhập, vì vậy càng những hôm thời tiết bất lợi, thì anh em lại càng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát hơn, bởi chẳng may có những sự cố xảy ra còn kịp thời xử lý.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Là người gắn bó cả chục năm với rừng (từ khi thành lập tổ bảo vệ rừng), ông Vi Văn Lương ở thôn Thanh Bình, xã Tân Bình, huyện Như Xuân bộc bạch: Tổ bảo vệ của chúng tôi gồm 8 người, mỗi ngày phân công 2 người đi tuần. Lâu lâu chúng tôi lại đi kiểm tra cùng với các anh kiểm lâm viên. Ngoài việc tuần tra thường xuyên, qua các cuộc họp thôn, bản phải tuyên truyền cho người dân hiểu về công tác bảo vệ, việc vào rừng chặt phá là vi phạm pháp luật... Vì vậy, có những chuyến đi tuần tra mất vài ngày ăn ngủ trong rừng.

Chỉ có những người sinh ra và lớn lên từ rừng, am hiểu từng gốc cây, ngọn cỏ cũng như muông thú trong rừng như các ông mới luôn yêu quý, trân trọng rừng, bảo vệ rừng một cách hiệu quả.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Có lẽ, với cán bộ kiểm lâm cũng như các thành viên của tổ bảo vệ rừng, ngày đội nắng, tối nằm sương, ăn lương khô thay cơm, uống nước suối khi khát đã trở nên quá quen thuộc. Thời gian họ ở rừng còn nhiều hơn ở nhà. Nhất là vào những dịp lễ, tết, lâm tặc lợi dụng thời điểm này để hoành hành nên thời gian họ ở với rừng càng dài ngày hơn.

Còn lắm gian nan

Mỗi một chuyến thăm rừng, những người lính giữ rừng này phải đi bộ hàng chục km, vượt qua bao nhiêu dốc cao, suối sâu. Nhiều hôm, hai đầu gối đau nhức ê ẩm, toàn thân mệt lả hay chuyện “giáp mặt” đầy rẫy những nguy hiểm với lâm tặc xưa nay cũng không phải là hiếm. Nhưng vì đã trót yêu nghề, yêu rừng nên buộc họ phải chấp nhận mạo hiểm.

Dù khó khăn chồng chất như vậy, nhưng chế độ với những người giữ rừng lại tương đối thấp. Đối với các thành viên tổ quần chúng bảo vệ rừng như ông Lương Văn Hiệp, Vi Văn Lương… mức trợ cấp tương đối ít ỏi. Có năm chỉ 3 - 4 triệu đồng/năm, có năm hơn, tùy vào cơ chế, chính sách mỗi năm. Thế nhưng, họ vẫn an lòng, nỗ lực, cố gắng, lầm lũi ngày đêm với công việc của mình.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Như thấy được băn khoăn của chúng tôi, ông Vi Văn Lương tâm sự: “Mặc dù công việc vất vả, chế độ đặc thù thì còn thấp, tuy nhiên, sinh ra và lớn lên từ rừng, qua bao nhiêu năm nay chứng kiến cảnh rừng bị tàn phá, tôi thấy xót xa lắm. Vì vậy, tôi quyết định xin gia nhập tổ bảo vệ rừng với mong muốn góp một chút công sức của mình để bảo vệ “lá phổi xanh” của đại ngàn”.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Còn với lực lượng kiểm lâm, mặc dù được hưởng các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước, thế nhưng so với tính chất công việc, công sức bỏ ra và với mức sinh hoạt hiện nay thì thực sự chưa xứng đáng. Với những người giữ rừng, thu nhập thấp, nhưng trách nhiệm vô cùng nặng nề. Đành rằng “bảo vệ rừng là trách nhiệm của cả cộng đồng” nhưng thực tế bấy lâu gánh nặng chủ yếu đè lên đôi vai của lực lượng kiểm lâm.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Ông Lê Xuân Thái, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Bến En, huyện Như Thanh chia sẻ: Hoạt động tuần tra rừng của lực lượng kiểm lâm khá vất vả. Có thể là đêm, có thể là những ngày nắng nóng hay mưa gió. Lực lượng kiểm lâm Bến En không phải là đông, trung bình một trạm từ 3-4 đồng chí, quản lý địa bàn hơn 2.000 ha.

Đối với mùa cháy, chúng tôi phải thường xuyên tăng cường ở các trọng điểm cháy. Mang võng, mang lều đến đó để ăn nằm, túc trực, nhắc nhở người dân không thực hiện các hành vi, vi phạm pháp luật về phòng cháy. Còn về mùa mưa, cũng phải áo mưa, mũ nón nằm rừng bởi một số các đối tượng lợi dụng thời tiết xấu thực hiện hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng, đặc biệt là hành vi khai thác gỗ.

Ngoài tuần tra rừng, lực lượng kiểm lâm của VQG Bến En luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng cho người dân giữ vị trí hàng đầu. Do đó, cán bộ kiểm lâm thường xuyên bám sát địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu được các chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao ý thức sẵn sàng tố giác tội phạm. Các vụ vi phạm đều được xử lí nghiêm minh, tạo tính răn đe nên tình trạng xâm hại rừng ở VQG Bến En được hạn chế đến mức thấp nhất.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Ông Lê Công Cường, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En cho biết: Diện tích rừng rất là lớn, mà lực lượng kiểm lâm tương đối mỏng. Khó khăn, vất vả, nguy hiểm là thế nhưng cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng, vì vậy đời sống anh em còn gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, do đời sống của người dân còn thấp, một số người dân ý thức còn hạn chế, việc xâm nhập rừng là điều không tránh khỏi. Đó là chưa nói đến tình trạng chăn thả trâu bò tự do hay một số kẻ xấu lợi dụng lúc sơ hở để vào khai thác gỗ và săn bắn động vật rừng. Vì vậy, ngoài việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về rừng, trong tương lai, việc thúc đẩy, hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân là việc làm hết sức cần thiết.

Chuyện những người “bám rừng” ở Vườn Quốc gia Bến En

Được biết, VQG Bến En hiện đang quản lý 14.305,09 ha vùng lõi và 31.000 ha vùng đệm, nằm trên địa phận hành chính hai huyện Như Xuân và Như Thanh. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm hiện chỉ có 30 người. Đây là diện tích rừng tương đối lớn, để giữ được màu xanh của rừng là sự nỗ lực của cả một hệ thống.

Hoài Thu - Hoàng Đông


Hoài Thu - Hoàng Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]