Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Thời gian qua, các địa phương miền núi nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung đã và đang đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), góp phần nâng cao đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) địa phương phát triển.
Dự án đường Bến En đi thị trấn Bến Sung đang được triển khai thi công.
Như Thanh thu hút đầu tư các dự án trọng điểm
Như Thanh là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển ngành nông nghiệp, du lịch, dịch vụ. Vì vậy thời gian qua, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế, tăng cường nhiều giải pháp triển khai thực hiện thu hút đầu tư, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần giảm nghèo bền vững. Việc thu hút đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ là khâu đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025. Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn huyện Như Thanh tiếp tục được đầu tư, thông qua các chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia, vốn sự nghiệp của tỉnh, ngân sách huyện, vốn doanh nghiệp hỗ trợ là điều kiện quan trọng thúc đẩy KT-XH tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp luôn đồng hành, thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hộ kinh doanh về các quy định của Trung ương, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách do tỉnh, huyện ban hành, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Năm 2021, huyện Như Thanh đứng thứ 4, năm 2022 đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) cấp tỉnh.
Huyện đang phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của các vùng miền, địa phương để xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn, tăng cường mối liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp. Đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đôn đốc Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng sớm triển khai dự án đầu tư hạ tầng Cụm Công nghiệp Vạn Thắng - Yên Thọ có diện tích 49,87ha (trong đó diện tích đất của huyện Như Thanh khoảng 21,3ha). Huyện đã đôn đốc Công ty CP Đầu tư hạ tầng Hợp Lực tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm Công nghiệp Hải Long - Xuân Khang với diện tích 48,85ha; làm cơ sở để thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Thanh Minh, Trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Như Thanh, cho biết: Tổng vốn đầu tư công trung hạn trên địa bàn huyện Như Thanh thuộc ngân sách Trung ương và địa phương giai đoạn 2021-2025 là 1.912,221 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương là 465 tỷ đồng (ngân sách theo lĩnh vực, ngành là 313,028 tỷ đồng; ngân sách thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM là 75,792 tỷ đồng và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN là 76,271 tỷ đồng). Huyện đã kêu gọi đầu tư các dự án ở nhiều lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương như: Dự án đường Vạn Thiện đi Bến En; Dự án đường Bến En đi thị trấn Bến Sung; Dự án đường Phượng Nghi - Cán Khê...
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, huyện Như Thanh đang triển khai thực hiện các dự án đầu tư như: Dự án đô thị mới Thung Ổi, thị trấn Bến Sung; Dự án Khu đô thị mới Hải Vân, thị trấn Bến Sung; Dự án Khu đô thị mới nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai, thị trấn Bến Sung; Dự án Khu đô thị sinh thái Bến Lim, thị trấn Bến Sung. Trong đó, một số dự án đầu tư có sử dụng đất, dự án đầu tư trực tiếp trọng điểm trên địa bàn huyện như: Dự án Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En của Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời với tổng mức đầu tư 4.960 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí cao cấp Xuân Lai với tổng mức đầu tư khoảng 533 tỷ đồng. Huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đang thi công, đảm bảo chất lượng, thời gian theo hợp đồng, nhất là dự án trọng tâm, trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông, đời sống Nhân dân.
Như Xuân chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Tại huyện miền núi Như Xuân, hiện nay huyện đã hoàn chỉnh quy hoạch vùng huyện Như Xuân đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Yên Cát đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022; Quy hoạch chung xây dựng xã được UBND huyện phê duyệt 15/15 xã hoàn thành năm 2022. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các xã, thị trấn để làm cơ sở huy động nguồn vốn, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH.
Huyện đã tập trung chỉ đạo cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách hành chính; tích cực chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI), thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường các hoạt động gặp gỡ các đối tác, doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư vào địa bàn. Thực hiện cam kết với nhà đầu tư về tiến độ giải phóng mặt bằng, giữ vững an ninh trật tự, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế của huyện thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào huyện. Từ đó, nhiều dự án lớn đã và đang được triển khai thực hiện tại huyện Như Xuân, như: Dự án Nhà máy Sản xuất giày da tại khu phố Cát Tiến, thị trấn Yên Cát của Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Linh Chi; Dự án Nhà máy Chế biến nông sản tại xã Xuân Hòa của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản T9... Huyện đang tập trung chỉ đạo hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các Cụm Công nghiệp Thượng Ninh, Xuân Hòa, Bãi Trành, đồng thời phối hợp với chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, kêu gọi các nhà đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các cụm công nghiệp. Nâng cao giá trị các sản phẩm thế mạnh của huyện như: chế biến nông - lâm sản, sản xuất đồ gỗ, vật liệu xây dựng, may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ ép công nghiệp, dăm gỗ (nguyên liệu giấy), gỗ viên nén sinh khối...
Đồng chí Nguyễn Hữu Tuất, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, cho biết: Hiện nay, huyện đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình trọng tâm tái cơ cấu nông nghiệp gắn với XDNTM và giảm nghèo bền vững; chương trình trọng tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chỉ đạo phát triển 3 vùng kinh tế của huyện theo hướng đó là: vùng trung tâm huyện, vùng các xã phía Nam và vùng 6 Thanh. Huyện cũng đang tập trung triển khai thực hiện các dự án đã được xác định trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 như hoàn thành dự án đường giao thông phục vụ phát triển KT-XH xã Thanh Quân; khởi công mới các dự án: Nâng cấp, cải tạo đường giao thông từ thị trấn Yên Cát đi xã Tân Bình; đường giao thông từ xã Thượng Ninh (Như Xuân) đi xã Phượng Nghi (Như Thanh); đường từ xã Thanh Phong kết nối với xã Thanh Xuân (đường Quang Hùng - Thanh Tiến). Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã trong hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn huyện, đặc biệt là cải tạo, nâng cấp các tuyến đường huyện, đường xã, thôn, bản chuẩn bị về đích NTM...
Chương trình 1719 góp phần thu hút đầu tư vùng DTTS&MN
Những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai các hoạt động nhằm khai thác tiềm năng lợi thế, thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS&MN. Trong đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi là Chương trình 1719), tỉnh Thanh Hóa tập trung triển khai nhiều hoạt động như: Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Sở Công Thương, Liên minh HTX tỉnh; UBND các huyện, thị xã vùng DTTS&MN phối hợp cùng các sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm, các phiên chợ văn hóa, hội chợ, giao lưu, diễn đàn, các lễ hội gắn với hoạt động thương mại, du lịch. Truyền thông, quảng bá các sản phẩm của vùng DTTS&MN, thu hút đầu tư trên các phương tiện thông tin truyền thông. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện một số mô hình nhằm tiêu thụ sản phẩm của vùng DTTS&MN; cung ứng các mặt hàng thiết yếu của địa phương...
Hiện nay, nhiều dự án, mô hình đang triển khai thực hiện theo Chương trình 1719 thuộc nội dung số 3, Tiểu dự án 2, Dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS&MN như: Dự án Liên kết sản xuất gà bản địa theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số huyện miền núi; Dự án Liên kết sản xuất lợn bản địa theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số huyện miền núi; Dự án sản xuất và tiêu thụ giống lúa nếp hạt cau đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh; Dự án liên kết sản xuất vịt Cổ Lũng bản địa theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số huyện miền núi...
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
{name} - {time}
-
2025-01-15 16:36:00
BMS Vina tham quan Đà Nẵng và Dentium cùng DANAGO
-
2025-01-15 16:22:00
Khẩn trương thi công tu bổ xung yếu hệ thống đê điều Thanh Hóa
-
2024-05-19 13:13:00
Ký kết Chương trình phối hợp Hội Nông dân các tỉnh, thành phố giai đoạn 2024-2028
Bản tin Tài chính 19/5: Vàng trong nước và thế giới đồng loạt tăng
Thủ tướng chỉ đạo điều hành đồng bộ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, thị trường vàng, tỷ giá, lãi suất
Xã Quảng Trường gìn giữ nghề dệt chiếu cói
Xã Hoằng Tiến đón nhận quyết định đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu
Bản tin Tài chính 18/5: Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong nước ổn định
Đơn vị kinh doanh vàng không có hóa đơn điện tử sẽ bị rút giấy phép
Ngân hàng Nhà nước chính thức thanh tra hoạt động kinh doanh vàng
Vườn bậc thang trên đất sỏi
DDCI: “Chìa khóa” tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cấp cơ sở