(Baothanhhoa.vn) - Ngày 15-16/6, theo đề nghị của Ukraine, Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung với sự đồng thuận của 80/92 quốc gia tham dự. Tuy nhiên, hội nghị lần này có thực sự là bước tiến lớn, mang lại hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại

Ngày 15-16/6, theo đề nghị của Ukraine, Thụy Sĩ tổ chức hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại khu nghỉ dưỡng Burgenstock. Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung với sự đồng thuận của 80/92 quốc gia tham dự. Tuy nhiên, hội nghị lần này có thực sự là bước tiến lớn, mang lại hòa bình cho cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine vẫn là câu hỏi khó trả lời.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại

Kết quả đáng chú ý tại hội nghị

Theo trang tin RBC của Nga, trong thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ ngày 16/6, được 80/92 quốc gia tham gia ký kết, chỉ có 3 điểm từ “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Zelensky, cụ thể là: (1) Các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine (đặc biệt là Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye) phải hoạt động an toàn và bảo đảm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Ukraine theo các nguyên tắc của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Bất kỳ mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân nào trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine đều không thể chấp nhận được; (2) An ninh lương thực toàn cầu phụ thuộc vào việc sản xuất và cung cấp thực phẩm không bị gián đoạn. Vì vậy, sản phẩm nông nghiệp của Ukraine phải được cung cấp an toàn và miễn phí cho các nước thứ ba quan tâm. Việc Ukraine tiếp cận các cảng trên Biển Đen và Biển Azov phải được khôi phục. Các cuộc tấn công vào tàu buôn tại các cảng và dọc tuyến đường cũng như các cảng dân sự và cơ sở hạ tầng cảng dân sự là không thể chấp nhận được. Nghiêm cấm và lên án mạnh mẽ việc sử dụng an ninh lương thực như một công cụ chính trị; (3) Tất cả tù binh chiến tranh phải được trả tự do thông qua trao đổi toàn bộ, trong đó có cả trẻ em, dân thường “bị trục xuất, di dời và giam giữ bất hợp pháp” phải được trả về Ukraine. Đồng thời, tài liệu không có nội dung kêu gọi Nga rút quân ngay lập tức và các vấn đề “gây tranh cãi” khác, mà theo truyền thông, đã bị loại khỏi dự thảo cuối cùng theo đề xuất của một số nước ở châu Á và Trung Đông.

Trên trang website của Tổng thống Ukraine có đăng tải thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh hòa bình tại Thụy Sĩ. Ngoài 3 nội dung trên, tài liệu nhấn mạnh các bên đã đồng ý đưa Nga vào đàm phán, mặc dù tên của quốc gia này không được đề cập ở đó. “Chúng tôi tin rằng việc đạt được hòa bình đòi hỏi sự tham gia và đối thoại giữa tất cả các bên. Do đó, chúng tôi quyết định trong tương lai sẽ thực hiện các biện pháp cụ thể trong các lĩnh vực trên với sự tham gia sau đó của đại diện tất cả các bên”, tài liệu viết.

Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine diễn ra từ ngày 15-16/6 tại Burgenstock. Hơn 160 quốc gia được mời tham dự nhưng chỉ có 92 quốc gia tham gia (bao gồm cả Kosovo được công nhận một phần). Tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh đã được 80 quốc gia ký kết, bao gồm Hungary, Slovakia, Serbia, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia. Trong khi đó, các quốc gia có tiếng nói quan trọng, như Ấn Độ, Ả-rập Xê-út, Nam Phi, Brazil, Các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Armenia, Thái Lan và Mexico không ký vào tuyên bố chung.

Tổng thống Ukraine Zelensky giải thích rằng Nga không được mời tham dự để bảo đảm hội nghị không bị gián đoạn. Ông Zelensky hứa sẽ chuyển về Moscow kết quả của sự kiện để ghi dấu sự kết thúc xung đột quân sự tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai. Trong khi đó, ngày 14/6, Tổng thống Nga Putin cũng đã đưa ra đề xuất hòa bình của riêng Moscow, trong đó nhấn mạnh một số điều kiện cốt lõi, như quân đội Ukraine phải rút quân khỏi các khu vực Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng (LPR), Zaporozhye và Kherson; tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Mục đích của Chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky

Tổng thống Ukraine Zelensky đánh giá cao những kết quả đạt được tại hội nghị. Trong thông cáo đăng tải trên website chính thức, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, “sự kiện này là bước đầu tiên hướng tới một thế giới công bằng dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế”. “Ngày nay thế giới thấy rằng ngoại giao thực sự không chỉ là lời nói, mà còn là các bước cần thực hiện để khắc phục tình hình. Chúng tôi đã bắt đầu thực hiện các bước như vậy và đây là ý nghĩa thiết thực của hội nghị thượng đỉnh hòa bình. Tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể đạt được kết quả nhanh nhất có thể”, Tổng thống Zelensky tóm tắt.

Theo Reuters, các đại diện của phái đoàn Ukraine tại hội nghị giấu tên khẳng định, họ hài lòng với các công thức đã đạt được. “Chúng tôi đã có thể mang lại cho thế giới ý tưởng rằng những nỗ lực chung có thể ngăn chặn chiến tranh và thiết lập một nền hòa bình công bằng”, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đưa ra tuyên bố như vậy vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ, ngày 15/6. “Tôi tin rằng tại đây, tại hội nghị thượng đỉnh, chúng ta sẽ chứng kiến ​​lịch sử được làm nên”, nhà lãnh đạo Ukraine viết trên mạng xã hội X.

TASS dẫn nhận định của Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) Vladimir Zharikhin cho rằng, Chính quyền Tổng thống Ukraine Zelensky đã rất kỳ vọng vào hội nghị hòa bình lần này, và thực tế là đã có những bước chuẩn bị tương đối ráo riết, tích cực. Tổng thống Zelensky đã thực hiện loạt hoạt động ngoại giao con thoi, như: tham dự và phát biểu tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore (ngày 2/6), bất ngờ thăm Philippines (ngày 3/6), đến chuyến thăm châu Âu và lần lượt hội đàm với người đồng cấp Pháp, Đức, Mỹ (ngay trước thềm hội nghị hòa bình). Theo chuyên gia Vladimir Zharikhin, thông qua hội nghị, Tổng thống Zelensky muốn đạt được một số mục tiêu chiến lược sau:

Một là, kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế đứng về phía Ukraine, gây sức ép Nga trong cuộc xung đột quân sự giữa hai nước này. Theo chuyên gia Vladimir Zharikhin, không phải ngẫu nhiên ông Zelensky tham dự Đối thoại Shangri-La và lựa chọn thăm Philippines. Mục đích của Tổng thống Zelensky là kêu gọi sự tham gia của các nước Nam bán cầu, vì nếu không có sự tham gia của họ, hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ về cơ bản là một cuộc họp của các đại diện phương Tây, luôn xem Nga là “mối đe dọa lớn nhất”. Ngoài ra, ở góc độ khác, việc nhiều nước đồng ý và tham gia hội nghị hòa bình như một động thái cho thấy các nước này quan tâm đến cuộc xung đột Nga-Ukraine và công nhận tính chính danh của Tổng thống Zelensky ở Ukraine. Với ông Zelensky, đây có thể được coi là một thắng lợi về mặt ngoại giao.

Hai là, tìm kiếm thêm sự hậu thuẫn về vũ khí cho quân đội Ukraine để có thể duy trì vững chắc tuyến phòng thủ trên chiến trường. Theo chuyên gia Vladimir Zharikhin, tình hình chiến sự tại Kharkov đang diễn ra ác liệt và những thất bại từ đầu năm 2024 là nguyên nhân khiến Chính quyền Tổng thống Zelensky “sốt sắng” và muốn tìm kiếm nhiều hơn sự hỗ trợ từ phương Tây, cả về vũ khí và chiến thuật tác chiến. Thời gian gần đây, các nước phương Tây đã tiến thêm một bước khi “bật đèn xanh” cho quân đội Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga với hy vọng điều này có thể giúp quân đội Ukraine cải thiện tình hình. Nhưng giới phân tích chính trị-quân sự cho rằng, để bảo đảm tính hiệu quả cao nhất trong những gói viện trợ sắp tới, phương Tây phải bảo đảm được tính hiệp đồng tác chiến của những vũ khí mà các nước này cung cấp cho quân đội Ukraine, cũng như vạch ra chiến thuật tác chiến, cách thức bố trí các lực lượng phòng không phù hợp, hiệu quả, trong đó có tính đến tầm bắn tối đa của các đơn vị tấn công Nga. Ví dụ, những bom dẫn đường của Nga có tầm bắn tới 70km, vì vậy, nếu hệ thống Patriot mà Pháp cung cấp cho Ukraine được bố trí gần biên giới Nga, thì máy bay Nga sẽ phải bay vào tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine để thả những quả bom này. Điều này sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho các máy bay của Nga khi lọt vào tầm ngắm của hệ thống phòng không phương Tây cung cấp cho Ukraine.

Hội nghị hòa bình Thụy Sĩ có thể mang lại hiệu ứng tích cực?

Theo Izvestia, chính trị gia, nhà báo độc lập người Thụy Sĩ Guy Mettan cho rằng, việc Trung Quốc, đặc biệt là Nga không cử đại diện hoặc không được mời tham dự đã phủ bóng đen lên kết quả hội nghị hòa bình tại Thụy Sĩ. Nguyên nhân là do Trung Quốc và Nga đang ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong giải quyết các “điểm nóng” của khu vực và thế giới, hơn nữa Nga lại là bên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột quân sự tại Ukraine, nên sẽ không thể bảo đảm khách quan, toàn diện khi thiếu “tiếng nói” từ phía Nga. Theo chính trị gia này, “hoàn toàn rõ ràng rằng các nước phương Tây, bằng cách triệu tập một hội nghị như vậy, đang cố gắng khôi phục quyền lực của mình trên thế giới và thuyết phục dư luận quốc tế tin rằng họ tuân thủ các nguyên tắc giải quyết hòa bình”.

Hơn nữa, việc nhiều nước không ký vào tuyên bố chung của hội nghị cho thấy những bất đồng quan điểm, nghi kỵ còn tồn tại trong cộng đồng quốc tế về cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine là rất lớn. Theo ông Guy Mettan, các nước này, vì “không muốn làm phật lòng Nga”, hoặc còn có những quan điểm khác trong vấn đề Ukraine nên đã không chấp nhận ký vào tuyên bố chung. Thực tế, chỉ có 3/10 điều kiện trong “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky được đưa vào tuyên bố chung. Xét về 3 điều kiện này có thể thấy, việc ngăn chặn mối đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân, vấn đề an ninh lương thực là những vấn đề mang tính toàn cầu, tác động tiêu cực đến môi trường an ninh thế giới, chứ không phải là vấn đề của riêng Ukraine và phương Tây; trong khi đó, việc trao trả tù nhân thuộc lĩnh vực nhân đạo, không có tác động đáng kể đến cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine.

Trong khi đó, những điều kiện trong “công thức hòa bình” của Tổng thống Zelensky có liên quan trực tiếp đến cục diện chiến trường Ukraine, như việc yêu cầu Nga rút quân, chấm dứt chiến sự; khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; hay việc xét xử tội ác chiến tranh lại không được nhắc đến. Điều này đặt ra câu hỏi về sự nhượng bộ của Chính quyền Kiev, hay phải chăng để mở rộng sự tham gia của cộng đồng quốc tế mà Tổng thống Zelensky đã phải chấp nhận thu hẹp nội dung chương trình nghị sự, bỏ qua những vấn đề gai góc nhất của cuộc chiến.

Còn theo TASS, Andrey Kortunov, Giám đốc khoa học của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga cho rằng, trong khi Tổng thống Zelensky loay hoay với chương trình nghị sự tại hội nghị hòa bình Thụy Sĩ, thì Điện Kremlin đã đưa ra đề xuất hòa bình theo các điều kiện của Nga, rất rõ ràng, cụ thể. Theo đó, Nga yêu cầu quân đội Ukraine rút quân khỏi DPR, LPR, Zaporozhye và Kherson; kêu gọi tình trạng trung lập, không liên kết và không có lực lượng hạt nhân trên lãnh thổ Ukraine; phi quân sự hóa, phi quốc tế hóa Ukraine; ấn định quy chế cho các vùng Crimea, Sevastopol, DPR, LPR, Kherson và Zaporozhye là các vùng của Nga trong các điều ước quốc tế; dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga. Theo chuyên gia Andrey Kortunov, Chính quyền Kiev và các nước phương Tây sẽ khó có thể chấp nhận các điều kiện của Nga, song xét cục diện trên chiến trường hiện nay, các nước phương Tây và Ukraine không có lựa chọn thay thế, vì các điều kiện của Tổng thống Putin dựa trên tình hình thực tế khi quân đội Nga đang chiếm ưu thế và dồn ép lực lượng Ukraine tại Kharkov.

Rõ ràng, Kiev và phương Tây sẽ không dễ dàng đồng ý với các yêu cầu do Tổng thống Putin đưa ra; ngược lại, Nga cũng sẽ khó chấp nhận các yêu cầu đã được đề xuất kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, chẳng hạn như quyền tiếp cận của Ukraine với biên giới năm 1991. Song, đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin như một “tín hiệu” cho thấy, Nga đang thuyết phục phương Tây đàm phán về khả năng đạt được một thỏa hiệp thực sự. Theo chuyên gia Andrey Kortunov, rất có thể, đây sẽ là sự phân chia lãnh thổ của Ukraine thành nhiều phần khác nhau, trong đó có các khu vực ly khai, các khu vực phi quân sự hóa, không gia nhập NATO.

Hùng Anh (CTV)


Hùng Anh (CTV)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]