(Baothanhhoa.vn) - Hà Trung được biết đến như “cái nôi” của Hò sông Mã nổi tiếng của xứ Thanh. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây khi xưa còn có những phường hát ca trù sinh hoạt sôi động. Đến hôm nay, dù ca trù trên vùng đất này đã mai một nhiều, vẫn có một ca nương với giọng hát vô cùng đặc biệt và chị chính là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT)Trần Thị Huệ.

Tiếng hát ca trù trên đất Hà Trung

Hà Trung được biết đến như “cái nôi” của Hò sông Mã nổi tiếng của xứ Thanh. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây khi xưa còn có những phường hát ca trù sinh hoạt sôi động. Đến hôm nay, dù ca trù trên vùng đất này đã mai một nhiều, vẫn có một ca nương với giọng hát vô cùng đặc biệt và chị chính là Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT)Trần Thị Huệ.

Tiếng hát ca trù trên đất Hà Trung

CLB Ca trù thị trấn Hà Trung biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật.

Từ thực tế mai một...

Lý giải cho nguồn gốc ra đời và phát triển của loại hình hát ca trù khi xưa ở Hà Trung, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ (sách Địa chí huyện Hà Trung, NXB Khoa học xã hội, 2005) viết: “Những làng xóm dọc tuyến sông Lèn (thuộc các xã Hà Ngọc, Hà Phong, Hà Lâm, Hà Phú, Hà Toại), sông Hoạt (thuộc các xã Hà Thanh, Hà Châu, Hà Vân, Hà Lai, Hà Yên, Hà Tân), sông Tống (thuộc các xã Hà Dương, Hà Bắc, Hà Long) do đời sống kinh tế ít nhiều phát triển, nên có phường hát ca trù như làng Bình Lâm (Hà Lâm), làng Gũ (Hà Phú), Chế Thôn (Hà Toại), Thanh Đớn (Hà Thanh), Tây Mỗ (Hà Thái) hoặc tổ chức hát ca trù để tế thần và chúc mừng xuân mới. Lời hát (ca từ) phần lớn là những bài của Nguyễn Công Trứ, Chu Mạnh Trinh, tác giả khuyết danh... phổ biến rộng rãi nhiều nơi trong và ngoài huyện, tỉnh nhà... Thời Pháp thuộc, những nhà giàu sang như quan lại, chức sắc đôi khi cũng mời người đến hát ca trù”.

Ngoài những lời hát (ca từ) của các tác giả nổi tiếng trong cả nước thì khi viết về ca trù ở Hà Trung, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ còn dày công sưu tầm một số bài do người dân địa phương sáng tác, được lưu truyền trong dân gian, như Hát sân đình với mở đầu: “Minh niên xuân thử/ Nay làng ta có lệ kỳ phúc sự thần/ Bần thần giao liệt (?) thờ đức đại vương/ Đức đại vương giá ngự linh đài/ Làng ta được sự nhân khang vật thịnh...”, bài dài đến 150 câu với nội dung bày tỏ niềm hân hoan của người dân trong tiết xuân ấm áp, sự biết ơn thần linh và cả mong cầu về một năm mới may mắn, mùa màng bội thu. Tương truyền, đây là bài “Nam thôn phong cảnh ca” của cụ Đồ Tuyết đặt cho nhà trò hát mừng dịp Nam Thôn (nay là xã Hà Tân) tế lễ cầu phúc tháng ba.

Tác giả Vương Duy Trinh trong “Thanh Hóa quan phong” có sưu tầm, ghi chép một số bài Hát lót cửa đình nhà trò (ca trù) vào dịp tế thần cầu phúc đầu năm. Trong đó, soạn giả Vương Duy Trinh cũng sưu tầm bài của huyện Tống Sơn (nay là Hà Trung) khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bài hát mở đầu: “Năm cũ đã qua, năm mới đã đến/ Bước chân vào đình trung, tôi xin kính chúc/ Trước tôi chúc: Thánh hoàng vạn tuế, tại thượng dương dương/ Bảo quốc hộ dân, lưu ân tích phúc/ Tôi lại chúc: Kỳ lão sống tám chín mươi, thọ tăng thêm thọ...”.

Dẫn ra như vậy để thấy rằng, hát ca trù trên vùng đất Tống Sơn xưa nay là Hà Trung đã từng tồn tại, phát triển. Tuy nhiên, trải qua thời gian với những biến động, ca trù trên địa bàn Hà Trung đến nay đã thực sự mai một - thất truyền. Tìm về những làng quê từng được nhắc đến với những phường hát ca trù nổi tiếng, người ta cũng không còn tìm thấy ít nhiều dấu tích. Bà Đỗ Thị Đà, Bí thư chi bộ thôn Bình Lâm, xã Yến Sơn (trước đây là xã Hà Lâm) thành thực chia sẻ: “Tôi năm nay đã ngoài 60 tuổi, trước đây nghe nói ở Bình Lâm có hát tuồng và chèo cổ, còn ca trù thì quả thực không biết đến”.

Ông Lê Tất Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Hà Trung cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, những làng (phường hát) ca trù thực sự chỉ còn được nhắc đến trong tài liệu sách vở. Còn việc hát ca trù ở Hà Trung hiện nay, dù là bậc cao niên cũng rất khó tìm được người còn biết hát”.

Và chuyện của một nghệ nhân dân gian

Trong số hiếm hoi những người còn biết hát ca trù ở Hà Trung, thì nghệ nhân dân gian (NNƯT) Trần Thị Huệ (thị trấn Hà Trung) được xem như “hiện tượng” khi chị sở hữu giọng hát ca trù đẹp và hiếm có.

Tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, nghệ nhân Trần Thị Huệ nhiều lần đạt được thành tích cao. Có thể kể đến: Năm 2009, tại Liên hoan câu lạc bộ (CLB) ca trù toàn quốc do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức, ca nương Trần Thị Huệ (CLB Ca trù thị trấn Hà Trung) giành Huy chương Vàng; tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2011, nghệ nhân Trần Thị Huệ đã đạt danh hiệu Đào nương có giọng hát ca trù hay nhất; cũng trong năm 2011, tại Liên hoan tiếng hát dân ca Việt Nam do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức, tiết mục ca trù “Lại say” của nghệ nhân Trần Thị Huệ (đoàn Thanh Hóa) đã xuất sắc giành giải A... và gần đây nhất, tham gia Liên hoan văn hóa dân tộc tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Thanh Hóa - năm 2022, tiết mục ca trù do ca nương Trần Thị Huệ (thuộc đoàn nghệ nhân dân gian huyện Hà Trung) biểu diễn đã xuất sắc đạt giải A.

Trò chuyện với nghệ nhân Trần Thị Huệ, được biết chị đến với ca trù hoàn toàn ngẫu nhiên. Vốn có giọng hát trời phú, trước đây chị thường tham gia các sinh hoạt văn hóa tại địa phương. Năm 2002, chị tham gia lớp tập huấn (2 tháng) hát ca trù tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam do các nghệ nhân CLB Ca trù Thái Hà (Hà Nội) truyền dạy. “Trước đó, tôi chưa từng biết tới ca trù. Vậy nhưng thật kỳ lạ, khi được các nghệ nhân tận tình chỉ dạy, thấy tình yêu với ca trù như đã ở sẵn trong mình mà tôi say mê vô cùng. Hai tháng mới chỉ đủ để tôi bắt đầu làm quen với loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khó và kén người nghe. Vì thế, sau đó, tôi đã tìm đến CLB Ca trù Thái Hà để được học thêm”.

Tiếng hát ca trù trên đất Hà Trung

Sau 20 năm gắn bó, NNƯT Trần Thị Huệ vẫn say mê với tình yêu ca trù.

Đến thời điểm hiện tại, ở tuổi 53 và tròn 20 năm gắn bó với ca trù, nghệ nhân Trần Thị Huệ thành thật chia sẻ: “20 năm nghĩ tưởng là dài song nếu so với các bậc tiền bối, mình quả thực chưa là gì. Ca trù, càng học càng thấy khó. Để hát được ca trù, thì ngoài chất giọng “mộc” khỏe thì quan trọng người ca nương phải biết “nén hơi, nhả chữ”, học cách “nẩy hạt” với hơi đẩy ra từ vòm mũi. Khó thật sự. Với người mới đến với ca trù, có thể bắt đầu từ Xẩm Huê tình (một làn điệu của ca trù), rồi hát ru, hát giai, hát nói, hát gửi thư... khó trong ca trù có thể kể đến làn điệu Bắc phản và Thét nhạc, đòi hỏi ca nương phải có kỹ thuật, kinh nghiệm”.

Tuy nhiên, cũng theo ca nương Trần Thị Huệ, dù ca trù khó học, khó hát và rất kén người nghe nhưng nếu ai đã yêu ca trù thì rất dễ “nghiện”. Không chỉ là người hát ca trù mà ngay cả người nghe, thưởng thức cũng phải có “phông” văn hóa, hiểu biết âm nhạc và am hiểu về ngôn ngữ. Từ đó mới thấy được cái hay của loại hình văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc. Khác với nhiều loại hình nghệ thuật, ca trù truyền thống thích hợp biểu diễn trong không gian nhỏ, ít người. Còn nếu biểu diễn trong không gian rộng, ồn ào dễ làm “loãng” và mất đi cái hay của ca trù.

Nói về việc bảo tồn và truyền dạy hát ca trù trên địa bàn huyện Hà Trung, nghệ nhân Trần Thị Huệ cho biết: “Hơn 10 năm trước, với mong muốn làm “sống dậy” nghệ thuật ca trù của cha ông, tôi và một số người say mê đã thành lập CLB Ca trù thị trấn Hà Trung, rồi CLB Ca trù và Hò sông Mã. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, thực sự vẫn chưa tìm được người kế cận để truyền dạy. Có một số bạn trẻ có tố chất giọng hát song vì học hát ca trù khó, cần sự kiên trì khổ luyện mà lại không có thu nhập nên sau một thời gian học đã bỏ dở. Thành lập được CLB ca trù đã khó, duy trì hoạt động khó hơn nhiều. Và ca trù nói riêng, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống nói chung rất cần có sự quan tâm, “tiếp lửa” động viên của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn. Nếu không, câu chuyện mai một vẫn sẽ tiếp tục xảy ra”.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]