(Baothanhhoa.vn) - Mô hình chợ 4.0 đang được TP Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng nhằm đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày, góp phần xây dựng các công dân số. Tuy nhiên, để mô hình chợ 4.0 thực sự phát huy hiệu quả, cần thêm sự quan tâm, chung tay giữa cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân.

TP Thanh Hóa nhân rộng mô hình chợ 4.0

Mô hình chợ 4.0 đang được TP Thanh Hóa đẩy mạnh xây dựng nhằm đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân, từ giao dịch trị giá lớn đến những giao dịch trị giá nhỏ trong đời sống hàng ngày, góp phần xây dựng các công dân số. Tuy nhiên, để mô hình chợ 4.0 thực sự phát huy hiệu quả, cần thêm sự quan tâm, chung tay giữa cơ quan quản lý, đơn vị cung cấp dịch vụ và người dân.

TP Thanh Hóa nhân rộng mô hình chợ 4.0

Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Tây Thành.

Có thâm niên gần 30 năm buôn bán hải sản khô tại chợ Điện Biên (TP Thanh Hóa), bà Nguyễn Thị Trâm, một tiểu thương cho biết: “Trước đây khi chưa có hình thức thanh toán bằng chuyển khoản hoặc quét mã QR code, tôi thường phải tích trữ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng, đặc biệt là những dịp lễ, hay giáp tết, lượng khách mua hàng đông thì việc quản lý tiền hàng, thanh toán tiền hàng cho đầu mối lấy hàng... khá vất vả, đôi khi còn gặp phải các rủi ro như tiền rách, tiền giả hoặc mất mát. Hiện nay, tất cả những khó khăn này đều đã có thể được giải quyết khi chúng tôi được hướng dẫn sử dụng mã QR. Người mua hàng chỉ cần chọn sản phẩm, sau đó dùng điện thoại thông minh quét mã để thanh toán, rất thuận lợi, nhanh gọn”.

Với mô hình chợ 4.0, tiểu thương và người dân có thể mua bán hàng hóa tại chợ bằng cách quét mã QR, hay chuyển tiền qua tài khoản một cách nhanh chóng, thuận tiện chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Để có tài khoản, tiểu thương và người dân cần có căn cước công dân và số điện thoại chính chủ, nhân viên ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ Mobile Money sẽ hỗ trợ tạo tài khoản ví điện tử và hướng dẫn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt. Tại các chợ 4.0, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money hoặc tài khoản của các ngân hàng khác.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng Ban Quản lý chợ Điện Biên cho biết: Chợ Điện Biên có hơn 200 tiểu thương. Ban quản lý chợ xác định xây dựng chợ Điện Biên thành chợ 4.0 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số tại chợ 4.0, trong đó, tập trung vào các nội dung: Thanh toán không dùng tiền mặt; đưa các sản phẩm địa phương tại chợ lên sàn thương mại điện tử; sử dụng các loại hóa đơn, biên lai tại chợ 4.0 bằng phương thức điện tử... Phấn đấu hết năm 2023, 80% tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ được trang bị và sử dụng thành thạo, thường xuyên công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thay đổi nhận thức của các tiểu thương kinh doanh tại chợ và người dân về việc thực hiện xây dựng mô hình chợ 4.0, phường Điện Biên đã thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng tổ chức các ngày hội tuyên truyền, ngày hội thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ. Đồng thời thực hiện tuyên truyền bằng hình thức băng zôn, biển hiệu có gắn khẩu hiệu thanh toán số tại chợ; thực hiện tuyên truyền qua các bảng tin, trên phương tiện thông tin đại chúng như Trang thông tin điện tử của phường, loa truyền thanh...

Tại chợ Tây Thành, việc triển khai xây dựng chợ 4.0 cũng được ban quản lý chợ quan tâm, đẩy mạnh, giúp giao dịch mua bán tại chợ thuận lợi, an toàn. Bên cạnh việc tiếp tục đổi mới phong cách phục vụ, tuyên truyền để người dân, tiêu thương cài đặt ứng dụng quét mã QR; tuyên truyền các tiểu thương thanh toán tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường, phí thuê mặt bằng... bằng hình thức số qua mã QR hoặc chuyển khoản... nhằm khuyến khích, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, đã có khoảng 80% tiểu thương tại chợ Tây Thành có tài khoản ngân hàng hoặc mã QR để thanh toán.

Chị Bùi Thị Hường, tiểu thương tại chợ Tây Thành cho biết: “Tôi thấy việc dùng tài khoản để giao dịch rất tiện lợi. Nhất là khi khách đến mua hàng đông, mình không cần đọc số tài khoản mà chỉ cần quét QR code là xong, đảm bảo chính xác, tiện lợi”.

Kể từ khi triển khai mô hình chợ 4.0 đầu tiên tại chợ Điện Biên, UBND TP Thanh Hóa sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình chợ 4.0 ra các phường, xã trên địa bàn nhằm thông qua việc ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực kinh doanh, tạo điều kiện cho các tiểu thương và người tiêu dùng tiếp cận các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm. Từ đó góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên toàn địa bàn, giúp cho tiến trình xây dựng thành phố thông minh trở nên bền vững hơn trước những thay đổi trong tương lai.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]