(Baothanhhoa.vn) - Tháng 4-1941, Hội Phản đế Cứu quốc ở tổng Phi Lai(1) được thành lập. Chi hội làng Đắc Thắng(2) do tôi phụ trách gồm bốn đồng chí và các đồng chí là cảm tình Đảng. Qua mấy tháng hoạt động gây dựng phong trào, tinh thần được quán triệt: Phải chuẩn bị sẵn sàng lương thực, quần áo, khí giới để đi chiến khu. Chi hội tổ chức hội nghị kêu gọi người tham gia, vận động bà con giúp lương thực, nhu yếu phẩm. Sau ít hôm, làng tôi được mười đồng chí đi, cùng các đồng chí ở một số làng khác trong tổng. Làng tôi chuẩn bị được năm gánh lương thực, thực phẩm và một con bò (sẽ gửi sau).

Nhớ về Chiến khu Ngọc Trạo

Tháng 4-1941, Hội Phản đế Cứu quốc ở tổng Phi Lai(1) được thành lập. Chi hội làng Đắc Thắng(2) do tôi phụ trách gồm bốn đồng chí và các đồng chí là cảm tình Đảng. Qua mấy tháng hoạt động gây dựng phong trào, tinh thần được quán triệt: Phải chuẩn bị sẵn sàng lương thực, quần áo, khí giới để đi chiến khu. Chi hội tổ chức hội nghị kêu gọi người tham gia, vận động bà con giúp lương thực, nhu yếu phẩm. Sau ít hôm, làng tôi được mười đồng chí đi, cùng các đồng chí ở một số làng khác trong tổng. Làng tôi chuẩn bị được năm gánh lương thực, thực phẩm và một con bò (sẽ gửi sau).

Nhớ về Chiến khu Ngọc Trạo

Được lệnh cấp trên: 11 giờ đêm, ngày mùng 2-10 xuất phát. Tập trung tại hẻm núi Vườn Đương làng tôi. Đồng chí Sắt(3), người của ban chỉ huy chiến khu trực tiếp dẫn đường. Gần 4 giờ sáng ngày 3-10 tới địa điểm tập kết. Vào nghỉ trong nhà đồng bào. Đến 5 giờ, được lệnh di chuyển. Đi theo đường rừng, lối đi hẹp, rậm rạp. Khoảng hơn cây số thì tới chiến khu.

Tờ mờ sáng, trên khu đất dưới tán những cây cổ thụ, một đội quân chỉnh tề đang chờ đón. Chúng tôi dừng lại. Lệnh hô: Nghiêm! Tiếp theo: Chào! Trong đội quân trước mặt, hàng đứng đầu bồng súng, tiếp theo hàng vác mác lao, hàng vác kiếm, đến hàng dao phạng và dao năm. Lần đầu tiên tôi được nghe đồng loạt tiếng “quy lát súng” rốp rốp và tiếng tuốt kiếm roạt roạt oai nghiêm, nhất nhất theo lệnh trong khu rừng lặng lẽ sáng mùa thu.

Ban chỉ huy quán triệt về tình hình chung của chiến khu và dã tâm của thực dân. Du kích chiến khu phải: Tuyệt đối trung thành, tin tưởng đối với Đảng, xứng đáng là đội quân tiên phong. Xây dựng chiến khu vững chắc. Đoàn kết nhất trí, rèn luyện tư tưởng. Góp gió làm bão chờ thời cơ thuận lợi phá đồn, cướp súng, lấy lương thực để phát triển lực lượng. Đồng tâm quyết chí đánh đuổi bọn thực dân, bọn tham quan ô lại, bọn địa chủ cường hào gian ác. Cướp chính quyền, hoặc bức chúng phải trả lại chính quyền. Thành lập Ủy ban Cách mạng Vô sản lâm thời đem lại tự do, hạnh phúc cho toàn dân, toàn Đảng.

Chúng tôi được phân về các lán trại. Bữa cơm đầu tiên tại chiến khu, cơm với lá lốt, lá đu đủ luộc chấm muối. Buổi tối toàn đội tập trung, tiếp tục quán triệt: Nội quy chiến khu, hoạt động hàng ngày, công việc bố phòng, đọc tài liệu, sách báo. Bí mật quân luật. Quân sự là trọng tâm luyện tập. Các khoa mục côn quyền, khí giới đao, mác, kiếm, súng hỏa mai. Các chiến thuật “xuất quỷ nhập thần”; “chớp nhoáng đánh úp, đánh lén”; “cướp súng đạn”. Thảo luận việc đánh đồn lớn. Tập kích đồn điền Ngọc Trạo cướp lương thực khi có thời cơ.

Sau hơn một tuần luyện tập không ngừng, không nghỉ thì trời mưa to, lũ bão khủng khiếp. Trại lán đổ sụp. Đê tràn vỡ, nước đồng trắng băng. Đường giao thông đến chiến khu bị ngập lụt. Vận chuyển lương thực khó khăn. Vấn đề thiếu lương thực luôn luôn được đặt ra. Các đồng chí nữ phải cải trang theo bà con đi tìm kiếm củ, quả và rau rừng. Thực dân và bọn tay sai dựa vào mưa lũ, rình mò rất gắt gao. Trước tình thế đó, lệnh rời lán trại tập trung về làng. Ở tạm trong nhà đồng bào. Mưa gió suốt ngày đêm, không đi lại được, lương thực ngày càng thiếu thốn... Khoảng 4 giờ sáng ngày 19-10-1941, chúng tôi đang nằm ngủ bỗng nghe tiếng nổ đoành đoành liên tiếp... Đồng chí đội trưởng thốt lên: Nguy rồi! Bọn địch đánh úp chúng ta rồi, tất cả sẵn sàng. Toàn đội nhanh chóng tập trung. Súng vẫn cứ nổ liên hồi, có cả tiếng hỏa mai. Sau khi thăm dò tin tức, đồng chí đội trưởng cho biết là tiểu đội khu đình Ngọc Trạo đã bị tấn công. Ta đang chống trả giáp lá cà rất quyết liệt. Các đồng chí phải bố phòng chiến đấu, sẵn sàng tiếp viện cho đồng đội.

Khi không còn tiếng súng, được lệnh các tiểu đội trưởng tập trung. Tôi và đồng chí tiểu đội trưởng vội vã đến nhà ban chỉ huy. Tại đây, đồng chí Tuệ(4) và một số đồng chí khác đang ngồi cạnh đồng chí Hinh bị thương, thân mình mặt mũi đầy máu. Đồng chí Tuệ tay cầm mấy vuông vải băng nói:

- Bọn địch đã bất ngờ tấn công tiểu đội ở đình, anh em chống trả kiên cường, đánh bật, đẩy lùi được tấn công của địch, đồng chí Hinh bị thương nặng, một số đồng chí đã hy sinh, đồng chí Vịnh bị gãy tay, còn mấy đồng chí nữa bị bắt hay bị lạc chưa rõ. Các tiểu đội kiểm tra lại quân số, chờ lệnh. Chúng ta sẽ chuyển đi nơi khác. Đồng chí Hinh chắc khó qua... Đồng chí nào xung phong, bốn đồng chí ở lại cùng đồng chí Hinh rồi sẽ đi sau.

Tôi thấy Hinh mặt mũi, ngực bụng áo đẫm máu, dưới gò má bên phải và bụng đều bị thương, miệng lắp bắp yếu ớt:

- Tôi không thể sống! Chúc các đồng chí, với tinh thần dũng cảm, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để trả thù cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân... Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Nguyễn Ái Quốc muôn năm!

Nhìn Vịnh bị gãy cánh tay trái, máu chảy nhiều, tôi hỏi:

- Anh Vịnh, còn bị thương đâu nữa không?

Vịnh nói: Còn vết thương ở cổ, vai và lưng, đạn đi qua toác thịt nhức buốt quá!

Có lệnh chuyển quân, tôi về ngay tiểu đội. Nhận phần lương khô, mỗi người một nắm bằng quả cam, mật ong thú với bột khoai, sắn.

Chúng tôi theo đường rừng về phía Bắc chiến khu. Tới nơi khoảng 11 giờ. Họp gấp. Đồng chí Tuệ nêu lý do chiến khu bị tấn công, rút ra một số kinh nghiệm. Về phía địch sau khi chiến khu bị vỡ, chúng sẽ ráo riết truy lùng, nhiệm vụ của chúng ta ra sao... Mặc dù phải rút quân và sẽ bị khủng bố, nhưng mỗi đồng chí phải tuân thủ tuyệt đối quân lệnh, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Các đội chờ lệnh tập trung, sẵn sàng mở đường máu chuyển đi nơi khác.

Đúng 6 giờ tối xuất phát chuyển quân qua làng Cổ Tế(5). Làng này canh gác cẩn mật, mé ngoài cổng gác, mấy hàng rào tre rấp kín không thể nào đi qua được. Đồng chí chỉ huy ra lệnh kéo cờ, băng, khí giới lên cho anh em canh gác biết. Chúng tôi là quân cách mạng qua đây, hãy để chúng tôi đi. Sau mấy phút trao đổi, người vác đóm, người dỡ rào, mở cổng rồi nghiêm trang đứng hai bên đường. Lệnh hô: Tiến! Chúng tôi tiến với khí giới nghiêm trang. Lệnh hô đứng lại. Đồng chí chỉ huy nói:

- Đạo quân cách mạng tiên phong của Đảng đi qua đây với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp và tay sai để nước nhà được độc lập, thoát khỏi ách nô lệ đem lại tự do, cơm áo cho toàn dân. Sau khi chúng tôi đi qua đề nghị giữ bí mật. Nếu ai đó manh tâm tiết lộ quân cơ với địch, kẻ ấy phạm đường lối của cách mạng, phải chịu trừng trị nghiêm minh. Liền theo là tiếng hô chào và tiến.

Qua khỏi làng này, rẽ xuống cánh đồng cỏ lác, năn mọc đầy. Con đường nước lụt lội lọp chọp. Hết đường, phải lội qua cánh đồng, gặp chỗ sâu lút ngang bụng tôi đứng lại, từng chị bíu lấy tay tôi. Các chị ngã uồm uồm... lại xúm nhau nâng dậy. Đi đến bờ sông, gặp cây đa. Tạm nghỉ, chờ độ nửa giờ có thuyền nan chở qua sông Bưởi. Thuyền của các đồng chí làng Bưởi hỗ trợ. Nước sông ngập bờ chảy như ngựa chạy. Sang đến đất Vĩnh Lộc, đi theo cánh bãi dọc bờ sông, phù sa lầy lội rất vất vả. Mọi người đều quá mệt. Tới quả đồi, cây mọc um tùm, tập trung vào gốc cây nghỉ. Có hai đồng chí (người địa phương này cùng ở chiến khu về) báo cáo: Anh em sẵn sàng dẫn đường. Theo sự hướng dẫn của họ, chúng tôi đến ngôi chùa ở quả đồi có rất nhiều cây cổ thụ. Hai đồng chí bảo:

- Anh chị em mở cửa chùa ra, nằm tựa vào các bệ mà nghỉ. Đóng cửa kín lại, đừng chốt chặt!

Chúng tôi vào, xếp đồ đạc, phân công canh gác xong tiếng gà canh nhất xôn xao gáy. Ngôi chùa ở xa làng, gần đường đi làm. Chùa không có người, mùi ẩm mốc. Chập choạng tối, hai đồng chí người địa phương đem cơm với thịt lợn trộn lẫn muối. Ăn xong, chúng tôi chuyển lên rìa núi, liền khu rừng. Ngày hôm sau vẫn ẩn trú ở đó. Rồi lại chuyển về nơi chùa cũ. Cơm chiều vừa xong, được lệnh: Các đồng chí sẵn sàng mở đường máu để về khu mới. Khoảng nửa giờ sau, mỗi đồng chí được nhận một vốc gạo rang và 2 quả chuối ngự để dự trữ ăn khi di chuyển. Chúng tôi tập trung nơi bãi vắng, chờ một lúc, lại có lệnh: Việc mở đường máu về khu mới phải dừng lại vì nước sông chảy quá xiết, thuyền nan không thể vượt sông. Dễ bị sa lưới, kẻ địch đang mai phục rất nguy hiểm, không thể bảo toàn lực lượng...

Trước tình thế đó, ban chỉ huy thống nhất: Nếu cứ tập trung tất cả, việc đi lại sẽ bị địch phát hiện, huy động lực lượng vây bắt ngay. Ban chỉ huy quyết định phân tán thành từng nhóm đi lẻ tẻ về các thôn, làng để tránh sa bẫy bọn địch... Mọi người tổ chức thành từng nhóm và rời khu vực Cẩm Bào (6) tìm cách thoát khỏi vòng vây ngay trong đêm 24-10-1941.

(1). Tên tổng thuộc huyện Hà Trung.

(2). Làng thuộc xã Hà Lâm (cũ), huyện Hà Trung.

(3). Bí danh của đồng chí Đặng Văn Hỷ.

(4). Đồng chí Đặng Châu Tuệ - Chỉ huy trưởng Chiến khu Ngọc Trạo

(5). Tên làng thuộc huyện Thạch Thành.

(6). Tên làng thuộc huyện Vĩnh Lộc.

(Lược ghi theo hồi ức của ông Đường Văn Thông - chiến sĩ Ngọc Trạo, cựu tù chính trị Ban Mê Thuột, lão thành cách mạng)

VŨ QUANG TRẠCH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]