(Baothanhhoa.vn) - Những ngày tháng 4 lịch sử đưa bước chân tôi trở lại mảnh đất Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) một thời rực lửa. Hành trình thời gian đã khép lại tiếng gào xé của đạn bom, đã phần nào xoa dịu những mất mát, đau thương nhưng khí phách, chiến công và cả những hy sinh, tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc, Nhân dân của biết bao thế hệ người lính Hàm Rồng - Thanh Hóa như “bản anh hùng ca” vang mãi, vọng vào tương lai...

Từ “vùng đất lửa” hướng đến tương lai...

Những ngày tháng 4 lịch sử đưa bước chân tôi trở lại mảnh đất Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) một thời rực lửa. Hành trình thời gian đã khép lại tiếng gào xé của đạn bom, đã phần nào xoa dịu những mất mát, đau thương nhưng khí phách, chiến công và cả những hy sinh, tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho Tổ quốc, Nhân dân của biết bao thế hệ người lính Hàm Rồng - Thanh Hóa như “bản anh hùng ca” vang mãi, vọng vào tương lai...

Từ “vùng đất lửa” hướng đến tương lai...Từ vùng đất lửa, Hàm Rồng đang đổi thay từng ngày.

Ngọn đồi C4 (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa) những ngày này rộn ràng bước chân - những bước chân nặng nghĩa ân tình, sâu sắc tri ân tìm về thắp nén tâm nhang. Nhiều người khẽ khàng đặt dưới tấm bia đá nằm ngay đầu đường dẫn lên đồi cành hoa cúc rồi lặng lẽ thăm lại hầm hào, trận địa xưa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng dấu vết lịch sử vẫn còn hiện diện ở nơi đây. Những hố bom ngoác miệng nói với vị khách lạ về sức tàn phá bom đạn giặc thù. Những căn hầm chỉ huy, trung đội pháo, các khẩu đội... như đang tái hiện lại những khoảnh khắc chiến đấu cam go nhất với quân thù.

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Hàm Rồng là đầu mối giao thông nội địa quan trọng của cả nước, gánh vác sứ mệnh lịch sử đặc biệt. “Hàm Rồng bước vào thử thách mới, chưa hình dung ra được sự ác liệt và tầm vóc chiến tranh tới mức nào, nhưng trong tim khắc sâu lời hiệu triệu của Bác Hồ: “Tất cả chúng ta hãy đoàn kết triệu người như một. Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Chỉ trong 2 ngày (3 và 4-4-1965), quân và dân Hàm Rồng - Thanh Hóa đã phải chịu đựng tiếng gầm rú điên cuồng của hàng chục “thần sấm” bay lượn trên bầu trời. Không nao núng tinh thần, nêu cao ý chí chiến đấu, quân và dân ta đã tập trung tiêu diệt từng chiếc máy bay địch bổ nhào ném bom, bảo vệ cầu Hàm Rồng, lập kỷ lục bắn rơi nhiều máy bay nhất (47 chiếc máy bay) trong một trận đánh ở một chiếc cầu. Chiến công trong “cuộc đụng độ đầu tiên” ấy đã tiếp thêm sức mạnh, trở thành nguồn động lực lớn lao để quân và dân ta kiên gan bền chí, mạnh mẽ trải qua gần 3 nghìn ngày đêm chiến đấu kiên cường, vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm bảo vệ cầu Hàm Rồng: “Hàm Rồng là máu là xương/ Là niềm tin của bốn phương gửi về”.

58 năm đã qua đi, mảnh đất Hàm Rồng đã và đang viết tiếp bài ca xây dựng và phát triển trong thời bình. Trải qua đằng đẵng thời gian với biết bao thăng trầm, biến ảo, Hàm Rồng hội tụ những yếu tố riêng có, là bảo tàng lịch sử văn hóa đồ sộ, tầm vóc. Dường như, chỉ cần chạm tay vào những rêu phong làng cổ, ngước mắt trông theo những ngọn núi, dòng sông, đặt chân đến những công trình văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, khảo cổ tiêu biểu... đã cảm nhận được sự ấm nóng của những vỉa tầng phù sa không ngừng vận động.

Hàm Rồng hội tụ phong phú, đa dạng tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch. Nhận thức sâu sắc điều đó, trong nhiều năm qua, việc quan tâm đầu tư, phát huy tiềm năng, lợi thế thúc đẩy du lịch Hàm Rồng theo hướng bền vững, lấy dịch vụ du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực cho phát triển luôn được chú trọng. Hiện tại và tương lai của mảnh đất này luôn gắn liền với những quy hoạch của Chính phủ, của tỉnh như: Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (năm 2013); Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ do UBND tỉnh phê duyệt (năm 2020). Trong các quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn TP Thanh Hóa, Đề án phát triển du lịch TP Thanh Hóa đến năm 2025, Chương trình phát triển du lịch TP Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023... đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng. Với phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội Đảng bộ phường Hàm Rồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định rõ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ; phát huy truyền thống anh hùng, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, xây dựng môi trường du lịch thân thiện; phấn đấu đến năm 2025 trở thành phường kiểu mẫu”.

Tại Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục khẳng định tương lai, đường hướng phát triển của mảnh đất Hàm Rồng. Theo đó, lấy trung tâm đô thị hiện hữu làm hạt nhân, hình thành khung cấu trúc đô thị “3 trục phát triển - 6 trung tâm - 1 hành lang sinh thái tự nhiên”. Trong đó, Hàm Rồng - núi Đọ sẽ là 1 trong 6 trung tâm với chức năng trọng tâm là trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái. Bà Phạm Thị Việt Nga, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa chia sẻ: Quy hoạch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mở ra tầm nhìn mới, tạo ra thế và lực mới cho sự phát triển của TP Thanh Hóa trong tương lai, trong đó có một vùng Hàm Rồng - Núi Đọ rộng lớn, nơi được tạo hóa ưu ái ban tặng cảnh quan thiên nhiên hữu tình, nơi lắng đọng trầm tích qua bao đời để tạo nên bề dày lịch sử - văn hóa, khảo cổ... Không kỳ vọng rằng: Ngay sau khi quy hoạch được công bố, TP Thanh Hóa kêu gọi, thu hút ngay được các nhà đầu tư chiến lược, tuy nhiên, đây là căn cứ, chỗ dựa vững chắc để hoạch định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đầu tư xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, kết nối và phát triển không gian du lịch cho một vùng trải dài từ ngã ba sông đến Hàm Rồng...

Cùng với việc công bố quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch, tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của quy hoạch là dịp để mỗi người dân TP Thanh Hóa, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ nêu cao tinh thần, trách nhiệm, chung sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền, nhà đầu tư phát huy mạnh mẽ hơn các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy kinh tế - xã hội...

“Quy hoạch là nền tảng, động lực phát triển, hướng tới tương lai. Bám sát nội dung quy hoạch, chúng ta xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, triển khai nhiều việc làm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, theo lộ trình nhất định. Chất lượng của quy hoạch lần này sẽ tạo đà tăng tốc và phát triển, góp phần đưa TP Thanh Hóa trở thành 1 trong 5 đô thị trực thuộc tỉnh hàng đầu của cả nước, khu vực Hàm Rồng - Núi Đọ từng bước trở thành trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”, bà Phạm Thị Việt Nga - Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa cho biết.

Là một “công dân” Hàm Rồng, người đã dành cả tuổi xuân cùng đồng chí, đồng đội chiến đấu kiên cường bảo vệ Hàm Rồng, nhà văn, cựu chiến binh Lê Xuân Giang vẫn chưa một ngày thôi trăn trở về sự phát triển của vùng đất này. Ông Lê Xuân Giang bộc bạch: “Trong những năm qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và Nhân dân, mảnh đất Hàm Rồng đã có nhiều đổi thay, gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự đổi thay ấy vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có”. Bởi vậy, khi Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có những nội dung hoạch định về đường hướng phát triển trong tương lai của cả một vùng Hàm Rồng - Núi Đọ, ông Giang cảm thấy vô cùng háo hức, phấn khởi. “Trước hết, bằng quy hoạch, Thanh Hóa hãy quan tâm, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư có đủ tiềm lực kinh tế, có tâm - tầm để thổi bừng sức sống, tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch vùng đất Hàm Rồng - Núi Đọ theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Làm sao để bất kỳ ai khi đến xứ Thanh cũng háo hức đặt chân đến mảnh đất Hàm Rồng - Núi Đọ”, nhà văn Lê Xuân Giang bộc bạch.

Trong tương lai, khi huyện Đông Sơn sáp nhập về thành phố, diện tích mở rộng, quy mô dân số khoảng 1 triệu người, nhu cầu cần có không gian văn hóa, vui chơi giải trí phù hợp là rất cần thiết. Khi ấy, chẳng phải đi đâu xa, sau một tuần quay cuồng với công việc, đủ mối lo toan thì Hàm Rồng - Núi Đọ là điểm hẹn tuyệt vời cho gia đình, bạn bè, người thân gặp gỡ, giao lưu... Và hơn hết, trên hành trình đi về phía tương lai, nhà văn Lê Xuân Giang vẫn mang theo niềm mơ ước không chỉ của riêng ông mà của chung nhiều người đã từng sống và chiến đấu anh dũng trên mảnh đất này, đó là việc xây dựng tượng đài chiến thắng Hàm Rồng. Bởi lẽ, chiến thắng Hàm Rồng được làm nên từ sức mạnh của chiến tranh Nhân dân, là muôn gương mặt, tầng lớp Nhân dân cùng nêu cao tinh thần, ý chí quyết chiến quyết thắng.

Hàm Rồng - tên gọi ấy đã tạc vào lịch sử dân tộc. Dẫu ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, Hàm Rồng vẫn luôn là tình yêu, niềm tự hào của xứ Thanh. Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng ấy, Hàm Rồng nỗ lực vươn lên ở hiện tại, vững bước vào tương lai...

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]