Bập bùng ánh lửa quê hương
Trong những cuộc hành trình đi hoặc trở về của chúng ta, lửa luôn được nhóm lên, sưởi ấm tâm hồn và ý nghĩ. Lửa chập chờn, lúc như reo vui, lúc sẽ thăng hoa, lúc âm thầm tàn tro vẫn nồng nàn hơi ấm. Chợt thấy mình được vỗ về, tự trong tâm thức bỗng trào lên kỷ niệm thuở ấu thơ ngồi trong căn bếp thoảng mùi rạ rơm, những hạt lúa nếp sót lại nổ lép bép, trắng tựa hoa ngâu, món quà thảo thơm mộc mạc.
Nồng nàn căn bếp tuổi thơ
Xuân về, bao nhiêu chồi non lộc biếc cứ thầm thĩ vươn lên khi giá rét chỉ còn vương vất, nhường chỗ cho hơi ấm lan tỏa từ tận sâu lòng đất, từ hơi gió khi se sắt lúc mênh mang của trời. Trong cái xóm nhỏ nép mình bên núi đồi của tôi, mùa xuân lúc nào cũng nồng nàn, the the hương bưởi, hương chanh tỏa ra từ vườn nhà này, nhà nọ. Những buổi mai sương lúc vừa có cơn mưa xuân điểm xuyết, từng nụ hoa bưởi tròn xinh như đầu ngón tay em bé căng mướt, ướt mềm và luôn có giọt nước đọng ở đầu nụ đang sắp sửa chực rơi xuống đất. Màu vòm lá, ánh nắng, mây trời... như đọng hết trong giọt nước đầu nụ hoa.
Nếu không ngồi têm trầu, thể nào bà ngoại tôi cũng cặm cụi trong căn bếp nhỏ. Trong nhà, chỉ có bà luôn chiều chuộng sở thích của trẻ con. Lũ trẻ đã được nghỉ học, suốt ngày suốt buổi rong chơi chờ tết. Chiều chiều, bà đợi ở mé hiên, giục đàn cháu rửa mặt mũi chân tay rồi vào hơ người cho ấm, có củ khoai, con muồm muỗm bà để phần. Trong gian bếp nhỏ, hương lá khô phảng phất dù đã cháy thành tro. Hương lá thông thơm nhẹ nhõm. Hương lá bạch đàn thoang thoảng như hơi dầu gió mẹ vẫn xoa lưng mỗi tối. Hương lá keo chàm chộn rộn, hoai nồng. Hương cỏ mật ngòn ngọt. Hương các loại dây leo, gai bụi hăng hăng, giống mùi thuốc lá của mấy bà lang người Mường sắc giữa chợ phiên. Tôi quyến luyến tất cả những mùi hương ấy. Mỗi chiều cuối năm, bà đun bếp bằng lá, dành quả thông khô để buổi tối bố mẹ hay chúng tôi đun nấu. Quả thông có tinh dầu, bén lửa, kêu lép bép, bếp sạch sẽ, thơm tho, nhàn hạ. Vừa đun bếp vừa có thể nhìn ra ngoài hiên, ngoài đường làng, nghĩ ngợi vu vơ.
Cũng chẳng biết từ bao giờ, góc bếp quê hương hồn hậu thế luôn có một chiếc bồ đựng muối ám khói, ngả màu cánh gián. Bếp quê mà không còn bồ muối, nghĩa là nét xưa cũ đã vợi đi rồi. Bồ đan bằng tre, nứa, mây... vừa dày dặn sao cho đựng được muối và cũng đủ thoáng để muối lúc nào cũng ráo khô, không đọng nước.
Gần tết, nhà thường mua muối mới, có nhà lại chờ tới mùa xuân với ước mong về sự may mắn, mặn mà. Muối có thể mới, nhưng bồ vẫn vậy, nâu sậm, bóng nhức lên. Chờ xuân, cũng như bà, mẹ tôi thường lụi cụi dưới bếp mở gói bột nếp, vặn nút chai mật mía để nấu bánh trôi. Vừa nhào bột, mẹ vừa nhắc tôi xuống góc vườn đào lên một nhánh gừng nhỏ để món bánh dân dã dậy hương. Bố tôi, vào những ngày như thế, thường ra bờ sông, bắc loa tay gọi bạn. Đồng đội từ thời nhập ngũ với ông đang ngồi trên chiếc thuyền con con gõ mái chèo đuổi cá vào lưới. Chiếc thuyền chậm rãi từ khoảng xa xa trôi dần về phía bờ. Ông mời đồng đội lên uống chung ấm trà ngon, dành dụm mãi gần tết đến mới mang ra uống. Lúc lên bờ, thể nào bác ấy cũng nhặt nhạnh trong khoang thuyền những con cá tươi đang quẫy nước bỏ vào rổ đi thẳng vào căn bếp nhà tôi. Chúng tôi xúm quanh ngắm nghía, bàn luận sôi nổi.
Trời trở, mặt sông nhiều nhất loại cá thân tròn như chiếc đũa, dài chừng một gang tay, nâu đỏ màu rễ cau. Loanh quanh bờ ao nhỏ một lúc là kiếm đủ lá cho món kho rồi. Gừng, nghệ bao giờ cũng được trồng ở tít bờ ao mạn cuối vườn, đang đơm bông rực rỡ. Lá phèn đen mùa này đã điểm xuyết những quả già chín rục, phải vin cành nào trên cao, lá còn bánh tẻ, hứng chiếc rổ mây vào mà tuốt. Cũng có khi, sợ cháu sẩy chân, bà ngoại bảo tôi lên đồi kiếm lá găng lót đáy nồi. Chỉ chờ thế, lũ trẻ chui cả vào bụi găng đầy gai hái quả già, rồi lại xuống cầu ao bóp từng quả, bọt găng nổi lên trắng xóa như xà phòng giặt giũ, cứ thể thổi tung cho bay khắp không gian trong leo lẻo, xao động những vầng mây xam xám in bóng nước.
Quan niệm của phương Đông nói riêng và đời sống con người nói chung, lửa biểu trưng cho dương khí, đầy sức mạnh, quyền uy. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ, tất cả sự mạnh mẽ đó, lại thường được nhóm lên, được giữ gìn bởi những người phụ nữ, vốn được coi là phái đẹp, phái yếu. Tôi từng chiêm ngưỡng đàn ông đốt đuốc, soi đường, bẫy thú... nhưng riêng với bếp lửa, sự quyến rũ và êm đềm nhất luôn thuộc về người phụ nữ.
Lửa ấm chặng đường xa...
Một sáng mùa xuân còn đẫm hơi sương ở Pù Luông, tôi dậy thật sớm, rón rén từng bước chân trên mặt gỗ nhà sàn, cố không phát ra tiếng động. Nhưng chủ nhà đã dậy từ lâu. Bên bếp lửa, cô con gái chủ nhà đang học lớp 9 vừa trông nom cám bã, vừa ý tứ vùi ít sắn, khoai lát đặt thêm cạnh mâm cơm bữa sáng cho khách. Các thiếu nữ bản Thái cùng lứa thiếu nữ này đều được coi như lao động chính trong nhà, trừ lúc học hành, công việc chủ yếu xoay quanh gian bếp và dưới sàn nhà. Bữa trưa, cô bé đãi khách xôi ngũ sắc, gà nấu măng chua, nậm pịa. Chiều đến, lại hồ hởi bày ra cả bữa tiệc toàn rau quả rừng xen lẫn chẩm chéo và cá suối. Hoa mơ, hoa mận năm nay nở sớm, những khoảnh vườn đều đã trắng như mây. Trong lúc chờ tết, bố cô bé đã đóng đầy những thanh tre, ván gỗ rồi lợp gianh, bày biện ít nông sản để du khách nào muốn thì mang về xuôi. Nào có nhiều nhặn gì, vẫn là những quả bưởi, quả cam hằng ngày đồng bào mang mời khách, thêm mấy bó ngồng cải, rau dớn, dăm lọ chẩm chéo, vài treo thịt khô. Tôi ngỏ cùng thiếu nữ: “Suốt đêm qua cứ mơ, cứ nghe thấy những tiếng đàn như rót từ sâu bên trong lòng núi rồi chảy ra róc rách bên cây rừng, vườn tược. Gần đây có con suối nào không?” Cô bé vừa cời lửa, vừa đáp khẽ: “Có đấy ạ, men theo con đường mòn, tới lưng chừng bản, sẽ gặp một bên là cánh đồng, bên kia là vách núi. Vách núi hình mặt người, nhưng cũng là hình cây đàn. Người già kể, bản Thái được sinh ra từ những tiếng đàn”.
Người phụ nữ Thái chuẩn bị bữa cơm bên căn bếp ấm.
Câu nói như thơ, như mơ khiến tôi nhớ một dạo cũng gần tết có lưu trú trong bản của người Thái ở Sơn La. Chiều chiều, mõ trâu lốc cốc vang lên phía đầu con dốc ngập tràn hoa ngũ sắc. “Vào đây đã, vội gì đâu!”, giọng ai đó cất lên giữa khoảng sân cỏ có đám trẻ đang nô đùa, phụ nữ bản túm tụm chờ đàn ông đi làm xa, đi lên rẫy về để quây quần cơm tối. Giữa sân, một bếp lửa bập bùng. Từng gộc củi được các bà, các chị nhóm lên, vùi đầy sắn, khoai, mía... Họ thong thả đợi người nhà trở về nhưng sốt sắng chờ mọi thứ thơm lừng, đoán chừng trong tận lõi đã ngọt lựng lên để gẩy ra, thổi phập phù, lau sạch bụi than, thật thà mời khách. Cuộc sống bản làng còn khó trăm bề, dấu ấn nhọc nhằn để lại từng vệt chân chim, vết tàn nhang, nám sạm trên gương mặt những người phụ nữ. Ấy vậy mà khi lửa được nhóm lên, sắc hồng ửng dần, lan tỏa, như thể từ tận sâu trong tâm hồn phụ nữ nơi ấy đã sẵn lửa rồi. Lửa bên trong bén lửa bên ngoài, an ủi người khách xa đang lạ lùng, ngơ ngác.
Sau tất thảy, nhất là cứ vào độ xuân nồng nàn thế này, tôi nhớ bà, nhớ mẹ. Như còn vẹn nguyên mùi của bếp lửa ban mai với rạ rơm vương vít, mùi bếp lửa hoàng hôn ấm sực, thơm tho nhờ miếng trầu trong miệng bà phả lại. Cả những ngày cuối năm mẹ dầu dãi trên đồng, trở về nhà toàn thân rét run. Chẳng kịp cơm nước, tắm gội gì, mẹ vừa hong tóc bên bếp lửa, vừa bắt từng con muồm muỗm trong chiếc xà cạp cũng ướt sũng ra nướng cho con. Mùi khói bếp, mùi bùn đất, mùi gió sương... lẫn trong mùi thơm đánh thức trong tôi niềm rưng rưng ùa vào giấc ngủ. Sau này, mỗi lần tôi về quê, vẫn thấy bà và mẹ đun nước bên bếp lửa. Nhà đã có bếp ga, bếp điện... nhưng phụ nữ trong gia đình vẫn dành một góc nhỏ để đặt bếp củi, để nhóm lên những ngọn lửa bập bùng.
Lữ Mai
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:12:00
Nhiều giải pháp chống ùn tắc giao thông ở TP Thanh Hóa
-
2024-11-21 14:18:00
Như Thanh nỗ lực chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số
-
2024-02-08 14:51:00
Mặc mưa rét, dịch vụ rửa xe tất bật ngày cận tết
Mường Lát khẩn trương cấp phát gạo cho người trồng rừng
Cảnh báo ngộ độc rượu, bia vào dịp Tết
Nhiều điểm du xuân hấp dẫn giữa lòng thành phố
Dịch vụ làm đẹp “hái tiền” ngày giáp Tết
Thú chơi hoa ngày Tết
Mơ về Sài Khao
Xứ Thanh chập chờn... tết
Sắc xuân Châu Thường
Hậu Lộc: “Tết sẻ chia - Xuân ấm áp” tặng quà cho 95 trẻ mồ côi đặc biệt khó khăn