(Baothanhhoa.vn) - Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ. Bây giờ con biết làm sao đây? Mẹ ơi là mẹ ơi!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tiếng đảo

Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ. Bây giờ con biết làm sao đây? Mẹ ơi là mẹ ơi!

Miền ngồi xoãi chân trên chiếc giường một khóc nức nở. Khuôn mặt đầm đìa. Đôi mắt đỏ hoe, ầng ậc nước. Tiếng khóc nấc lên nghẹn ngào, đứt quãng. Trên chiếc bàn nhựa kê cạnh giường Miền, một chiếc ống bơ đựng cát cắm mấy cây nhang đang cháy đỏ lừ. Phía sau có nải chuối xanh mới chặt trên rẫy về, xị rượu nhỏ mở nắp, tấm hình đã cũ chụp một bà già đang nở nụ cười đôn hậu.

Bệnh tình của mẹ thì Miền đã biết cách đây hơn ba tháng nhưng cô không thể ngờ nó lại có kết cục nhanh như vậy. Lần đó, Tùng, anh trai Miền chở mẹ lên bệnh viện đa khoa tỉnh khám. Cầm tờ kết quả trên tay mà lạnh sống lưng. Ung thư vòm họng giai đoạn muộn. Bác sĩ đã gặp trực tiếp gia đình để làm công tác tư tưởng và kê đơn thuốc về điều trị hạn chế sự phát triển của bệnh. Cả nhà ai cũng buồn thê thiết. Miền tính hết đợt gió mùa này sẽ tranh thủ về Bắc thăm mẹ mấy ngày. Ai dè... mẹ ra đi quá nhanh, không để cho Miền kịp về gặp mặt. Ai cũng thương cảm cho hoàn cảnh oái oăm không kém phần trớ trêu của Miền.

Đã ba ngày rồi, Miền rũ rượi như tàu lá úa. Cô đã khóc cạn nước mắt. Hai hố mắt sâu hoắm, thâm quầng. Cõi lòng Miền như tê dại. Giá như Miền được ở gần mẹ trong những ngày mẹ đang cơn bạo bệnh để được chăm sóc, đỡ đần, giá như đất trời đừng gây ra đợt biển động dài ngày như lần này, giá như... giá như... thì nỗi đau sẽ phần nào nguôi ngoai. Miền nằm ngước mắt nhìn trân trân lên nóc lá miên man suy nghĩ. Nước mắt lại ứa ra tức tưởi. Hình ảnh mẹ đang nhìn cô với ánh mắt nuối tiếc pha lẫn nét mặt nhăn nhó vì những cơn đau đang hành hạ làm Miền xót xa vô cùng. Miền dần thiếp đi trong cơn suy sụp. Cô thấy mình đang chới với, chới với giữa biển khơi. Từng cơn sóng bạc đầu đang hất tung Miền lên cao rồi ném cô xuống những chiếc xoáy sâu hun hút đen ngòm như mắt quỷ. Chẳng có ai cứu giúp Miền. Cô cảm thấy mình thật nhỏ nhoi đơn lẻ giữa mông mênh biển và biển. Miền sợ hãi vô cùng. Đôi môi cô mấp máy nấc lên từng tiếng gào thảm thiết: “Mẹ ơi, mẹ ơi! Cứu... con... với! Mẹ...ơ...i!”.

*

Quả đúng như tên gọi dân dã từ bao đời nay, hòn Ếch trông xa chẳng khác gì một chú ếch con đang ngồi chồm hỗm trên sóng nước giữa biển trời Tây Nam Tổ quốc. Từ hòn Ếch vào đảo lớn ít nhất cũng phải mất gần một giờ chạy ghe. Đó là chưa nói tới hôm nào sóng lớn, việc đi lại của bà con hết sức khó khăn, vất vả. Cả hòn đảo nhỏ này có cả thảy trên ba mươi nóc nhà. Gọi nhà cho oai chứ thực ra đây là những túp lều đơn sơ, tuềnh toàng nằm vắt vẻo, chênh vênh trên những ghềnh đá. Những túp lều này cũng mong manh như thân phận những con người nơi đây. Mỗi gia đình mang một hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy lại đều giống nhau ở một chỗ, họ là những người dân quanh năm nghèo khó ở khắp mọi nơi. Cái đói luôn đeo đẳng, không buông tha họ cho dù họ đã cật lực bám biển, bám thuyền để kiếm con tôm, con cá đắp đổi qua ngày. Những người từ đất liền dắt díu nhau ra đây lập nghiệp thôi thì đủ chốn đủ nơi. Có gia đình từ Cà Mau, Cần Thơ, Kiên Giang rồi Bến Tre, An Giang ra. Xa hơn một chút thì ở Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Người có quê xa nhất trên hòn đảo này đó chính là Miền. Nhà cô ở mãi tận ngoài Bắc. Cho đến bây giờ, Miền cũng không thể lý giải được nguyên do nào đưa cô ra với hòn đảo nhỏ này. Để rồi, sau hơn ba năm bám trụ nơi đây, hòn Ếch từ một cõi hoang vắng, xa lạ nay đã trở thành quê hương thứ hai của Miền.

Tốt nghiệp trường cao đẳng sư phạm của tỉnh, Miền hăm hở đi xin việc khắp nơi nhưng đến đâu cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu thương hại. Buồn. Mệt mỏi. Chán nản. Miền ở nhà phụ giúp bố mẹ làm ruộng. Được hơn một năm thì nghe tin phòng giáo dục huyện tuyển giáo viên, Miền mừng rỡ đến chảy nước mắt. Sáng hôm đó, Miền dậy thật sớm. Cô đạp xe hơn hai mươi cây số xuống huyện để kịp nộp hồ sơ xin việc. Vừa đạp xe trong cái rét cắt da cắt thịt Miền vừa nghĩ đến cảnh mình được đứng trên bục giảng để dạy dỗ các em học sinh thân yêu. Niềm vui, sự hưng phấn đã làm cho Miền quên hết mệt nhọc, đường xa. Nhưng Miền đâu thể ngờ rằng, sự thật trần trụi, đáng ghê tởm ngày hôm ấy như lưỡi dao sắc bén, khứa vào lòng cô những vết thương sâu hoắm, đau đớn. Không chấp nhận bán rẻ lương tâm, nhân cách cho lão trưởng phòng giáo dục huyện dê xồm, cô bỏ lỡ cơ hội mà bản thân đã khao khát từ lâu. Miền lặng lẽ đạp xe về nhà trên con đường vắng ngắt, nước mắt chảy tràn trên gò má. Con đường cứ hun hút chạy dài mãi tận chân núi xa xa.

Nỗi buồn rồi cũng qua đi. Một bước ngoặt mới đã đến với Miền. Nhân có một người bạn thời quân ngũ của bố Miền ở trong miền Nam gọi điện ra, hai người vui mừng trao đổi với nhau nhiều chuyện. Người bạn ấy bây giờ làm ở UBND huyện đảo trong đó. Khi biết được tin Miền ra trường nhưng chưa xin được việc, ông hứa sẽ cố gắng giúp Miền. Ông động viên bố Miền cứ mạnh dạn cho cháu vào đây, bây giờ giao thông thuận lợi chứ không cách trở như ngày xưa, ở đâu cũng là quê hương cả mà thôi. Bố mẹ hỏi ý kiến Miền, cô đồng ý vào Nam dạy học. Miền nghĩ, ở đâu cũng được miễn là được đứng trên bục giảng để thỏa mãn khát khao làm cô giáo. Gần xa không quan trọng, mọi thứ rồi sẽ quen. Vậy là xong! Một tháng sau Miền hăm hở lên đường vào Nam với bao bỡ ngỡ và thích thú được khám phá những miền đất mới, những con người mới mà từ nhỏ đến giờ Miền chưa bao giờ được đi xa.

*

Ngày đầu tiên đặt chân lên hòn Ếch, Miền thật sự bất ngờ bởi nó không giống như những hình dung của cô trên suốt quãng đường từ ngoài Bắc vào đây. Ngồi trên chiếc ghe từ đảo lớn chạy sang, Miền say sóng nôn mật xanh mật vàng. Bước lên đảo, mở mắt ra nhìn khắp một lượt thấy toàn là đá. Những tảng đá to có, nhỏ có xếp chồng lên nhau chạy vòng quanh đảo. Phía trên đỉnh đảo, cây dại xen lẫn rẫy trồng mì, trồng chuối mọc um tùm. Cả đảo chỉ lèo tèo có gần hai chục nóc nhà. Người đầu tiên mà Miền gặp trên đảo là chú Tư Hơn. Chú Tư Hơn năm nay cũng ngoài năm mươi. Chú là người đầu tiên đưa gia đình ra đảo lập nghiệp cách đây mười bảy năm. Quê chú ở mãi miệt Năm Căn. Chú Tư vồn vã chào hỏi Miền rồi kêu cả xóm ra nhận mặt cô giáo mới. Chú niềm nở giới thiệu với Miền, xóm này gọi là xóm chạy gió. Miền không hiểu tại sao xóm lại có tên gọi đó, chú bèn giải thích, hằng năm, cứ vào khoảng tháng mười âm lịch, khi mùa gió chướng tràn về thì cả xóm đảo phải đồng loạt dỡ nhà du cư sang những ghềnh đá cheo leo bên kia sườn đảo. Chạy từ mạn đông sang mạn tây để rồi sau đó lại dọn nhà ngược lại. Gió chướng thổi mạnh làm những con sóng hung hãn chồm lên ghềnh đá, như muốn nuốt chửng những mái tranh vắt vẻo giữa trùng khơi. Bà con ở đây làm đủ nghề để sống. Có gần mười hộ chuyên nghề trồng rẫy, chủ yếu trồng các loại rau xanh, cây ăn quả như mít, chuối, xoài... để bán cho tàu, ghe đánh cá khi biển động vào đảo trú ẩn. Đàn ông thì đi biển đánh cá, làm thợ lặn, làm rẫy. Đàn bà thì buôn bán cá ở chợ bên đảo lớn hoặc ở nhà đan lưới, bồng con, nội trợ. Vào những lúc rảnh rỗi, bà con còn làm thêm nghề ráp câu giàn, vá lưới cho những người làm nghề biển. Chú Sáu Tân ở phòng giáo dục huyện đảo đi cùng Miền ra để xem xét thành lập điểm trường cho biết thêm, dù cách đảo lớn không xa nhưng cuộc sống của người dân trên xóm đảo gần như biệt lập, điều kiện giao thương cách trở và còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nước ngọt sinh hoạt ở đây rất khan hiếm, nhất là vào mùa khô, bà con phải thay phiên nhau hứng từng giọt nước ở các khe đá. Năm nào nắng hạn gay gắt, người dân chỉ còn biết mua sắm can, thùng nhựa gửi ghe thuyền đánh cá hoặc các tàu dịch vụ hậu cần vào đất liền chở nước ngọt ra mới có nước phục vụ sinh hoạt. Một số hộ dân khác ở dưới chân đảo thì làm nghề câu và kéo lưới. Cuộc sống chưa ổn định. Hôm nào trời yên biển lặng, được nhiều tôm cá thì tàm tạm, còn nếu không thì cũng gian nan. Nhìn chung, cuộc sống của hầu hết cư dân trên đảo còn vất vả, nếu không nói là còn bấp bênh. Trẻ con xóm đảo chỉ nô đùa dưới các tảng đá, gốc cây, không có không gian rộng rãi để vui chơi.

Còn cái sự học ở đây cũng bắt đầu bằng con số không. Những em nhỏ sinh ra và lớn lên chỉ quanh quẩn trên đảo, xung quanh là mênh mông sóng nước. Hầu như, những em sinh ra ở đây đều chẳng có khai sinh bởi vướng nhiều thủ tục rườm rà. Nhiều thanh niên thất học và nằm ngoài hộ khẩu cũng là điều bình thường trên hòn đảo này. Nếu muốn học tiểu học và THCS thì các em phải vào đảo lớn. Do đó cha mẹ các em đành để con mình thất học, ở nhà phụ việc gia đình hoặc ra khơi đánh bắt. Có lẽ người biết nhìn xa trông rộng nhất vẫn là chú Tư Hơn. Mặc dù gia cảnh hết sức khó khăn nhưng chú thím vẫn gắng gửi hai đứa con của mình vào đảo lớn để học. Anh Tấn, con trai lớn của chú đã tốt nghiệp cấp ba trong đất liền giờ nhập ngũ, hiện đang đóng quân ở tỉnh đội. Bé Út Quyên năm nay bắt đầu vào lớp chín. Cứ mỗi tuần nó lại về thăm nhà một lần. Con bé giống thím Tư như đúc.

Không ngờ ở đây lại khó khăn đến như vậy ư? Miền chột dạ. Liệu mình có trụ nổi ở đây không? Hay là về? Những ý nghĩ đầu tiên cứ xuất hiện, giằng xé trong Miền. Không được! Mình phải ở lại, phải ở lại đây bằng mọi giá. Miền ơi, hãy cố lên! Cố lên Miền nhé! Miền thầm tự nhủ với mình rồi cúi xuống xách túi đồ theo chân dì Sáu Mai về nhà dì ở tạm.

Việc đầu tiên của Miền sau khi làm quen với mọi người trong xóm cùng với cha con chú Tư Hơn (Tấn đang được về nghỉ phép, may quá!), Tám Nhỏ cùng mấy người nữa tranh thủ lúc họ chưa ra biển đi kiếm cây về dựng tạm một căn nhà nhỏ làm lớp học, bên cạnh có một gian nhỏ làm chỗ ở cho Miền. Bên phòng giáo dục huyện gửi qua chiếc bảng đen, mấy tấm tôn để lợp và quây xung quanh nhà. Vậy là thành lớp học. Ai cũng vui mừng.

Hai hôm sau, Miền hăm hở đến từng nhà vận động con em đến lớp. Đa số các gia đình đều háo hức, vui mừng vì từ nay con em họ thoát khỏi cảnh thất học. Chỉ có gia đình Bảy Thà là không đồng ý. Bảy Thà bị tai nạn khi đang lặn dưới đáy biển để kiếm sắt vụn khiến anh bị liệt nửa người phải nằm một chỗ. Thằng con lớn mười hai tuổi ngày ngày phải đi vào đảo lớn phụ má bán cá. Con Thư năm nay tám tuổi ở nhà nấu cơm và giúp ba má việc vặt. Khi nghe Miền đề cập đến vấn đề cho hai cháu đến lớp, Bảy Thà xua tay hùi hụi không đồng ý. Anh nói:

- Không có cái ăn mới chết chứ không biết chữ có ai chết đâu cô! Như tui nè, từ lúc mới sinh ra đến giờ có biết chữ đâu mà vẫn sống, chẳng qua là tui xui xẻo nên mới bị vầy thôi! Cô cứ để cho hai đứa ở nhà để phụ má nó, nhà tui sắp chết đói đến nơi rồi!

Mặc cho Miền ra sức giải thích, vận động, Bảy Thà vẫn khư khư “giữ vững lập trường”. Hôm sau Miền lại đến nhà, Bảy Thà nổi quạu la lối um xùm. Miền lặng lẽ quay về, miệng đắng ngắt. Chỉ thương con bé Thư cứ đứng thập thò sau tấm ván cửa nhìn Miền. Ánh mắt nó biểu lộ sự thèm khát, khẩn cầu. Miền thấy tội nghiệp nó vô cùng. Miền đi vào nhà chú Tư Hơn kể hết sự tình cho chú nghe. Chú chép miệng:

- Cái thằng đến lạ! Con cứ để chú biểu nó từ từ. Chắc là nó phải chịu thôi!

Miền hiểu, ở trên hòn đảo nhỏ này còn có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất thương tâm. Như mẹ con nhà chị Hồng chẳng hạn. Chú Tám Hơn kể:

- Nhà nó trước ở đất liền. Mãi ngoài Quảng Ngãi. Chồng nó đi biển gặp bão mất tích. Thằng con lớn đang học lớp ba đành phải bỏ dở giữa chừng. Hai đứa nữa thì còn nhỏ hà! Hồng nó nuôi mấy đứa con không nổi đành phải bán nhà, bồng túm nhau ra đảo sống nương nhờ bà con nơi đây!

Con sóng đập vào ghềnh đá tung lên trắng xóa. Chị Hồng ôm bé Nhiên vào lòng, nhìn ra đại dương bao la, buông tiếng thở dài quyện trong tiếng gió và sóng biển:

- Răng mà đời tui lại cực như ri hở trời?

*

Phải mất thêm vài buổi nữa, chú Tư Hơn, Miền (có cả sự góp lời của dì Sáu Mai nữa) mới đả thông được cái đầu của Bảy Thà. Vậy là thằng Hải, con Thư cuối cùng cũng được cha nó cho đi học. Chúng vui sướng nhảy cẫng lên làm Miền cũng xúc động rưng rưng. Vậy là danh sách lớp học đã được chốt lại ở con số hai mươi bảy. Miền góp chút tiền còn lại của mình cùng các gia đình vào đảo lớn mua sách vở, viết mực cho các em. Ngày “khai trường” có cả mấy thầy cô ở phòng giáo dục huyện đảo ra dự. Chú Tư Hơn hôm nay ăn vận đẹp hơn ngày thường trong vai trò xóm trưởng xăng xái chạy đi chạy lại chỉ trỏ các em giữ trật tự. Miền thấy các em hôm nay cũng lạ quá. Hằng ngày chúng chỉ vận mỗi quần xà lỏn, da đen nhẻm. Hôm nay đứa nào cũng xúng xính trong những bộ quần áo dài cho dù cũ kỹ nhưng cũng phần nào che được tấm thân gầy queo lầm lụi trong nắng và gió biển để cùng cha mẹ mưu sinh. Chú Tư Hơn gặp ai cũng vỗ đùi cười khà khà:

- Vậy là từ nay xóm ta có trường học rồi, mấy sắp nhỏ không phải lo thất học nữa. Hay quá héng!

Lần đầu tiên được đứng trên bục giảng, trước những ánh mắt ngơ ngác, lạ lẫm của các em học trò, Miền cảm thấy chộn lên một cảm giác lâng lâng khó tả. Vậy là từ nay Miền được thỏa mãn ước mơ của mình, cho dù ước mơ ấy đã phải trải qua biết bao sóng gió, buồn vui. Phải chăng đó là niềm hạnh phúc mà một người giáo viên như Miền không dễ gì có được? Miền bắt đầu bài giảng của mình bằng những câu chuyện kể về đất nước, về con người, về truyền thống của dân tộc Việt Nam. Miền say sưa giảng giải, uốn nắn cho các em từng nét chữ nguệch ngoạc, liêu xiêu. Trong ánh nắng chiều xiên qua khung cửa lớp học, bóng cô trò chụm đầu vào nhau bên những con chữ nhọc nhằn. Tiếng sóng biển, tiếng gió thổi ù ù hòa cùng tiếng đánh vần của các em thành một bản nhạc vượt ra ngoài hòn Ếch, vang vọng giữa biển khơi. Miền ước ao một ngày nào đó, có lẽ chẳng bao lâu nữa các em sẽ vào đảo lớn, vào đất liền để học tiếp chương trình phổ thông, cao đẳng, đại học. Hay cũng có em sẽ ở lại bám trụ nơi đây gắn bó với nghề biển. Các em sẽ là chủ nhân của cái hòn Ếch nhỏ nhoi hãy còn nghèo khó này. Miền chợt thấy hiện lên hình ảnh các em nhỏ với nụ cười rạng rỡ đang chạy tung tăng nô đùa cùng những con sóng. Thằng Hải, con Thư, thằng Lin, con Diễm, con Sương đang quây quần xung quanh Miền để nghe giảng bài. Các em là những học sinh giỏi của lớp, tiếp thu rất nhanh bài giảng của Miền. Mỗi khi có việc phải vào đảo lớn, Miền nhớ hòn Ếch vô cùng. Cô vội vàng thu xếp nhanh công việc để về với hòn Ếch, về với các em nhỏ thân thương của mình. Lúc này đây, Miền cảm thấy hạnh phúc vô cùng bởi hòn Ếch đã in trọn trong trái tim cô. Hòn Ếch đã trở thành quê hương thứ hai của Miền mất rồi...

*

Truyện ngắn - Mạnh Thường


Truyện ngắn - Mạnh Thường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]