(Baothanhhoa.vn) - Ba gương mặt nữ nhà thơ trẻ của xứ Thanh, không hẹn mà gặp, nối gót nhau, tự tin giới thiệu mình qua việc xuất bản 3 tập thơ cá nhân. Đó là tác giả Lâm Trần với tập thơ “Khoảng trời em” (2020, NXB Văn học), tác giả Trần Thu Hà với tập thơ “Mây buông dải yếm” (2021, NXB Văn học), tác giả Trịnh Lan Oanh với tập thơ “Em nhặt lại em” (2021, NXB Hội Nhà Văn).

Tiếng thơ - tiếng lòng của 3 gương mặt nữ thi sĩ xứ Thanh

Ba gương mặt nữ nhà thơ trẻ của xứ Thanh, không hẹn mà gặp, nối gót nhau, tự tin giới thiệu mình qua việc xuất bản 3 tập thơ cá nhân. Đó là tác giả Lâm Trần với tập thơ “Khoảng trời em” (2020, NXB Văn học), tác giả Trần Thu Hà với tập thơ “Mây buông dải yếm” (2021, NXB Văn học), tác giả Trịnh Lan Oanh với tập thơ “Em nhặt lại em” (2021, NXB Hội Nhà Văn).

Tiếng thơ - tiếng lòng của 3 gương mặt nữ thi sĩ xứ ThanhBa tập thơ của 3 nữ thi sĩ xứ Thanh xuất bản trong năm 2020, 2021.

Xứ Thanh là mảnh đất màu mỡ, ươm mầm, nuôi dưỡng tình yêu với văn học - nghệ thuật triển nở, kết trái đơm hoa, nhất là trong lĩnh vực thi ca. Chẳng phải nặng về “chủ nghĩa quê hương” mà tán dương đến vậy. Đời sống sôi động, phong phú, đa dạng của văn học - nghệ thuật xứ Thanh trong những năm qua đã minh chứng thuyết phục cho nhận định đó với sự xuất hiện của nhiều cây viết - gương mặt - tâm hồn thơ.

Cảm thức mùa và thời gian trong

“Khoảng trời em” của Lâm Trần

Có lẽ, kể từ khi thi ca xuất hiện, cảm thức mùa đã trở thành một trong những mạch nguồn sâu sắc, dạt dào, mãnh liệt nhất. Viết về sợi dây gắn kết, tương quan giữa người và cảnh, Đại thi hào Nguyễn Du đã từng đúc kết trong câu thơ rất hay rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Quả thực, khi đọc “Khoảng trời em” của tác giả Lâm Trần, người đọc càng cảm nhận sâu sắc điều đó.

Xuyên suốt 46 bài thơ, dường như, cảm xúc chủ đạo của tác giả vẫn luôn gắn liền với mùa. Xuân, hạ, thu, đông - quy luật tự nhiên của đất trời, bao đời nay vẫn thế. Vậy điều gì khác? Điều gì làm nên sự mới mẻ, hấp dẫn, sức sống bền bỉ, làm nên mạch nguồn thơ ca dạt dào ấy? Khác biệt lớn nhất nằm ở lòng người, ở “con mắt thơ”. Vì lẽ đó mà mùa luôn luôn mới, hàm chứa, chuyên chở những cảm tình, ý nghĩa khác nhau. Lâm Trần thủ thỉ như người đang tâm tình, kể chuyện. Ngón trần, giọt buồn, chén tình, nhánh mắt gầy, cánh môi em, bông may tím... Những hình ảnh thơ chị có chút gì mong manh, nhỏ bé, man mác buồn, đơn côi - như chính tâm hồn chị.

Tựa như “tháng ba” hiện diện trong thơ Lâm Trần, vừa quen mà cũng vừa lạ lẫm, riêng tư: “Rùng rùng tím vạt xoan rơi/ Nhuộm đêm lơi lả vào tôi ngọc ngà/ Vườn sau lặng ngắt nụ cà/ Thương đôi dế dại đầu nhà tìm nhau”. Vẫn là những sự vật, hiện tượng quen thuộc, gợi nhớ dư vị mùa như: sắc tím hoa xoan, tiếng dế kêu trong đêm thanh vắng, màu trắng hoa cau... nhưng tháng ba trong thơ Lâm Trần khắc khoải sợi tơ lòng, nỗi buồn vương man mác xen lẫn chút hờn trách: “Cỏ may hoan hỉ reo cười/ Xót xa bông cải ngậm ngùi đắng sông/ Chị vui bên ấy cùng chồng/ Có hay tôi mặc nâu sồng tim tôi”.

Cảm thức mùa và thời gian càng được đẩy lên cao trào mỗi độ chuyển mùa, đất trời giao thoa. Khoảnh khắc ấy thường khiến lòng người miên man ý nghĩ, rưng rưng xúc cảm: “Heo may/ ghẹo gió trên đồng/ Thinh không mây trắng/ trổ bông muốt trời/ Đông sang/ lạnh nửa nụ cười/ Nghiêng đôi mắt biếc/ thu người mắc duyên” (mùa sang). Cảm thức ấy là cái cớ để tác giả cởi mở lòng mình, cởi mở tiếng thơ mà bộc bạch, tâm sự cùng độc giả: “Ru ai/ một cánh môi mềm/ Ru ta nửa chén/ đời nghiêng xuống đời/ Ai đem rau cải lên trời/ Bỏ rau răm lại bên đời// ướt mưa/ Ngày/ ôm ấp giậu phên thưa/ Đêm che chắn/ nửa mảnh thừa chiếu chăn/ Tim người/ lặng một vách ngăn/ Tim ta mòn lối/ sương giăng đường vào”.

Đối với Lâm Trần, mùa không đơn thuần chỉ là quy luật - sự chảy trôi của thời gian, tín hiệu của tự nhiên mà nó còn là nơi chốn đong đầy ký ức, bến đỗ tâm hồn. “Ta về/ tìm lại chính ta/ Bao năm tháng cũ thật thà yêu em” - ngay từ những dòng thơ đầu tiên của “mùa sang”, Lâm Trần đã thổ lộ nỗi lòng mình một cách thân tình, gần gũi. Mùa xưa ấy là “sông quê/ mỏng tựa cánh diều/ Con đê như chiếc đò thêu dáng bà”, là “một đời/ quyện chặt gốc đa/ Đêm nay cuội chết cung nga buông mình”, là “rêu phong/ cuộn chặt mái đình/ Lời thương dế ngỏ đêm tình lên hương”, là “ngọt thơm vạt cỏ/ môi hường/ Thiền như Phật bữa cúng dường Vu Lan”. Đi qua từng thanh âm, từng hình ảnh, lớp lang kỷ niệm, lại tìm thấy chính mình trong “bẹ non cau”: “Bẹ non cau/ khẽ mỉm cười/ Gió reo cực nhọc một đời trong sương”. Đây có lẽ là một trong những bài thơ hay nhất của Lâm Trần trong “Khoảng lặng em” cả về thi pháp và giá trị nội dung.

Cảm thức mùa và thời gian trong thơ Lâm Trần là điều bất kỳ ai khi đọc “Khoảng lặng em” đều có thể cảm nhận rõ. Một chút gì đó man mác buồn, thoáng chút đơn côi như chất xúc tác khiến cảm thức ấy sâu lắng, quyện đọng, thăm thẳm sâu, ghi dấu ấn vào lòng độc giả.

Trịnh Lan Oanh với “Em nhặt lại em” -

khao khát... dâng thành ngọn lửa thơ!

Tính khí Trịnh Lan Oanh ngoài đời thực như thế nào, trong thơ là vậy, rất nhất quán. Tức là ở từng trang thơ, người đọc luôn cảm nhận được một Trịnh Lan Oanh trẻ trung, nhiệt huyết, thẳng thắn, phơi phới yêu đời, yêu người, mạnh mẽ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Chính chị cũng đã từng bộc bạch trong thơ: “Em là người đàn bà thật thà như đếm”, là con người khi vui lên thì “triệu hồng cầu nhảy múa hát tình ca”. Bởi vậy nên, tuy cùng viết về loài hoa cúc, nếu Lâm Trần thủ thỉ, man mác: “Dưới chân giậu cúc ta ngồi/ Rụng đôi cánh dế, cỏ cười với sương” thì Trịnh Lan Oanh lại mãnh liệt, tha thiết đến cuồng nhiệt: “Mùa thu này nỗi nhớ sóng xô/ Cúc họa mi trên tay bật nở/ Rung lồng ngực tim đập dồn hối hả/ Thổn thức chờ anh/ Để thu chín một lần” (Cúc họa mi). Sự khác biệt ấy, là sự khác biệt của hồn thơ. Trịnh Lan Oanh không viết những dòng thơ thủ thỉ, tâm tình, “bóng gió” xa xôi. Với chị, khi đã yêu, đã thích, đã say đắm điều gì là thẳng thắn thừa nhận, chọn phương thức biểu đạt trực tiếp: “Ngắm mây bay lại khát một khoảng trời/ Hoàng hôn xuống, mơ về nơi xa ấy/ Trong sâu thẳm mong một người khát cháy/ Trao ngày xuân trong cúc áo xuân thì” (Cúc áo dậy thì).

Chân thật, thẳng thắn, mạnh mẽ đến táo bạo, quyết liệt nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng, mềm mại, tình tứ - đó là sức hấp dẫn đặc biệt, khó chối từ của tác giả Trịnh Lan Oanh cả con người đời thực và con người thơ. Nó tựa hồ như cái cách chị phác họa về những người con gái trên dải đất miền Trung - “nơi cát trắng ru lòng con sóng biển”: “Thiên nhiên khắc nghiệt nhất miền Trung/ nhưng con gái thật hiền/ Tiếng nói lời thưa mộc mạc như rơm rạ/ Biết khoác áo tơi đi qua mùa hạ/ Qua mống cụt cầu vồng bão lũ giận rồi thương/ Gái miền Trung chẳng có nhiều nhàn nhã để soi gương/ Nhưng yêu hết mình bằng tâm hồn tỏa nắng/ Ai cũng biết thăng hoa và im lặng/ Biết yêu đến tận cùng dù chẳng trói buộc chi” (Gái miền Trung). Nếu “Gái miền Trung” là sự khái quát thì đến “Xuân nồng nàn” là những nét phác thảo, tự họa về Trịnh Lan Oanh: “Anh có nghe tiếng Oanh xào xạc lá/ Trong vòm xuân thấp thỏm đơn côi/ Mở con tim chỉ một bóng hình thôi/ Một hình bóng cháy từng giây giục giã/ Răng khểnh khát một bàn chân vào ngõ/ Để mùa đông bớt nặng tiếng lá rơi/ Hãy về nhanh cơn khát của em ơi/ Dù xa cách xin người đừng chao đảo”.

Đọc “Em nhặt lại em” của Trịnh Lan Oanh, ngoài ấn tượng về người đàn bà khao khát yêu thương đến cháy bỏng, bạn đọc còn cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước, yêu đời, yêu người trong tâm hồn ấy. Không yêu dải đất miền Trung nắng gió, không yêu xứ Thanh địa linh nhân kiệt, đất nước Việt Nam “con lạc cháu hồng” thì làm sao có thể viết nên những vần thơ tha thiết, nồng nàn như: “Nắng ấm tặng miền Trung”, “Gửi Rào Trăng 3”, “Hương dứa Bỉm Sơn”, “Bừng sáng xứ Thanh”, “Về sông Mã”, “Bến sông quê”...

Trần Thị Thu Hà với “Mây buông dải yếm” –

một dải yếm mây buông giữa đời

Có lẽ, khi đặt tên cho tập thơ in riêng đầu tay của mình, Trần Thu Hà muốn dãi bày, sẻ chia nhiều nỗi niềm, tâm sự chất chứa trong lòng - điều mà ngày thường, những lo toan, tất bật, hoàn cảnh đã giới hạn cô lại. “Mây buông dải yếm” là hình ảnh thơ rất hay - không chỉ về mặt nghệ thuật mà nâng lên thành biểu tượng - biểu tượng cho cuộc đời, số phận của người viết: “Mây buông dải yếm buộc say nồng nàn” cho thấy những liên tưởng dân gian quen thuộc. Dải yếm là biểu tượng cho nét đẹp, tuổi trẻ, tâm hồn giản dị, mộc mạc của người con gái Việt xưa khiến bao người say đắm yêu thương. Phải chăng, đó là khao khát trong thẳm sâu tâm hồn Trần Thị Thu Hà - khao khát có lại những ngày tháng xuân thì, những đắm say, rạo rực.

Hình ảnh thơ ấy càng có ý nghĩa biểu tượng khi bạn đọc biết hơn về số phận, hoàn cảnh của tác giả: Cứ mỗi sáng khi bình minh chưa lên, cô giáo Trần Thị Thu Hà ra bến xe bus đi 40km từ TP Thanh Hóa đến Vĩnh Lộc để lên lớp giảng dạy, rồi chiều về lại lên xe bus tiếp tục 40km về nhà, lo cơm nước cho con xong, lại hối hả vào viện chăm chồng. Đã hơn mười năm nay liên tục như thế” (Đọc thơ cô giáo Trần Thị Thu Hà của Hoàng Dự, Triệu Phong).

Lẽ dĩ nhiên, người đàn bà ấy cũng có lúc yếu lòng mà viết “một mình”: “Một mình em cứ chênh vênh/ Một mình em cứ nổi nênh một mình/ Thuyền em cứ mãi lênh đênh/ Bão vùi, sóng dập, gió dềnh thuyền nao! Một mình em cứ chênh chao/ Một mình em cứ cồn cào xót xa/ Thu sang rồi lại đông qua/ Buốt tim héo hắt trăng tà tàn canh!/ Bao giờ... bao giờ... hỡi anh/ Để cho lá lại tươi xanh trên cành?/ Bao giờ biển lặng trời xanh/ Cho em khô lệ ngắm vành trăng lên?”. Cuộc đời vốn đã mang nhiều “nghịch lý”. Và giữa những khắc nghiệt, khó khăn ấy, “hành trang em mang” có được gì ngoài kỷ niệm, ký ức tươi đẹp những ngày bình yên, những ngày có anh: “Kỷ niệm vui buồn cứ mãi khắc sâu/ Trong ký ức một tình yêu trong trắng/ Nụ hôn đầu cất vào trong dĩ vãng/ Vẫn ấm nồng khi mỗi độ đông sang!/ Trong hành trang của cuộc sống em mang/ Có hơi ấm của vòng tay anh đó/ Có buổi chiều đông triền đê ngược gió/ Có bữa cơm ấm áp quê mình”... Dẫu cuộc đời nhiều gian nan, thử thách nhưng sau tất cả, trong thơ Trần Thị Thu Hà vẫn nhìn thấy “giọt nắng cuối ngày”: “Bỗng kìa bảy sắc cầu vồng/ Chói chang rừng rực sáng bừng sau mưa/ Cuối ngày giọt nắng như đùa/ Ngả nghiêng trời đất như... chưa cuối ngày”. Tinh thần, nghị lực, tấm lòng ấy chính là điều mà cô giáo Trần Thị Thu Hà khiến độc giả yêu mến, trân trọng, đó là tinh thần, thái độ sống, là nghị lực, sự bao dung và tình yêu với thi ca.

Ba người đàn bà - ba gương mặt - ba tâm hồn thơ đã và đang từng bước ghi dấu ấn trong lòng độc giả, trên thi đàn xứ Thanh. Dẫu cuộc đời, số phận của họ có những lận đận, khó khăn riêng nhưng tình yêu quê hương, đất nước, yêu đời, yêu người vẫn luôn cháy bỏng, da diết. Và hơn hết, vượt lên mọi lẽ vui, buồn, Trần Thị Thu Hà, Trịnh Lan Oanh, Lâm Trần vẫn hết mình sống với đam mê, tình yêu thi ca.

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]