(Baothanhhoa.vn) - Đề án 939 đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, tiếp sức cho nhiều mô hình ra đời, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, có những mô hình không chỉ tạo việc làm cho người trẻ mà cả người già, thúc đẩy tinh thần “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 2): Câu chuyện về những mô hình

Đề án 939 đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ trong phát triển kinh tế, tiếp sức cho nhiều mô hình ra đời, phát huy hiệu quả. Đặc biệt, có những mô hình không chỉ tạo việc làm cho người trẻ mà cả người già, thúc đẩy tinh thần “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp - nhìn từ Đề án 939 (Bài 2): Câu chuyện về những mô hìnhMô hình dưa Kim Hoàng Hậu của HTX dịch vụ và sản xuất nông sản an toàn Nga Hải (Nga Sơn).

1. Chúng tôi về xã Hoàng Giang (Nông Cống), với Đề án 939, tuy xã mới thực hiện được 1 mô hình nhưng rất mừng, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động. Đấy là cơ sở sản xuất tháp ly miền Bắc - Giáp Thủy.

Chủ cơ sở này là chị Nguyễn Thị Thủy, 35 tuổi. Nói về cuộc hành trình với tháp ly, có thể xem đó là câu chuyện khá thú vị. 10 năm về trước, vợ chồng chị Thủy làm nghề phục vụ đám cưới, cho thuê phông rạp, làm hoa... Tình cờ trong một lần ra chợ Vườn Hoa (TP Thanh Hóa) lấy hàng, chị Thủy đã nhìn thấy một tháp ly rót rượu. Nhớ lại cái buổi đầu “định mệnh” ấy, đến giờ khiến chị vẫn ngẩn ngơ. “Cái tháp ly đấy vừa lạ vừa đẹp, mê hoặc tôi ngay”. Chị kể thêm: “Nhưng thực tế, giá của nó rất cao. Tôi nghĩ thoáng trong đầu, cái này mình có thể làm được và giá chắc chắn sẽ rẻ hơn. Tôi về bàn với chồng. Vui là chồng hưởng ứng, đồng tình. Hai vợ chồng tự mày mò, sáng tạo để làm tháp ly và không ngờ đã mang đến cho chúng tôi quả ngọt”.

Thực tế, để bắt tay với tháp ly, một sản phẩm độc đáo lúc bấy giờ, đòi hỏi sự khéo léo, thông minh và không thể thiếu sự bản lĩnh, kiên trì. Với Thủy, một người trẻ tuổi lại càng muốn khám phá và bứt phá, khó mấy cũng phải làm. “Máu” nghề sẵn có, lại liên quan đến mặt hàng phục vụ cho ngày cưới thì đấy cũng được xem là cơ hội để Thủy thử sức. Tháp ly đầu tiên ra đời, chị đã mang sản phẩm đi bán thử tại chính nơi mà chị đã “gặp gỡ” lần đầu với tháp ly, đó là chợ Vườn Hoa. Bất ngờ, sản phẩm được một chủ cửa hàng ưng ngay, ưng cả về mẫu và giá. Sản phẩm được ưa chuộng, thị trường ngày càng mở rộng ở tất cả các địa phương trong tỉnh. Năm 2015, sản phẩm vươn ra các tỉnh, thành trong nước thông qua các kênh bán hàng trên mạng xã hội. Hiện, trung bình 1 tháng cơ sở xuất ra thị trường khoảng 1.000 sản phẩm. Hàng chục lao động đang làm việc cho cơ sở của chị với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Trong cuộc hành trình này, như Thủy chia sẻ, ngoài sự bản lĩnh, đúng hơn là liều lĩnh, cái đầu nhạy bén và tư duy, thì có một thứ không thể thiếu đó là vốn. Chị cho biết: “Sản xuất tháp ly và một số sản phẩm phục vụ cho đám cưới, nguồn vốn đầu tư không phải ít. Triển khai, thực hiện Đề án 939, Hội LHPN xã Hoàng Giang đã giúp tôi tiếp cận được nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, góp phần tạo điều kiện cho cơ sở phát triển sản xuất”.

Mở rộng xưởng sản xuất, từ 1 xưởng lên 2 xưởng với tổng diện tích 400m2. Để bắt nhịp thị trường, Thủy liên tục thay đổi mẫu mã sản phẩm, có thể kể đến tháp thiên nga, tháp xoay, tháp tim cầu, tháp tam giác... 10 năm làm kinh doanh, nhìn lại, với chị, chưa một lần thất bại đúng như lời của Chủ tịch Hội LHPN xã Hoàng Giang là bà Lê Thị Tâm khẳng định về mô hình: “Đây là một mô hình đang rất thành công. Từ mô hình này, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tạo điều kiện giúp chị em tiếp cận các nguồn vốn, tranh thủ chương trình, đề án đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để chị em hình thành, phát triển ý tưởng, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả”.

2.Sự ra đời của Đề án 939, đã khơi dậy tinh thần, sức mạnh nội lực của phụ nữ, có tác động tích cực trong việc khuyến khích phụ nữ vươn lên, giúp mang lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình. Trong số đó, có những phụ nữ dù tuổi cao nhưng vẫn hăng hái tham gia các mô hình. Bởi ngoài thu nhập, điều mà họ hướng đến: làm việc đồng nghĩa với vận động, nâng cao sức khỏe.

Về xã Nga Hải (Nga Sơn), thực hiện Đề án 939, vào năm 2019, hội LHPN xã đã cho ra đời 2 mô hình: tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ và HTX dịch vụ và sản xuất nông sản an toàn. Cả 2 mô hình có 110 thành viên tham gia. Đến nay, cả 2 mô hình này đều cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ổn định về thu nhập cho các thành viên. Trong số 110 thành viên này, có người đã trên 70 tuổi.

Theo chân tổ trưởng tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ, chị Mai Thị Hiển dẫn chúng tôi đến nhà bà Mai Thị Đào (72 tuổi) ở thôn Đông Sơn. Cũng như mọi ngày, buổi sáng nay, bà Đào lại cặm cụi ngồi đan hộp đựng đồ. 4 năm gắn bó với nghề, đã mang lại cho bà sự khéo léo của đôi tay và như lời bà chia sẻ thì đầu óc cũng minh mẫn hơn vì nếu không cẩn thận, không minh mẫn, không kiên trì thì khó theo được nghề. “Thời kỳ đầu, khi bắt tay với nghề này, tôi vụng về lắm”. Bà Đào chậm rãi kể. “Ngay hôm đầu tiên, tôi làm được 2 cái hộp nhưng phải tháo ra vì đan không đúng. Nhưng tôi vẫn kiên trì. Không nghĩ đến việc bỏ nghề đâu. Giờ thì trung bình mỗi tháng có thu nhập khoảng 3 - 3,5 triệu đồng từ nghề này. Tuổi trẻ có thể làm gấp đôi nhưng tuổi già làm được vậy, vui lắm rồi”.

Theo chia sẻ của chị Mai Thị Hiển, tổ trưởng tổ hợp tác thủ công mỹ nghệ, thời gian đầu, rất khó khăn trong công tác tuyên truyền vì phần lớn chưa biết nên ngại nghề. Chị nhớ lại: “Vì ngại nghề nên có chị em không thể theo nghề. Nhưng cho đến lúc này, có thể khẳng định, Đề án 939 đã và đang tạo động lực lớn, nâng cao thu nhập cho chị em, góp phần ổn định kinh tế trong gia đình”.

Còn ở HTX dịch vụ và sản xuất nông sản an toàn Nga Hải, sau khi được thành lập theo Đề án 939, HTX này cũng đã cho ra đời mô hình nhà màng, nhà lưới. Mô hình với tổng diện tích trên 50.000m2, cho năng suất 2,5 tấn/1.000m2. Nhiều thành viên tiêu biểu của mô hình có thể kể đến hộ chị Sáu với 3.000m2 nhà lưới, bà Cương 1.000m2...

Với 1.000m2 trồng dưa Kim Hoàng Hậu của hộ bà Mai Thị Cương ở thôn Hải Tiến thì đây cũng là câu chuyện về người cao tuổi tham gia... khởi nghiệp. 2 năm về trước, khi đấy bà Cương 59 tuổi, là thành viên của HTX dịch vụ và sản xuất nông sản an toàn Nga Hải. Trước đó, khi về nghỉ chế độ, hai vợ chồng bà trồng trọt trên mảnh vườn nhà. Trên mảnh vườn đấy, ông bà trồng lạc nhưng không thành công vì đất không phù hợp. Sau khi tham gia mô hình nhà màng, nhà lưới, gia đình bà đã thay đất mới để trồng dưa Kim Hoàng Hậu. Đến nay, đã qua 6 vụ dưa, mỗi vụ cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng, bà phấn chấn kể: “Vợ chồng đều có lương nhưng có đất mà để hoang thì rất phí và bản thân chúng tôi cũng muốn vận động, nâng cao sức khỏe nên quyết định gia nhập HTX. Gia đình được hỗ trợ vay vốn, được hướng dẫn kỹ thuật, nói chung đến giờ thấy mô hình rất hiệu quả”.

Nâng cao quyền chủ động về kinh tế của phụ nữ, mà ở đó có thể bắt đầu bằng những sự khó và Đề án 939, thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực. Qua câu chuyện của chị Thủy hay bà Đào, bà Cương cho thấy đề án đã tạo cú hích, phát huy tinh thần tự làm chủ bản thân của phụ nữ trong phát triển kinh tế.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]