(Baothanhhoa.vn) - Nằm trong vùng đất quý “Tiền tam yên, hậu ngũ phúc” làng Phúc Bồi, xã Thọ Lập (Thọ Xuân) vẫn được dân gian ngợi ca là nơi “đất lành chim đậu”. Không chỉ vậy, đây còn là một trong những làng trồng chè Sánh Lược ngon nức tiếng.

Về làng Phúc Bồi

Nằm trong vùng đất quý “Tiền tam yên, hậu ngũ phúc” làng Phúc Bồi, xã Thọ Lập (Thọ Xuân) vẫn được dân gian ngợi ca là nơi “đất lành chim đậu”. Không chỉ vậy, đây còn là một trong những làng trồng chè Sánh Lược ngon nức tiếng.

Về làng Phúc BồiPhúc Bồi là một trong 3 làng trồng chè xanh Sánh Lược ngon nức tiếng. Ảnh: Khánh Lộc

Nằm trong không gian vùng đất cổ, thời Lý - Trần, Phúc Bồi thuộc huyện Lương Giang; đầu thời Lê thuộc huyện Ứng Thụy, về sau thuộc huyện Thụy Nguyên, đến cuối thời Nguyễn lại thuộc huyện Thiệu Hóa và từ năm 1954 Phúc Bồi và Yên Trường thuộc xã Thọ Lập (Thọ Xuân).

Dù đến nay chưa có khẳng định chắc chắn nào về thời gian con người đến khai hoang ở Phúc Bồi, dẫu vậy, theo truyền thuyết lưu truyền trong dân gian, người dân tin rằng từ 2.000 năm trước Phúc Bồi đã có con người đến cư ngụ. Chuyện kể rằng khi Thái thú nhà Đông Hán là Tô Định đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, đã cho một số quân tiến xuống đóng ở hữu ngạn sông Lương (tức sông Chu). Lúc bấy giờ, giặc thường xuyên qua sông lấy lương thực, hoa màu của người dân. Vì thế, dân làng Yên Trường và Phúc Bồi đã rủ nhau trồng cây lá nán (lá han) rào lại ruộng vườn, giặc không biết nên khi quệt vào bị ngứa, từ đó không còn dám sang cướp đồ của dân lành. Đến thời nhà Lê, nằm trong không gian của vùng đất Yên Trường - Vạn Lại vì thế Phúc Bồi cũng là “căn cứ” chống nhà Mạc của triều Lê Trung hưng. Trải qua thời gian, trên đất Phúc Bồi hiện có gần 40 dòng họ cùng nhau quần cư sinh sống. Trong đó, họ Lê, họ Hà, họ Nguyễn được biết đến là những dòng họ lớn có công xây dựng nên làng Bồi.

Người dân Phúc Bồi từ xa xưa tôn thờ thần Cao Sơn làm thượng đẳng phúc thần, thờ ở đền và đình làng. Nhắc đến thần Cao Sơn, sách Lịch sử xã Thọ Lập (NXB Thanh Hóa) dẫn theo tài liệu “Phúc Lập xã phụng sao thần tích” lưu giữ ở Viện Hán Nôm đã viết, đại ý: Ở xã Phúc Bồi, huyện Lương Giang, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa, đền thờ Cao Sơn đại vương tên là Cao Hiển người ở Bảo Sơn quận Nam Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Ông thông minh, làm quan dưới thời Tống. Về sau được vua Tống sai sang trấn ở nước Nam. Khi qua trang Phúc Bồi có xứ Bến Tiên địa thế đẹp bèn cho lập cung đài gọi là Bến Tiên. Khi công trình hoàn thành, ông lại cấp cho dân Phúc Bồi tiền bạc. Sau khi ông mất, được dân lập đền thờ. Bình Định vương Lê Lợi một lần qua đây, bỗng nhiên trời nổi giông tố, sấm sét rồi có vị thần linh hiển hiện tự xưng thần Cao Sơn, được thượng đế phong làm Nam quốc thượng đẳng phúc thần, thấy vua đi đánh giặc xin theo để trợ chiến. Đến thời Lê Trung hưng, nhà Mạc tiếm vị đóng quân ở Lam Sơn chống lại triều đình, vua Lê tiến binh đóng ở trang Phúc Bồi đã vào đền hành lễ. Không lâu sau đó quân Mạc phải lui binh. Tin rằng thần Cao Sơn đã phù trợ vì thế Vua Lê đã cấp cho dân làng Phúc Bồi 30 quan tiền, đồng thời ban sắc phong, mỹ tự cho thần.

Trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều, Phúc Bồi có nhiều người theo quân Lê - Trịnh “phù Lê diệt Mạc”. Khi quân Mạc đánh úp vào Yên Trường đã phá hủy cả làng Phúc Bồi, buộc dân lành phải ly tán, chạy loạn. Giặc tan, người dân lại quay về quê cũ để gây dựng cuộc sống. Cũng vì thế mà Phúc Bồi còn được biết đến với tên gọi Phúc Lập (tức lập lại).

Người dân Phúc Bồi khi xưa vẫn tự hào vì đã lập dựng nên ngôi đình làng to đẹp, bề thế để thờ Thành hoàng. Mỗi khi nhắc đến công trình kiến trúc đặc sắc đình làng Phúc Bồi, dân gian trong vùng vẫn lưu truyền câu ca: “Đình Bồi, xôi Vạn, bánh dầy Căng”. Đáng tiếc, vì nhiều nguyên do mà đình làng Phúc Bồi đến nay chỉ còn lại những dấu tích và chỉ được nhắc đến trong chuyện kể của bậc cao niên.

Là vùng đất cổ với nhiều dấu tích xưa và trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cùng hai cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, cũng như Yên Trường, Phúc Bồi còn là quê hương cách mạng. Khi tại đây, cuối những năm 20 (thế kỷ XX) ở làng Phúc Bồi nhóm Tân Việt (đảng Tân Việt) đã được thành lập với các đồng chí như: Lê Đình Ân; Mai Văn Khang; Nguyễn Văn Hiến... cùng nhau vận động quần chúng Nhân dân đoàn kết, tổ chức đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống phu phen tạp dịch... Trên cơ sở của nhóm Tân Việt, phong trào cách mạng ở Phúc Bồi ngày càng phát triển. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1940 - 1945 Phúc Bồi còn trở thành “trung tâm” cách mạng tiêu biểu của tỉnh. Trong đó, nhà của đồng chí Mai Văn Khang (nay ở thôn 3, làng Phúc Bồi) đã trở thành “trạm” liên lạc và hội họp bí mật của các đồng chí Nguyễn Văn Linh (tức Mười Cúc), Đặng Châu Tuệ, Trần Bảo... Theo tài liệu lưu giữ tại địa phương, chính tại nhà đồng chí Mai Văn Khang, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ truyền đạt nghị quyết của Trung ương cho cơ sở đảng ở vùng Thọ Xuân. Và đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có một khoảng thời gian sống, hoạt động cách mạng tại đây. Thời kỳ Mặt trận Việt Minh và Cách mạng Tháng Tám, Phúc Bồi và Yên Trường là hai cơ sở cách mạng tiêu biểu của tỉnh.

Với những giá trị lưu giữ, năm 2000 căn nhà của đồng chí Mai Văn Khang - địa điểm hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh (thời kỳ 1940 - 1941) đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh. Trải qua thời gian, di tích những năm qua có nhiều dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Anh Thái Văn Quý - công chức văn hóa xã hội xã Thọ Lập cho biết: “Xã Thọ Lập hiện đang xây dựng phương án để trùng tu di tích lịch sử cách mạng nhà ông Mai Văn Khang”.

Về làng Phúc BồiDi tích lịch sử cách mạng - căn nhà của đồng chí Mai Văn Khang ở làng Phúc Bồi sẽ được trùng tu trong thời gian tới.

Cũng như nhiều làng quê bên bờ sông Chu, Phúc Bồi cũng có những xứ đồng được bồi đắp như Tràng Vại, Dọc Triệu, Hội Chỉ... để cày cấy. Bên cạnh đó, với địa thế vùng “bán sơn địa” - giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi, địa hình tương đối cao nên Phúc Bồi còn thuận tiện cho các cây trồng, trong đó đặc biệt là chè xanh Sánh Lược. Về điều này, bác Nguyễn Văn Nhung - một người cao niên của làng Phúc Bồi cho biết: “Chè xanh Sánh Lược thơm ngon nức tiếng được trồng trên vùng đất Yên Trường - Vạn Lại xưa, trong đó khi xưa có 3 làng trồng nhiều nhất là Yên Lược (còn gọi là làng Lược, xã Thuận Minh); làng Yên Trường (còn gọi là làng Sánh) và làng Phúc Bồi thuộc xã Thọ Lập. Trong đó, ngày nay diện tích chè xanh ở làng Phúc Bồi còn nhiều hơn cả. Chè xanh Sánh Lược thơm ngon bởi nhiều yếu tố, là giống chè cổ hợp khí hậu, thổ nhưỡng mà tạo nên sự đặc biệt. Ở Phúc Bồi nhà trồng nhiều có thể đến cả nghìn gốc chè, còn ít cũng vài gốc. Chè xanh được trồng từ ngoài cổng (như tường rào) đến cả vườn lớn”.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè của các hộ gia đình ở làng Phúc Bồi, anh Thái Văn Quý - công chức văn hóa xã hội xã Thọ Lập cho biết thêm: “Có thể nói với người Phúc Bồi, cây chè thân thuộc như lúa, ngô, khoai vậy, thói quen trồng chè, uống nước chè xanh đã “ăn” sâu vào đời sống văn hóa lớp lớp người dân Phúc Bồi. Vì lẽ đó, trồng chè xanh có thể ví như một nét văn hóa của người dân nơi đây”.

Về Phúc Bồi những ngày này, trong “hơi thở” mùa xuân của đất trời, thấp thoáng trong không gian của đào, quất, hoa tươi khoe sắc thắm là hình ảnh các bà, các mẹ tất bật chuẩn bị thu hái chè cho phiên chợ ngày cuối năm. Và ở những vườn chè xanh kia, ta “bắt gặp” những mầm non dường như cũng đang khẽ khàng trở mình theo vòng quay của đất trời.

Trong sự phát triển, chảy trôi của cuộc sống hiện đại, không khí tết làng quê ở Phúc Bồi đâu đó vẫn mang nét riêng, ví như “chỉ dấu” của vùng đất cổ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]