(Baothanhhoa.vn) - Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhất là chị em phụ nữ. Song, từ Đề án 939, nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ ra đời, không chỉ giúp chị em mạnh dạn, mà còn là cơ sở để họ bắt tay vào khởi nghiệp, tự tin hơn.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 3): Để những ý tưởng có thể khởi nghiệp

Khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ, nhất là chị em phụ nữ. Song, từ Đề án 939, nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ ra đời, không chỉ giúp chị em mạnh dạn, mà còn là cơ sở để họ bắt tay vào khởi nghiệp, tự tin hơn.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 3): Để những ý tưởng có thể khởi nghiệpThông qua những chương trình tập huấn, chị em phụ nữ đã được tiếp thêm sức mạnh để bước vào hành trình khởi nghiệp.

Tôi còn nhờ rất rõ câu chuyện của chị Phạm Thị Mỳ, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Mỳ Quảng, thôn Phú Hưng, xã Thiệu Long (Thiệu Hóa). Vì quá vất vả, kiếm tiền nuôi 2 đứa con gái ăn học, mà chị quyết định học nghề, rồi vay 60 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện để giải quyết việc làm và từ đó tổ chức lực lượng lao động. Đến nay, doanh nghiệp của chị đã giúp hơn 800 người lao động duy trì việc làm thường xuyên. Sản phẩm của doanh nghiệp đã theo những đơn hàng đến với thị trường Nhật Bản và một số nước châu Âu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp phụ nữ địa phương không phải đi làm ăn xa, có điều kiện cải thiện cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. “Gần 18 năm trước mà chị đã táo bạo và liều lĩnh thế đấy. Trên hành trình chuyển đổi nghề và tìm kiếm thị trường, nếu không có mạo hiểm thì sẽ không có thành công”, chị Mỳ chia sẻ.

Chỉ có sự mạnh dạn mới có thể dẫn dắt phụ nữ thay đổi. Đó cũng là ý kiến của các tất cả các chị em khi quyết định làm kinh tế và khởi nghiệp. Tuy nhiên, để biến thành động lực khiến chị em bắt tay vào khởi nghiệp, hơn hết là sự hỗ trợ của các cấp hội phụ nữ.

Xác định dạy nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập là một trong những điều kiện để phụ nữ nông thôn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, hằng năm, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ngành, tranh thủ các nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hội viên.

Ở Thiệu Nguyên, không ai nghĩ nghề làm lông mi giả, tóc giả lại có thể đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho chị em phụ nữ. Kể lại những ngày đầu, chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Thiệu Nguyên không thể quên việc đi lên Thường Xuân để học nghề rồi về dạy lại cho chị em. Đi học khá xa, nhưng vì bản thân say mê hoạt động công tác hội, chị tranh thủ thu xếp công việc gia đình để tập trung học nghề, sau đó nhận nguyên liệu về làm, rồi hướng dẫn cho một số chị em cùng làm. Chị tham mưu với thường trực đảng ủy xã và ban thường vụ hội LHPN huyện xây dựng phương án dạy nghề và nhận được sự ủng hộ. Sau đó, tổ liên kết sản xuất lông mi giả được thành lập, ban đầu với 10 thành viên là hội viên phụ nữ, đến nay đã có 60 thành viên tham gia. Các chị em tham gia sản xuất lông mi giả tranh thủ làm nghề lúc nông nhàn, vừa có điều kiện chăm sóc gia đình, thu nhập từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng. Khi nghề làm lông mi giả thu nhập giảm, chị lại đi học thêm nghề làm tóc giả. “Ở xã Thiệu Nguyên, với vai trò của các cấp hội phụ nữ, việc đào tạo nghề đã hỗ trợ chị em rất nhiều. Từ năm 2018 đến nay, hội LHPN xã đã mở gần 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng lúa năng suất, hiệu quả cao, cách sử dụng phân bón, kỹ thuật về trồng cây ớt xuất khẩu và trồng cây khoai tây cho 600 lượt phụ nữ; 6 lớp tư vấn xuất khẩu lao động cho 385 cán bộ, hội viên... Có vốn và kiến thức, nhiều gia đình hội viên đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao”.

Trên địa bàn toàn tỉnh, tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp hội phụ nữ đã phối hợp đào tạo nghề cho trên 10 nghìn hội viên. Sau học nghề, từ 80% trở lên được giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm có thu nhập ổn định. Việc phát triển nghề cũng đã khuyến khích phụ nữ nông thôn lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo việc làm cho nhiều hội viên khác. Trong đó, không ít người từ học nghề đã vươn lên làm chủ. Điển hình như chị Lê Thị Hằng, ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa. Từ chỗ chỉ học nghề, làm nghề mây tre đan, chị đã thành lập doanh nghiêp, tổ chức làm nghề và thu mua sản phẩm cho hội viên. Hiện nay, mỗi ngày doanh nghiệp của chị thu mua trên 5.000 sản phẩm thủ công mây tre đan các loại, tạo việc làm cho hàng trăm hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện.

Cùng với việc đào tạo nghề, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa còn đẩy mạnh hỗ trợ hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, phát triển kinh tế tập thể. Hỗ trợ ở đây cụ thể là cho vay vốn để xây dựng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản.

Tam Thanh là xã có số lượng bò được nuôi lớn nhất trên địa bàn huyện Quan Sơn là 768 con. Trong đó, có 2 tổ hợp tác (THT) do Hội LHPN tỉnh đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế do phụ nữ quản lý. Từ 20 con bò giống ban đầu trị giá 290 triệu được Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho 20 hội viên bản Pa, Cha Lung vay không tính lãi năm 2018, đến nay THT chăn nuôi bò sinh sản bản Pa, Cha Lung đã có 86 con bò. Còn THT chăn nuôi bò sinh sản Thành Công thì từ tổng vốn đầu tư ban đầu là 356 triệu đồng do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho 10 hội viên hộ nghèo, mỗi hộ 10 triệu đồng và 32 hộ cận nghèo, mỗi hộ 8 triệu đồng. Nhờ có tiền hỗ trợ đó, các hội viên đã mua được 44 con bò giống, đến nay sau nhiều đợt dịch, số lượng bò hiện là 44 con. Đánh giá về hiệu quả của mô hình, chị Vi Thị Trọng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quan Sơn, cho biết: Bước đầu các THT đã giúp hội viên gắn bó, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, thành viên của các THT là đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, trình độ nhận thức còn hạn chế, chưa xóa bỏ được thói quen chăn nuôi, sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi chưa nhiều nên khả năng mở đàn chưa cao. Đây là điều chúng tôi rất trăn trở. Có lẽ vẫn cần phải tiếp tục tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới”.

Qua 7 năm triển khai thực hiện Đề án 939, Hội LHPN huyện Nông Cống đã chỉ đạo thành lập được 5 HTX tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động, thu nhập từ 2,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng; 2 HTX dịch vụ và sản xuất rau củ quả an toàn xã Vạn Thắng và HTX dịch vụ ươm giống cây lâm nghiệp xã Thăng Long tạo việc làm cho gần 80 lao động, 2 THT tạo việc làm cho 30 lao động, các HTX và THT đều do phụ nữ làm chủ. Các HTX, THT ra mắt đều được Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN huyện hỗ trợ xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận, hỗ trợ các lớp đào tạo nghề, con giống, cây giống, phân bón, đấu mối với các tổ chức, các ngân hàng để vay vốn phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đến nay có hơn 8.000 người vay với số tiền trên 645 tỷ đồng.

Chia sẻ về những khó khăn khi phụ nữ khởi nghiệp, chị Lê Thị Tâm, Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Giang (Nông Cống) cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Hiện tại hội viên chỉ được vay vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa là 100 triệu đồng. Thực tế để khởi nghiệp bền vững, hội viên cần nguồn vốn lớn hơn nhiều. Ngoài ra, để tạo thêm nhiều việc làm cho hội viên, nhất là ở khu vực nông thôn, theo tôi khi mô hình đã đi vào hoạt động phát triển có hiệu quả thì các cấp hội phụ nữ cũng nên tiếp tục có chính sách hỗ trợ. Bên cạnh đó, để các mô hình được lan rộng, hàng năm hoặc mỗi giai đoạn nên có những chương trình học tập trao đổi kinh nghiệm, không chỉ giúp hội viên có điều kiện tiếp thu kiến thức mới, trao đổi, tạo thêm công ăn việc làm cho hội viên mà còn tiếp thêm năng lượng để họ học hỏi, vươn lên phát triển kinh tế”.

Hành trình từ làm chủ cuộc sống đến vươn lên khởi nghiệp, chưa bao giờ là dễ, nhất là với chị em phụ nữ. Tuy nhiên, nhờ có những chương trình đề án như Đề án 939, các cuộc thi ý tưởng sản phẩm khởi nghiệp, ngày phụ nữ sáng tạo, đã giúp chị em nâng cao năng lực, hiện thực hóa ý tưởng thành những sản phẩm khởi nghiệp mang lại hiệu quả cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]