(Baothanhhoa.vn) - Tôi biết anh Vũ Hữu Thỏa đã từng làm thơ và viết ca khúc từ nhiều năm nay, được in rải rác trên báo Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh và các câu lạc bộ thơ. Nhưng đến bây giờ, khi đã có “lưng vốn” anh mới in tập thơ đầu tay Ngoại ô mùa xuân cho riêng mình, muộn màng nhưng đầy ắp. Đầy ắp cảm xúc, đầy ắp tâm tình. Tâm tình với mùa xuân, tâm tình với quê hương Thanh Hóa, tâm tình của người lính, tâm tình với biển... và đặc biệt là tâm tình của anh với nhà trường, với nghề dạy học mà anh đã gắn bó gần bốn mươi năm.

“Trang giáo án như trang đời rộng mở”

Tôi biết anh Vũ Hữu Thỏa đã từng làm thơ và viết ca khúc từ nhiều năm nay, được in rải rác trên báo Thanh Hóa, Tạp chí Xứ Thanh và các câu lạc bộ thơ. Nhưng đến bây giờ, khi đã có “lưng vốn” anh mới in tập thơ đầu tay Ngoại ô mùa xuân cho riêng mình, muộn màng nhưng đầy ắp. Đầy ắp cảm xúc, đầy ắp tâm tình. Tâm tình với mùa xuân, tâm tình với quê hương Thanh Hóa, tâm tình của người lính, tâm tình với biển... và đặc biệt là tâm tình của anh với nhà trường, với nghề dạy học mà anh đã gắn bó gần bốn mươi năm.

“Trang giáo án như trang đời rộng mở”

Hàng chục bài thơ của anh về nhà giáo, nhà trường cũng chính là hành trình trở thành nhà giáo và tình cảm của anh đối với nghề dạy học. Tốt nghiệp Khoa văn Đại học Sư phạm Vinh, năm 1972 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở thời kỳ quyết liệt, anh nhập ngũ, trở thành người lính Cụ Hồ. Chàng sinh viên ấy tha thiết với một thời áo trắng, nhưng cũng biết:

Ta đã yêu màu áo trắng sinh viên

Càng yêu hơn áo màu xanh chiến sĩ.

(Lên đường)

Câu thơ giản dị, chân thành trong tình cảm rất đỗi tự nhiên của tác giả đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời: Ra trường, về dạy học ở một trường cấp Ba hay khoác áo lính vào chiến trận? Ở đây có sự đảo trật tự từ trong phép định danh: màu áo trắng - áo màu xanh của hai câu thơ, như một khẳng định, một niềm tin vào sự lựa chọn con đường đi cho mình.

Ra đi từ mái Trường Đại học Sư phạm Vinh thân yêu, nơi đào tạo hàng trăm ngàn giáo viên phổ thông cho miền Bắc và sau này chi viện cho miền Nam, trong sự biết ơn có cả niềm tự hào của anh về nhà trường, về bạn bè:

Những chàng trai trường Vinh sư phạm

Xếp bút nghiên theo nghiệp đao binh

Súng và thơ luôn gắn bó bên mình...

... Mãi tự hào, sao lấp lánh trường Vinh.

(Màu xanh trường Vinh)

Gắn bó, ân tình với mái trường thân yêu của một thời thanh niên sôi nổi. Về lại trường Vinh là bài thơ trong hoài niệm của những ngày trường sơ tán về Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hóa) và Quỳnh Lưu, Yên Thành (Nghệ An), anh viết:

Giảng đường nằm ôm ấp bóng tre xanh

Tiếng của thầy âm vang cùng tiếng suối

Tiếng chim hót cùng câu thơ đắm đuối

Mõ trâu về khua động những trang văn...

(Về lại trường Vinh)

Một thời đạn bom, một thời các trường đại học phải đi sơ tán vì cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ bắn phá ra miền Bắc. Khổ thơ như một bức tranh phản ánh hiện thực sinh động của giáo dục đại học những năm tháng hào hùng ấy, vừa là cái chất lãng mạn của thầy và trò trường Vinh - học tập và nghiên cứu dưới lùm tre xanh, trong âm vang của tiếng suối và tiếng mõ trâu về chiều... Đúng là “thi trung hữu họa”!

Hết nghĩa vụ, anh ra quân, trong đó có 11 năm là hình ảnh thầy giáo mặc áo lính. Năm 1983, anh được điều động về giảng dạy tại Khoa Văn sử Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (sau này là Trường Đại học Hồng Đức). Tâm hồn nghệ sĩ, tình yêu văn chương trong anh lại được chắp cánh bởi môi trường mới. Kỷ niệm về mái trường sư phạm của quê hương in đậm trong trái tim người thầy giáo đa tài, đa cảm Vũ Hữu Thỏa. Những vần thơ trong trẻo, ấm áp tình người, tình thầy trò trong Bâng khuâng mùa phượng, Qua trường cũ, Ứơc gì, Ngày xa mái trường, Trở về, Nắng mới, Tuổi hai mươi, Đêm thơ Hồng Đức...

Đã xa rồi cái tuổi học trò đầy mộng mơ và lúng liếng, vậy mà Vũ Hữu Thỏa vẫn ăm ắp “xôn xao”:

Sao vội quá chiều nay

Ngập ngừng dòng lưu bút

Phượng ơi! Không là khói

Sao mắt mình bỗng cay?

(Bâng khuâng mùa phượng)

Hóa thân vào tuổi thơ hay là những kỷ niệm thời cắp sách tới trường đã cho anh những tứ thơ bất ngờ, độc đáo và hay đến thế! Phượng ơi! Không là khói, Sao mắt mình bỗng cay? như găm níu tuổi thần tiên của bao thế hệ học trò. Chỉ cần anh chắt chiu nhiều tinh túy như thế, ta có một Vũ Hữu Thỏa đậm chất nghệ sĩ rồi!

Vẫn biết là một đi không trở lại, cũng như chúng ta cả thôi, nhưng Vũ Hữu Thỏa ước nhiều thứ lắm. Anh ước được về ngôi nhà lá đơn sơ nơi ký túc xá sinh viên, ước được cùng bạn bè đắp chung một tấm chăn mỏng giữa ngày đông lạnh, ước có lại một đêm lửa trại bập bùng, ước gặp lại một ánh mắt... ngập ngừng! Tất cả đều thấm đẫm cái tình người, tình đời của anh! Tình nghĩa thầy trò, tình đồng nghiệp, tình bạn bè trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ ấy đã để lại trong lòng nhà giáo - nhà thơ Vũ Hữu Thỏa những kỷ niệm khó quên. Những nỗi nhớ, những hoài niệm, những hồi ức kia là tâm hồn, là máu thịt, là khoảng trời riêng của anh - thật thiêng liêng và thật đáng trân trọng!

Anh quan niệm: Văn chương là cuộc đời, cuộc đời hiển hiện ngay trong trang giáo án. Mỗi trang giáo án, mỗi giờ lên lớp với lương tâm và trách nhiệm nhà giáo sẽ có biết bao điều thú vị, gợi bao điều mơ ước và truyền cảm hứng nhiệt huyết cho sinh viên để họ tiếp tục sự nghiệp trồng người - ươm mầm xanh cho quê hương, đất nước:

Trang giáo án như trang đời rộng mở

Gieo hồn ta từ những ước mơ xanh.

(Trở về)

Trang giáo án như trang đời rộng mở , với anh, là một tuyên ngôn nghề nghiệp, một quan niệm nhân văn của cái nghề thanh bần lạc đạo này!

Để có thơ hay về nhà trường không hề là chuyện dễ dàng. Vũ Hữu Thỏa chưa có những bài thơ hay về nhà giáo, nhà trường. Nhưng anh đã có cho mình những tứ thơ, những câu thơ hay khi viết về lĩnh vực này.

Động lực để Vũ Hữu Thỏa say sưa làm thơ như một sự mẫn cán, như tự dặn lòng mình:

Đừng bao giờ quên những ngày gian khổ

Ta đẫm bùn dìu xe pháo băng qua...

... Tương lai đến trong hồn ta rộng mở

Bắt đầu từ những gian khổ hy sinh.

(Đừng bao giờ quên)

Đừng bao giờ quên những ngày gian khổ trong chiến tranh, những ngày gian khổ của thời bao cấp... Vì thế mà nhiều bài thơ của anh như có sự cố ý kéo dài để cảm xúc được tuôn trào, để anh được bộc bạch, được tâm sự, được giao cảm với cộng đồng. Điều đó là rất quý giá, rất đáng trân trọng. Nhưng thơ không được dàn trải. Thơ phải chắt lọc, tinh túy. Thơ là “ý tại ngôn ngoại”. Thiết nghĩ nhiều bài thơ cần được cô đọng hơn, ngôn từ phải hàm súc hơn trong những tứ thơ độc đáo và sáng tạo của anh.

Tập thơ đầu tay Ngoại ô mùa xuân của Vũ Hữu Thỏa đề cập nhiều vấn đề của cuộc sống. Và bước đầu anh đã thành công. Nhìn chung thơ anh giàu cảm xúc, chân thành, mộc mạc, khơi chạm được trái tim độc giả. Anh rất tinh tế để phát hiện được tứ thơ, ý thơ. Nhưng để ý, tứ thơ đó thành những hình ảnh thơ sinh động và lay động thì rất cần ở tác giả sự tinh luyện và trau chuốt hơn nữa. Làm thơ đã khó, làm được bài thơ hay càng khó. Nhưng đã trót đam mê thơ rồi, vừa như thể trời cho, vừa như thể trời đày, một kiếp... Xin được mượn bài thơ Kiếp làm thơ của anh để chia sẻ, đồng cảm và kết lại bài viết này:

Trời đày một kiếp làm thơ

Tóc xanh đã bạc đến giờ chưa nguôi

Đắm say câu chữ người ơi

Những thương cùng nhớ đọng lời trong tâm

Tình thơ rút ruột thân tằm

Ươm tơ óng ả tháng năm dâng đời.

LÊ XUÂN SOAN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]