(Baothanhhoa.vn) - Khi các công trình hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, thì cũng là lúc nguồn vật liệu xây dựng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỉnh Thanh Hóa đứng trước yêu cầu kép: vừa bảo đảm đủ nguồn cung khoáng sản phục vụ tăng tốc đầu tư, vừa siết chặt kỷ cương quản lý - dựng “hàng rào đỏ” với sai phạm. Trên tinh thần “không đánh đổi phát triển lấy tài nguyên”, Thanh Hóa đang từng bước chấn chỉnh, siết lại kỷ luật khai thác, nhằm vừa đủ vật liệu cho các đại công trường, vừa bảo toàn nguồn lực cho mai sau!

Khoáng sản Thanh Hóa: Gỡ “điểm nghẽn” từ quản lý đến cung ứng

Khi các công trình hạ tầng đang phát triển mạnh mẽ, thì cũng là lúc nguồn vật liệu xây dựng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tỉnh Thanh Hóa đứng trước yêu cầu kép: vừa bảo đảm đủ nguồn cung khoáng sản phục vụ tăng tốc đầu tư, vừa siết chặt kỷ cương quản lý - dựng “hàng rào đỏ” với sai phạm. Trên tinh thần “không đánh đổi phát triển lấy tài nguyên”, Thanh Hóa đang từng bước chấn chỉnh, siết lại kỷ luật khai thác, nhằm vừa đủ vật liệu cho các đại công trường, vừa bảo toàn nguồn lực cho mai sau!

Khoáng sản Thanh Hóa: Gỡ “điểm nghẽn” từ quản lý đến cung ứng

Tình trạng khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng thông thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các công trình giao thông (trong ảnh: Thi công Dự án Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2).

Chấn chỉnh kỷ cương khai thác, lập lại trật tự quản lý tài nguyên

Tính đến tháng 3/2025, Thanh Hóa đã cấp phép khai thác cho 327 mỏ, chủ yếu là đá, đất, cát, đáp ứng nhu cầu vật liệu cho các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS), các khu công nghiệp (KCN), khu đô thị và xây dựng dân dụng. Không chỉ là nguồn lực cho phát triển hạ tầng, ngành khai khoáng còn tạo nền tảng vật chất cho tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa của tỉnh. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là cần quản lý chặt chẽ, khai thác bền vững, tránh thất thoát và tác động xấu đến môi trường.

Mới đây, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành đã rà soát hồ sơ và kiểm tra thực địa đối với 242 mỏ đang khai thác khoáng sản trên địa bàn. Kết quả kiểm tra cho thấy phần lớn các mỏ được cấp phép đúng quy hoạch, khai thác ổn định, chấp hành các quy định cơ bản. Tuy vậy, một số vi phạm vẫn tồn tại ở nhiều loại hình mỏ. Đối với mỏ đá, hiện tỉnh đã cấp phép 211 mỏ với công suất khoảng 9,4 triệu m3/năm thì trong đó có 57 mỏ khai thác vượt ranh giới, 18 mỏ vượt công suất, 57 mỏ xây dựng công trình phụ trợ ngoài khu đất được thuê. Ngoài ra, một số mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera, khai thác chưa đúng thiết kế hoặc thiếu hồ sơ điều hành mỏ đúng quy định. Ở nhóm mỏ đất san lấp (60 mỏ), các lỗi phổ biến gồm: khai thác vượt ranh giới (10 mỏ), vượt công suất (3 mỏ), thiếu trang thiết bị giám sát, hồ sơ nhân sự chưa hoàn thiện (8 mỏ). Đối với mỏ cát (28 mỏ), phát hiện vi phạm như khai thác vượt công suất (1 mỏ), gây ảnh hưởng sạt lở (4 mỏ), khai thác trái phép đang bị điều tra (6 đơn vị), cùng các lỗi kỹ thuật như thiếu mốc, trạm cân, camera. Mỏ đất sét, đá cát kết làm gạch (25 mỏ) cũng còn một số vi phạm như khai thác vượt ranh giới (2 mỏ), đổ thải sai vị trí, hồ sơ điều hành chưa đầy đủ.

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, công tác xử lý vi phạm đã được tỉnh Thanh Hóa triển khai nghiêm túc, quyết liệt nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Phát hiện sai phạm, 3 đoàn liên ngành đã yêu cầu tạm dừng khai thác đối với 7 mỏ để xác minh, xử lý. Trước đó, từ phản ánh của báo chí, người dân và cơ quan chức năng, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng đã đình chỉ hoạt động tại 11 mỏ do có dấu hiệu sai phạm trong khai thác, ảnh hưởng đến môi trường và quy hoạch.

Đáng chú ý, 73 mỏ đang được yêu cầu đo đạc, xác định khối lượng và diện tích khai thác vượt ranh giới, vượt trữ lượng cho phép. Công tác này do Trung tâm Quan trắc môi trường, địa chất cùng các đơn vị chuyên môn thực hiện, làm cơ sở xử lý vi phạm theo quy định. Đối với các trường hợp vi phạm đã được lập biên bản trong quá trình kiểm tra, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính. Những trường hợp thuộc thẩm quyền các sở, ngành và địa phương khác cũng được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng quy định.

Khoáng sản Thanh Hóa: Gỡ “điểm nghẽn” từ quản lý đến cung ứng

Giai đoạn 2026-2030, nguồn cung đá xây dựng dự báo thiếu 22,47 triệu m3.

Theo đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, việc chỉ đạo xử lý quyết liệt các sai phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản là thông điệp rõ ràng của tỉnh trong việc siết chặt quản lý, không để tài nguyên bị lạm dụng, khai thác sai mục đích. Từ đợt rà soát này, các doanh nghiệp (DN) cần nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động khai thác đúng quy hoạch, giấy phép và tiêu chuẩn môi trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương - từ cấp tỉnh đến cơ sở phải thực sự “vào cuộc”, phát huy vai trò chủ động, phối hợp chặt chẽ theo đúng phương án quản lý đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 6/4/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và Quyết định số 1285/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản cát, sỏi lòng sông chưa khai thác.

Khai thông “mạch máu” cho đại công trường

Chỉ trong thời gian ngắn (từ năm 2020 đến tháng 9/2023), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Thanh Hóa dài gần 99km đã hoàn thành đúng tiến độ, sử dụng khối lượng vật liệu khổng lồ: 11,68 triệu m3 đất san lấp; 2,74 triệu m3 đá và 2,8 triệu m3 cát. Thành công này có sự đóng góp quyết định từ công tác chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc kiểm tra, rà soát, kịp thời cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn cung liên tục, không để gián đoạn thi công.

Bên cạnh đó, hàng loạt dự án trọng điểm khác được triển khai đồng bộ đã tạo lực đẩy mạnh mẽ cho giải ngân đầu tư công, tăng trưởng GRDP và thu hút đầu tư. Thực tiễn đã khẳng định: công tác đấu giá, cấp phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đóng vai trò nền tảng trong việc bảo đảm nguyên vật liệu cho phát triển hạ tầng chiến lược.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, công tác dự báo nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, nhiều thời điểm chưa sát với thực tế triển khai các dự án. Đặc biệt, trong bối cảnh Thanh Hóa liên tiếp khởi công, thi công nhiều công trình trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường Vạn Thiện - Bến En, các tuyến giao thông kết nối Cảng Hàng không Thọ Xuân, hạ tầng KKTNS và hệ thống khu, cụm công nghiệp (gồm 19 KCN, 115 cụm công nghiệp theo quy hoạch đến 2030), đã xuất hiện những thời điểm nhu cầu vật liệu tăng đột biến, gây ra tình trạng khan hiếm cục bộ, đẩy giá vật liệu lên cao. Từ năm 2024 đến nay, tình trạng này càng bộc lộ rõ khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh, trong khi nguồn cung vật liệu chưa được chuẩn bị đồng bộ, khiến áp lực lên công tác quản lý và điều tiết cung - cầu ngày càng lớn.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, cho biết: “Theo ý kiến phản ánh từ các hội viên của hiệp hội, giá đất san lấp đã tăng 20 - 30%, cát xây dựng tăng 30 - 40% và đá xây dựng tăng 5 - 10%. Biến động này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN, mà còn làm chậm tiến độ nhiều dự án đầu tư công trọng điểm, gây khó khăn, thiệt hại rất lớn cho DN”.

Khoáng sản Thanh Hóa: Gỡ “điểm nghẽn” từ quản lý đến cung ứng

Chế biến đá trên địa bàn thị trấn Yên Lâm (Yên Định).

“Cùng với đó, điều đáng quan tâm là cơ chế điều chỉnh giá hiện nay còn nhiều chậm trễ, bất cập, chưa kịp thời. Giá vật liệu tăng nhanh, nhưng bảng giá công bố lại quá chậm và chưa sát thực tế. Nhất là trong tình hình hiện nay ở một số bộ phận, cán bộ, công chức có tâm lý “chờ sắp xếp”, “chờ điều chuyển”, nên nhiều thủ tục bị “treo”, khiến DN rơi vào “khoảng trống” hành chính. Hơn nữa, khi DN gặp ’tắc nghẽn" trong sản xuất, kinh doanh, vì các yếu tố nêu trên dẫn đến chậm tiến độ của dự án, thậm chí còn bị cắt hợp đồng, phạt hợp đồng thi công”, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh cho biết thêm.

Phát biểu tại hội nghị đánh giá toàn diện về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Trịnh Huy Triều, Giám đốc Sở Xây dựng nêu: Thời điểm cuối tháng 3 và tháng 4/2025, Sở Xây dựng cũng nắm bắt qua nhiều kênh thông tin, có sự tăng giá, tình trạng “hai giá” đối với một số loại vật liệu xây dựng. Sở Xây dựng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các DN khai thác đất san lấp, đá xây dựng và cát xây dựng trên địa bàn tỉnh để khảo sát và gửi thông tin về giá bán trong tháng 4/2025, làm cơ sở để công bố thông giá vật liệu xây dựng đối với đất san lấp, đá xây dựng và cát xây dựng theo tháng kể từ tháng 4/2025 sát thực tiễn hơn; đồng thời để các DN, cá nhân kịp thời cập nhật giá các loại vật liệu có biến động giá lớn trong công tác lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, Sở vẫn nhận thấy khó khăn bất cập khi vật liệu cát, đá, đất đắp nền là loại vật liệu xây dựng không thuộc danh mục hàng hóa Nhà nước định giá, bình ổn giá; các DN tự định giá bán sản phẩm và tự kê khai giá bán nên rất khó khăn trong việc thông tin, kiểm soát giá.

Ở góc độ DN thi công nhiều dự án trọng điểm, ông Mai Xuân Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Miền Trung, nhận định: “Hiện nay, nguồn cát xây dựng đang thiếu hụt nghiêm trọng so với nhu cầu thực tế. Với đá xây dựng, dù trữ lượng còn lớn nhưng công suất khai thác hiện tại lại không đáp ứng được nhu cầu của các dự án đang và sẽ triển khai. Trong khi đó, các dự án đầu tư công thường có thời gian thi công gấp, chỉ khoảng 2 năm. Nếu không có bước chuẩn bị nguồn vật liệu ngay từ đầu, nhất là khi sắp tới triển khai thêm các đoạn tuyến cao tốc phía Đông, rất dễ xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ”.

Nhiều DN khai thác khoáng sản thì cho rằng, các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, cấp phép, nâng công suất mỏ hiện vẫn còn chồng chéo, kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ cung ứng vật liệu. Ông Lê Chí Kỳ, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Hồng Kỳ, chia sẻ: “Dù đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ cát số 177 tại xã Thiết Ống, huyện Bá Thước từ tháng 2/2025, nhưng đến nay sau 3 tháng, DN vẫn chưa được thuê đất để triển khai do chưa được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất. Trong khi nhu cầu vật liệu tại địa phương rất lớn, dự án bị chậm là thiệt hại không nhỏ cho cả DN và thị trường”.

Bên cạnh những vướng mắc về thủ tục, nhiều DN cũng kiến nghị cần có cơ chế linh hoạt hơn trong quản lý trữ lượng khai thác khoáng sản. Đại diện Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Minh Hương cho rằng: “Việc quy định sản lượng khai thác cố định theo năm chưa phù hợp thực tế. Trong những năm đầu sau khi được cấp phép, DN thường phải đầu tư hạ tầng như mở đường vào mỏ, như giai đoạn vừa qua còn gặp khó khăn do dịch bệnh, khiến sản lượng thực tế thấp hơn nhiều so với nhu cầu. Do đó, cần cho phép khai thác bù vào các năm sau để bảo đảm hiệu quả”.

Theo dự báo, tổng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ 2025-2030 gồm: 141,71 triệu m3 đất san lấp; 19,27 triệu m3 cát và 25,66 triệu m3 đá. Về khả năng đáp ứng trong giai đoạn 2026-2030, đá xây dựng sẽ thiếu 30,9 triệu m3; cát xây dựng thiếu 23,95 triệu m3; đất san lấp thiếu 141,71 triệu m3. Trước thực trạng đó, cần sớm rà soát, bổ sung quy hoạch các mỏ mới, đặc biệt với nhóm vật liệu đang thiếu hụt để bảo đảm tiến độ các dự án lớn và cân đối thị trường trong giai đoạn tới.

Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang cho biết: Nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình trên địa bàn tỉnh hiện đang thiếu hụt rõ rệt, đặc biệt là nhóm vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi. Nguyên nhân chủ yếu do tốc độ triển khai hàng loạt dự án trọng điểm trong khi công tác dự báo nhu cầu vật liệu ở các giai đoạn trước còn chưa sát với thực tiễn phát triển của tỉnh và cả nước. Đồng thời, các thủ tục liên quan đến quy hoạch, thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản hiện nay còn phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều luật như: Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch... Đặc biệt, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại các mỏ được cấp phép là một “điểm nghẽn” lớn, kéo dài thời gian đưa mỏ vào khai thác.

Trước thực tế đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang khẳng định: Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư trực tiếp và tăng trưởng kinh tế. Tỉnh sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc xem xét nâng công suất các mỏ hiện hữu, tổ chức đấu giá các mỏ đã có trong quy hoạch và đủ điều kiện, đồng thời đưa bổ sung quy hoạch đối với các mỏ có tiềm năng. Đặc biệt, tỉnh sẽ giao Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát tổng thể quy trình cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ; đôn đốc sớm hoàn thiện thủ tục cấp phép các mỏ đã trúng đấu giá để nhanh chóng đưa vào khai thác. Đồng chí cũng nhấn mạnh: Yêu cầu các DN cần nghiêm túc tuân thủ quy định pháp luật, chủ động phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng và khai thác đúng thiết kế, góp phần bảo đảm nguồn cung vật liệu ổn định, bền vững, phục vụ hiệu quả các dự án trọng điểm trên địa bàn. Đây không chỉ là trách nhiệm của từng DN, mà còn là trách nhiệm chung trong việc kiến tạo nền tảng hạ tầng cho giai đoạn phát triển bứt phá của tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]