(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, cải cách hành chính (CCHC) của Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều dấu ấn nổi bật. Song, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục để đáp ứng sự hài lòng ngày càng cao của tổ chức, công dân.

Cải cách hành chính - nhìn rõ hạn chế để khắc phục

Những năm gần đây, cải cách hành chính (CCHC) của Thanh Hóa đã gặt hái được nhiều dấu ấn nổi bật. Song, thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục để đáp ứng sự hài lòng ngày càng cao của tổ chức, công dân.

Cải cách hành chính - nhìn rõ hạn chế để khắc phụcGiám sát công tác cải cách hành chính tại bộ phận “một cửa” thị xã Bỉm Sơn.

Để thực hiện hiệu quả khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về “Đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn”, năm 2022, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập 4 đoàn và tiến hành giám sát đối với 21 đơn vị, trong đó có 9 sở, ngành, đơn vị trực thuộc tỉnh, 3 cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và 9 đơn vị cấp huyện về công tác CCHC. Trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Cùng với đó, Sở Nội vụ cũng phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra công tác CCHC, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với 16 đơn vị, trong đó có 5 đơn vị cấp sở và 11 đơn vị cấp huyện. Qua kiểm tra, giám sát, các đoàn đã nhấn mạnh kết quả đạt được của từng địa phương, đơn vị trong CCHC, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại trong công tác chỉ đạo, điều hành, trong cải cách thể chế, hiện đại hóa hành chính, cải cách TTHC...

Trong CCHC, Thanh Hóa luôn nhận thức rằng việc khơi thông “điểm nghẽn” phải bắt đầu từ con người, đó là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cơ sở phải gần dân, sát dân, trọng dân, nêu cao tinh thần phục vụ Nhân dân. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát lại cho thấy, nhận thức của một bộ phận người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa cao nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ CCHC chưa được quan tâm đúng mức, do đó việc ban hành các văn bản thực hiện nhiệm vụ và việc triển khai các kế hoạch CCHC còn hình thức, thậm chí có đơn vị không ban hành văn bản chỉ đạo theo yêu cầu. Công tác kiểm tra CCHC chưa thường xuyên, số cuộc kiểm tra còn ít; việc khắc phục những tồn tại, hạn chế chỉ ra sau kiểm tra hiệu quả chưa cao nên vẫn còn tình trạng thu thêm giấy tờ không nằm trong thành phần hồ sơ, thu thừa hồ sơ so với quy định, sổ nhận và trả kết quả ghi không đầy đủ... Đặc biệt, tại bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã còn một số công chức, viên chức chưa nắm rõ quy trình, thành phần hồ sơ TTHC; chưa kịp thời phát hiện các sai sót trong hồ sơ, chưa có khả năng giải thích, hướng dẫn người dân khi hồ sơ chưa đúng quy định. Và cá biệt, có trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị mình nhưng vẫn tiếp nhận hồ sơ. Tại một số địa phương, việc bố trí công chức, viên chức làm việc chưa đúng với chuyên ngành đào tạo. Đơn cử như công chức, viên chức làm nhiệm vụ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn tỉnh có 126 người, nhưng chỉ có 46 người có trình độ chuyên ngành quản lý đất đai, còn lại 80 người thuộc chuyên ngành khác. Điều này dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc cho tổ chức, công dân chưa được như mong muốn.

Trong cải cách TTHC, nhiều thủ tục mới đã được công bố ban hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhưng vẫn có nơi chưa cập nhật kịp thời cho tổ chức, công dân được biết. Việc niêm yết TTHC nhiều nơi mang tính hình thức, các thủ tục thường xuyên thực hiện sắp xếp ở nơi khó tra cứu, trong khi những văn bản không phải là TTHC lại được niêm yết ở nơi dễ nhìn thấy. Các địa phương như Cẩm Thủy, Yên Định, Thọ Xuân, Như Thanh chưa thực hiện liên thông một số TTHC trong lĩnh vực đất đai, mặc dù các thủ tục này quy định là phải thực hiện liên thông; sổ theo dõi, phiếu tiếp nhận và trả kết quả ở một số xã chưa thực hiện đúng quy định; có những TTHC chưa đưa vào quy trình giải quyết, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực chấp thuận chủ trương đầu tư, xây dựng, đất đai, thanh toán xây dựng cơ bản... Ở TP Thanh Hóa, một số công việc như xác nhận nguồn gốc đất, xác nhận thuế phi nông nghiệp thuộc trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nhưng lại yêu cầu người dân phải thực hiện. Ở các huyện Hậu Lộc, Thiệu Hóa, Nga Sơn xảy ra tình trạng yêu cầu bổ sung hồ sơ quá 1 lần, yêu cầu công dân nộp quá số hồ sơ so với quy định, nộp thêm giấy tờ không có trong hồ sơ..., tập trung ở các lĩnh vực như chính sách xã hội, bảo trợ xã hội, đất đai, người có công..., gây bức xúc cho tổ chức, cá nhân.

Từ năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục TTHC thực hiện tiếp nhận, phê duyệt, thẩm định, trả kết quả tại chỗ (4 tại chỗ), nhưng đến nay phần lớn các địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa thực hiện. Việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số cơ quan, đơn vị trong giải quyết TTHC có lúc, có nơi chưa tốt, không tham gia ý kiến hoặc tham gia không đúng thời gian, ý kiến còn chung chung, không rõ chính kiến. Để nâng cao hiệu quả công tác cải cách TTHC, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1866/UBND yêu cầu các ban, sở, ngành cấp tỉnh và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương, đơn vị. Giai đoạn 2018-2022, toàn tỉnh tiếp nhận 10.464.327 hồ sơ TTHC, trong đó số đã giải quyết là 9.953.634 hồ sơ. Số giải quyết đúng hạn là 9.933.707 hồ sơ (chiếm 99,8%), vẫn còn 19.927 hồ sơ quá hạn. Ngoài ra, số hồ sơ trả lại, yêu cầu bổ sung, xin rút tại một số đơn vị còn nhiều. Đơn cử như tại Kho bạc Nhà nước Thanh Hóa có 40.875 hồ sơ phải bổ sung từ 1 đến 2 lần, 23.092 hồ sơ trả lại/xin rút; Sở Xây dựng có 1.571 hồ sơ trả lại/xin rút...

Hiện đại hóa nền hành chính dù được các địa phương, cơ quan, đơn vị quan tâm đầu tư nhưng các phần mềm ứng dụng hầu hết lại triển khai độc lập, mức độ liên thông yếu và thiếu đồng bộ. Cổng thông tin điện tử của các địa phương chưa phát huy hiệu quả, thông tin chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời; đường truyền nhiều lúc không thông suốt ảnh hưởng đến việc truy cập và tiến độ giải quyết công việc. Những hạn chế, tồn tại trong công tác CCHC phần nào đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa năm vừa qua giảm 15 bậc (xếp thứ 43 toàn quốc); Chỉ số hài lòng của tổ chức, công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) giảm 11 bậc (xếp thứ 24 toàn quốc).

Để CCHC có bước chuyển biến thật sự mạnh mẽ, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra; đồng thời nghiên cứu, áp dụng nhiều sáng kiến, cách làm hay vào CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC, phục vụ tích cực cho sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Bài và ảnh: Minh Khôi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]