Âm vang trống hội cung đình Phú Khê
Ở xã Hoằng Phú (Hoằng Hóa), chẳng ai biết tiếng trống hội có từ bao giờ, thế nhưng cho đến nay vẫn được lớp lớp con cháu gìn giữ và vang lên mỗi khi làng tổ chức lễ hội hay những sự kiện quan trọng của xã, huyện. Với người dân nơi đây, trống hội chính là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần.
CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê đánh trống phục vụ các đội tế lễ tại Lễ hội kỳ phúc làng Phú Khê năm 2024.
Chúng tôi có dịp về xã Hoằng Phú vào đúng thời điểm diễn ra Lễ hội kỳ phúc làng Phú Khê (từ ngày 16 - 20/2 âm lịch). Ngay từ đầu làng, đã nghe thấy rõ từng hồi trống hội, thúc giục những bước chân của người dân ở khắp các ngả đường kéo về đình làng xem các đội tế lễ. Đối với người dân nơi đây, tiếng trống hội có sức hút và khả năng tập hợp, kết nối cộng đồng đến lạ kỳ. Có lẽ vậy mà từ xưa người dân trong xã Hoằng Phú đã có câu: “Trai nghe tiếng trống đồng lòng/ Gái nghe tiếng trống cõng chòng (chồng) mà đi”.
Theo các cụ cao niên trong làng, ngày xưa trống hội cung đình được dùng trong các dịp tế lễ, thiết triều, họp hành trong cung đình hoặc để thúc giục quân. Cho đến nay, trống hội được dùng ở các dịp tế lễ của làng và các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của xã, huyện. Nét đặc trưng của trống hội cung đình Phú Khê gồm 5 giai điệu: nhạc tác, trống rước (18 nhịp), trống đón (4 nhịp), trống dình dình (12 nhịp) và trống múa dùi (9 nhịp điệp khúc). Trong đó, trống múa dùi 9 nhịp được cho là khó nhất. Khi biểu diễn trống hội, các nghệ nhân không chỉ bắt đúng nhịp, dứt khoát, thể hiện được khí thế sôi nổi, mà còn phải kết hợp những động tác như: múa dùi, xoay người, đổi vị trí đánh trống,... để màn biểu diễn không chỉ có âm sắc mà vũ đạo cũng trở nên cuốn hút người xem.
Trống hội cung đình với nhiều kỹ thuật khó, song có lẽ sinh ra và lớn lên qua những hồi trống hội, giờ đây anh Lê Văn Huân (32 tuổi, thôn Trung Tây) đã đánh thành thạo tất cả các loại trống và vinh dự được tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện quan trọng của làng, xã. Anh Huân cho biết: “Từ nhỏ tôi đã theo bố lên đình làng tập luyện, được chứng kiến các bác, các cô đánh trống mỗi khi làng có hội tôi từng khao khát được tham gia vào đội trống. Giờ đây, khi niềm mong ước đó đã thành hiện thực, song mỗi lần được tham gia phục vụ các dịp tế lễ của làng, xã hay các sự kiện quan trọng của quê hương tôi vẫn cảm thấy vô cùng tự hào và xúc động”.
Được biết, nhằm gìn giữ và phát huy loại hình nghệ thuật này, tháng 9/2003, Câu lạc bộ (CLB) tuồng và trống hội cung đình Phú Khê đã được thành lập, với 20 thành viên tham gia. Đến nay, sau hơn 20 năm hoạt động, CLB không chỉ đem tiếng trống hội đến với người dân xứ Thanh mà còn vang xa đến nhiều địa phương khác trong cả nước, như: Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An,...
Nghệ nhân Lê Minh Thiết (75 tuổi), Chủ nhiệm CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong CLB vô cùng vinh dự và tự hào khi tiếng trống hội cung đình Phú Khê đã được vang lên trong đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều sự kiện văn hóa lớn ở huyện, tỉnh. Với người dân xã Hoằng Phú, trống hội cung đình Phú Khê là một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ, phát huy và là sợi dây gắn kết cộng đồng. Điều đáng mừng là cho đến ngày nay, trống hội được đông đảo người dân đón nhận, yêu thích, trong đó có cả học sinh ở các nhà trường trên địa bàn xã Hoằng Phú. Nhờ vậy, CLB tuồng và trống hội cung đình Phú Khê luôn có sự tiếp nối, kế cận bởi thế hệ trẻ. Đến nay, CLB đã duy trì được hơn 20 năm, với sự tham gia của 36 thành viên, công tác tập luyện, biểu diễn ngày càng được triển khai, thực hiện hiệu quả”.
Với nghệ nhân Lê Minh Thiết, trống hội là “máu”, là “thịt”, là hơi thở của cuộc sống. Bởi vậy, khi giờ đây tuổi đã cao, đôi chân của ông đã không thể đi lại nhanh nhẹn sau biến cố, thế nhưng bằng niềm đam mê và sự trăn trở cho sự phát triển của trống hội cung đình Phú Khê, hàng ngày ông vẫn miệt mài tổ chức các buổi tập luyện cho người dân trong xã ngay tại nhà riêng. Cùng với đó, ông và các thành viên trong CLB sẵn sàng đến truyền dạy cho học sinh các nhà trường và các CLB văn hóa, văn nghệ trên địa bàn huyện khi có nhu cầu.
Trước khi chia tay chúng tôi, Chủ nhiệm CLB trống hội cung đình Phú Khê Lê Minh Thiết bỗng lặng đi vài giây rồi nói: “Tôi không muốn khi lớp già chúng tôi trăm tuổi, tiếng trống hội cung đình cũng theo chúng tôi mà đi, thế nên còn sức khỏe tôi còn tiếp tục truyền dạy cho con cháu... để tiếng trống hội cung đình Phú Khê sẽ còn âm vang cho tới tận mai sau”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-11-21 21:16:00
Những người “giữ hồn” di sản văn hóa (Bài 1): Chuyện về những “báu vật sống”
-
2024-11-21 16:11:00
Thị trấn tại Mỹ hai tháng không nhìn thấy ánh nắng Mặt Trời
-
2024-04-06 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Sống lại những chồi non
Bảo tồn và phát huy di tích gắn với phát triển du lịch tâm linh
Miền Bắc chớm hè, dân tình đổ lên Sa Pa giải nhiệt và check-in hoa anh đào Nhật Bản
[E-Magazine] – Yêu những chiều rơi
Gia tăng trải nghiệm cho du khách tại các di tích, điểm du lịch
Phong vị “Vườn treo” trên vùng đất Đế vương
Khách quốc tế mê mệt Bãi Kem - Top bãi biển đẹp nhất hành tinh ở Phú Quốc
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn và Tuần lễ văn hóa - du lịch - ẩm thực Thọ Xuân năm 2024
Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội năm 2024
Lễ hội Du lịch biển Hải Tiến năm 2024 sẽ khai mạc ngày 29/4