(Baothanhhoa.vn) - Giữa lúc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Thanh Hóa đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thì ở chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ thất bại trong áp dụng “chiến tranh đặc biệt” và “cục bộ” đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm tin tất thắng

Giữa lúc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Thanh Hóa đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thì ở chiến trường miền Nam, quân đội Mỹ thất bại trong áp dụng “chiến tranh đặc biệt” và “cục bộ” đã điên cuồng thực hiện chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân và hải quân.

Niềm tin tất thắngCác nữ cựu dân quân phường Hàm Rồng năm xưa tình nguyện dọn vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan chùa Phạm Thông, làng cổ Đông Sơn.

Thanh Hóa trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược và cầu Hàm Rồng, đò Lèn, phà Ghép... là những “tọa độ lửa”, nơi diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt của bộ đội pháo binh chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ với giặc Mỹ có vũ khí tối tân hiện đại để bảo vệ đầu mối giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam và cách mạng Lào. Cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ kéo dài từ năm 1965 đến năm 1972, thương vong của quân đội và Nhân dân ta là rất lớn nhưng tinh thần và ý chí quật cường, kiên định, một lần nữa khẳng định không gì có thể chia cắt tình cảm Bắc – Nam, không gì thắng được lòng yêu nước, giải phóng dân tộc.

Trong chiến đấu, đã xuất hiện những tấm gương dũng cảm quên mình sáng chói lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong đó có đồng chí Bí thư Huyện ủy Tĩnh Gia đã ra tận bến phà Ghép tổ chức động viên chiến đấu; đồng chí Xuân Viết, chỉ huy trung đội dân quân xã Hải Châu chiến đấu quyết liệt bảo vệ phà Ghép; Đảng bộ và Nhân dân xã Quảng Trung, Quảng Chính (Quảng Xương) tổ chức lực lượng tham gia chiến đấu bảo vệ phà Ghép, bảo vệ xe pháo đang tiến về Hàm Rồng; tập thể Đại đội 4, Đại đội 17 pháo cao xạ 37, dân quân Nam Ngạn, Đội cầu 19-5, Nguyễn Bá Ngọc, Ngô Thị Tuyển, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Hằng; Bí thư Đảng bộ xã Hải Ninh (Tĩnh Gia) bị thương nặng tự mình băng bó vết thương và tiếp tục tham gia trận đánh; Phó Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Long bị bom vùi ngất, khi tỉnh dậy còn đào hầm cứu 4 em nhỏ... Đi đầu trong gian khổ hy sinh, chủ động, sáng tạo, dũng cảm trong tổ chức chỉ đạo chiến đấu và phục vụ chiến đấu và đặc biệt là niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ với cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của Mỹ là những nét nổi bật nhất của quân và dân Thanh Hóa góp phần vào thắng lợi chung của cả nước.

Nhớ về những ngày tháng ấy, nhà văn Lê Xuân Giang, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa, nguyên Chính trị viên phó Đại đội 4 có 10 năm trực tiếp chiến đấu, bảo vệ cầu Hàm Rồng trong suốt thời gian chống chiến tranh phá hoại của Mỹ cho biết: “Chúng tôi luôn có niềm tin vào Đảng, Bác Hồ lãnh đạo nên ra sức bảo vệ cầu Hàm Rồng vì biết rằng giao thông thông suốt sẽ chi viện cho chiến trường miền Nam nhiều hơn, ngày toàn thắng sẽ đến gần hơn. Nhiều trận đánh ác liệt, chiến sĩ bị thương nặng, nhưng tôi nhớ trận đánh ngày 18-4-1965, có anh chiến sĩ ở Khẩu đội 4 bị thương nặng ngất đi, khi tỉnh dậy vẫn hỏi “Cầu có bị gì không?”. Ở Đại đội 4, các chiến sĩ thường truyền nhau câu “Bị thương nặng không kêu ca/ Bị thương nhẹ không dời vị trí” để thể hiện sự quyết tâm rất lớn của bộ đội. Năm 1967, trong một trận đánh, có 5 chiến sĩ khẩu đội 4 đều hy sinh ngay trên mâm pháo. Hình ảnh các anh hy sinh đã thể hiện ý chí, dũng cảm chống giặc Mỹ đến cùng. Sau đó, tại các hầm pháo đều treo khẩu hiệu có dòng chữ “Thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục” đó là tinh thần chiến đấu chủ đạo của bộ đội ta chống Mỹ phá hoại”.

Đại tá Nguyễn Xuân Chuẩn, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3 Công an vũ trang Thanh Hóa, trực tiếp tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng, cho chúng tôi biết thêm: “Dù đơn vị đóng ngay ở vị trí nguy hiểm, nhưng tất cả chiến sĩ trong đơn vị vẫn thường xuyên bám trụ, làm tròn nhiệm vụ chống gián điệp (người nhái phá cầu bằng thủy lôi), vận động Nhân dân sơ tán và bảo đảm giao thông thông suốt... Ngoài lực lượng quân đội còn có rất nhiều dân quân làng Nam Ngạn (phường Nam Ngạn), làng cổ Đông Sơn (Hàm Rồng)... đã tình nguyện ra chiến trường đứng sau sẵn sàng bám trận địa cùng quân đội để thay thế pháo thủ chiến đấu khi bị thương, hy sinh. Tôi và đồng đội còn nghiên cứu địa hình, hướng đánh của địch để trận đánh hạn chế tổn thương cho ta mà vẫn bảo đảm mục tiêu bảo vệ cầu Hàm Rồng vững chắc”. Câu chuyện ông Chuẩn kể đã giúp chúng tôi hiểu thêm về cuộc chiến tranh Nhân dân, về tinh thần chiến đấu của Nhân dân hỗ trợ lực lượng quân đội làm nên chiến thắng mà chiến thắng đầu tiên là tinh thần quả cảm, niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, sức tàn phá của các loại vũ khí hiện đại đã làm cho các công trình, cơ sở sản xuất, trường học... của Nhân dân trong tỉnh hư hỏng nặng, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình yêu quê hương, đất nước và lòng kính yêu Bác, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vừa ra sức chiến đấu, vừa lao động sản xuất chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến với một tinh thần lạc quan. Ở các nơi khác trên địa bàn tỉnh, các cụ lão quân Hoằng Trường (Hoằng Hóa), nữ dân quân Hoa Lộc (Hậu Lộc), cùng nhiều lực lượng dân quân, tự vệ ở các địa phương khác cũng tích cực tham gia cùng bộ đội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, làm nức lòng quân dân cả nước.

Cuối năm 1971, Mỹ tiếp tục bắn phá cầu Hàm Rồng, ngay lập tức, Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thành lập Ủy ban phòng không các cấp và quyết định tăng cường lực lượng cho Ban cung cấp quốc phòng và cử đồng chí Trịnh Ngọc Bích (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh) làm Trưởng ban. Năm 1972, Mỹ đánh phá dữ dội hơn, chúng dùng máy bay B52 đánh Hàm Rồng, Sao Vàng vào ban đêm, gài thủy lôi, bom nổ chậm hòng phá cầu, tàu thuyền của ta, nhưng Tỉnh ủy, Ủy ban Hành chính (UBHC) tỉnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp với Ty Giao thông phá hủy thủy lôi, bom nổ chậm của Mỹ; dân quân tự vệ hiệp đồng với bộ đội các binh chủng chặn đánh địch mọi hướng, mọi nơi. Tháng 5-1972, Tỉnh ủy, UBHC tỉnh chỉ thị “Dù địch đánh phá ác liệt hay có thiên tai nặng, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa quyết tâm bảo đảm giao thông liên tục” trọng điểm là Quốc lộ 1A, 15A, 217 và các hợp điểm giao thông quan trọng”... Bám sát tinh thần chỉ đạo ấy, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, dân quân khắp các vùng miền trong tỉnh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh làm nhiệm vụ, Nhân dân địa phương kiên quyết đánh đài địch, không tiết lộ bí mật quân sự...

Niềm tin tất thắng

Đội pháo cao xạ bảo vệ vùng trời phía Bắc. Ảnh: tư liệu

Nhớ về những năm tháng hào hùng, ông Trần Đình Lăng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (91 tuổi) trò chuyện với chúng tôi với tâm trạng phấn khởi về tinh thần đoàn kết chiến đấu trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. “Những năm ấy, tôi làm phó Ban Công nghiệp Tỉnh ủy và là thành viên thường trực Ban trực chiến UBHC tỉnh. Máy bay Mỹ đánh bom bắn phá liên tục khắp các trọng điểm hòng cắt đứt giao thông, liên lạc của ta. Tỉnh ủy, UBHC tỉnh luôn túc trực và chia các đoàn chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả sau mỗi trận đánh. Những chuyến công tác kéo dài cả ngày, thậm chí vài ngày vì đường sá đi lại khó khăn, phương tiện không có, nhưng chúng tôi vẫn đến từng nơi chiến sự, vùng dân cư sơ tán ở Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), Hà Trung, Hoằng Hóa, thị xã Thanh Hóa... để động viên chiến sĩ, Nhân dân, giải quyết chính sách, quân lương... Đến những nơi đó, nhìn thấy cảnh hoang tàn đổ nát, người bị thương, hy sinh, chết chóc... tuy mất mát, đau thương nhưng người dân vẫn tin chúng tôi, tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ và quyết không bỏ làng, chỉ sơ tán người già, trẻ nhỏ. Rất nhiều phụ nữ, thanh niên, nam giới ở lại làm công tác hỗ trợ cáng thương, khắc phục hậu quả với tinh thần bền bỉ, quyết tâm cao”.

Mỗi giai đoạn lịch sử chiến thắng quân xâm lược là những chiến công hiển hách ghi đậm dấu ấn truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc. Chưa thời khắc gian khổ, ác liệt nào làm cho dân ta nhụt chí, mà ngược lại, càng gian khổ ác liệt, tình đoàn kết dân tộc càng cao. Điều đó đã làm nên chiến thắng Hàm Rồng ngày 13-4-1972 chứng tỏ: Dù đế quốc Mỹ liều lĩnh, tàn bạo đến mấy, vũ khí hiện đại đến mấy cũng bị quân và dân ta đánh bại.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]