Chiến thắng của đoàn kết toàn dân
Trong trận quyết chiến chiến lược, Thanh Hóa huy động cao nhất sức người, sức của, cùng các mặt trận phối hợp, cả nước hướng về Điện Biên Phủ. Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do đã quy tụ, nhân thêm sức mạnh đoàn kết toàn dân, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Học sinh Thanh Hóa nghe giới thiệu về chiếc xe đạp thồ lịch sử.
Tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa trưng bày nhiều kỷ vật, tư liệu, hình ảnh về cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, trong đó có chiếc xe đạp thồ đạt kỷ lục chở hơn 3,45 tạ/chuyến, phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước nhu cầu số lượng lớn lương thực, thực phẩm để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ngoài những gia đình có phương tiện, Nhân dân các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa chung góp, mua thêm những chiếc xe đạp, trang cấp cho các đại đội xe thồ phục vụ chiến dịch.
Ông Trần Khôi giới thiệu hình ảnh về đợt dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông Trần Khôi, 97 tuổi, ở TP Thanh Hóa, nguyên Chính trị viên Đại đội xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ cho biết: Tháng 3 năm 1954, nhận gạo từ kho ở huyện Thọ Xuân, Đại đội gồm 100 xe đạp thồ ngược lên miền tây, sang tỉnh Hòa Bình, hướng về Điện Biên. Đoàn xe đạp thồ đi cách nhau theo tốp 3 phương tiện, gọi là “tổ tam tam” nhằm tránh máy bay đánh phá, trợ giúp nhau tăng bo vượt đèo, dốc, tràn trên suối. Tiếp đó, đại đội đóng quân trong rừng gần khu vực Suối Rút, hàng ngày nhận lương thực từ kho, vận chuyển đến khu vực Ngã ba Cò Nòi giao hàng, rồi trở lại địa điểm đóng quân, hôm sau lại hành trình tải lương dưới tầm trinh sát, oanh tạc của không quân địch.
Sáng kiến tận dụng những lốp xe mòn mỏng, lược bỏ tanh cùng một phần chu vi lốp, sử dụng vải quấn, gia cố xăm, lớp lốp phía trong, lắp vào vành cùng lốp tốt có tanh phía ngoài, bơm hơi căng bảo đảm chịu tải, tiếp tục được phổ biến, nhân rộng. Các đoàn xe đạp thồ cơ động trên các tuyến vận tải từ hậu tuyến, trung tuyến đến hỏa tuyến.
Từ tháng 3 năm 1954 trở đi, thị trấn Thanh Hóa tổ chức 17 đợt dân công, 1.780 xe đạp thồ, hoạt động vận tải trên tuyến đường từ Thanh Hóa đi Hồi Xuân-Phú Lệ-Suối Rút-Mộc Châu-Cò Nòi đến Sơn La ("Thành phố Thanh Hóa (1947 - 1994), NXB Thanh Hóa, trang 56). Các tổ vận tải tam tam mang theo thiết bị sửa, vá xe, với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm đã tăng năng suất vận tải lên gấp 2 lần. Nhiều xe thồ liên tục phá kỷ lục vận tải, tiêu biểu như ở hậu tuyến, chiến sĩ thi đua Trịnh Ngọc đạt kỷ lục vận tải hơn 3,45 tạ/chuyến. Tại trung tuyến, chiến sĩ thi đua Đào Đức Tỵ (Cao Tỵ) liên tục nâng năng suất từ 160 kg lên 195 kg, rồi 250 kg và thường xuyên vận tải đạt tải trọng 3,2 tạ hàng hóa/chuyến. Thị trấn Thanh Hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua khá nhất về thành tích của đoàn xe đạp thồ và các điển hình năng suất cao; 13 chiến sĩ thi đua được tặng Huy hiệu Bác Hồ.
Tái hiện hình ảnh quân dân tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồng hành cùng tuyến vận tải cơ giới, bán thô sơ, dân công bộ cắt rừng, đi ven suối, khai mở thêm những tuyến đường tắt nhằm kết nối, rút ngắn quãng đường vận tải, cung ứng hậu cần kịp thời phục vụ mặt trận. Bà Nguyễn Thị Út Ngọt, sinh năm 1933 ở thôn Nguyên Thành, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa từng tham gia chuyến dân công làm kho chứa lương thực bên bờ tả sông Mã ở La Hán, huyện Bá Thước; tiếp tục cùng các dân công sử dụng 45 thuyền nan, chở hơn 3 tạ gạo/phương tiện, chèo ngược sông Mã nhập kho quân lương. Có chuyến, đội thuyền nan cập bờ sông Mã ở khu vực huyện Quan Hóa, tiếp tục gánh bộ một tuần mới giao, nhập hết số lượng gạo cho kho Suối Rút. Gánh bộ, chống gậy, đi đêm dưới tán rừng, dân công sử dụng đèn dầu, cắt phần đít chai thủy tinh chụp ống kính hình lục lăng chắn gió, treo ở đầu quang bồ soi đường. Có chuyến vượt lối đi lởm chởm đá tai mèo thì hết giờ phát hỏa, đành nhịn đói và có đợt dân công ăn canh bí cả tuần trừ bữa. Gạo, đậu, lạc, cá khô chứa trong 2 bồ đầy cùng khẩu phần cơm mang theo ăn với muối rang mỡ nhưng tuyệt nhiên không ai lấy bớt, sử dụng lương thực, thực phẩm dành cho bộ đội trĩu nặng trên vai.
Ngày 2/4/1953, các dân công đang nghỉ ngơi ở khu vực hang Co Phương, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa thì bất ngờ xuất hiện máy bay địch ném bom xuống khu vực này làm 11 dân công bị vùi lấp, hy sinh. Bà Ngọt may mắn thoát chết, chỉ bị vết xước chảy máu ở chân vì đang ngồi xa hang Co Phương đan chiếc rổ để đựng rau. Cả Tiểu đội dân công còn sống sót 3 người nhưng bà Ngọt vẫn tiếp tục tham gia tới 5 đợt dân công hỏa tuyến phục vụ các chiến dịch, mở đường 217, đoạn từ Đồng Tâm đến Km35 là trung tâm huyện lỵ Quan Sơn ngày nay.
Cựu dân công Nguyễn Thị Út Ngọt cùng người cháu nội.
Làm lán, ngủ trong rừng, nghỉ tạm trên tấm nilon, hoặc áo tơi kết bằng lá cọ trên cung đường vận tải; có chuyến dân công vận chuyển qua 2 binh trạm (khoảng 40 km), bảo đảm chi viện kịp thời lương thực cho mặt trận. Ông Thiều Quang Mộc, nguyên Chính trị viên Đại đội dân công bộ thị trấn Thanh Hóa bị sốt rét, rụng hết tóc, điều trị bằng thuốc ký ninh. Sau 3 lần bắt, nuốt sống thêm giun đất, cơ địa của ông đẩy lùi được bệnh sốt rét, tiếp tục lãnh đạo đại đội vận chuyển lương thực, thực phẩm. Dân công sử dụng đôi bồ gia cố đáy bằng đôi nẹp tre già đan chéo, buộc vươn đôi dây thừng từ đáy lên miệng bồ thành quang, chế tác đoạn thân tre không quá già thành đòn gánh dài khoảng 1,5 m để có thể len lỏi, đi trong rừng, ít bị vướng mắc bởi cành cây, các loài thực vật dây leo. Gánh hơn 20 kg đến 40 kg, mở thêm nhiều nẻo đường vận tải, dân công gùi, gánh bộ góp phần cung ứng khối lượng hàng hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cựu thanh niên xung phong Lê Nguyên Trí trong cuộc sống thường nhật.
Thế hệ trẻ lúc bấy giờ người đi bộ đội, thanh niên xung phong, người ở nhà “tăng gia sản xuất cũng là đánh Tây”, tham gia các đợt dân công hỏa tuyến. Không trúng tuyển bộ đội, Lê Nguyên Trí ở làng Thanh Liêm, xã Hoàng Sơn, huyện Nông Cống đăng ký đi thanh niên xung phong; khởi đầu làm mới đoạn đường từ Lam Sơn đi phố Cống, huyện Ngọc Lặc. Sang đến Hòa Bình, ông bắt gặp người bạn Lê Văn Tứ khoác cây súng dài trong đội hình bộ đội hành quân; tay bắt, mặt mừng, rồi mỗi người, mỗi nhiệm vụ, cùng hướng về Điện Biên Phủ. Ông cùng đơn vị thanh niên xung phong mở rộng, gia cố nền đường từ Ngã ba Cò Nòi đi Điện Biên Phủ, rồi làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, tải đạn. Thường thức dậy lúc 5 giờ sáng tập thể dục, hô vang lời dạy của Bác Hồ: Thanh niên xung phong “không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”, ăn bát ngô xay rồi ra tuyến đào hố “tăng xê” phòng tránh bom đạn, bám cung đường làm việc, vận chuyển lương thực, tải đạn, giao nhận cho các binh trạm. Ở trọ nhà dân, tự giác chấp hành nguyên tắc công tác “dân vận”, những khúc sắn luộc đỡ lúc đói lòng cùng sự mến khách của đồng bào các dân tộc thiểu số khắc sâu trong ký ức của ông gắn liền mỗi cung đường mưa, nắng, bất chợt bom rơi, đạn nổ.
Theo Ban đại diện Hội Thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa, toàn tỉnh huy động 16 nghìn thanh niên xung phong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với nhiệm vụ chủ yếu là mở mới, sửa chữa đường, cầu cống, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn, đào hầm, kéo pháo, tải thương, phá bom, thậm chí trực tiếp tham gia chiến đấu. Mỗi cung đường, trong đó tuyến Ngã ba Cò Nòi (Sơn La) đi Tuần Giáo (Điện Biên) những “Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” in đậm dấu ấn, tinh thần lạc quan cách mạng, cùng bản lĩnh “Dù bom đạn, xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh” của một thế hệ xung kích dấn thân, vững tin “thắng lợi nhất định về dân tộc ta”.
Cựu chiến binh Dương Đình Nhì lật giở trang lý lịch quân nhân.
Theo ông Dương Đình Nhì, sinh năm 1936, ở xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa: Lần đầu tiên quân đội ta có pháo cao xạ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ khu vực Đồng Đăng-Kỳ Lừa, tỉnh Lạng Sơn, ông cùng Đoàn pháo cao xạ 367 thường xuất phát 17 giờ chiều hành quân bằng phương tiện cơ giới đến 2 giờ sáng hôm sau thì dừng lại đào hầm, xây dựng trận địa pháo, tham gia chiến đấu bảo vệ những điểm đèo, dốc hiểm trở, khu vực máy bay địch thường đánh phá, chiều hôm sau đơn vị tiếp tục hành quân. Vừa di chuyển, vừa chiến đấu, đoàn pháo cao xạ cơ động chừng một tháng thì đến chiến trường Điện Biên Phủ, xây dựng các trận địa cách sân bay Mường Thanh chừng 10 km, khống chế, cắt đứt tuyến chi viện, vận tải bằng đường hàng không của địch. Bộ đội pháo cao xạ luôn khắc ghi, làm theo lời Bác Hồ dạy, phải nêu cao bản lĩnh anh hùng tập thể, không rời vị trí chiến đấu, nhằm thẳng quân thù mà bắn. Đoàn pháo cao xạ còn phối hợp với các đơn vị pháo mặt đất tiêu diệt máy bay, xe tăng địch; hỗ trợ bộ đội bộ binh bao vây, tiêu diệt hỏa lực, binh lực, đập tan các các đợt tái đánh chiếm cứ điểm, các điểm cao của địch.
Ông Lê Văn Mai tự hào được góp sức diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm.
Chia lửa với Điện Biên Phủ, quân dân trên các mặt trận, chiến trường phối hợp cùng tiến công đồn bốt, tập kích doanh trại, phương tiện chở khí tài, quân, lương của địch. Hậu phương lớn phát triển sâu rộng các tổ chức tập hợp quần chúng, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện chính sách người cày có ruộng. Từng làm giáo viên bình dân học vụ, nhân rộng phong trào diệt giặc dốt, tham gia đoàn công tác vận động giảm tô, cải cách ruộng đất, ông Lê Văn Mai, nguyên Chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Triệu Sơn trao đổi: Thái Hòa chia, tách từ xã Ninh Hòa, huyện Nông Cống vào năm 1953. Qua các lần chia công điền, công thổ, ruộng đất vắng chủ, khai hoang, vận động giảm tô, thực hiện giảm thuế nông nghiệp đã tạo ra động lực nội sinh trong nông dân, nông thôn, nông nghiệp, nhân thêm sức mạnh tinh thần cho lực lượng phục vụ chiến dịch, trực tiếp chiến đấu. Thái Hòa là một trong nhiều địa phương có các phong trào quần chúng phát triển sâu rộng; cán bộ, Nhân dân nỗ lực chống hạn do không quân địch phá hoại đập Bái Thượng, tích cực tăng gia sản xuất, tạo tiềm lực vật chất chi viện cho tiền tuyến, đón tiếp, trợ giúp đồng bào tản cư, các cơ quan, đơn vị sơ tán về nông thôn. Nhiều đoàn dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong của huyện Nông Cống tập hợp tại Thái Hòa, xuất quân hướng về các chiến trường. Riêng xã Thái Hòa huy động hơn 900 dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ; các đoàn thể ở xã Thái Hòa được tặng cờ “Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Đình Tam Lạc ở xã Xuân Thọ, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa là nơi ra mắt Đại đoàn 304, Đại đoàn chủ lực thứ 2 của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đời sống Nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn, nhưng với tinh thần “cả nước cùng ra trận”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hậu phương Thanh Hóa đã huy động cao nhất sức người, sức của, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Noi gương các anh hùng lực lượng vũ trang: Lò Văn Bường, Trần Đức, Tô Vĩnh Diện, Lê Công Khai; thanh niên xung phong bám tuyến, mở mới, sửa chữa các cung đường; từng đoàn dân công nối nhau, từ Thanh Hóa xuyên rừng, vượt núi, cùng quãng đường trải dài hàng trăm km, đưa hàng tới đích an toàn. Thực tiễn bảo đảm hậu cần cho chiến dịch xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: Đới Sỹ Trầu, quê huyện Quảng Xương, liên tục gánh đôi bồ nặng 60 kg, dẫn đầu về gánh bộ phục vụ chiến dịch; các đại đội, chiến sĩ xe đạp thồ ở thị xã Thanh Hóa, huyện Thiệu Hóa; là người nông dân Trịnh Đình Bầm, quê xã Định Liên, huyện Yên Định quyết định tháo dỡ bàn thờ gia tiên để làm bánh xe cút kít, phục vụ vận chuyển hàng hóa.
Các diễn viên tái hiện hình ảnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Thanh Hóa luôn luôn có quyền tự hào với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Đồng thời khẳng định: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của chính nghĩa, của một dân tộc Việt Nam anh hùng, chiến thắng của sự đoàn kết “quân với dân một ý chí”. Chiến thắng đó được kết tinh bởi truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của các giai cấp, giai tầng, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam yêu nước mang trong mình “máu đỏ, da vàng” và hai tiếng thiêng liêng “Tổ quốc” Việt Nam.
Viễn Phương (CTV)
{name} - {time}
-
2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
-
2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
-
2024-05-06 09:00:00
Talkshow: Gặp gỡ những người góp phần làm nên lịch sử
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 6/5/1954, tiếng chuông báo hiệu giờ tàn cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Điện Biên Phủ: Bùn, máu và hoa (Phần 1)
Bộ Y tế điều nhân lực lên Điện Biên đảm bảo y tế ở Lễ kỷ niệm 70 năm
Công an tỉnh Thanh Hoá tổ chức nhiều hoạt động về nguồn và hướng về chiến sĩ, đồng bào Điện Biên
Người dành cả cuộc đời mình để nghĩ về những hy sinh của đồng đội
Vai trò của LLVT Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược
Trận A1 - Chìa khoá vàng trong chiến dịch Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 5/5/1954, các đại đoàn nhận nhiệm vụ tổng công kích
Công an Thanh Hóa triển khai phương án bảo đảm ANTT cầu truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ