(Baothanhhoa.vn) - Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), đã nêu rõ: Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, được xem là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Qua thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tinh thần và nội dung Chỉ thị đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tạo thành một "trụ đỡ" chính sách, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững, cũng như thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội khác.

Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò “trụ đỡ” trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1): Chính sách của Đảng - điểm tựa của dân

Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40-CT/TW), đã nêu rõ: Tín dụng chính sách xã hội do Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, được xem là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Qua thực tiễn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, tinh thần và nội dung Chỉ thị đã thực sự đi sâu vào cuộc sống, tạo thành một “trụ đỡ” chính sách, góp phần thúc đẩy công cuộc giảm nghèo bền vững, cũng như thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội khác.

Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò trụ đỡ trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1): Chính sách của Đảng - điểm tựa của dânCông ty Cổ phần Yến sào V.N Nam Khánh Nest, xã Vạn Hòa (Nông Cống) được vay vốn chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH, mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tạo sức lan tỏa...

Nếu nói tín dụng chính sách như “cánh buồm đưa con thuyền an sinh vươn khơi”, thì Chỉ thị số 40-CT/TW ví như “ngọn gió” đẩy con thuyền ấy đi nhanh, đúng hướng và ngày càng hiệu quả hơn. Bởi ngay sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng nội dung chỉ thị đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh. Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong toàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội, cũng như phát huy vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong chỉ đạo, giám sát nhằm đưa hoạt động tín dụng chính sách trở thành là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của từng địa phương, đơn vị.

Cùng với đó, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH từ cấp tỉnh đến cấp huyện thường xuyên được kiện toàn, với sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời, bổ sung 100% chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện. Qua đó giúp cho việc quản lý và thực hiện các chương trình tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao hơn, mọi chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách được nắm bắt và triển khai kịp thời đến người dân.

Ngoài hỗ trợ về cơ sở vật chất, bố trí địa điểm, điều kiện, thời gian làm việc cho NHCSXH các huyện, ở mỗi xã, phường, thị trấn đều có một điểm giao dịch. Tại điểm giao dịch sẽ thực hiện các nghiệp vụ giải ngân cho vay, thu nợ, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm... phục vụ người dân vào ngày cố định trong tháng theo phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”. Theo đó, hiện nay toàn tỉnh có 558 điểm giao dịch đặt tại 558 trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và 6.431 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mọi chủ trương, chính sách cho vay ưu đãi, công tác kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, đôn đốc trả nợ, trả lãi của hộ vay khi đến hạn, nghe ý kiến phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của người dân... được triển khai, thực hiện kịp thời, những phát sinh trong thực tế nhanh chóng được giải quyết. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi nhất để chuyển tải kịp thời, có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Đối với huyện Nông Cống, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Đồng chí Lê Xuân Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nông Cống, khẳng định: “Nguồn vốn tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu của chính quyền các cấp để thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm. Do vậy, trong những năm qua, Huyện ủy Nông Cống luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW. Trong đó, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách xã hội của Nhà nước đến người dân. Đặc biệt, Huyện ủy, UBND huyện luôn dành sự quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để NHCSXH triển khai các chương trình tín dụng nhanh chóng, kịp thời. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đã góp phần củng cố thêm niềm tin của Nhân dân đối với chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước". Được biết, từ khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, UBND huyện đã trích ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH huyện Nông Cống hơn 10,5 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

... để đưa chính sách đi vào cuộc sống

Tròn 1 thập kỷ đi vào đời sống, Chỉ thị số 40-CT/TW đã trở thành “kim chỉ nam” cho hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (NHCSXH Thanh Hóa) không chỉ là “cầu nối” đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến với người dân; mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy mối liên kết gắn bó mật thiết giữa Đảng - người dân - chính quyền trong công cuộc đẩy lùi đói nghèo, phát triển bền vững.

Chỉ thị số 40-CT/TW - khẳng định vai trò trụ đỡ trong công cuộc giảm nghèo bền vững (Bài 1): Chính sách của Đảng - điểm tựa của dânNhiều hộ dân xã Nga An (Nga Sơn) được vay vốn phát triển nghề cói truyền thống.

Có mặt tại xã Điền Trung (Bá Thước) vào đúng ngày giao dịch cố định, đồng chí Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã, khẳng định: “Việc đưa Chỉ thị số 40-CT/TW vào cuộc sống được xem là khâu đột phá trong chương trình giảm nghèo bền vững, XDNTM của xã. Chính sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, của cán bộ, đảng viên xã Điền Trung thời gian qua đã giúp công tác giảm nghèo được triển khai thiết thực hơn. Nhờ vậy, nguồn vốn tín dụng chính sách ở xã không những tăng trưởng nhanh, mà hiệu quả của đồng vốn vay cũng phát huy tác dụng, hỗ trợ các hộ nghèo và đối tượng chính sách phát triển sản xuất, cải thiện đời sống”.

Minh chứng rõ nét nhất về hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách tại xã Điền Trung phải kể đến hộ ông Hà Văn Hiệp. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới xây dựng khang trang - kết quả sau nhiều năm tích cóp, đầu tư làm ăn từ nguồn vốn vay NHCSXH, ông Hiệp cho biết: "5 năm trước, gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét, hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ, tôi đã vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi trâu giống. Dù món vay không lớn, nhưng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Từ đó, chúng tôi càng có thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước để nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chăm chỉ làm ăn, nên gia đình tôi đã thoát nghèo. Từ con trâu giống đầu tiên mua bằng nguồn vốn ngân hàng, đến nay, gia đình đã có tài sản gần 20 con trâu và được xem là hộ điển hình cho nhiều người dân địa phương học tập”.

Dù là một trong 74 huyện nghèo của cả nước, nhưng huyện Bá Thước đang từng bước đổi thay mạnh mẽ. Những con đường bê tông trải dài vào các thôn xóm, bản làng. Hệ thống cơ sở hạ tầng trường học, khu dân cư đã được nâng cấp khang trang. Đặc biệt, nhờ dòng vốn tín dụng chính sách “chảy” mạnh và phủ rộng, đã và đang góp phần mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây. Bám sát Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy, chính quyền địa phương đã xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Từ đó, phối hợp quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng chính sách xã hội, góp phần thay đổi tư duy tập quán sản xuất, ý thức vươn lên thoát nghèo của mỗi người dân. Thực tế ở huyện Bá Thước cho thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự được người dân tin tưởng, gửi gắm hi vọng vươn lên thoát nghèo bền vững và là một trong những “điểm tựa” để huyện quyết tâm phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi huyện nghèo của cả nước.

Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40-CT/TW là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Chỉ thị ra đời đã và đang huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và giúp cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần bảo đảm an sinh và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Bài và ảnh: Khánh Phương

Bài 2: Cánh én dệt mùa xuân.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]