(Baothanhhoa.vn) - Thưở xa xưa, vùng Chân Lạp có hai miền đất: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Lục Chân Lạp ở phía trên, đất đai cao ráo, phì nhiêu, Biển Hồ mênh mông, lắm tôm, nhiều cá, dân cư tụ họp đông đúc, vua chúa tranh nhau trị vì, các nước lân cận Xiêm La, Miến Điện thường xuyên dòm ngó, mưu toan cướp đoạt. Phía dưới thuộc vùng đất biển bồi lấp, thấp trũng, lầy lội, cỏ dại lút người, cây rậm thành rừng... Người tha phương cầu thực phiêu dạt đến đây, cùng đường hết lối, đành che túp lều lá phải chao con tép, mò con cá, sống qua ngày. Đói quá họ thành trộm cướp... Những kẻ bị thất bại trong cuộc tranh giành chúa tể miền đất giàu có Lục Chân Lạp cũng chạy xuống Thủy Chân Lạp với lũ tàn quân tranh hùng xưng bá, cá lớn nuốt cá bé. Họ bị vương triều Cao Miên đóng đô ở thành U-Đông an trí trọn đời, không hy vọng ngày trở về nước cũ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vĩnh An hầu Nguyễn Hữu Cảnh

Thưở xa xưa, vùng Chân Lạp có hai miền đất: Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Lục Chân Lạp ở phía trên, đất đai cao ráo, phì nhiêu, Biển Hồ mênh mông, lắm tôm, nhiều cá, dân cư tụ họp đông đúc, vua chúa tranh nhau trị vì, các nước lân cận Xiêm La, Miến Điện thường xuyên dòm ngó, mưu toan cướp đoạt. Phía dưới thuộc vùng đất biển bồi lấp, thấp trũng, lầy lội, cỏ dại lút người, cây rậm thành rừng... Người tha phương cầu thực phiêu dạt đến đây, cùng đường hết lối, đành che túp lều lá phải chao con tép, mò con cá, sống qua ngày. Đói quá họ thành trộm cướp... Những kẻ bị thất bại trong cuộc tranh giành chúa tể miền đất giàu có Lục Chân Lạp cũng chạy xuống Thủy Chân Lạp với lũ tàn quân tranh hùng xưng bá, cá lớn nuốt cá bé. Họ bị vương triều Cao Miên đóng đô ở thành U-Đông an trí trọn đời, không hy vọng ngày trở về nước cũ.

Triều đình Cao Miên lại hay xảy ra nội chiến, tranh ngôi đoạt vị. Lợi dụng tình thế ấy các nước Xiêm La, Miến Điện, những kẻ tham lam dễ sinh lòng xâm lược. Những khi xảy ra nạn nội chiến hoặc ngoại xâm, triều đình U-Đông thường phải chạy sang Thuận Hóa cầu xin chúa Nguyễn cứu giúp. Các chúa Nguyễn bao giờ cũng giang rộng hai cánh tay giúp đỡ người anh em thoát cơn hoạn nạn. Mỗi lần như vậy, chính quyền U-Đông lại cắt đất để đền ơn. Họ cũng khôn khéo lắm, toàn những đám xương xẩu đầu trâu trán khỉ ở những nơi sơn cùng thủy tận của miền xa xôi hẻo lánh. Một ví dụ tiêu biểu.

Năm 1691, Phó vương thất thế Nặc Ông Nộn (AngNon) qua đời, miền đất Thủy Chân Lạp trở thành vô chủ. Đây là thời cơ để hai tập đoàn người Minh (Trung Quốc) chạy trốn chính quyền nhà Thanh đến xin cư trú từ trước có dịp bành trướng, mở rộng đất đai. Mạc Cửu được chúa Nguyễn cho cư trú ở Hà Tiên (vùng An Giang), Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên ở Gia Định (Sài Gòn). Bấy giờ người Việt đã di cư vào xứ Đồng Nai ngày càng nhiều. Binh thuyền của Tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến đóng ngay tại Biên Hòa. Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, cho thương thuyền của người Thanh (Trung Quốc) và các nước Tây Dương, Nhật Bản, Chà Và ra vào buôn bán tấp nập. Ý đồ “Ở đỗ cất lấy nhà” của Thượng Xuyên, Hoàng Tiến nhằm thực hiện âm mưu cát cứ lâu dài bắt đầu lộ rõ.

Cũng trong thời gian đó (1679), Mạc Cửu nhanh chóng di dân lập ấp, khai hoang biến toàn bộ đất Hà Tiên – Long Xuyên – Bạc Liêu – Cà Mau (bấy giờ gọi chung là Hà Tiên) thuộc lãnh địa riêng của gia đình dòng họ mình. Sách Thanh triều văn hiến thông khảo gọi đây là “Cảng khấu quốc” (nước Cảng Khấu), mô tả:

“Nước này có nhiều núi cao, địa hạt khoảng 100 dặm vuông. Thành trì và các cung thất làm bằng gỗ, không khác mấy Trung Quốc. Chỗ vua ở xây bằng gạch ngói. Chế độ trang phục phảng phất giống các vua đời trước (nhà Minh). Họ búi tóc, đi võng, chít khăn, đội mũ. Vua mặc áo bào, vẽ trả, rắn (rồng rắn), lưng thắt giải, đai, giầy dép bằng da. Dân mặc áo vạt cổ rộng... Họ gặp nhau thì chắp hai tay chào theo lễ. Phong tục nước này ham chuộng thơ văn, trong nước có dựng đền thờ Khổng Tử. Vua và dân đều đến lễ...” (NXB Thế giới). Như vậy, dưới mắt của một ký giả triều nhà Thanh (Trung Quốc), đất Hà Tiên là một tiểu vương quốc độc lập do Mạc Cửu làm vua ở ngay trên vùng Thủy Chân Lạp do quốc vương Cao Miên đã cắt dâng chúa Nguyễn và Mạc Cửu hàng năm vẫn nộp thuế má bằng sản vật như một phiên thần, một tá điền nộp thóc lúa cho địa chủ sau mỗi vụ cày cấy thu hoạch. Trong khi đó, các viên tướng lưu vong Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch lẽ nào chịu thua kém Mạc Cửu?

Trước tình hình ấy, chúa Nguyễn Phúc Chu phải có biện pháp đối phó. Từ 1691, sau khi Nặc Ông Nộn, Phó vương Cao Miên bị phế truất qua đời, Thủy Chân Lạp trở thành vùng đất vô chủ, chúa Nguyễn căn cứ pháp lý phần lớn đất đai ở đây các triều vua U-Đông đã cắt dâng cho Phú Xuân (Huế) quyết định sáp nhập toàn bộ vào xứ Đàng trong. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu đại diện chính quyền nước Đại Việt sai Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất kinh lý vùng đất Thủy Chân Lạp từ Đồng Nai, Gia Định đến Hà Tiên.

Nguyễn Hữu Cảnh là con trai thứ ba Chiêu Võ hầu Nguyễn Hữu Dật, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Hữu Cảnh sinh năm 1650, em thứ ba Hữu Hào tác giả truyện thơ Song tinh bất dạ.

Nguyễn Hữu Dật và Nguyễn Hữu Tiến (quê huyện Tĩnh Gia) hai danh tướng của chúa Nguyễn, cũng là hai thành lũy vững chắc bảo vệ cơ đồ xứ Nam Hà trước những trận chiến vũ bão do quân Trịnh từ Thăng Long tiến vào. Có lần, hai viên hổ tướng này đã đem hùng binh đánh ra tận sông Lam (Nghệ An) dưới cờ “Phù Lê diệt Trịnh”, nhưng rồi phải rút quân về. Chúa Nguyễn hiểu thời và thế chưa cho phép nhất thống thiên hạ, nên hướng về phương Nam thuận lòng trời, hợp lòng người hơn.

Nguyễn Hữu Cảnh trong sử sách triều Nguyễn chép là Nguyễn Hữu Kính vì kiêng tên húy hoàng tử Cảnh, con trai đầu vua Gia Long chẳng may bị mất sớm. Hữu Cảnh giỏi binh thư binh pháp. Năm 1672 Hữu Cảnh làm tham tướng đem thủy binh giữ cửa biển Nhật Lệ phòng quân chúa Trịnh Căn đang tiến đánh lũy Trấn Ninh rất nguy cấp. Hữu Cảnh chỉ huy quân đóng cọc gỗ ngăn cửa biển, đắp thêm pháo đài ở lũy Động Cát để thủy bộ liên kết làm thế dựa lẫn nhau. Trận ấy quân Trịnh không phá được Trấn Ninh do Hữu Dật trấn giữ, đường thủy cũng không tiến được vì Hữu Cảnh phòng bị cửa lũy Động Cát đành theo lệnh Trịnh Căn rút về Bắc.

Vua Bà Tranh từ lâu cậy mạnh ngấm ngầm chống lại chúa Nguyễn. Năm 1692, Bà Tranh họp quân nổi loạn cướp giết cư dân phủ Diên Ninh (Khánh Hòa). Chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống binh Hữu Cảnh đem quân đi đánh. Bà Tranh cố thủ dinh lũy. Hữu Cảnh sai quân lính đội ván trát bùn chống lại tên lửa, tên độc, trèo lên mặt lũy. Bà Tranh liệu thế không chống nổi, bỏ thành chạy trốn. Tháng 3 Quý Dậu (1693) Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh và bề tôi Kế Bà Tử cùng thân thuộc là nàng Mi Bà Ân. Chúa Phúc Chu đổi nước của Bà Tranh làm trấn Thuận Thành (1697 đổi tên phủ Bình Thuận). Vì Bà Tranh phạm nhiều tội ác cướp của giết người, tha cho tội chết nhưng phải an trí tại núi Ngọc Trản (Huế) để ăn năn hối lỗi, hàng tháng được cung cấp đầy đủ vật dụng. Hữu Cảnh toàn quyền xếp đặt quan chức, cho quân lính được mang người nhà đến đất mới (Khánh Hòa, Bình Thuận) cư trú, khai phá đồng ruộng, xây dựng làng xóm, cho con cái, tay chân Bà Tranh được làm đề đốc, đề lãnh để họ tự cai trị lẫn nhau, đề phòng họ tụ đảng nổi loạn.

Nhưng người ở đây bản tính hung dữ, ngang ngạnh, không thể giáo hóa ngày một ngày hai. Họ quen thói cướp bóc, giết chóc, thường rủ nhau trốn vào rừng tụ chúng họp đảng làm loạn. Chúa Nguyễn Phúc Chu thăng Hữu Cảnh làm Chưởng cơ ở lại cai quản. Hữu Cảnh xin chúa Nguyễn cho Kế Bà Tử làm Phiên vương trấn Thuận Thành, thống trị quân dân, hàng năm dâng lễ cống nạp lên nhà chúa thay phú thuế.

Bấy giờ đất đai nước Việt thời chúa Nguyễn đã mở mang thêm từ Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai đến tận Sài Gòn. Hữu Cảnh làm Chưởng cơ dinh Bình Khang cai quản thủy lục quân vùng đất mới thu phục, toàn quyền điều động quân lính đánh dẹp quân phản loạn và tiếp nhận lưu dân cùng di dân các nơi đến làm ăn. Thấy Hữu Cảnh có tài kinh bang tế thế, chúa Phúc Chu sai ông làm Thống suất kinh lý vùng đất hoang hóa Thủy Chân Lạp, các vua Cao Miên đã cắt dâng qua các triều đại. Đã gần 20 năm, chúa Nguyễn đã cho các tướng cũ nhà Minh, nhà Thanh (Trung Quốc) được phép khai khẩn để ở. Nhưng do tranh chấp quyền lợi, họ đánh giết lẫn nhau, chia riêng sơn hà, khiến dân chúng điêu đứng lầm than. Đã nghe danh tiếng Nguyễn Hữu Cảnh, các tướng lưu vong tất thảy đều khiếp sợ, chịu sự sai khiến của Chưởng cơ.

Hữu Cảnh lấy xứ Lộc Dã làm huyện Phước Long và dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa) để cai quản. Ông chiêu mộ dân xiêu tán từ Quảng Bình (vốn là dân Bắc Hà) vào cho ở theo thôn ấp. Người Minh, người Thanh, Trung Quốc đến cư trú cho ở theo phố xá riêng, cũng ghi tên vào sổ hộ lấy tên Minh Hương, Thanh Hương để tiện quản lý. Người Thanh ít thì nhập sổ chung với người Minh. Vì thế sau này nhiều làng mang tên Minh Hương. Họ ở cùng tổng xã với người Việt, chịu ảnh hưởng văn hóa Việt. Ở nơi phố xá tiện buôn bán, họ tự do giao thương với tàu thuyền nước ngoài dưới sự kiểm soát của chính quyền địa phương.

Xứ Sài Gòn rộng lớn, Hữu Cảnh đặt huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn, đóng các cơ đội thủy, bộ chỉ huy vùng đất mới từ đây đến Hà Tiên. Các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn (sau là Gia Định) ông đều đặt quan chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền, xe, quân thủy, quân bộ tinh nhuệ, thuận tiện điều động đi các nơi khi cần thiết. Ngoài tinh binh ở đây còn thuộc binh phân chia đóng đồn những nơi trọng yếu khác. Đất đai mở rộng thêm ngàn dặm và dân cư cũng đông hơn 4 vạn hộ. Tuy nhiên so với đất đai, dân cư hãy còn thưa thớt, rừng rậm khắp nơi, thú dữ, trộm cướp đâu đâu cũng có. Hữu Cảnh chiêu mộ những nhà có nhân lực, vật lực ở xứ Quảng Nam để khai khẩn đất hoang. Ai khẩn được bao nhiêu, đất công sẽ thành ruộng tư bấy nhiêu. Ruộng đất thành thục, gia đình thu hoạch cả, ba năm sau mới phải nộp thuế. Ông lại cho mua những nô tỳ ở các đầu nguồn, đem đến ở vùng đất mới, cho trai gái tự lấy nhau, giúp họ xây dựng gia đình, chung tay sản xuất, con cái sinh ra đều thành nông dân tự do. Nhờ vậy, dân cư thêm đông đúc, xã hội càng phát triển, đồng ruộng nhanh chóng mở mang. Ông khuyến khích chăn nuôi trâu bò, lợn gà, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, tự túc rau màu. Do đó, đất đai được cấy trồng quanh năm, gia súc đầy đàn, nhiều nhà no ấm, giàu có, của cải dư thừa.

Tháng 7 năm Kỷ Mão (1699) Nặc Thu nước Chân Lạp ở U-Đông làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang, Cầu Nam để chống cự quân Nguyễn, cướp dân buôn, quấy rối miền biên giới. Trước đó, Hữu Cảnh đã sai quân trấn giữ miền biên giới. Long Môn tướng quân Trần Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (Vĩnh Long) đưa tin báo về Phú Xuân (Huế) thủ phủ chúa Nguyễn để xin định đoạt.

Tháng 10 năm ấy, chúa Nguyễn sai Hữu Cảnh làm Thống suất các cơ đội hai đạo quân thuộc dinh Bình Khang, dinh Trấn Biên, cùng thủy binh dinh Quảng Nam và tướng sĩ Doanh Châu đi đánh.

Tháng 2 năm Canh Thìn (1700), Hữu Cảnh đem các đạo binh tiến vào Chân Lạp, đóng ở Ngư Khê, sai Trần Thượng Xuyên đánh nhiều trận đều thắng. Ông đem đại binh đánh thẳng vào lũy Bích Đôi và Nam Vang. Quốc vương Nặc Thu lùa hết đại binh ra chống trả. Hữu Cảnh mặc nhung phục, đội mũ trận đứng trên đầu thuyền, vung gươm, vẫy cờ đốc thúc quân thủy bộ đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu kinh hoàng bỏ thành chạy trốn. Nặc Yêm ra hàng. Hữu Cảnh vào thành, cấm ba quân tuyệt đối không được đốt phá, giết người, cướp của. Ông kể tội Nặc Thu, khuyên dân chúng yên lòng, vốn ở đâu cứ về đó an phận làm ăn. Nặc Thu tự biết chạy trốn không thoát, đến cửa quân đầu hàng xin mệnh lệnh, nguyện hàng năm nộp lễ cống để chuộc tội. Hữu Cảnh báo tin thắng trận về Phú Xuân, xin chúa Nguyễn tha cho Nặc Thu cùng Nặc Nộn, hai anh em cùng được làm vua nước Chân Lạp như trước.

Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở Lao Đôi (sau là Rạch Giá), trước hết đề phòng quân địch trở mặt, sau nữa tiếp tục củng cố việc cai trị vùng đất mới, chỉ huy quân tướng cùng dân chúng khai hoang lập ấp, chiêu mộ người các nơi đến ở.

Một hôm, trời mưa to gió lớn, núi Lao Đôi lở ầm ầm, Hữu Cảnh thấy người mình mệt mỏi rồi sinh ốm nặng. Ông bị cảm nhiễm khí hậu không lành, cắt đặt mọi việc quân dân, rồi về Phiên Trấn để tiện thuốc thang. Ông biết mình khó qua khỏi, nói với mọi người: “Ta muốn hết sức báo đền ơn nước nhưng số trời có hạn, sức người không thể vượt qua được!”. Than rồi, ông từ từ nhắm mắt lại và tắt thở. Năm ấy Nguyễn Hữu Cảnh mới 50 tuổi!

Chúa Nguyễn thương tiếc truy tặng Nguyễn Hữu Cảnh Hiệp tán công thần, đặc tiến Chưởng dinh, cho tên thụy là Trung Cần. Đời Gia Long, ông được tòng tự tại nhà Thái miếu (Huế). Năm Minh Mệnh thứ 12, vua sắc phong ông là Vĩnh An hầu. (Có tài liệu chép là sau tiến phong Tài Lễ công).

Nam bộ nhớ ơn Nguyễn Hữu Cảnh, nhiều nơi lập đền thờ. Đền thờ ông lớn nhất ở Chợ Mới, hàng năm mở hội vào ngày 5-5, khắp nơi thuyền ghe tấp nập, Nhân dân đến tưởng niệm.

Hoàng Tuấn Phổ


Hoàng Tuấn Phổ

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]