(Baothanhhoa.vn) - Nhìn lại nhiệm kỳ 2016–2021, cho thấy HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh thông qua việc ban hành các nghị quyết. Các nghị quyết của HĐND tỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cử tri và những vấn đề cấp bách trên các lĩnh vực, tạo đòn bẩy cho sự phát triển đột phá ở các vùng miền và của cả tỉnh Thanh Hóa.

Tạo đòn bẩy cho sự phát triển

Nhìn lại nhiệm kỳ 2016–2021, cho thấy HĐND tỉnh đã phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của tỉnh thông qua việc ban hành các nghị quyết. Các nghị quyết của HĐND tỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời nguyện vọng của cử tri và những vấn đề cấp bách trên các lĩnh vực, tạo đòn bẩy cho sự phát triển đột phá ở các vùng miền và của cả tỉnh Thanh Hóa.

Tạo đòn bẩy cho sự phát triểnToàn cảnh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

5 năm qua, HĐND tỉnh đã thông qua 405 nghị quyết - đây là nhiệm kỳ HĐND tỉnh ban hành số lượng nghị quyết nhiều nhất từ trước đến nay. Việc kịp thời thể chế Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII ngay từ năm đầu của nhiệm kỳ đã tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND tỉnh.

Bằng sự trăn trở và quyết tâm đưa Thanh Hóa khai thác hiệu quả những lợi thế, cơ hội nổi trội để tăng tốc, bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tham vấn, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và các ban, bộ, ngành, chủ động mời tư vấn quốc tế để có quy hoạch chiến lược với tầm nhìn cho tương lai, nắm bắt sát sao tình hình thực tiễn để xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nguồn lực quan trọng, ban hành các chính sách kích cầu để tạo hành lang, môi trường thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển.

Trong đó, các chính sách về phát triển kinh tế được đặc biệt coi trọng. Trong 5 năm qua, HĐND tỉnh đã thông qua 223 nghị quyết về lĩnh vực kinh tế (trên tổng số 405 nghị quyết được ban hành); 113 nghị quyết về lĩnh vực xây dựng chính quyền và cải cách hành chính; về lĩnh vực văn hóa - xã hội có 23 nghị quyết; 6 nghị quyết về an ninh - quốc phòng; nhóm nghị quyết khác có 40 nghị quyết.

Qua những con số này, có thể thấy khối lượng công việc nặng nề mà các đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian qua đã thực hiện. Quy trình xây dựng nghị quyết của HĐND tỉnh đã được kế hoạch hóa thông qua chương trình xây dựng nghị quyết hằng năm và quan trọng hơn đó là nhiều nghị quyết đã được điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu của tình hình thực tế, trên cơ sở lắng nghe tiếng nói của cử tri, gắn chặt với thực tiễn, bằng sự tâm huyết của các đại biểu HĐND. Do đó, các nghị quyết khi được ban hành, đi vào thực tiễn đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong nhóm các nghị quyết về lĩnh vực kinh tế, ngoài các nghị quyết có tính chất thường niên về phát triển kinh tế - xã hội, thu - chi ngân sách, đầu tư phát triển; các nghị quyết về thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; các nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; quyết định chủ trương đầu tư các công trình văn hóa, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin..., phải kể đến 24 nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, nhiều nghị quyết đã phát huy tác dụng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: Cơ chế hỗ trợ xây dựng huyện nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container đi quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, Thanh Hóa...

Trong nhóm nghị quyết về lĩnh vực xây dựng chính quyền và cải cách hành chính, nổi bật là nghị quyết về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thanh Hóa, sau sắp xếp đã giảm được 76 đơn vị, từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 đơn vị. Nghị quyết về việc sáp nhập để thành lập thôn, bản, tổ dân phố, sau khi sắp xếp, từ 5.971 đơn vị còn lại 4.393, giảm 1.578 thôn, bản, tổ dân phố. Nghị quyết về việc tán thành chủ trương thành lập thị xã Nghi Sơn và thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa...

Trong nhóm nghị quyết về lĩnh vực văn hóa - xã hội, đáng chú ý là các nghị quyết, chính sách đã tạo đột phá như: Chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT chuyên Lam Sơn và các trường THPT trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ đối với học sinh năng khiếu thể dục, thể thao; chính sách xã hội hóa giáo dục mầm non; chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa... Đặc biệt là HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định tặng danh hiệu “Vì sự phát triển Thanh Hóa”; nghị quyết lấy năm 1029 là năm xuất hiện Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương; nghị quyết ban hành ngân hàng tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh.

Ông Lương Minh Thông, Chủ tịch HĐND huyện Mường Lát, cho rằng: “Hoạt động của HĐND ngày càng thể hiện rõ hiệu lực, hiệu quả, vì Nhân dân phục vụ và niềm tin của Nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương đã ngày càng được nâng lên, cái này rất rõ ở địa phương. Chúng tôi thấy những dấu ấn đáng ghi nhớ trong nhiệm kỳ qua là Thường trực HĐND tỉnh và các ban đã hoạt động rất năng động, linh hoạt, khoa học, hiệu quả, vận dụng luật định phù hợp với thực tiễn địa phương. HĐND tỉnh đã ban hành rất nhiều nghị quyết chủ trương đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông cho các huyện miền núi, nhất là các tuyến đường ở vùng cao, cơ bản đã bao phủ đường ô tô đến trung tâm xã; đầu tư hệ thống các đập, mương thủy lợi cho vùng cao, điều mà cử tri đã kiến nghị nhiều lần; rồi trụ sở nhà văn hóa, trạm y tế xã, hệ thống nước sạch, điện lưới... đã được đầu tư nhiều hơn, đây là sự quan tâm rất lớn của tỉnh, đáp ứng được sự mong đợi của cử tri”.

Đánh giá về tác động, hiệu quả của nghị quyết về chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút, đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, hướng tới thành lập Trường Đại học Y tại Thanh Hóa, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Phân hiệu Đại học Y tại Thanh Hóa, cho biết: “Chính sách đã có tác động rất lớn. Trong 5 năm hoạt động, phân hiệu đã tổ chức đào tạo thành công 2 mã ngành quan trọng nhất là bác sĩ và cử nhân điều dưỡng, hiện nay đã có gần 1.000 sinh viên đang theo học, sang năm sẽ có khóa đầu tiên tốt nghiệp bác sĩ đa khoa tại phân hiệu. Năm đầu tiên tuyển sinh vào phân hiệu, cách 4 điểm với Đại học Y Hà Nội mà tuyển sinh chỉ đạt 2/3 kế hoạch, nhưng năm vừa rồi sau 5 năm, khoảng cách chỉ còn có hơn 1 điểm và điểm vào phân hiệu nằm trong tốp 4 trường đại học y cao nhất của Việt Nam, vượt các tỉnh, thành phố khác”. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tú cũng cho biết thêm, tuy mới 5 năm, nhưng phân hiệu đã xây dựng bộ máy và con người, đã đào tạo hơn 80 bác sĩ nội trú, đây là nguồn lực vô cùng quý giá, ngoài TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không có tỉnh, thành nào có nguồn lực y tế chất lượng cao như Thanh Hóa. Đó là thành tựu, là nền tảng để Thanh Hóa phát triển y tế mũi nhọn và nâng cao. Ngoài ra cơ sở vật chất của phân hiệu cũng đã được xây dựng, thành hình hài của một trường đại học trong tương lai.

Ngoài ra, đáng chú ý trong nhiệm kỳ qua HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết tạo nền tảng cho Thanh Hóa có bước đi sớm, đi nhanh, nhằm tạo đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, xây dựng xã hội số - bắt kịp xu hướng phát triển của tương lai. Mặc dù phải xem xét, thông qua số lượng nghị quyết mang tính đồ sộ, khẩn trương, trong thời gian rất gấp gáp, nhưng các nghị quyết HĐND tỉnh ban hành đã được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền theo luật định. Nhiều nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và được Nhân dân đánh giá cao cho thấy Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những khó khăn bằng việc cải cách thể chế, góp phần ngày càng hoàn thiện thể chế, tạo nền tảng thuận lợi cho phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, là công cụ quản lý Nhà nước và xã hội, để nhân dân làm chủ, kiểm tra và giám sát quyền lực Nhà nước.

Đồng chí Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh khẳng định: HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh đã bám sát thực tiễn, thường xuyên gần gũi, gắn bó, liên hệ chặt chẽ với cử tri, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị chính đáng của cử tri để hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh. Và trên hết, sự ghi nhận, tin tưởng, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đó chính là những thành quả và niềm vinh dự lớn nhất đối với HĐND tỉnh và mỗi đại biểu HĐND tỉnh, để luôn luôn nỗ lực, luôn luôn cố gắng phục vụ vì lợi ích của Nhân dân.

Bài và ảnh: Việt Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]