(Baothanhhoa.vn) - Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu báo cáo tóm tắt.

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023

Tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023. Báo Thanh Hóa trân trọng giới thiệu báo cáo tóm tắt.

Báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2023

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH NĂM 2022

I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Kinh tế tăng trưởng cao, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước (sau các tỉnh, thành phố: Khánh Hòa, Bắc Giang, Đà Nẵng, Hậu Giang, Hưng Yên và Cần Thơ). GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch.

- Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển khá toàn diện. Giá trị sản phẩm bình quân trên 01 ha đất trồng trọt ước đạt 115 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng so với năm 2021. Chăn nuôi phát triển ổn định; các sản phẩm chăn nuôi chính đều tăng so với cùng kỳ. Lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững; đã trồng mới được 6,25 triệu cây phân tán, 12.500 ha rừng tập trung, vượt 25% kế hoạch. Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo được đẩy mạnh. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 207,9 nghìn tấn, bằng 100,9% kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được quan tâm thực hiện.

- Sản xuất công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 16,31%; có 22/25 sản phẩm tăng so với cùng kỳ. Trong năm, có thêm một số cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động và khởi công một số dự án quy mô lớn. Lĩnh vực xây dựng tiếp tục phát triển mạnh, công tác quản lý nhà nước về đầu tư, xây dựng và chất lượng công trình được tăng cường; đã ban hành đơn giá nhân công xây dựng, công bố bảng giá ca máy và thiết bị thi công, thực hiện công bố chỉ số giá xây dựng hằng quý, hằng tháng.

- Các ngành dịch vụ phục hồi nhanh, một số lĩnh vực phát triển mạnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 vượt 18,8% kế hoạch và tăng 26,5% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch năm 2022 ước đạt 11,01 triệu lượt khách, bằng 110,1% kế hoạch và gấp 3,2 lần năm 2021 (trong đó có 245 nghìn lượt khách quốc tế, gấp 11,5 lần); tổng thu du lịch vượt 11,8% kế hoạch và gấp 4 lần năm 2021. Giá trị xuất khẩu ước đạt 5.518,4 triệu USD, bằng 96,8% kế hoạch và tăng 1,6%; giá trị nhập khẩu ước đạt 9.272,8 triệu USD, tăng 30,1%.

- Doanh thu vận tải tăng 30,5%; doanh thu hoạt động bưu chính, viễn thông tăng 13,9% so với cùng kỳ. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng phát triển) ước đạt 133,6 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với đầu năm; tổng dư nợ ước đạt 173,1 nghìn tỷ đồng, tăng 14%. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông ước đạt 4.670 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch và tăng 13,9% so với cùng kỳ.

- Thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước đến nay; tổng thu ngân sách ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.

- Hoạt động đầu tư đạt kết quả tích cực trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; tổng huy động vốn đầu tư phát triển ước đạt 138.919 tỷ đồng, bằng 95,8% kế hoạch và tăng 0,9% so với cùng kỳ. Đã thu hút được 60 dự án đầu tư trực tiếp (7 dự án FDI), với tổng số vốn đầu tư đăng ký 4.833 tỷ đồng và 71,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 07 dự án, với số vốn tăng 32,7 triệu USD. Đến ngày 30/11/2022, giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 7.599 tỷ đồng, bằng 65,4% kế hoạch.

- Phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực; ước hết năm 2022 có 3.600 doanh nghiệp được thành lập mới, vượt 20% kế hoạch và tăng 12,28% so với cùng kỳ.

- Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được tập trung thực hiện, nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp và việc chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc chương trình.

2. Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời

- Công tác phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục được thực hiện quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tỷ lệ số ca mắc COVID-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước, trong năm 2022 trên địa bàn tỉnh không có người tử vong do COVID-19.

- Hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số được đẩy mạnh: Đã thực hiện quản lý 158 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia và cấp tỉnh; tổ chức đánh giá, nghiệm thu 26 nhiệm vụ; cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ cho 01 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp khoa học công nghệ lên 32 doanh nghiệp (đứng thứ 3 cả nước).

- Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội Mường Xia, Hát sắc bùa của người Mường ở Thanh Hóa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tỷ lệ xã, phường, thị trấn, cơ quan kiểu mẫu năm 2022 đạt 24,1%, vượt kế hoạch. Thể thao thành tích cao đạt 533 huy chương các loại; trong đó, tại SEA Games 31, các vận động viên tỉnh ta đã giành 10 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 3 huy chương đồng, cao nhất từ trước đến nay.

- Chất lượng giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên; giáo dục mũi nhọn được giữ vững trong nhóm đầu cả nước; giáo dục đại trà có chuyển biến tích cực; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt 81,74%, vượt kế hoạch đề ra.

- Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân được chú trọng; đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ và các dịch bệnh phát sinh theo mùa; công tác quản lý hành nghề y dược, tư nhân tiếp tục được quan tâm thực hiện. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được giám sát chặt chẽ, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

- Công tác giải quyết việc làm, an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, hiệu quả; đã giải quyết việc làm mới cho 58.950 lao động (trong đó có 10.920 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), bằng 101,6% kế hoạch và tăng 4,8% so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, người có công với cách mạng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,72% so năm 2021, vượt kế hoạch.

3. Công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, khoáng sản, môi trường được tăng cường

- Đã hoàn thành rà soát tiến độ thực hiện các dự án được giao đất, cho thuê đất trên địa bàn tỉnh. Trong năm, đã cấp 13 giấy phép thăm dò, 10 giấy phép khai thác khoáng sản, phê duyệt trữ lượng 12 mỏ và thu hồi, đóng cửa 16 mỏ; cấp 39 giấy phép hoạt động tài nguyên nước.

- Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện. Công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực tài nguyên, môi trường có chuyển biến tích cực, các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường cơ bản được kiểm soát; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 89%, đạt kế hoạch.

4. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách hành chính được tập trung thực hiện

- Đã tổ chức xây dựng Đề án nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hóa; hoàn thành hồ sơ, đề án nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Thực hiện kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy của các sở, cơ quan ngang sở và một số đơn vị sự nghiệp công lập.

- Công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương được tăng cường. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt.

5 . Q uốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển

- Các lực lượng vũ trang đã thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên nắm chắc tình hình, nhất là các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm, không để bị động, bất ngờ. Đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh năm 2022.

- Lực lượng Công an đã mở các đợt cao điểm về tấn công trấn áp tội phạm. Đã tổ chức điều tra, triệt phá nhiều vụ án phức tạp về ma túy, cờ bạc, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Công tác đảm bảo an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ.

6. Chất lượng thẩm định, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được nâng lên; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Đã tổ chức 1.342 cuộc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện; các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã giải quyết 893 vụ khiếu nại và 101 vụ tố cáo. Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng.

II. VỀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA UBND TỈNH, CHỦ TỊCH UBND TỈNH

Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, giá xăng dầu và giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao; song, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, vừa bao quát toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; trong đó, đã tập trung chỉ đạo hoàn thành khối lượng lớn các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án; kịp thời ban hành các văn bản tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm; thành lập nhiều Tổ công tác do lãnh đạo UBND tỉnh làm Tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các ngành, địa phương, đơn vị; do dó, đã đạt được kết quả nổi bật trên một số mặt công tác như: phòng, chống dịch COVID-19; tốc độ tăng trưởng GRDP; thu ngân sách nhà nước; giải ngân vốn đầu tư công; giảm nghèo; hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

II. HẠN CHẾ, YẾU KÉM VÀ NGUYÊN NHÂN

1. Hạn chế, yếu kém

- Còn 02 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tổng giá trị xuất khẩu và tổng huy động vốn đầu tư phát triển.

- Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp không đạt kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; nguồn cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án khan hiếm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.

- Quy mô các sản phẩm du lịch hạn chế, chủ yếu phục vụ du khách trong tỉnh tham quan trong ngày. Thị trường bất động sản phát triển thiếu ổn định, tiềm ẩn nhiều rủi ro.

- Tiến độ lập, trình duyệt một số quy hoạch còn chậm; nhất là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Công tác quản lý trật tự quy hoạch xây dựng còn nhiều bất cập, tình trạng xây dựng trái phép vẫn còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để.

- Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu. Tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp qua nhiều năm vẫn còn chậm và thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng hạ tầng của các dự án thứ cấp.

- Tiến độ chuẩn bị đầu tư các dự án đầu tư công khởi công mới năm 2022 còn chậm. Tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA đạt thấp so với kế hoạch.

- Việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đạt yêu cầu. Số lượng giáo viên còn thiếu ở nhiều cấp học, bậc học. Việc trùng tu di tích còn để xảy ra sai phạm, gây bức xúc trong dư luận. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế xảy ra ở nhiều cơ sở y tế; việc thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội cho người lao động trong doanh nghiệp còn hạn chế. Số vụ đuối nước trẻ em vẫn còn xảy ra và tăng cao so với cùng kỳ.

- Việc lấn chiếm đất, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp xảy ra ở các địa phương nhưng chưa được xử lý triệt để; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một số tổ chức, cá nhân, hộ gia đình còn chậm.

- Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra. Việc kiểm soát các nguồn thải, công tác thu gom, xử lý chất thải rắn còn hạn chế. Kết quả giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng đất đạt thấp so với kế hoạch.

- Một số đơn vị còn thiếu chủ động, quyết liệt trong giải quyết công việc; kết quả giải quyết công việc chưa cao. Tiến độ, chất lượng tham mưu, xây dựng các chương trình, đề án của một số đơn vị có lúc, có việc chưa đáp ứng được yêu cầu. Kỷ luật, kỷ cương, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.

- Tình hình mua bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp; một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn còn xảy ra. Một số vấn đề bức xúc của xã hội chưa được tập trung thanh tra; sự phối hợp giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra chưa chặt chẽ.

2. Nguyên nhân:

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan do dịch COVID-19 diễn biến khó lường, nhất là trong những tháng đầu năm; giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu, cước, phí vận tải, dịch vụ logistics tăng cao; một số quy định của pháp luật còn thiếu thống nhất, nên khó thực hiện.

Nguyên nhân chủ quan là do năng lực của cán bộ lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Trách nhiệm của một số chủ đầu tư chưa cao, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; năng lực các đơn vị tư vấn còn yếu. Năng lực của một số nhà đầu tư, doanh nghiệp còn hạn chế, chưa tập trung thực hiện dự án theo tiến độ. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động trong các doanh nghiệp chưa thường xuyên; công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời.

Phần thứ hai:

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

I. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

Dự kiến năm 2023 có 25 chỉ tiêu chủ yếu, được chia làm 4 lĩnh vực, gồm: Về kinh tế có 12 chỉ tiêu, văn hóa - xã hội có 9 chỉ tiêu, môi trường có 3 chỉ tiêu và an ninh trật tự có 1 chỉ tiêu; trong đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Tỉnh ủy và Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa

- Tập trung đấu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách ngân sách Trung ương bổ sung có muc tiêu cho ngân sách tỉnh từ tăng thu hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn theo Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

- Tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040.

2. Tập trung đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững

- Về nông, lâm nghiệp, thủy sản: Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị; kiểm soát tốt dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Thực hiện có hiệu quả phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh. Phát triển nuôi trồng và khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững; giảm dần sản lượng khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ và nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao thực chất đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống cho người dân nông thôn.

- Về công nghiệp - xây dựng: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp quy mô lớn nhằm sớm đưa vào hoạt động, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng; khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền công nghệ, cơ cấu sản phẩm vật liệu xây dựng có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp.

- Về dịch vụ: Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số; tiếp tục phát triển nhanh, đa dạng các loại hình dịch vụ, nhất là các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trọng điểm về du lịch, vận tải - cảng biển, tài chính - ngân hàng của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước.

3. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh; tăng cường quản lý, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển

- Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4. Tiếp tục duy trì và cải thiện các chỉ số thành phần có thứ hạng cao, khắc phục những chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS.

- Đổi mới mạnh mẽ phương thức và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư và hợp tác quốc tế. Ưu tiên xúc tiến đầu tư các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thân thiện với môi trường.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư công; thực hiện nghiêm quy định về nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên bố trí vốn; sớm hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ngay từ đầu năm; chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về mặt bằng, mỏ vật liệu, nhân công để sớm thực hiện dự án ngay sau khi được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch vốn.

- Thực hiện đồng bộ, linh hoạt các biện pháp thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán ở mức cao nhất, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý triệt để các vấn đề còn tồn đọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn để mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động; khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động sang mô hình doanh nghiệp.

4. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là về giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu

Tập trung xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, kết nối các vùng, các trung tâm kinh tế động lực. Đẩy mạnh phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, hiện đại và thân thiện với môi trường. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Huy động đa dạng các nguồn lực để đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tập trung rà soát, xử lý các điểm xung yếu, mất an toàn trước mùa mưa bão. Phát triển hệ thống hạ tầng điện bảo đảm nguồn cung cấp điện an toàn, ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Nhân dân.

5. Tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội

- Nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực; chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Quan tâm phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có phẩm chất, năng lực tốt, chuyên nghiệp.

- Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, thông tin. Phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, con người xứ Thanh để trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền. Đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng, phong trào rèn luyện thân thể trong Nhân dân; duy trì thể thao thành tích cao trong nhóm dẫn đầu cả nước.

- Thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, duy trì chất lượng giáo dục mũi nhọn trong tốp đầu cả nước; nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hẹp chênh lệch chất lượng giáo dục giữa miền núi và miền xuôi. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá, phát triển giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm đáp ứng nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động.

- Giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”. Nâng cao chất lượng y tế các tuyến, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị tại các bệnh viện. Huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại hóa hệ thống y tế; nâng cao chế độ đãi ngộ để động viên tinh thần lực lượng ngành y yên tâm công tác.

- Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo và giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tiếp tục phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; khắc phục tình trạng nợ đóng BHXH trong các doanh nghiệp. Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện.

6. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác và sử dụng khoáng sản; đẩy mạnh số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; thực hiện có hiệu quả kế hoạch giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh bảo vệ môi trường, trọng tâm là thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các khu vực, cơ sở sản xuất có nguy cơ cao về ô nhiễm môi trường. Xây dựng các kịch bản, phương án phòng, chống thiên tai; kịp thời ứng phó, khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai.

7. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng; giải quyết có hiệu quả khiếu nại, tố cáo

- Tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện; sắp xếp tinh gọn đầu mối bên trong các cơ quan, đơn vị gắn với tinh giản biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

- Tăng cường thực hiện văn hóa công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện điều chuyển, sắp xếp lại đối với cán bộ, công chức, viên chức có năng lực yếu, vi phạm đạo đức công vụ và kỷ luật, kỷ cương hành chính, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ và các chỉ tiêu được giao.

- Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

8. Củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

- Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, biên phòng toàn dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ.

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường giải pháp kiềm chế, kéo giảm số vụ vi phạm về trật tự an toàn xã hội; tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông và phòng, chống cháy nổ. Phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]