(Baothanhhoa.vn) - Quỳnh ngao ngán nhìn những tia nắng chói chang đang cố tình xuyên thủng những tán lá mít dày, cứ như chúng chỉ trực đợi cô sơ hở là đột kích hắt lên mặt lên người cô như táp lửa, nhằm nhuộm cho nám đen nước da một thuở ngọc ngà của Quỳnh. Khoảng sân nhà Quỳnh hôm nay như rộng ra, chạy nhanh thế mà nắng vẫn tràn qua vai cô xuống đầy hai bắp tay. Đúng là khó có vận tốc nào nhanh được bằng vận tốc của ánh sáng, cô đã không nhớ ra bài học vật lý ngày nào thầy dạy, còn cố tình chạy đua với nắng, dù chỉ một phút, chắc là da cũng đã bị đen đi ít nhiều.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuôm ấu quê

Quỳnh ngao ngán nhìn những tia nắng chói chang đang cố tình xuyên thủng những tán lá mít dày, cứ như chúng chỉ trực đợi cô sơ hở là đột kích hắt lên mặt lên người cô như táp lửa, nhằm nhuộm cho nám đen nước da một thuở ngọc ngà của Quỳnh. Khoảng sân nhà Quỳnh hôm nay như rộng ra, chạy nhanh thế mà nắng vẫn tràn qua vai cô xuống đầy hai bắp tay. Đúng là khó có vận tốc nào nhanh được bằng vận tốc của ánh sáng, cô đã không nhớ ra bài học vật lý ngày nào thầy dạy, còn cố tình chạy đua với nắng, dù chỉ một phút, chắc là da cũng đã bị đen đi ít nhiều.

- Sao mà chạy như có ma đuổi thế?

Mẹ cô ngó ra, nhìn cô đầy ngạc nhiên:

- Trông con kìa. Ngày xưa ở nhà có súng bắn đến đít cũng không thấy mày chạy cơ mà?

Bà cụ vẫn nhai trầu bỏm bẻm.

- À, con sợ nồi canh trên bếp trào ra nên chạy cho nhanh.

Quỳnh cúi xuống nhặt rau, giấu đi vẻ mặt nói dối không quen của mình. Nhưng không may cho cô, thằng Muỗm đang ở trong phòng chạy xồ ra, đính chính cho lời nói chưa đầy đủ của dì với giọng hào hứng:

- Chắc dì sợ đen đi ấy bà ạ. Cả nhà mỗi dì là công chúa nên giữ da lắm! Y như công chúa ủ trong áo bông mùa hè.

- Ngày xưa dì con còn bị ăn đòn vì cái tội đi ra đồng không đội nón gì cả cơ mà. Con còn nhớ chuyện ăn ấu ở sông đồng Bún không? Những củ ấu ngon mát dưới nắng, dưới nước của ông Đỗ cho ấy.

- Con nhớ. Ấu ngày xưa ăn sao mà ngon thế. Ấu trồng dại nắng ngọt nên củ mới đen phải không u?

- Vỏ đen nhưng trong trắng, vừa ngọt, vừa mát, vừa bùi.

Nghe mẹ nói, Quỳnh nhớ có lần mải đuổi châu chấu ngoài đồng còn rơi tõm xuống sông, giỏ bị bật nắp, châu chấu bay tứ tung, cái Thoa, thằng Bình thương Quỳnh về trưa chẳng có cái gì ăn, chúng bảo nhau mỗi đứa sẻ cho Quỳnh một ít châu chấu. Ngày xưa đúng là tung tẩy như nắng, chạy hết đồng nọ đến sông kia, chỉ với chiếc quần đùi, áo cộc, hôm nhớ thì đội mũ còn quên thì thôi.

- Hồi tết, u anh Bình ốm, u đến thăm thì gặp anh Bình về chơi. Gớm, các anh các chị ra phố trông khác lắm, anh ấy không giới thiệu thì u cũng chẳng nhận ra.

- Bình thế nào, u?

- Ông bà Trung khoe rằng anh ấy giỏi lắm, đi du học tận bên Tây về. Gớm, mỗi lần về quê cho bố mẹ toàn tiền đô.

- Tay Bình này được nhỉ?

- Có phải chú Bình đi bắt châu chấu, bắt muỗm rất giỏi mà dì vẫn kể không?

Thằng Muỗm thắc mắc.

- Chẳng chú ấy thì còn ai.

- Mà hôm nay, dì cho con ra đồng chơi đi. Con xem con muỗm nó thế nào chứ? Con còn muốn biết mấy con niềng niễng, con gọng vó, con cá cờ, cá sít nữa...

- Suốt ngày bắt làm bài. Con làm xong là dì phải cho con đi ngay đấy. Bạn Gà đã rủ con rồi.

Nhặt xong mớ rau vừa may không thấy có ánh nắng nào, Quỳnh chạy vội ra vứt rác. Tiếng con Đốm kêu hoắng lên. Trước cổng, thập thò một cái nón mê, cô chạy ra thì gặp ông Đỗ. Ông già trông trạm bơm ở đồng Bún ngày trước.

Đồng Bún trũng thấp, nhấp nhô đầy những ngôi mộ vuông, mộ tròn từ xa xưa. Nơi đây là vương quốc của các loài cua, cá, cũng là điểm hẹn của bọn Quỳnh nếu muốn đầy giỏ. Con sông dẫn nước vào trạm bơm là cái nôi hút cá. Có một khúc sông nhỏ lõm sâu vào cánh đồng, thành chuôm. Ông Đỗ đắp bờ, giăng lưới quây ở đầu trên để thả củ ấu, còn khúc cuối dòng lúc nào cũng dọn sạch dòng để bơm nước tưới tiêu cho cả mấy cánh đồng.

Lần ấy, mùa tưới, bọn Quỳnh, Bình lội đến giữa sông mà nước chỉ đến đùi. Mấy đứa thi nhau đuổi theo đàn cá tôm đang cuộn vòng tròn theo sức hút vào trong chõ máy bơm. Những chú cá nheo, cá chuối bị cuốn vào chõ máy bơm đều bị cánh quạt máy bơm chém tơi tả rồi nhả ra ở đầu ống nước xả treo xác lủng lẳng trong tấm lưới chắn đầu miệng ống. Ham cá, Bình lỡ chân lao người chới với trong vòng xoáy nước, bị sức hút của máy bơm bắt đầu xoay tít như những chú cá nheo trước khi hút vào chõ. Ông Đỗ nghe thấy tiếng Quỳnh kêu thét, chạy nhào vào trạm giật cầu dao điện. Ống bơm giật giật rồi ngừng hẳn, dòng nước xoáy tít cũng dần dần giảm tốc độ, Bình cuống cuồng ôm chặt lấy ống bơm nằm chết dí ở đó để hoàn hồn.

Hai đứa bị ông Đỗ bắt đứng như tượng ở gốc cây ổi, tính cho mỗi đứa một trận đòn nhừ tử vì cái tội nghịch dại. Tay ông lăm lăm cây roi vung lên vun vút:

- Chúng cháu van ông, ông đừng đánh...

Ông Đỗ vung roi vào không khí, mặt ông đỏ gay.

- May mà trời còn thương bọn mày chứ không thì tan tành như lũ cá này. Mà cái thân tao cũng tan tành dù chẳng chui vào chõ.

Mấy đợt nắng nữa, Bình rủ Quỳnh ra đoạn sông ông Đỗ thả ấu để xin vụng ăn trước. Nắng đượm vào trong củ ấu ăn đến bùi. Cái vị của nó len cả vào giấc mơ, ngọt mát cho đến tận bây giờ.

Bây giờ, ông Đỗ đã già yếu lắm, hai má hóp vào chỉ còn nhìn thấy toàn mắt, nước da màu đồng đúc, bàn tay nổi gân. Ông lão vào thăm mẹ Quỳnh rồi trở ra nhìn thấy mấy tàu cau rụng bèn xin cái mo cau về làm quạt. Quỳnh hỏi thăm vài ba câu xã giao. Chuyện ngày xưa chẳng biết ông có còn nhớ. Người già cứ như dòng sông, trông phẳng lặng đến nao lòng nhưng biết đâu dưới lòng sâu còn chất chứa đầy con sóng.

Ngồi đấm lưng cho mẹ, Quỳnh mon men hỏi chuyện ông Đỗ. Bà cụ chậm rãi kể:

- Cái ông Đỗ này rắn như khúc gỗ lũa. Như cái cày đã xếp lại góc vườn từ lâu, mấy cánh đồng giáp đường nhựa đã được bán hết. Những công ty đua nhau mọc lên như nấm sau mưa. Trạm bơm nơi ông Đỗ chạy máy nước tưới tiêu cho đồng ruộng không còn lý do để trụ lại đấy làm gì nữa, người ta cho phá bỏ, rồi họ chuyển máy đi đâu chẳng rõ. Ông mất việc. Còn mỗi cánh đồng Bún liếm sâu vào mé trong sót lại. Vẫn mềm mại và mỏng mảnh như sợi bún. Nhưng hai vụ nay rồi, đất ấy bỏ hoang. Dãy công ty, nhà máy, ống khói mọc cao gấp mấy lần ngọn cây đa giữa đồng cứ như muốn vươn mãi theo hướng mặt trời, ngạo nghễ thở từng đám khói xám xịt. Những đường ống thoát nước chảy ngầm ra đồng làm cho bùn cũng ngàu bọt rồi lặng lờ một màu xanh đen bốc mùi. Có vụ vừa cấy xong nước đen bám chặt làm lúa không thể ngóc đầu vươn lên được, ủ ê, lóp ngóp, đến mùa chỉ phất phơ mấy bông như cắm cờ. Mấy nhà có ruộng ngao ngán đành bỏ hoang, bởi làm không đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê máy... Lội xuống đồng thì sặc mùi khó chịu bởi nước thải từ khu công nghiệp tràn xuống, nghe đâu cũng sắp bán hết cánh đồng cho một công ty nào đó. Nhiều nhà chờ được khoản tiền đền bù.

Không còn trạm bơm nhưng ông Đỗ vẫn không chịu rời khúc sông đó. Như một sự gắn bó lâu dài khiến người ta không thể dứt ra được. Ông Đỗ bắc một cái lều tre ngay trên đầu đoạn sông đồng Bún, gần chỗ máy bơm cũ, để thả vó bè, thả ấu, tuy rằng thu hoạch chẳng đáng là bao. Cứ sau mỗi đợt nước lên xuống, hay sau trận mưa lớn, sáng sớm hôm sau bà Đỗ lại cắp đầy rổ cá rô, cá diếc, rổ ấu đi chợ. Vui như đón nắng lên trong ngày mùa, ông lão lại có chai rượu để chờ giờ cất mẻ vó mới.

Quỳnh buông tiếng thở dài. Nuối tiếc bởi đồng quê đã chuyển sang một nhịp điệu mới, khoác một màu áo mới. Cũng phải thôi. Giống như cô, ngày trước còn đầu trần chạy ra đồng cả ngày, hò hét chí chóe với đám bạn nhưng bây giờ đã về quê đến hai ngày mà cô chưa ló mặt ra đường. Cô ngại nắng và sợ bụi bẩn. Con người ta vô tình đã quay lưng lại với những thứ ngày xưa gần gũi.

Cô theo chị lên thành phố, học tập rồi xin việc tại đó. Công việc bận bịu, cuộc sống mưu sinh khiến cô ít khi về quê. Có về thì cũng chỉ ở nhà, rồi lại đi. Chẳng ra đồng bao giờ nữa.

Nhớ đến thằng cu Muỗm, Quỳnh vào buồng thì đã không thấy nó ở đó. Gọi mấy câu cũng không thấy Muỗm trả lời, cô chột dạ, chẳng lẽ nó đã chạy ra đồng Bún, cánh đồng luôn xanh trong mỗi câu chuyện cô kể cho cháu nghe để dỗ nó mỗi khi mẹ nó đi làm. Quỳnh băng ra đường đồng.

Nắng vẫn long lanh như dát vàng trên những thảm cỏ. Cô mặc đến hai tầng áo, bịt kín mặt chỉ còn hở hai con mắt để nhìn. Đồng Bún đây rồi, vẫn mềm mại và mỏng như sợi bún nhưng giờ là cánh đồng bị bỏ hoang để lau lách, cỏ dại đua nhau vươn lên. Cái lều vó của ông Đỗ nhú lên giữa đồng như một cánh diều đợi gió. Vài cây lúa hoang mọc chen chúc với cỏ dại. Mặt nước lờ nhờ, rong rêu xanh đen.

Ngày trước đã có lần Bình cùng cô đi ra đồng Bún lấy bùn về gieo mạ trên sân tránh rét. Chẳng biết do trời rét hay do bùn nhũn quá mà cô đã ngã nhào vào người Bình. Hai đứa loay hoay trên đám bùn, như cảm nhận được sự gần gũi của nhau mà bất giác đỏ bừng mặt vì xấu hổ. Quỳnh tròn xoe mắt nhìn Bình. Bình bảo sẽ chẳng bao giờ quên đôi mắt to ngơ ngác của Quỳnh. Chuyện hai đứa chỉ có thế thôi mà giờ nhớ lại, Quỳnh vẫn cảm thấy người mình bủn rủn như vừa mới ngã vào người Bình. Bàn chân cô ngập ngừng.

Bên bờ kia, có bóng mấy đứa trẻ thấp thoáng đứng câu cá dưới sông, Quỳnh dõi mắt để tìm thằng Muỗm. Bỗng có tiếng còi xe inh ỏi. Quỳnh né sang bên lề nhường đường. Người đàn ông cao lớn bước xuống xe. Theo sau là một người phụ nữ rất ăn diện. Anh thanh niên đi theo xoay xỏa chụp ảnh từ phía sau nhà máy ở các góc cạnh rồi vung tay chỉ trỏ bàn bạc. Hình như họ định lắp thêm một đường ống thải nước ra phía sau nhà máy. Quỳnh nhìn họ trò chuyện và chợt nhận ra Bình. Bình cao to, phong độ hơn nhiều, cái kiểu nói chuyện vung tay thì vẫn như trước. Mặt Bình thì như có vẻ lạnh lùng hơn.

Quỳnh đưa mắt theo hướng tay Bình chỉ, nghĩ thầm: “Chắc phía trước kia là nhà máy của họ”. Người phụ nữ thì thầm chỉ trỏ cách cho đường ống nước thải chảy ra cánh đồng và sông như thế nào cho ổn. Giọng Bình chắc, cứ thế mà làm đi, thuê người đào ống nước ra con sông này để giải quyết ngay chuyện ách tắc đã mấy tháng rồi, nước thải để lâu trong xưởng không tốt. Bình nhìn đồng hồ, giục người phụ nữ vội vã lên xe.

Bình cất bước đi ngang qua mặt Quỳnh, nhìn cô một cái thăm dò, không có dấu hiệu nào khác biến đổi trên nét mặt Bình. Bình đã không nhận ra Quỳnh, dù mắt Quỳnh vẫn tròn xoe như vậy. Thế mà ngày trước, Bình bảo, không bao giờ quên đôi mắt này. Bình dấn chân bước lên xe. Chiếc xe ô tô nhấn ga, nổ máy, bụi bay lên hắt vào mặt Quỳnh. Cổ họng cô như nghẹn lại, không thể cất nên lời. Chiếc khẩu trang che mặt làm cho cô cảm thấy ngột ngạt, bức bối.

- A, dì ơi, con ở đây với bạn này! Con có con muỗm rồi này.

Thằng Muỗm từ góc chuôm vẫy vẫy tay gọi. Quỳnh bước vội tới nơi. Chân ríu lại. Dưới góc sông còn sót lại một mảng xanh tim tím màu ấu gai. Ông Đỗ đang khom người, lật đám rễ cây ấu lên để hái củ. Quỳnh cởi khẩu trang, cất tiếng chào ông. Thằng Muỗm chạy xô tới.

- Con và bạn Gà vừa theo ông ra đồng tìm được mấy con châu chấu, lại có cả con muỗm này nữa. Con muốn có bọn gọng vó. Ông bảo phải ra chuôm ấu thì mới có thể tìm thấy mấy con niềng niễng, gọng vó được.

Ngắm nghía món quà mà thằng Muỗm vừa bắt được trên cánh đồng bỏ hoang, Quỳnh thốt lên:

- Chúng vẫn như xưa ông nhỉ?

Quỳnh quay sang ông Đỗ, hỏi:

- Ông trồng ấu thế này, quê còn thêm vị thanh ngọt như những năm nào.

- Chỗ sông đó lõm sâu vào đồng, bùn còn mềm, nước còn về chỗ trũng, nắng vẫn dát vàng dát bạc nên vẫn trồng được ấu. Đúng là sông có khúc. Lão trồng ấu vẫn sai củ lắm cô ạ.

Giọng Quỳnh chợt nhẹ bẫng như gió nâng: Ấu của làng ta ngon mát không nơi nào bằng đâu ông ạ. Ông giữ cái chuôm ấu này, để chúng cháu còn có chỗ về quê.

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]