(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 1): Khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 1): Khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcTỉnh Thanh Hóa chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch.

Kế thừa...

Đặt ra vấn đề phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và “soi” vào Đề cương về Văn hóa Việt Nam (gọi tắt là Đề cương) để thấy, việc khơi dậy và phát huy sức mạnh văn hóa đã được đề cập trong Đề cương một cách khái quát. Đó là: “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”; và “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Đặc biệt, xuyên suốt trong Đề cương, con người luôn được đặt vào vị trí trung tâm của phát triển văn hóa. Do đó, Đề cương được xem là cơ sở quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh quần chúng và giới trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Khi bàn về giá trị thực tiễn của Đề cương trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho rằng: Đề cương không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội ở nước ta. Việc vận dụng và phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển văn hóa được đặt ra trong Đề cương có ý nghĩa như một cương lĩnh về văn hóa của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua. Đặc biệt, mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa từng bước được điều chỉnh theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của Nhân dân. Đồng thời, phẩm chất, năng lực của con người Việt Nam được phát huy, hướng tới phát triển con người toàn diện. Trong đó, mỗi cá nhân công dân Việt Nam, dù ở vị trí lãnh đạo, quản lý, thực hành sáng tạo hay công chúng, đều là nhân tố có sức ảnh hưởng đến quá trình phát triển văn hóa.

Thực tế đã chứng minh, phát triển văn hóa và phát triển con người là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Từ nền tảng tinh thần của Đề cương, các chuẩn mực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam, bao gồm cả các giá trị truyền thống như yêu nước, nhân ái, đoàn kết...; và các giá trị hiện đại như năng lực sáng tạo, tôn trọng pháp luật..., đã từng bước được thể chế hóa, đưa vào các văn bản pháp luật, quy ước, hương ước làng xã, quy chế, quy tắc, nội quy của các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đồng thời, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, các chương trình nghiên cứu... được mở rộng nhằm nhận diện, tuyên truyền và nâng cao nhận thức của xã hội về hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực của con người Việt Nam.

Vai trò quan trọng của văn hóa và con người được xác định trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam và ngày càng được khẳng định, bổ sung, phát triển qua các thời kỳ. Trong đó, xác định văn hóa với tư cách là một nguồn lực nội sinh phát triển đất nước, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tại Đại hội XII, nhấn mạnh: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội; là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh”. Quan điểm này tiếp tục được khẳng định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhấn mạnh: Phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam.

Đặc biệt, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”. Đồng thời, nhấn mạnh một trong các đột phá chiến lược là “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

... để phát triển

Nhiều nhận định cho rằng, không thể phủ nhận, kinh tế là điều kiện, là cơ sở của văn hóa, ngược lại văn hóa là nhân tố có tác động mạnh tới kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển một cách vững chắc. Song suốt một thời gian khá dài, chúng ta đã quá chú trọng tới phát triển kinh tế mà chưa coi trọng đúng mức tới phát triển văn hóa. Trong khi kinh tế có sự tăng trưởng khá, thì văn hóa, đạo đức xã hội lại có những chỗ xuống cấp; sự vô cảm giữa người với người, hay của con người trước các vấn đề của đời sống xã hội cũng gia tăng... Thực tế này đã đặt ra yêu cầu xác định đột phá chiến lược cần bổ sung thêm nội dung văn hóa. Đó là phát huy tinh hoa văn hóa Việt Nam, giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam; khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển thịnh vượng, giữ gìn bản sắc văn hóa và tiếp thu giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của nhân loại. Văn hóa sẽ góp phần kiến tạo con người Việt Nam vừa có tài vừa có đức.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội (Bài 1): Khơi dậy và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốcMột góc TP Thanh Hóa hiện đại, văn minh.

Do vậy, theo TS Nguyễn Thị Mai Anh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Tạp chí Cộng sản, thì xây dựng một nền văn hóa mang tính khoa học là nền văn hóa tiến bộ, hướng vào phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, con người; là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, hay kế tục những giá trị nội sinh của nền văn hóa truyền thống, đồng thời có xác lập giá trị mới. Chính vì lẽ đó, yêu cầu phân biệt được các giá trị văn hóa và phản văn hóa, yêu cầu định hướng cho sự phát triển đúng đắn, phù hợp văn hóa Việt Nam trong thế giới đa dạng, đầy phức tạp và khó lường này vừa là yêu cầu tất yếu, vừa phù hợp với quy luật phát triển, bảo đảm tính khoa học.

Còn theo PGS.TS Lê Văn Yên (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật), thì quá trình xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, cần tập trung xây dựng, phát triển và sáng tạo những giá trị văn hóa mới, trên nền tảng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, kế thừa và phát huy tính đa dạng, bản sắc văn hóa của các dân tộc, của các vùng, miền. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị chuẩn của con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế...

Mới nhất, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” diễn ra hồi cuối tháng 11-2022 được đánh giá cao khi hướng đến phân tích, làm rõ các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị và chuẩn mực con người Việt Nam và mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị đó. Theo đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đặt ra yêu cầu cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong việc tập trung làm rõ tính cấp thiết và những yêu cầu đặt ra đối với việc tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đồng thời, xác định cơ sở lý luận, phương pháp luận và nội dung các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Đặc biệt là đề xuất và luận giải các giải pháp nhằm giữ gìn, khai thác và phát triển các hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Tại hội thảo này, GS.TS Đinh Xuân Dũng cho rằng: Văn hóa Việt Nam ra đời và phát triển trong những điều kiện và đặc điểm lịch sử rất đặc biệt, gắn với những cuộc đấu tranh vĩ đại để dựng nước và giữ nước; quá trình lao động kiên cường để trụ vững và phát triển, đặc biệt là chống lại âm mưu đồng hóa văn hóa của các thế lực ngoại bang... Nền văn hóa ấy đã trực tiếp tạo nên những đặc trưng của con người Việt Nam trong quá khứ, cả mặt mạnh và mặt yếu của nó. Cho nên, cần phải nhìn một cách khách quan cả hai mặt này để tìm lời giải đáp cho hiện tại và tương lai. Còn theo PGS, TSKH Lương Đình Hải, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã tạo nên một hệ thống nhiều hệ giá trị khác nhau như hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị xã hội, hệ giá trị gia đình, hệ giá trị cộng đồng, hệ giá trị tộc người, hệ giá trị đạo đức, hệ giá trị chính trị... Trong hệ thống các hệ giá trị đó, hệ giá trị con người bao giờ cũng là hệ giá trị trung tâm, hay hệ giá trị cốt lõi, đã và đang ẩn chứa, kết tinh, thấm đẫm trong nhiều mặt, nhiều nội dung của các hệ giá trị khác...

Có thể khẳng định, nhìn lại vấn đề văn hóa trong bối cảnh hiện nay để thấy rằng, những vấn đề được nêu ra trong Đề cương về Văn hóa Việt Nam, đặc biệt là các nguyên tắc vận động của một nền văn hóa mới là tính “dân tộc”, “đại chúng” và “khoa học”, đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về vai trò của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Bài có sử dụng một số thông tin trong Tài liệu phục vụ Hội thảo khoa học cấp quốc gia “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển” (diễn ra ngày 27-2-2023).

Bài 2: Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhìn từ “Đề cương về Văn hóa Việt Nam”.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]