(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phong trào xây dựng làng văn hóa ở khu vực miền núi đã để lại nhiều dấu ấn với những thay đổi về diện mạo nông thôn, đời sống người dân, cũng như giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng làng văn hóa: Cách làm ở các huyện miền núi

Thời gian qua, bằng những cách làm linh hoạt, sáng tạo, phong trào xây dựng làng văn hóa ở khu vực miền núi đã để lại nhiều dấu ấn với những thay đổi về diện mạo nông thôn, đời sống người dân, cũng như giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng làng văn hóa: Cách làm ở các huyện miền núiNghề dệt thổ cẩm được đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Bá Thước giữ gìn và phát huy.

Nếu có dịp về Bá Thước chạy dọc theo những con đường quanh co, uốn lượn đi vào các thôn, bản, sẽ không khó để bắt gặp những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, Mường nằm nép mình bên những ngọn đồi xanh mướt; hay, những cô gái Thái điệu đà trong bộ trang phục truyền thống trong những ngày lễ, tết và còn có rất nhiều những bà, mẹ với đôi tay dẻo dai, hàng ngày vẫn ngồi bên khung cửi để dệt nên những bộ trang phục truyền thống đầy sắc màu. Cũng giống như nhiều địa phương khác, khi triển khai xây dựng làng văn hóa, huyện Bá Thước đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đó là tập quán sinh hoạt, làm ăn, hủ tục và lối sống an phận của một bộ phận dân cư; là “chủ nghĩa” kinh nghiệm, bảo thủ, trì trệ và tình trạng cát cứ “phép vua thua lệ làng”, dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các làng xã, dòng họ... Thực trạng trên đã đặt ra nhu cầu bức thiết là phải xây dựng đời sống văn hóa, lấy xây dựng làng văn hóa làm trọng tâm, gắn với diện mạo nông thôn mới văn hóa - văn minh. Nói về vấn đề này, ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước cho biết: Trong quá trình xây dựng làng văn hóa huyện luôn thực hiện theo phương châm: tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau; việc nào thuộc về Nhân dân thì gia đình, dòng họ đảm nhiệm; việc nào thuộc trách nhiệm tập thể thì phát động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đồng thời, huyện chú trọng đến giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn thông qua việc thành lập các câu lạc bộ, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, truyền dạy bản sắc cho thế hệ trẻ... Từ những cách làm sáng tạo, phong trào xây dựng làng văn hóa ở huyện đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân, việc huy động xã hội hóa đóng góp tiền của, ngày công để chỉnh trang, nâng cấp các hạng mục, thiết chế văn hóa được thực hiện khá hiệu quả. Trong giai đoạn từ 1989-2019, toàn huyện có 140 làng, bản, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa; xây dựng được 154 nhà văn hóa, 175 cổng làng, 310 sân vận động, tổng chi phí xây dựng thiết chế văn hóa lên tới hàng trăm tỷ đồng. So với khi chưa khai trương xây dựng làng văn hóa, tệ nạn xã hội trong các thôn, bản giảm hẳn, trật tự an ninh được giữ vững, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang dần đi vào nền nếp. Đời sống vật chất tinh thần của bà con từng bước được nâng lên.

Tại huyện Lang Chánh, từ sau khi làng Mòng (nay là thôn Tân Thành, xã Tân Phúc) được công nhận là làng văn hóa cấp tỉnh năm 1997, thì phong trào xây dựng làng văn hóa được nhân rộng và triển khai có hiệu quả ở hầu hết các thôn, bản trong toàn huyện. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: Với đặc thù là huyện miền núi, cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém và thiếu đồng bộ; trong đó, hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập. Các yếu tố đó đã chi phối, ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa. Trong khi đó, xây dựng làng văn hóa lại bao gồm nhiều nội dung, nhiều tiêu chí có sự liên quan chặt chẽ đến tất cả các lĩnh vực; vì vậy, huyện xác định cần phải đa dạng hóa các hình thức tổ chức thực hiện. Trên cơ sở những quy trình, quy định chung, cần chủ động, linh hoạt vận dụng những cách làm phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi khu dân cư; đồng thời, không được hạ thấp các tiêu chí đã quy định, nhằm đưa phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhờ đó, phong trào ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực. Năm 2020, toàn huyện đã có 64/78 làng, bản, khu phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa cấp huyện; 10/78 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh; 8.200/11.566 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Bá Thước, Lang Chánh mà phong trào xây dựng làng văn hóa đã có sức lan tỏa sâu rộng và thổi một làn gió mới vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ở hầu khắp các địa phương miền núi như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát... Làng văn hóa đã trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá chất lượng cuộc sống của người dân. Các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa với những tiêu chí cụ thể, sát thực, phù hợp đã và đang trở thành phong trào có chiều rộng và chiều sâu trên toàn tỉnh; đóng góp tích cực vào phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải thừa nhận rằng, do sự phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền và trong từng địa phương nên công tác tổ chức xây dựng làng văn hóa ở các huyện miền núi còn chậm và ít hiệu quả. Hơn nữa, do điều kiện địa lý, trình độ dân trí thấp, kinh phí, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở còn yếu... nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và hiệu quả xây dựng làng văn hóa. Bởi vậy, thiết nghĩ để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, các huyện miền núi cần tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của các điển hình làng văn hóa tiêu biểu ở từng bản, làng, từng dân tộc để nhân rộng, hướng tới nâng cao và phát triển bền vững danh hiệu; khơi dậy và phát huy tinh thần chủ động, tích cực tự quản cộng đồng của bà con dân tộc thiểu số; quan tâm việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống... Đặc biệt, nếu các huyện miền núi được quan tâm đầu tư đồng bộ về hệ thống thiết chế văn hóa; thường xuyên chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở... sẽ tạo đòn bẩy để thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]