(Baothanhhoa.vn) - Danh xưng của làng không đơn thuần chỉ là một cái tên. Nhất lại là những ngôi làng đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển. Lấy gì để đong đếm, đo lường giá trị của thời gian?  Dấu vết của tháng năm xưa cũ, của cá nhân và toàn thể cộng đồng như đã hòa chung vào tinh hoa đất, ẩn hiện trong từng bóng dáng cảnh quan, di tích, di chỉ... Bởi lẽ đó, trăm năm làng Quảng Xá (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), suy cho cùng, cũng chỉ là cái cớ để những người đang sống hôm nay được trở về sống cùng với ký ức của cha ông tự thuở lập nên làng, nên phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trăm năm... làng Quảng Xá

Danh xưng của làng không đơn thuần chỉ là một cái tên. Nhất lại là những ngôi làng đã có lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển. Lấy gì để đong đếm, đo lường giá trị của thời gian? Dấu vết của tháng năm xưa cũ, của cá nhân và toàn thể cộng đồng như đã hòa chung vào tinh hoa đất, ẩn hiện trong từng bóng dáng cảnh quan, di tích, di chỉ... Bởi lẽ đó, trăm năm làng Quảng Xá (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), suy cho cùng, cũng chỉ là cái cớ để những người đang sống hôm nay được trở về sống cùng với ký ức của cha ông tự thuở lập nên làng, nên phố.

Trăm năm... làng Quảng Xá

Khuôn viên trước đình làng Quảng Xá.

Nằm giữa vùng đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), cùng với các làng Kiều Đại, Mật Sơn, Tạnh Xá, Quảng Xá là ngôi làng cổ còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa – lịch sử. Theo các tộc phả ở đây ghi chép lại, làng Quảng Xá trước kia từng là giáp thứ 5 của làng Mật Sơn, tuy chỉ là giáp nhỏ nhưng lại là nơi “đất lành chim đậu”. Ngay từ thời Lê – Trịnh (thế kỷ XVI – XVIII), các dòng họ từ Bắc Giang, Thái Bình vào, Nghệ An ra vùng Kinh Bắc... chẳng ai bảo ai, quyết định dạt về mảnh đất Quảng Xá này sống gắn bó, đùm bọc, bảo ban nhau lao động sản xuất, san cồn vỡ đất mà hình thành nên xóm làng đã bao đời yên bình, no ấm. Xưa, người dân làng Quảng Xá chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nhưng bởi diện tích đất ruộng của làng tương đối ít ỏi nên phần lớn là xâm canh ruộng đất làng Bố. Thế kỷ XIX, bức tranh lao động sản xuất của làng Quảng Xá có thêm những nét chấm phá sinh động hơn khi họ Vũ ở làng Thổ Hà (Bắc Giang) đến định cư, mang theo nghề gốm truyền thống vào sản xuất. Họ xây dựng trên đất làng các lò sản xuất chum, vại, tiểu sành. Ban đầu, các lò gốm này được xây dựng dọc hai bờ sông làng Quảng Xá, sau đó mới dịch chuyển dần về khu vực Bến Ngự (TP Thanh Hóa). Trải qua hơn 500 năm hình thành và phát triển, nghề làm gốm dần bị mai một, thất truyền. Duy chỉ có hương vị đậm đà của men thuốc bắc và rượu làng Quảng Xá vẫn quyện vào nhịp sống hôm nay.

Đất lành thì chim sẽ bay về xây tổ ấm; mạch đất tốt tất yếu sẽ nuôi dưỡng được những người con trưởng thành, có ích cho quê hương, đất nước. Đây cũng là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ cháu con làng Quảng Xá mỗi khi lần dở lại từng trang sử mà cha ông đã dày công vun đắp, xây dựng. Ngay từ thời phong kiến, làng đã có nhiều người đỗ đạt làm quan, tài đức vẹn toàn. Cho đến tận ngày hôm nay, dân làng vẫn truyền nhau câu hát ca ngợi tấm lòng thơm thảo của hai anh em tướng công họ Lê vinh hiển nơi xứ người nhưng vẫn không quên nguồn cội. Không chỉ dựng chùa cho dân làng có nơi thờ phụng, hai vị tướng công đã cung tiến cho hai làng Quảng Xá và Tạnh Xá cây cầu gỗ lim để người dân thuận tiện đi lại qua sông: “Cầu anh cầu em/ Đứng lại mà xem/ Dãy đa bà chị”. Đặc biệt, trong các cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc, làng Quảng Xá cống hiến nguồn nhân lực, vật lực đáng kể, góp phần làm nên nền độc lập hòa bình ngày hôm nay. 34 người con trở thành liệt sĩ. Làng vinh dự có 2 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Về Quảng Xá, ghé thăm ngôi đình có tuổi đời hơn 150 năm vẫn bền bỉ song hành trong từng bước phát triển của làng mới thấy hết cái danh giá của vùng đất cổ này. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, trước đây, đình Quảng Xá chỉ tựa như túp lều tranh tre nứa lá. Mãi đến thế kỷ XIX, năm Tự Đức thứ 20 (1867), làng mới đủ điều kiện tạo dựng được ngôi đình 5 gian bằng gỗ lim xanh, tường xây gạch chỉ 2 phân, mái lợp ngói mũi hài, thượng lương khắc ghi dòng chữ: “Hoàng triều Tự Đức nhị thập niên tuế thứ Đinh Mão mạnh hạ nguyệt cốc nhật trụ thượng lương đại cát” – (An vị thượng lương vào ngày tốt tháng 4 năm Đinh Mão). Đến nay, đình Quảng Xá là một trong số ít ngôi đình còn giữ được gần như nguyên vẹn phong cách kiến trúc thời Nguyễn bằng gỗ lim mặc dù đã trải qua hơn 150 năm tồn tại. Đình Quảng Xá là một công trình kiến trúc huy động nhiều công sức, của cải của dân làng. Nếu hầu hết các ngôi đình ở các làng quê khác đều được sử dụng để thờ vị thành hoàng – người có công lao to lớn khai quốc, lập làng, đời đời bảo vệ, che chở cho cuộc sống con dân thì đình làng Quảng Xá chủ yếu mang công năng như hội quán, dịch đình. Đây là trụ sở làm việc của hội đồng chức sắc, họp dân làng, tổ chức lễ hội, đón tiếp các làng kết chạ và tiếp quan viên khi đi công cán qua địa phương. Đình được cấu trúc theo kiểu chữ Đinh, hay thường gọi là hình chuôi vồ, gồm đình và hậu cung. Hậu cung được xây khá nhỏ, chỉ đặt 1 ban thờ để thờ vọng thành hoàng làng và cúng giỗ những sinh linh tha phương. Về cơ bản, đình Quảng Xá gần như vẫn bảo tồn nguyên thức kiến trúc cổ Việt Nam có nguồn gốc từ nền kiến trúc dân gian với kết cấu khung gỗ vốn đã không còn xa lạ. Song ở đây, kiến trúc truyền thống đã có sự thay đổi linh hoạt, tạo ra không gian văn hóa mở để phù hợp hơn với chức năng của đình. Ở đây đã xuất hiện một kết cấu bền vững, kỹ thuật lắp dựng chắc chắn và đơn giản mang phong cách kiến trúc hội quán, dịch đình mà chúng ta thường gặp ở các đô thị cổ Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX. Tiếp nối về mặt công năng, giá trị sử dụng cùng sự kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, trong lịch sử cách mạng, đình làng Quảng Xá được lựa chọn là nơi tập hợp quần chúng mít tinh giành chính quyền ngày 19-8-1945, nơi chứng kiến cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 6-1-1946. Năm 2007, đình được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Không chỉ có cá nhân anh hùng, di tích, di chỉ tiêu biểu, một phần văn hóa – lịch sử của làng cổ luôn có bóng dáng của những dòng họ lớn. Ví như dòng họ Nguyễn Văn đây, tự bao đời vẫn sản sinh ra người tài cống hiến hết sức mình xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp. Kế thừa, phát huy truyền thống của gia đình, dòng họ; sau những năm tháng xa quê lập nghiệp nơi đất khách, nhiều người đã quyết định trở về quê hương. Một phần vì muốn tìm sự bình yên, thanh thản, vui thú điền viên tuổi già và tiếp tục kế thừa hương hỏa cha ông đã gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhưng hơn tất thảy, những người con sinh ra từ làng luôn khảm sâu trong tâm thức niềm tự hào về giá trị truyền thống của quê hương, dòng họ; mong muốn lan tỏa tình yêu thương ấy đến các thế hệ muôn đời sau.

Bài và ảnh: Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn viết đôi - 16:57 07/10/19

 Trả lời

Làng quảng quê tôi đẹp rạng ngời/ Sân đình giếng nước tuổi thơ tô/ Chơi u đánh đáo đêm trăng sáng/ Ngẫm nhớ một thời mãi không vơi .

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]