Chuyến thăm của Tổng thống Putin tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Nga - Việt
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao ngày 17/6, nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Putin sẽ thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6. Chuyến thăm được kỳ vọng là sẽ tạo nền tảng mới thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt trong thời gian tới.
Thực trạng quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam hiện nay
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga đang có những bước phát triển ổn định thông qua việc duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, năng lượng, giao lưu nhân dân. Hai bên duy trì tiếp xúc, trao đổi và tổ chức đoàn cấp cao giữa hai nước, hai Đảng; trong đó phải kể đến chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Đuma quốc gia Nga Vyacheslav Volodin cùng đoàn đại biểu cấp cao Nga từ ngày 15 đến 16/10/2023; cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Putin bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và con đường” lần thứ ban vào ngày 17/10/2023.
Gần đây nhất, ngày 26/3/2024, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin. Tại cuộc điện đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chúc mừng Tổng thống Putin tái đắc cử nhiệm kỳ 2024-2030; đồng thời, nhấn mạnh Việt Nam xác định quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mình. Về phần mình, Tổng thống Nga Putin trân trọng cảm ơn lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của Nga. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí về một số định hướng lớn nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong thời gian tới trên các lĩnh vực như quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch...
Hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Nga có những bước phát triển ổn định và trở thành trụ cột chính trong mối quan hệ giữa hai nước. Theo Tham tán Dương Hoàng Minh, đại diện Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga, cho biết, trong quý I/2024, thương mại giữa Việt Nam và Nga phục hồi mạnh mẽ với tổng kim ngạch đạt 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Nga và Việt Nam là hai nền kinh tế có tính chất bổ sung tốt cho nhau. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang Nga gồm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử, nông sản, thuỷ sản, hàng dệt may, da giày. Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu từ Nga các loại sắt thép, than các loại, phân bón, sản phẩm từ dầu mỏ, hoá chất, chất dẻo, gỗ và sản phẩm từ gỗ, lúa mì, thịt, thủy sản.
Nga-Việt Nam thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là cung cấp và sản xuất chung các nguồn tài nguyên dầu khí, trong lĩnh vực than và công nghiệp điện, cũng như hiện đại hoá và xây dựng các cơ sở năng lượng điện mới. Tháng 11/2023, Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký các nghị định thư về các thoả thuận liên chính phủ hiện có nhằm phát triển hoạt động thăm dò địa chất và sản xuất dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.
Trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh, quan hệ hợp tác Nga - Việt Nam được duy trì ở mức ổn định với việc thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao nhằm đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng giữa hai nước, cũng như xác định phương hướng hợp tác thời gian tới. Ngày 15/8/2023, trong khuôn khổ tham dự Hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 (MCIS-11) và Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự quốc tế 2023 (Army 2023) tại Moscow, Nga, Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Shoigu. Tại các cuộc tiếp xúc, quan chức quốc phòng cấp cao hai nước đều thống nhất cho rằng, trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, đối tác chiến lược toàn diện và sự tin cậy chính trị, với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ hai nước, quan hệ quốc phòng Việt-Nga tiếp tục được củng cố và tăng cường theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với các văn bản, thỏa thuận hợp tác, nhất là Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Nga giai đoạn 2020-2025 và các cơ chế hợp tác được thiết lập, đạt hiệu quả trên các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao; đối thoại, tham vấn; đào tạo, huấn luyện; quân y; hợp tác quân, binh chủng; nghiên cứu khoa học trong khuôn khổ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga; truyền thông và thông tấn quân sự, lịch sử quân sự; tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, diễn đàn đa phương về quốc phòng, nhất là các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động đa phương do Bộ Quốc phòng mỗi nước tổ chức...
Theo Valeria Vershinina, chuyên gia tại Trung tâm ASEAN thuộc Học viện Ngoại giao/Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, động lực thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga là: (1) Sức ép từ phương Tây ngày càng gia tăng liên quan đến cuộc xung động tại Ukraine đã thúc đẩy Nga chuyển hướng và tăng cường triển khai chính sách hướng Đông; trong đó, Nga ngày càng nhìn nhận via trò quan trọng của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á. Với vị trí địa lý thuận lợi, môi trường an ninh ổn định và uy tín cao trong khu vực, Việt Nam trở thành trụ cột chính trong chính sách hướng Đông của Chính quyền Tổng thống Putin, đồng thời là cầu nối giúp Nga mở rộng hợp tác với các nước Đông Nam Á; (2) Trong bối cảnh các doanh nghiệp phương Tây dần rút khỏi thị trường Nga và hợp tác thương mại giữa Nga với các nước phương Tây đóng băng, Nga rất cần hợp tác kinh tế với Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn thu. Nga-Việt Nam là hai nước có nền kinh tế có tính bổ sung cho nhau rất cao. Nhiều mặt hàng của Nga như nhiên liệu, than, công nghệ... được xuất khẩu sang Việt Nam, ngược lại các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, dệt may, giày dép ngày càng hiện diện nhiều hơn tại thị trường Nga; (3) Nga và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống lâu đời, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật - quân sự, điều mà Nga khó có thể tìm kiếm ở các đối tác Đông Nam Á khác. Đáng chú ý, những thương vụ mua sắm vũ khí của Việt Nam thường mang lại lợi nhuận cao cho Nga, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga.
Nền tảng mới cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt Nam
Theo TASS, trong bối cảnh Tổng thống Putin tái đắc cử vào tháng 3/2024, còn Việt Nam cũng có những thay đổi nhân sự cấp cao khi Đại tướng Tô Lâm được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Putin và cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước được xem là nền tảng quan trọng cài đặt mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt trong bối cảnh mới.
Một trong những mục đích quan trọng của chuyến thăm là thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Việt ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất; đặc biệt là tìm kiếm giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quan hệ hợp tác song phương. Hiện nay, quan hệ kinh tế Việt Nam - Nga đã trải qua một số thăng trầm trong những năm gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và việc Nga bị phương Tây trừng phạt liên quan đến xung đột Nga - Ukraine. Trong năm 2022-2023, hợp tác thương mại giữa hai nước thậm chí còn ở trạng thái rơi tự do. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giảm 35,4% so với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,55 tỷ USD giảm 51,4%; nhập khẩu đạt 1,99 tỷ USD, giảm 13,2%. Trong 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tiếp tục suy giảm khoảng 36,4% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, quan hệ đầu tư trực tiếp giữa hai nước cũng được cho là còn giới hạn ở mức độ tiềm năng, quy mô đầu tư nhỏ bé so với nền kinh tế và lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu vào khai thác tài nguyên, năng lượng và nông nghiệp.
Theo Izvestia, Konstantin Asmolov, chuyên gia từ Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, để tăng kim ngạch thương mại, Việt Nam và Nga phải nới lỏng các điều khoản của FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU); phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng Việt - Nga ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga có thể giúp Việt Nam phát triển dược phẩm, năng lượng xanh, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và khái niệm thành phố thông minh, phù hợp với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Hà Nội. Ngoài ra, vấn đề cấp bách nhất trong hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước là hỗ trợ ngân hàng cho các phương thức thanh toán bằng đồng nội tệ. Theo ghi nhận của đại diện Thương mại Nga tại Việt Nam, Vyacheslav Kharinov, các khoản thanh toán như vậy hiện được thực hiện bởi Ngân hàng liên doanh Việt - Nga, nơi đã thiết lập hệ thống thanh toán bằng đồng Việt Nam và đồng Rúp. Nó cũng chấp nhận thẻ từ hệ thống thanh toán MIR của Nga, nhưng vấn đề này vẫn nảy sinh trong hợp tác giữa các địa phương.
TASS dẫn nhận định của chuyên gia Alexei Zudin, giảng viên tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, hợp tác thương mại - đầu tư giữa Nga và Việt Nam đang rất cần một “cú hích”, và không lại trừ khả năng vấn đề tương tác giữa Việt Nam và BRICS cũng sẽ được thảo luận trong chuyến thăm sắp tới vì Nga giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của BRICS trong năm 2024. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu tăng cường tương tác giữa Việt Nam và BRICS, hợp tác kinh tế Việt - Nga sẽ được hưởng lợi, vì:
Một là, thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ được mở rộng. Hợp tác BRICS sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại, góp phần tăng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên BRICS hiện nay và các thành viên mới của khối trong tương lai.
Hai là, về đầu tư, hợp tác với BRICS sẽ mở rộng và đa dạng hoá đối tác đầu tư vào Việt Nam thông qua các cơ chế BRICS hiện có như Ngân hàng Phát triển mới.
Ba là, về phát triển cơ sở hạ tầng, tương tác với BRICS cũng mở ra cơ hội phát triển cho Việt Nam các tuyến vận tải và hậu cần, trong đó giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giảm thời gian cũng như chi phí vận chuyển hàng hoá.
Bốn là, hợp tác với BRICS sẽ cho phép Việt Nam trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực với các nước khác trong khối, trong đó sẽ giúp đất nước cải thiện hệ thống giáo dục, y tế và lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Hùng Anh (CTV)
(Tổng hợp/Phân tích)
{name} - {time}
-
2024-12-14 11:11:00
Quốc gia nào sẽ thay thế Iran ở Syria?
-
2024-12-14 10:02:00
Liệu tên lửa “Oreshnik” của Nga có thay đổi quy tắc chiến tranh hạt nhân?
-
2024-06-17 17:04:00
Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Thụy Sĩ : Kết quả và triển vọng có thể mang lại
Gia tăng khả năng Fed chỉ hạ lãi suất một lần trong năm 2024
Thông điệp đằng sau đề xuất hòa bình của Tổng thống Putin
Các nước nói gì về sự hiện diện của Nga trong đàm phán hòa bình cho Ukraine?
NATO chuẩn bị cho nguy cơ xung đột quân sự với Nga?
Ngành thực phẩm châu Âu “thấp thỏm” trước khả năng Trung Quốc áp thuế trả đũa
Đằng sau quyết định đầy rủi ro của Tổng thống Pháp Macron
Bầu cử EP: Cán cân quyền lực cuối cùng vẫn chưa được xác định
Bầu cử Nghị viện châu Âu 2024: Sự trỗi dậy của cánh hữu
Hội đàm Mỹ-Pháp đề cập nhiều “vấn đề nóng”