Vì sao người dân nông thôn chưa “mặn mà” sử dụng nước sạch?
Với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi để người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy nước sạch ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, sau khi các nhà máy nước đi vào hoạt động, nhiều người dân nông thôn chưa “mặn mà” sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung.
Hồ trữ và sơ lắng nước của Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn.
Tại huyện Nga Sơn, Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn (đặt tại thôn Trung Cự, xã Nga Thắng) có công suất thiết kế 9.800m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng. Nhà máy được thiết kế cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân các xã phía Nam của huyện, gồm: Nga Thạch, Nga Phượng, Nga Trung, Nga Thủy, Nga Thắng, Nga Bạch và 2 xã của huyện Hậu Lộc là Liên Lộc, Quang Lộc. Sau quá trình thi công, nhà máy chính thức vận hành từ đầu năm 2023. Đến nay, số lượng khách hàng đăng ký sử dụng nước sạch của nhà máy chỉ mới đạt khoảng 23% tổng số hộ dân trong vùng dự án.
Giám đốc điều hành nhà máy Lê Văn Cảnh, cho biết: Nga Sơn là huyện ven biển, nhiều khu vực có nguồn nước bị nhiễm mặn, nhiễm phèn khá phức tạp. Việc đầu tư và đưa vào vận hành hệ thống nước sạch tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có cơ hội được sử dụng nguồn nước bảo đảm trong sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, sau khi đi vào vận hành, tỷ lệ người dân ở các xã trong vùng dự án đăng ký sử dụng nước sạch hiện nay còn thấp. Đơn cử như ở xã Nga Thắng có 410/978 hộ; xã Nga Phượng có 551/2.465 hộ; xã Nga Thạch có 239/1.436 hộ; xã Nga Bạch có 20/3.000 hộ; xã Nga Thủy có 200/1.345 hộ; xã Nga Trung có 128/1.081 hộ... Hai xã của huyện Hậu Lộc có tỷ lệ đăng ký sử dụng nước sạch cao hơn các xã ở huyện Nga Sơn (xã Liên Lộc có 604/941 hộ; xã Quang Lộc có 508/1.078 hộ).
Xã Nga Bạch có 3.000 hộ dân với hơn 8.000 nhân khẩu phân bố trên địa bàn 7 thôn. Mặc dù hộ dân đông, song tỷ lệ đăng ký sử dụng nước sạch từ Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn mới chỉ có hơn 20 hộ dân. Giải thích về lý do này, Chủ tịch UBND xã Nga Bạch Mai Văn Sâm, cho biết: Nguyên nhân một phần do tâm lý e ngại liên quan đến đơn vị trước đây, song phần lớn là do người dân băn khoăn về mức giá lắp đặt ban đầu còn ở mức cao (khoảng 6 triệu đồng/hộ) và có sự so sánh với các xã lân cận.
Được biết, tại xã Nga Bạch những năm trước đây (khoảng 2016-2017) đã có 1 đơn vị đầu tư kinh doanh nước sạch trên địa bàn, thậm chí đã tiến hành cắt đường bê tông tại các khu dân cư để lắp đặt đường ống, tuy nhiên sau một thời gian dài, đơn vị dừng thi công. Việc bỏ dở hoạt động đầu tư của đơn vị này đã ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các hộ dân có nhu cầu sử dụng nước sạch. Chính vì vậy, khi Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn đi vào vận hành gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút khách hàng tại xã Nga Bạch.
Chủ tịch UBND xã Nga Bạch cho rằng, phía Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn nên có cơ chế hạ thấp giá lắp đặt ban đầu nhằm thu hút lượng khách hàng sử dụng nước sạch để bù đắp chi phí; đồng thời, phải bảo đảm trước các điều kiện về hạ tầng đường ống chính ở những vị trí trung tâm, từ đó địa phương mới có cơ sở chắc chắn để đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân đăng ký lắp đặt sử dụng nước sạch.
Tuy nhiên, đại diện Nhà máy Nước sạch Nam Nga Sơn cho biết, chủ đầu tư không dám mạo hiểm đầu tư dàn trải hệ thống mạng lưới đường ống cấp nước do vốn đầu tư lớn trong khi chưa chắc chắn về nhu cầu đăng ký sử dụng của các hộ dân trong xã. Chủ đầu tư nhà máy cam kết khi các hộ dân thống nhất nộp tiền đăng ký sử dụng nước sạch sẽ được cấp nước sau 15 - 30 ngày làm việc.
Tại huyện Hoằng Hóa có các công trình nước sạch tập trung, phân bố đều ở các vùng trong huyện như Nhà máy Nước sạch xã Hoằng Xuân; Nhà máy Nước sạch Hoằng Hóa đóng tại xã Hoằng Đồng; Chi nhánh cấp nước Hoằng Hóa thuộc Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa; công trình cấp nước sạch 8 xã ven biển (thuộc chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ); nhà máy nước sạch của Công ty CP Đại Dương Xanh. Mặc dù các công trình đã đi vào vận hành từ lâu, song tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch từ các công trình tập trung vẫn chưa như kỳ vọng. Tính đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn huyện mới đạt 58,9%.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ các hộ dân nông thôn đăng ký sử dụng nước sạch đạt thấp, trong đó phải kể đến như: Chi phí đấu nối đường ống, lắp đặt ban đầu tại các nhà máy còn ở mức cao, không đồng đều giữa các địa phương dẫn đến có sự so sánh; nhiều hộ vẫn duy trì thói quen dùng nước mưa hoặc nước giếng khoan, chưa hiểu hết lợi ích nước sạch từ công trình tập trung đem lại so với nguồn nước đang dùng...
Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan chuyên môn, nước ngầm ngày càng không bảo đảm vệ sinh, lượng nước này cũng ngày càng cạn dần. Vì vậy, để có nguồn nước hợp vệ sinh bảo đảm cho sức khỏe, nguồn nước sạch từ các nhà máy nước tập trung được kiểm nghiệm, thẩm định đầy đủ là rất cần thiết. Người dân cần thay đổi thói quen sử dụng nước trong sinh hoạt hằng ngày để tự bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2025-01-13 16:11:00
Quỹ Thiện Tâm tặng 3.400 suất quà tết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn
-
2025-01-13 15:07:00
Kịp thời dập tắt đám cháy tại Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước
-
2024-05-23 09:47:00
Trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn
Thủ tướng chỉ thị xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025
Cẩm Thủy tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2024
Yên Định đẩy mạnh công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi
Điểm tựa của bệnh nhân nhi
Tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay
Tài chính bấp bênh, sinh viên có nên làm thêm giúp việc nhà?
Tập huấn kĩ năng “Làm cha mẹ cho phát triển toàn diện trẻ thơ”
Khuyến khích người dân lựa chọn hình thức hòa giải, đối thoại tại tòa án
Lưu lại năm tháng học trò sao cho đúng cách