(Baothanhhoa.vn) - Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, thách thức khi mọi hoạt động đều chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song, đây cũng là cơ hội để công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh có những bước tiến mới, nhất là trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4.

Biến khó khăn thành cơ hội

Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, thách thức khi mọi hoạt động đều chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Song, đây cũng là cơ hội để công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh có những bước tiến mới, nhất là trong việc cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 và 4.

Biến khó khăn thành cơ hộiCông chức Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn công dân tra cứu thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Sử dụng DVCTT được xem là bước đột phá trong CCHC, giúp người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) mọi lúc, mọi nơi, không phải đi lại nhiều lần, không mất thời gian chờ đợi. Đặc biệt, khi sử dụng DVCTT, người dân và doanh nghiệp sẽ tránh được sự nhũng nhiễu, phiền hà của một bộ phận cán bộ, công chức. Trước đây, muốn giải quyết TTHC, tổ chức, cá nhân phải đến trực tiếp cơ quan Nhà nước nộp hồ sơ và chờ cán bộ, công chức tiếp nhận để xử lý. Nhưng nay, mọi việc liên quan đến TTHC, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ngay ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet, đồng thời có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ của mình. Từ năm 2019 trở về trước, trong các cuộc khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ công do Sở Nội vụ thực hiện, có rất ít tổ chức, công dân biết đến DVCTT. Đa số tổ chức, công dân cho biết họ luôn có tâm lý e ngại, sợ thất lạc hồ sơ khi gửi qua mạng, đây chính là rào cản lớn nhất khiến việc nộp hồ sơ trực tuyến luôn đạt kết quả thấp. Mặt khác, do dữ liệu thông tin liên quan đến TTHC cung cấp ở mức độ 3 và 4 trên website của các địa phương, đơn vị còn thiếu, cập nhật chưa đầy đủ, khó tra cứu nên rất ít người dân sử dụng.

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những quy định về hạn chế đi lại, hạn chế giao dịch, tiếp xúc để phòng, chống dịch bệnh được ban hành khiến nhiều người gặp khó khi cần giải quyết TTHC. Điều này buộc tổ chức, cá nhân dần phải làm quen với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong gửi, nhận hồ sơ trực tuyến để giải quyết TTHC. Tại huyện Như Thanh, những năm trước đây, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 không cao. Năm 2021, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND huyện, các phòng liên quan đã tăng cường bám nắm tình hình tiếp nhận và xử lý hồ sơ thông qua phần mềm dịch vụ hành chính công, phần mềm phản ánh, kiến nghị để tổng hợp thông tin hằng ngày, giải quyết kịp thời những yếu tố phát sinh. Công tác tuyên truyền được xem là yếu tố quan trọng nhằm thay đổi thói quen của người sử dụng. Tại bộ phận “một cửa” UBND huyện, UBND các xã, thị trấn, ngoài pano, áp phích tuyên truyền, tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch đều được giới thiệu, hướng dẫn cụ thể cách thức sử dụng và tạo tài khoản cá nhân để sử dụng cho lần sau. Huyện cũng công khai kịp thời các TTHC và đặt đường link liên kết đến Cổng dịch vụ công của tỉnh để tổ chức, cá nhân thuận tiện tra cứu và giao dịch hành chính. VNPT Như Thanh tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc. Hàng tháng và hàng quý, UBND huyện đánh giá lại quá trình thực hiện để rút kinh nghiệm và triển khai nhiệm vụ cho thời gian tiếp theo. Với nhiều giải pháp được thực hiện, năm 2021, huyện Như Thanh tiếp nhận và giải quyết 2.917 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 2.578 hồ sơ trực tuyến mức độ 4, vượt chỉ tiêu tỉnh giao. Anh Nguyễn Xuân Dương, công dân xã Hải Long (Như Thanh), cho biết: “Trước đây, muốn làm TTHC thì phải mất khá nhiều thời gian chờ đợi nếu có đông người đến giao dịch cùng lúc. Nhưng khi được tiếp cận với DVCTT, tôi thấy rất tiện ích cho người dân. Chỉ cần ngồi ở nhà cũng có thể giải quyết được TTHC, nếu có thắc mắc gì thì có tổng đài dịch vụ công hỗ trợ. Mọi thứ dần trở nên rất tiện lợi và hiện đại”.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh là nơi có số lượng người đến giao dịch hằng ngày rất đông. Để phòng, chống dịch bệnh, trung tâm luôn chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng DVCTT. Ngoài việc hướng dẫn, hỗ trợ qua tổng đài 02373 900900 và mạng xã hội facebook, zalo, trung tâm đã in tờ rơi, tờ gấp phát cho tổ chức, công dân khi đến giải quyết TTHC. Trung tâm cũng bố trí máy tính và các thiết bị công nghệ thông tin, cử công chức hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, công dân nộp hồ sơ trực tuyến khi có nhu cầu. Cùng với ưu tiên phát triển các phần mềm ứng dụng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giải quyết TTHC một cách nhanh chóng, chính xác, trung tâm đã triển khai thu phí, lệ phí bằng biên lai điện tử trên hệ thống thông tin “một cửa” điện tử. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành kiểm tra, rà soát các DVCTT mức độ 3 và 4 để phát hiện những vướng mắc, kịp thời tháo gỡ, khắc phục trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hồ sơ TTHC nộp trực tuyến để nhắc nhở, chấn chỉnh cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, công dân. Đối với những hồ sơ sắp hết hạn, trung tâm sẽ thông báo đến các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh quá trình giải quyết, hạn chế tối đa hồ sơ TTHC quá hạn. Với sự vào cuộc tích cực, năm 2021, trung tâm đã tiếp nhận 49.307 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 (tăng 55% so với năm 2020).

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 1-4-2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh, các sở, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, cách thức sử dụng để thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân truy cập nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC trực tuyến. Xây dựng video hướng dẫn thực hiện cụ thể từng bước, giúp người dân thay đổi thói quen, dần dần từ bỏ phương thức giao dịch kiểu cũ với cơ quan Nhà nước, từng bước tiến tới sử dụng internet là kênh cung cấp dịch vụ chính đối với công dân. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sở, ngành, địa phương cũng quan tâm nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ chuyên trách để việc xử lý hồ hơ trực tuyến đạt hiệu quả. Vì thế, năm 2020, toàn tỉnh đã tiếp nhận trên 75.000 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 4 (tăng 51 lần so với năm 2019). Đến năm 2021, số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 3 và 4 của toàn tỉnh tiếp tục tăng vọt với 285.051 hồ sơ. Trong đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận 60.010 hồ sơ, cấp huyện tiếp nhận 32.828 hồ sơ, cấp xã tiếp nhận 192.213 hồ sơ.

Trên nền tảng kết quả đạt được, năm 2022, Thanh Hóa tiếp tục xây dựng lộ trình mới, hứa hẹn tạo ra những bứt phá mới để từng bước hiện thực hóa mục tiêu nằm trong top 10 các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CCHC vào năm 2025 như kế hoạch thực hiện CCHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021–2025 đã đề ra.

Bài và ảnh: Minh Khôi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]