(Baothanhhoa.vn) - Sáng 19-11, tại Trung tâm Hội nghị 25B, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022) và biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc. Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển (*)

Sáng 19-11, tại Trung tâm Hội nghị 25B, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2022) và biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc. Tại buổi lễ, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có bài phát biểu quan trọng. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi lễ.

Thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh!

Thưa các Nhà giáo nguyên là lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Thanh Hóa qua các thời kỳ!

Thưa các vị đại biểu! Thưa các thầy giáo, cô giáo!

Hiếu học và “tôn sư, trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, truyền thống tốt đẹp đó luôn được tiếp nối qua các thế hệ, tỏa sáng trong mọi thời đại và là mạch nguồn bền bỉ nuôi dưỡng tâm hồn, khát vọng của mỗi người dân đất Việt. Từ xa xưa, ông cha ta đã xem việc học như quốc kế sinh tồn và nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, được Nhân dân ta hết lòng ngợi ca, tôn vinh, kính trọng, đúc kết thành các câu ca: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Ngày sau khôn lớn ơn dày biển sâu”...

Vào những ngày này, khi các thế hệ học sinh và toàn xã hội đang hướng về Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để tỏ lòng tri ân các bậc thầy giáo, cô giáo; hôm nay, tôi rất vui mừng cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tới dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022) và biểu dương các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc. Đây là sự kiện rất có ý nghĩa, là dịp để chúng ta biểu dương, tôn vinh và tri ân những “kỹ sư tâm hồn”, người “lái đò thầm lặng”, đã dành trọn tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp “Trồng người” cao cả.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các quý vị đại biểu, các nhà giáo lão thành và qua các vị đại biểu xin được gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã và đang công tác trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa những tình cảm thân thiết, quý trọng và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Các đại biểu dự buổi lễ.

Thưa các vị đại biểu! Thưa các thầy giáo, cô giáo!

Sự nghiệp giáo dục đào tạo là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, nhưng người trực tiếp thực hiện là các nhà giáo. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhà giáo, nhà văn hoá lớn của thế giới, Người luôn thể hiện khát vọng và tầm nhìn lớn lao, sâu sắc về giáo dục và đề cao vai trò của người thầy, bởi theo Người: “Nhiệm vụ giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang, nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Trong các cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và tiền đồ tươi sáng của dân tộc, theo tiếng gọi của non sông, đất nước, hàng ngàn nhà giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc đã vừa dạy học, vừa cầm súng chiến đấu, vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, vững tay bút, chắc tay súng, “gieo chữ” giữa khói lửa chiến tranh, xây dựng nền giáo dục cách mạng. Khi đất nước hòa bình, thống nhất, đội ngũ nhà giáo luôn giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, phát huy vai trò chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa, xông pha trên khắp mọi nẻo đường, tận tụy cống hiến, mang ánh sáng của tri thức đến với Nhân dân, đem lại hạnh phúc cho đồng bào, xứng đáng với lời ngợi khen của Cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ, mà còn dạy người. Họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu. Thầm lặng tỏa hương, dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời”.

Trân trọng những đóng góp lớn lao của các thế hệ nhà giáo; ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ đã ra Quyết định lấy ngày 20/11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Kể từ đó, ngày 20/11 hằng năm đã trở thành ngày hội của các nhà giáo, ngày các thế hệ học trò và toàn xã hội bày tỏ tình cảm kính trọng, sự tri ân sâu sắc với những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”; đồng thời, cũng thể hiện niềm tin, lòng mong mỏi đối với trách nhiệm cao cả của người thầy giáo.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Toàn cảnh buổi lễ.

Thanh Hóa quê hương thân yêu của chúng ta tự hào là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, nổi tiếng không chỉ vì số lượng người đỗ đạt, ghi danh bảng vàng, mà đặc biệt là ở tinh thần hiếu học, khổ học, trọng đạo lý làm người. Từ bao đời nay, dù phải chắt chiu từng giọt nước, cọng rau, hạt gạo, củ khoai, tấm áo nhưng các thế hệ người dân xứ Thanh vẫn lấy sự học làm trọng. Truyền thống văn hóa tốt đẹp đó đã và đang tiếp tục được phát huy và tỏa sáng cho đến ngày nay, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn thôi thúc cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”; trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh ta tiếp tục có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh và cho đất nước. Hằng năm, toàn tỉnh có hàng ngàn học sinh đỗ đại học và cao đẳng; số học sinh giỏi quốc gia luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; nhiều năm liên tục, tỉnh ta đều có học sinh đoạt huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực.

Đạt được những thành tích nêu trên, cùng với sự nỗ lực của các em học sinh, sự khích lệ động viên của các bậc phụ huynh và cả hệ thống chính trị, có đóng góp rất lớn của các nhà trường, sự cống hiến, hy sinh, bền bỉ, miệt mài của các nhà giáo. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang được các thế hệ nhà giáo đi trước dày công vun đắp; các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh ta luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, say mê với nghề nghiệp, nỗ lực vượt khó vươn lên để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều nhà giáo đã dành trọn tuổi xuân của mình, bám trường, bám lớp, dồn hết tâm huyết vào trang giáo án, truyền cảm hứng, khơi dậy niềm đam mê học tập, khát khao cống hiến cho quê hương, đất nước trong mỗi học sinh. Đặc biệt, trong những thời khắc đầy khó khăn, thách thức trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19; nhiều thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã chủ động, sáng tạo, tìm mọi cách khắc phục khó khăn, đem kiến thức đến với học trò, không để việc học tập bị gián đoạn.

Chúng ta thật sự xúc động trước tấm gương của “Người Thầy giáo vùng biên” Lương Thanh Luyến đã có 38 năm công tác ở các trường vùng cao biên giới huyện Thường Xuân để chắp cánh ước mơ vươn tới chân trời tri thức cho các thế hệ học trò; của cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Lâm Phú, huyện Lang Chánh, đã nhiều năm kiên trì, nỗ lực cùng tập thể cán bộ, giáo viên Nhà trường vượt qua những thiếu thốn của một trường học miền núi xa xôi, xây dựng Nhà trường khang trang, sạch đẹp, được công nhận Trường chuẩn quốc gia. Tấm gương tận tụy với nghề của cô giáo Mai Châu Phương, giáo viên môn Hóa học, Trường THPT chuyên Lam Sơn, mới chỉ 15 năm công tác, nhưng Cô đã chắp cánh và thắp sáng ước mơ cho nhiều học sinh đạt đỉnh cao tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế… Tại buổi lễ trang trọng này, không sao kể xiết biết bao nhiêu tấm gương nhà giáo cao quý, đó thực sự là “những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp”, đã và đang tô thắm truyền thống vẻ vang của các nhà giáo Việt Nam và của quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, ngành Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa, cùng nhiều thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục đã được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý; trong đó, toàn ngành vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhì và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì; có 03 tập thể, 02 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 06 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 133 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tôi ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đạt được trong suốt những năm qua. Nhiệt liệt biểu dương 200 nhà giáo tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng tại buổi Lễ hôm nay.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Các đại biểu dự buổi lễ.

Thưa các vị đại biểu! Thưa các thầy giáo, cô giáo!

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược đó là phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; vì vậy, phải “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX tiếp tục khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; giữ vững và phát huy thành tích giáo dục mũi nhọn và vị trí trong nhóm dẫn đầu cả nước”. Mục tiêu lớn lao nhưng rất đỗi vinh quang đó thuộc về trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, trong đó ngành Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo đóng vai trò xung kích đi đầu trong tổ chức triển khai thực hiện.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo, đội ngũ các nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021 - 2025; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài, phải kiên trì, sáng tạo trong tổ chức thực hiện; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, bất cập, những “điểm nghẽn”, tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục của các địa phương và toàn tỉnh trong thời gian tới; đồng thời, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và động viên, khích lệ, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ giáo viên, nhất là các thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn phát huy năng lực sở trường, tham gia tích cực vào phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước; trọng tâm là đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ; làm tốt cả việc “dạy chữ”, “dạy nghề” và “dạy người”; không ngừng cải tiến cách dạy, cách học theo phương châm “Lấy học sinh làm trung tâm”, “Nhà trường làm nền tảng”, “Thầy cô giáo làm động lực”; khơi dậy tư duy sáng tạo của học sinh, năng lực tự học, tự tu dưỡng rèn luyện; gắn học với hành, gắn học kiến thức với giáo dục chính trị tư tưởng, trau dồi đạo đức, lối sống, nhằm tạo ra những con người thật sự có đức, có tài, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Cùng với nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi; toàn ngành cần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, chất lượng giáo dục mũi nhọn, đổi mới nội dung, phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi để vừa phù hợp với nội dung, chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa có tính liên thông với chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế bậc THPT. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới quản lý và dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bức trướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho ngành GD&ĐT Thanh Hóa.

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên hằng năm để nâng cao tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo quy định. Tăng cường công tác quản lý giáo dục, nâng cao đạo đức nhà giáo và năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ giáo viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành giáo dục. Đổi mới mạnh mẽ công tác quản trị trong các nhà trường. Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ quản lý giáo dục; khắc phục những hạn chế, yếu kém về công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển cán bộ quản lý và giáo viên các cấp; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học. Khai thác và phát huy mọi nguồn lực, tạo ra sức mạnh tổng hợp để đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho những trường học còn nhiều khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, đối với các nhà giáo, nghề dạy học là nghề vô cùng cao quý, thầy cô như người cha, người mẹ thứ hai của học trò. Không phải ngẫu nhiên mà xã hội tôn vinh nghề giáo là một nghề đặc biệt. Như lời bài hát, Yêu người bao nhiêu, ta càng yêu nghề bấy nhiêu”, tôi đề nghị mỗi thầy giáo, cô giáo phải thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Muốn vậy, mỗi nhà giáo phải tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thực sự tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nghề nghiệp; có lòng nhân ái, bao dung; tận tuỵ với công việc; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp. Trong công tác chuyên môn, phải thực sự công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực học tập của học sinh; chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Thường xuyên bồi dưỡng năng lực, trình độ và phương pháp, tác phong công tác; nâng cao năng lực toàn diện, kiến thức chuyên sâu theo môn học giảng dạy và kỹ năng, phương pháp sư phạm; khả năng tư duy khoa học; gương mẫu, nói đi đôi với làm; thực hành tiết kiệm, sống khiêm tốn, giản dị, chống xa hoa, lãng phí.

Tất cả vì tương lai con em chúng ta. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng và các bậc phụ huynh học sinh, cùng toàn xã hội tiếp tục quan tâm và chăm lo nhiều hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục và đào tạo, dành những điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển <sup>(*)</sup>

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các nhà giáo.

Thưa các quý vị đại biểu! Thưa các thầy giáo, cô giáo!

Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đã đạt được trong suốt những năm qua, với nhiệt huyết tràn đầy và khát khao cháy bỏng vì thế hệ trẻ, vì tương lai của quê hương, đất nước; tôi tin tưởng chắc chắn rằng, các thầy giáo, cô giáo, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, thi đua dạy tốt, học tốt và quản lý tốt như lời dạy của Bác Hồ muôn vàn kính yêu “Dù khó khăn đến đâu, cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”, chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo Thanh Hóa ngày càng phát triển, tô thắm bảng vàng thành tích và góp phần xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.

Với tình cảm chân thành và quý trọng, một lần nữa, tôi chúc các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo, các cán bộ quản lý giáo dục trong toàn tỉnh mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

-----

(*) Tiêu đề do Tòa soạn Báo Thanh Hóa đặt.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]