(Baothanhhoa.vn) - Đã hơn một thế kỷ trôi qua, cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) - một trong những cuộc khởi nghĩa đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 vẫn luôn gợi nhiều nhắc nhớ. Ở đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân, tinh thần đấu tranh quật cường, anh dũng hy sinh của nhân dân ta thêm một lần nữa được khẳng định, tái hiện sinh động qua vở cải lương “Trống trận Ba Đình” như một bản anh hùng ca.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Trống trận Ba Đình” tiếng vang còn mãi

Đã hơn một thế kỷ trôi qua, cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) - một trong những cuộc khởi nghĩa đỉnh cao của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ 19 vẫn luôn gợi nhiều nhắc nhớ. Ở đó, sức mạnh đoàn kết toàn dân, tinh thần đấu tranh quật cường, anh dũng hy sinh của nhân dân ta thêm một lần nữa được khẳng định, tái hiện sinh động qua vở cải lương “Trống trận Ba Đình” như một bản anh hùng ca.

Một cảnh trong vở cải lương “Trống trận Ba Đình”.

“Trống trận Ba Đình” là tác phẩm kịch bản của hai cố tác giả Mai Bình và Hà Khang - những “cây đa, cây đề”, trong ngành văn hóa tỉnh Thanh. Năm 2016, nhân kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Đoàn Cải lương Thanh Hóa đã phục dựng lại vở diễn dựa trên kịch bản của hai cố tác giả, với nhiều ý nghĩa: Ba Đình đã đi vào lịch sử khi trở thành căn cứ chống Pháp của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ 19, do Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh khác lãnh đạo, trở thành hình mẫu của một chiến lũy phòng thủ quan trọng của kháng chiến. Mặc dù cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị đàn áp và thất bại nhưng góp phần khẳng định và nhân lên ý chí quật cường của dân tộc.

Vở diễn được mở ra trong bối cảnh những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Ba Đình hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp của nhân dân Ba Đình, huyện Nga Sơn. Với lòng trung quân ái quốc, tinh thần yêu nước nồng nàn, không cam chịu cảnh nô lệ, mất tự do, cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã khiến cho thực dân Pháp hao tổn nhiều binh lực. Chi tiết thể hiện rõ nhất trong vở diễn là khi giặc pháp đánh thành Hà Nội chỉ có vài trăm quân, nhưng để đánh được căn cứ Ba Đình, thì giặc Pháp phải điều tới hàng ngàn quân lính và điều Đại tá Brissand trực tiếp chỉ huy đàn áp cuộc khởi nghĩa. Do tương quan lực lượng giữa ta và địch chênh lệch quá lớn nên trong một thời gian ngắn căn cứ Ba Đình đã bị thất thủ; cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Tuy vậy, cuộc khởi nghĩa Ba Đình đã khiến quân Pháp lo lắng khiếp sợ, còn những người nông dân chân đất đã để lại dáng đứng hiên ngang như tượng đài chiến thắng. Đặc biệt, hình ảnh tiếng trống giục giã liên hồi mỗi khi nghĩa quân Ba Đình xung trận chính là tinh thần, khí phách, là lời hiệu triệu toàn dân đứng lên kháng Pháp xâm lược. Thông qua vở diễn để nói lên tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của nhân dân ta, mà nổi lên là hình tượng các nhân vật như: Đinh Công Tráng, Phạm Bành, Hoàng Xuân Viễn, Nguyễn Hiện Tu, cụ cử Nga đại diện cho nhà nho yêu nước, Sáu Nhung là vợ của Đinh Công Tráng đồng thời là người gánh vác việc quân lương... Với thời lượng 120 phút, vở diễn đã cho người xem cảm nhận sự khốc liệt của chiến tranh, để lại nhiều cảm xúc, ấn tượng, dư âm trong lòng khán giả.

Là một đạo diễn trẻ, tài năng và luôn có một cách nhìn mới với từng vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Trung Kiên (Hà Nội) đã thổi một luồng gió mới vào “Trống trận Ba Đình”. Cái khéo của đạo diễn Triệu Trung Kiên là đã làm cho vở diễn vẫn giữ nguyên được bản gốc, nhưng đồng thời vẫn có một sức sống mới và nhiều tiết tấu sinh động, được xử lý bằng việc tạo ra các lớp diễn, cách diễn của từng diễn viên và âm nhạc, màu sắc, cảnh trí cũng đầy sự đổi mới.

Là người đóng vai Đinh Công Tráng trong vở diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Vương Hải, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, kiêm trưởng đoàn cải lương, chia sẻ: Đây là vai diễn chủ chốt, nên sức nặng của vở diễn dồn tương đối lớn vào nhân vật này, ông chính là đại diện cho chính nghĩa, tinh thần yêu nước, trí tuệ, tài thao lược của nghĩa quân và cuộc khởi nghĩa. Thắng lợi và thành công của vở diễn phụ thuộc rất nhiều vào những vai chủ đạo như thế. Từ vinh dự và trách nhiệm, tôi cố gắng nghiên cứu, luyện tập để vai diễn đó làm chỗ dựa cho các vai diễn vệ tinh xung quanh, cũng như là chỗ dựa cho các nghệ sĩ trẻ.

Được biết, hội diễn lần này (tháng 9-2018 tại tỉnh Long An) quy tụ 25 đoàn nghệ thuật, nhưng có tới 32 vở diễn, nghĩa là một số nhà hát như Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát cải lương Việt Nam... tham gia tới hai đến ba vở diễn, cho nên sự cạnh tranh rất khốc liệt. Xưa nay chưa có một hội diễn nào có đông vở diễn đến thế, đó đều là các nhà hát, các đoàn cải lương của các trung tâm, thành phố có tiếng trong toàn quốc. Bản thân cái nôi của cải lương là vùng đất Nam bộ, nơi nhiều nghệ sĩ đã thành danh từ lâu và dịp này họ cũng đầu tư tham gia hội diễn như: Vũ Luân, Kim Tử Long... Nhìn lại vở diễn của Đoàn Cải lương Thanh Hóa đã có sự nỗ lực cố gắng, trong điều kiện lớp nghệ sĩ diễn viên trẻ còn non về nghề, nhưng đã trình làng một tác phẩm tương đối chỉn chu, diễn viên diễn có cảm xúc, mộc mạc, chân thành.

Nghệ sĩ Ưu tú Vương Hải cho biết thêm, vở diễn “Trống trận Ba Đình” được tập luyện trong thời gian ngắn, gấp rút để mang đi hội diễn nên kịch bản đã được chỉnh lý, nâng cao, đầu tư chỉn chu hơn về phục trang, đạo cụ, cảnh trí. Vở diễn thu hút gần 50 người gồm: Diễn viên, nhạc công, nhân viên, kỹ thuật tham gia. Tuy nhiên, có cái khó là đa số các diễn viên còn trẻ, non về nghề. Bên cạnh đó, hiện nay kinh phí để dàn dựng vở diễn của các đoàn nghệ thuật truyền thống trong đó có đoàn cải lương đã bị cắt giảm, chi phí sinh hoạt, đi lại hạn hẹp nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng vở diễn. Trong khi đó, kịch bản phải chỉnh lý nhiều, phục trang, đạo cụ, cảnh trí đều phải đi thuê, đi mượn hoặc đã cũ được tận dụng sử dụng lại. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn đó, các nghệ sĩ trong đoàn luôn có ý thức trách nhiệm cao, nỗ lực không ngừng để đạt được nhiều thành công hơn trên con đường nghệ thuật.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Ưu tú Trương Hải Thọ, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa là người trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật vở diễn, cho biết: Được sự đồng ý thống nhất của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa, chúng tôi đã chọn vở cải lương “Trống trận Ba Đình” do các nghệ sĩ của đoàn cải lương biểu diễn, có nội dung tốt, chất lượng nghệ thuật đảm bảo để tham gia Liên hoan cải lương toàn quốc tại tỉnh Long An. Vở diễn “Trống trận Ba Đình” đã giành được nhiều thành công như khán giả mong đợi.


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]