(Baothanhhoa.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Thấm nhuần lời dạy của Người, nhiều đảng viên người công giáo ở huyện Nga Sơn đã phát huy tính tiền phong, gương mẫu trở thành những “đầu tàu” trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... tạo động lực, sức lan tỏa đến quần chúng Nhân dân.

Những đảng viên “đầu tàu” ở vùng giáo Nga Sơn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”. Thấm nhuần lời dạy của Người, nhiều đảng viên người công giáo ở huyện Nga Sơn đã phát huy tính tiền phong, gương mẫu trở thành những “đầu tàu” trong các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... tạo động lực, sức lan tỏa đến quần chúng Nhân dân.

Những đảng viên “đầu tàu” ở vùng giáo Nga SơnMô hình trồng cây ăn quả của đảng viên người công giáo Vũ Thanh Hảo, ở thôn 2, xã Nga Liên.

Theo Quốc lộ 10, chúng tôi về thăm các xứ đạo trên quê hương Mai An Tiêm. Mỗi vùng quê nơi tôi đến giờ đã khoác lên mình “tấm áo” mới khang trang và tràn đầy sức sống. Như đã hẹn, anh Mai Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nga Liên dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình sản xuất của đảng viên người công giáo ở địa phương. Anh Nghĩa, cho biết: “Xã Nga Liên có khoảng 2.256 hộ dân, với 9.270 nhân khẩu; trong đó đồng bào công giáo chiếm tới 93,7%, thuộc 20 giáo họ, sinh hoạt tín ngưỡng tại 3 giáo xứ Tam Tổng, Phúc Lạc và Vĩnh Thiện. Với tinh thần đảng viên đi trước làng nước theo sau, Đảng ủy xã đã chỉ đạo các chi bộ phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong xây dựng các mô hình phát triển sản xuất để bà con học tập, làm theo. Nhờ vậy, nhiều gia đình đảng viên người công giáo đã mạnh dạn đầu tư vốn, đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế vào sản xuất, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư”.

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh Nghĩa dẫn chúng tôi xuống thôn 1 - thôn tiêu biểu của xã Nga Liên về phát triển kinh tế hộ. Dừng chân bên căn nhà mái Thái khang trang, với cửa hàng kinh doanh nhộn nhịp, anh giới thiệu: “Đây là nhà anh Trần Văn Hợp, trưởng thôn 1. Gia đình anh Hợp là một trong những điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, được bà con giáo dân tin tưởng học tập, làm theo”. Giống với lớp thế hệ thanh niên ở vùng quê Nga Liên, năm 1995, anh Trần Văn Hợp lên đường nhập ngũ thực hiện nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Bằng sự nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, tháng 1-1996, Trần Văn Hợp vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, anh trở về quê hương và ấp ủ giấc mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình. Tận dụng quỹ đất của gia đình, anh đã xây dựng gia trại chăn nuôi lợn thịt và mở đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Hàng năm, gia đình anh Hợp xuất bán khoảng 160 con lợn thịt và cung cấp cho bà con địa phương khoảng 150 tấn thức ăn chăn nuôi. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh có thu nhập khoảng 380 triệu đồng. Cần cù lao động, sản xuất và luôn nhiệt tình trong công việc chung của cộng đồng, vì thế anh Hợp đã nhận được sự tin yêu của người dân trong thôn. Đầu năm 2021, anh được Nhân dân tin tưởng bầu giữ chức trưởng thôn 1.

Nói về vai trò gương mẫu, đi đầu của những đảng viên người công giáo trong thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô tập trung, áp dụng khoa học - kỹ thuật ở xã Nga Liên không thể không nhắc đến mô hình trồng cây ăn quả của ông Vũ Thanh Hảo, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn 2. Với 65 năm tuổi đời, 42 năm tuổi Đảng, trong nhiều năm qua ông Hảo luôn là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân thôn 2 tin tưởng học tập và làm theo. Trải qua nhiều vị trí công tác khác như Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, Chủ tịch hội làm vườn xã Nga Liên, rồi bí thư chi bộ thôn 2, dù ở vai trò nào ông cũng luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu của người đảng viên. Nhận thấy một số diện tích cói của gia đình cho sản lượng kém, năm 2014, ông đã mạnh dạn chuyển đổi 5.000 m2 cói sang trồng cây ăn quả. Đến nay, ông Hảo đã trồng được 100 gốc bưởi Diễn, 50 cây hồng xiêm, 300 gốc cau, lợi nhuận thu về hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Hiện nay, ông đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà lưới với diện tích 2.000 m2 để trồng dưa kim hoàng hậu.

Huyện Nga Sơn có 27.763 giáo dân, chiếm khoảng 18% tổng dân số, đan xen ở 55 khu dân cư của 12 xã và sinh hoạt tín ngưỡng ở 12 giáo xứ. Từ những đảng viên tiêu biểu như anh Hợp, ông Hảo đã truyền lửa đến đồng bào công giáo trong huyện Nga Sơn cùng hưởng ứng, tích cực thi đua lao động, sản xuất, nhất là thực hiện tốt chủ trương của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng vật nuôi; tích tụ, tập trung đất đai phát triển nông nghiệp quy mô lớn có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Theo đó, người dân các xã vùng giáo đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế, như: mô hình trồng dưa kim hoàng hậu trong nhà lưới; mô hình cánh đồng mẫu lớn, với hàng trăm hec-ta ớt xuất khẩu, cây đào, quất, cây dưa hấu, khoai tây. Đi liền với đó, người dân còn dồn đổi ruộng đất đầu tư xây dựng 39 trang trại tổng hợp, 310 gia trại chăn nuôi. Đồng thời, cải tạo trên 300 ha cói hoang hóa sang đầu tư thâm canh. Kết quả, sản lượng cói đã được nâng lên 12.100 tấn/năm. Nhiều hộ gia đình giáo dân vừa sản xuất thâm canh cói, lúa, vừa kết hợp chăn nuôi hoặc đầu tư phát triển trang trại tổng hợp, nuôi trồng thủy sản... cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, toàn huyện Nga Sơn còn có 132 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp do người công giáo làm chủ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn, với thu nhập từ 4 đến 5,5 triệu đồng/tháng. Với những kết quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ - thương mại của bà con giáo dân đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng giáo. Nhờ vậy đời sống vật chất của Nhân dân đã được nâng lên. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 53,3 triệu đồng, tăng 29,3 triệu đồng so với năm 2016.

Bài và ảnh: Trần Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]