Việc Nga và Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau khiến phương Tây lo ngại?
Ngày 18-19/6, Tổng thống Putin có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Triều Tiên sau 24 năm. Chương trình nghị sự trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước là gì và tại sao phương Tây lại lo ngại về mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng?
Mong đợi gì từ chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin?
Tháp tùng Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm 2 ngày tới Triều Tiên có Phó Thủ tướng thứ nhất Denis Manturov, Phó Thủ tướng Alexander Novak, Bộ trưởng Quốc phòng Andrei Belousov, Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko, người đứng đầu Roscosmos Yury Borisov, người đứng đầu Đường sắt Nga Oleg Belozerov.... Thành phần đoàn cho thấy những nội dung chính trong chương trình nghị sự giữa hai nhà lãnh đạo, cũng như việc Nga đặc biệt coi trọng mối quan hệ hợp tác với Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay.
Lần cuối cùng ông Putin đến thăm Triều Tiên là vào tháng 7/2000. Kể từ đó, các nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm Nga nhiều lần: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã thực hiện 3 chuyến thăm chính thức vào các năm 2001, 2002 và 2011; còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện 2 chuyến thăm tới vùng Viễn Đông của Nga - vào tháng 4/2019 và tháng 9/2023.
Vào ngày Quốc khánh Nga (12/6), nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi điện tín chúc mừng tới Tổng thống Putin, trong đó đánh giá cao “mối quan hệ anh em không thể phá vỡ” và bày tỏ “tình đoàn kết với sự nghiệp thiêng liêng của quân đội và nhân dân Nga”. Đáp lại, Tổng thống Putin cảm ơn lãnh đạo Triều Tiên vì sự “ủng hộ mạnh mẽ cho hoạt động quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine”. Những động thái trên không chỉ cho thấy sự gần gũi về mặt cá nhân giữa lãnh đạo hai nước, mà còn phản ánh mối quan hệ hợp tác Nga-Triều Tiên luôn được duy trì ổn định, bền vững bất chấp việc cả hai nước đều đang phải đối phó với sức ép ngày càng lớn từ phương Tây.
Chủ đề chính của các cuộc đàm phán, theo thông tin chính thức, là tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, giao thông và an ninh. Đặc biệt, trong một bài báo trên Rodong Sinmun, đăng tải trước thềm chuyến thăm Triều Tiên, ông Putin đã nói về kế hoạch phát triển “các cơ chế thương mại và giải quyết các giao dịch chung thay thế mà phương Tây không kiểm soát được”. Ngoài ra, các bên cũng thảo luận về việc mở rộng trao đổi học thuật, văn hóa và du lịch cũng như khả năng nối lại các chuyến bay thẳng giữa hai nước, bao gồm cả việc mở các chuyến bay Moscow-Novosibirsk-Bình Nhưỡng. “Bình Nhưỡng đã, đang và vẫn là người có cùng chí hướng và là người ủng hộ chúng tôi, sẵn sàng kiên quyết chống lại mong muốn của phương Tây nhằm ngăn cản việc thiết lập một trật tự thế giới đa cực dựa trên công lý, tôn trọng chủ quyền lẫn nhau và xem xét lợi ích của nhau”, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố trên Rodong Sinmun.
Trước chuyến thăm, Tổng thống Putin đã phê chuẩn dự thảo Hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên do Bộ Ngoại giao Nga chuẩn bị. Nó sẽ thay thế Hiệp ước Hữu nghị và Tương trợ lẫn nhau trước đây năm 1961, Hiệp ước Hữu nghị, Láng giềng tốt và hợp tác năm 2000, cũng như Tuyên bố Bình Nhưỡng và Tuyên bố Moscow lần lượt được ký vào năm 2000 và 2001. Trợ lý của Tổng thống Nga Yury Ushakov thừa nhận lãnh đạo hai nước có thể ký thỏa thuận mới ngay sau cuộc gặp.
Bối cảnh đặc biệt của chuyến thăm
Chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Hãng tin Yonhap ngày 18/6 dẫn thông báo của Quân đội Hàn Quốc nói nhiều binh sĩ Triều Tiên thương vong do nổ mìn khi đang làm việc gần khu vực giới tuyến liên Triều. Vụ nổ mìn xảy ra trong lúc quan sát cho thấy quân đội Triều Tiên đang có hoạt động xây dựng bất thường tại giới tuyến trong thời gian gần đây. Cũng trong ngày 18/6, hãng Yonhap dẫn thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết một nhóm binh sĩ Triều Tiên đã vượt qua Đường phân định quân sự (MDL) nằm trong Vùng phi quân sự (DMZ) ở giới tuyến liên Triều trong sáng cùng ngày. Các binh sĩ đã vượt qua MDL ở đoạn giữa của giới tuyến vào khoảng 8 giờ 30 (giờ địa phương) và ngay lập tức quay trở lại miền Bắc sau khi quân đội Hàn Quốc nổ súng cảnh cáo.
Nhìn chung, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên rơi vào vòng xoáy leo thang căng thẳng thời gian gần đây. Theo hãng tin Yonhap, ngày 4/6, nội các Hàn Quốc đã thông qua quyết định đình chỉ hoàn toàn Thỏa thuận Quân sự Toàn diện với Triều Tiên. Trước đó, ngày 3/6, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc quyết định đình chỉ thỏa thuận trên “cho đến khi khôi phục niềm tin” giữa hai miền. Quyết định này đã được thông qua tại cuộc họp nội các do Thủ tướng Han Duck-soo chủ trì. Quyết định sẽ được trình Tổng thống Yoon Suk Yeol ký thực thi. Trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc đã đình chỉ một phần thỏa thuận trên vào tháng 11/2023 sau khi Triều Tiên phóng thành công một vệ tinh do thám quân sự. Với việc đình chỉ một phần thỏa thuận, vùng cấm bay xung quanh biên giới hai miền bị bãi bỏ, theo đó cho phép Hàn Quốc nối lại các hoạt động do thám và giám sát trong khu vực này.
Về phía Triều Tiên, phát biểu tại Hội nghị Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên vào ngày 31/12/2023, nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu tiên công khai tuyên bố rằng ý tưởng thống nhất với Hàn Quốc đã không còn phù hợp, và quan hệ liên Triều đã mất đi ý nghĩa, trở thành “mối quan hệ thù địch giữa hai quốc gia tham chiến”. Kể từ tháng 4/2024, Triều Tiên đã bắt đầu xây dựng các công trình bảo vệ và khai thác mỏ ở các khu vực biên giới, cũng như đặt mìn, dựng tường, xây đường cho các hoạt động quân sự trong tương lai.
Khi tình hình trong khu vực xấu đi, hợp tác quân sự giữa Hàn Quốc và Mỹ không ngừng được tăng cường, thúc đẩy. Ngày 5/6, Mỹ điều một máy bay ném bom B-1B Lancer từ đảo Guam tới Hàn Quốc tham gia tập trận ném bom chung với Không quân Hàn Quốc. Trong cuộc tập trận, máy bay ném bom B-1B Lancer đã thả một loại bom thông minh JDAM xuống Hwasung (Hàn Quốc), cách thủ đô Seoul khoảng 50km về phía tây. Theo giới chức quân sự Mỹ và Hàn Quốc, đây là cuộc tập trận ném bom đầu tiên trên bán đảo Triều Tiên có sự tham gia của máy bay ném bom Mỹ kể từ năm 2017. Cuộc diễn tập sẽ giúp hai nước chuẩn bị chiến đấu, củng cố thế trận phòng thủ tổng hợp và thể hiện khả năng răn đe mở rộng.
Tại sao phương Tây lo ngại về mối quan hệ hợp tác giữa Moscow và Bình Nhưỡng?
Theo trang tin RBC của Nga, sự xích lại gần nhau ngày càng tăng giữa Nga và Triều Tiên đang gây lo ngại ở cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Trở lại tháng 9/2022, Washington tuyên bố rằng Nga đang nhận đạn dược, đạn pháo và tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên, vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik nói với Bloomberg hôm 14/6 rằng, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, Seoul đã ghi nhận việc vận chuyển khoảng 10 nghìn container từ Triều Tiên sang Nga. Theo Chính quyền Hàn Quốc, chúng có thể chứa khoảng 4,8 triệu quả đạn pháo và chủ đề đàm phán hiện tại giữa hai nhà lãnh đạo có thể là nguồn cung tăng thêm. Mặc dù, cho đến nay cả Nga và Triều Tiên đều phủ nhận việc cung cấp vũ khí và đạn dược.
Ngày 17/6, ngay trước chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Putin, John Kirby, Điều phối viên truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói rằng Washington lo ngại không phải trước chuyến đi của nhà lãnh đạo Nga tới Bình Nhưỡng mà bởi những hậu quả của nó. “Điều khiến chúng tôi lo ngại là việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa hai nước này, không chỉ vì những hậu quả mà điều này sẽ gây ra đối với người dân Ukraine, bởi vì chúng tôi biết rằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vẫn đang được sử dụng để tấn công các mục tiêu của Ukraine, mà còn bởi vì ở đây có có thể một số bước đi có đi có lại có thể ảnh hưởng đến an ninh của Bán đảo Triều Tiên”, ông John Kirby nhấn mạnh.
Các nước phương Tây cũng cáo buộc Nga sử dụng lao động từ Triều Tiên, trái với Nghị quyết 2397 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2017 quy định từ chối thuê lao động Triều Tiên và trả họ về nước trước ngày 22/12/2019. Tháng 12/2023, Vụ trưởng Vụ các tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga Pyotr Ilyichev cho biết Moscow đã hoàn thành nghĩa vụ theo nghị quyết này.
Theo RBC, Mỹ và các đồng minh cũng lo ngại rằng để đổi lấy nguồn cung cấp vũ khí, Nga sẽ không chỉ hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên, mà còn chia sẻ công nghệ để phát triển các chương trình hạt nhân, tên lửa và không gian. Lý do cho những giả định như vậy là việc hai nước lựa chọn địa điểm cho cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào tháng 9/2023, tại Sân bay vũ trụ Vostochny. Chuyên gia Lee Choon Geun thuộc Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ của Hàn Quốc từng nhận định, việc Tổng thống Putin tiếp đón nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Sân bay vũ trụ Vostochny cho thấy Nga có thể sẽ tìm cách hướng dẫn Triều Tiên tạo vệ tinh, thay vì chế tạo chúng cho Triều Tiên. Rất khó có khả năng Nga sẽ phóng vệ tinh thay Triều Tiên vì điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc.
Hùng Anh
{name} - {time}
-
2024-12-11 09:18:00
Kỷ nguyên mới ở Syria và vị thế của Iran
-
2024-12-10 09:21:00
Ai được chỉ định lập chính phủ mới để quản lý giai đoạn chuyển tiếp ở Syria?
-
2024-06-18 08:43:00
Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
Các nước nói gì về sự hiện diện của Nga trong đàm phán hòa bình cho Ukraine?
NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?
Ngành thực phẩm châu Âu “thấp thỏm” trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa
Đằng sau quyết định đầy rủi ro của Tổng thống Pháp Macron
Bầu cử EP: Cán cân quyền lực cuối cùng vẫn chưa được xác định
Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Sự trỗi dậy của cánh hữu