(Baothanhhoa.vn) - Được mệnh danh là “bậc quân vương” chim cảnh ở Việt Nam nhưng chim chào mào không lảnh lót hiếu thắng như họa mi, không kiêu sa như vành khuyên, hay mộc mạc như cu gáy... Âm thanh trong trẻo của chào mào khơi gợi về không gian yên bình của những khu vườn xanh rợp bóng cây. Có lẽ cũng vì thế mà xưa nay, người ta vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho loài chim bé nhỏ, đáng yêu và hiền lành này.

Thú chơi chim chào mào - “bậc quân vương” chim cảnh

Được mệnh danh là “bậc quân vương” chim cảnh ở Việt Nam nhưng chim chào mào không lảnh lót hiếu thắng như họa mi, không kiêu sa như vành khuyên, hay mộc mạc như cu gáy... Âm thanh trong trẻo của chào mào khơi gợi về không gian yên bình của những khu vườn xanh rợp bóng cây. Có lẽ cũng vì thế mà xưa nay, người ta vẫn luôn dành tình cảm đặc biệt cho loài chim bé nhỏ, đáng yêu và hiền lành này.

Thú chơi chim chào mào - “bậc quân vương” chim cảnh

Chơi chim chào mào thu hút đông đảo người tham gia nhờ tạo ra được sân chơi lành mạnh (ảnh to). Phố Còng đạt giải nhất cuộc thi chim chào mào đấu hót mừng sinh nhật CLB Tân Sơn lần thứ 10 nhờ dáng đẹp và giọng hót như chuông reo (ảnh nhỏ).

“Bữa tiệc nhạc rừng” giữa phố

Sáng cuối tuần một ngày hè nắng oi ả, trong khuôn viên nhà hàng Blue Ocean (TP Thanh Hóa), hàng trăm chú chim chào mào giang cánh, ưỡn ngực cất cao tiếng hót, lúc trầm lúc bổng, ríu ran khắp một khoảng không gian. Hôm ấy là ngày diễn ra hội thi chim chào mào đấu hót mừng sinh nhật Câu lạc bộ (CLB) Tân Sơn lần thứ 10 với sự tham gia của 45 CLB, trường chim đến từ 6 tỉnh khu vực phía Bắc. Mọi người thích thú với những chú chim đẹp, những màn ghanh nhau từng tiếng hót, từng thế chiến đấu, tấn công dọa nạt kẻ thù của các chú chim chào mào. Những cảm xúc đan xen lẫn lộn tại hội thi, có cảm xúc vui sướng khi lồng chim được lọt vào vòng trong, hay cảm xúc buồn, thất vọng khi lồng chim bị loại của các “điểu sĩ”.

Để chọn được những chú chim xuất sắc nhất, các giám khảo chấm theo tiêu chí chung với 3 ưu tiên về: “bộ” (dáng bộ thi đấu, nước đấu của chú chim); “thanh” (giọng hót, mật độ ra hót của chim); “sắc” (dáng điệu, sắc thái, vẻ đẹp). “Nhìn 328 chiếc lồng chim treo đầy trên dây, nếu là người không am hiểu, dễ thấy chiếc lồng nào cũng giống nhau, con chim nào cũng vậy. Nhưng dân nuôi chim thì lại khác, họ không thể nhầm lẫn, họ biết được bên trong vẻ bề ngoài giống nhau đó là những nét điển hình, điểm trội của từng chú chim”, anh Lê Xuân Tiến, thư ký CLB chim chào mào Tân Sơn, chia sẻ.

Chung kết cuộc thi, giải nhất thuộc về lồng chim của anh Cảnh Phương, chủ tịch CLB Phố Còng. Quán quân là một chú chim chào mào 3 tuổi, tên Phố Còng. Nó sở hữu chiếc mũ to đều, hơi cong từ gốc tới đỉnh; cặp chân to dài; thân hình thuôn thuôn; miệng mỏng ngắn và đặc biệt, sở hữu giọng hót như chuông reo vang - thứ hiếm trong loài chim chào mào.

Anh Cảnh Phương chơi chim hàng chục năm nay, với đủ những loại chim, nhưng sau đó chuyển hẳn sang nuôi chim chào mào vì dễ nuôi lại có sân chơi lành mạnh. Phố Còng được anh Cảnh Phương mua lại của một người chuyên đi bẫy chim ở phường Hải Thanh (thị xã Nghi Sơn) để đi đấu trường. Nó nổi tiếng khắp các giải đấu phía Bắc vì tiếng ché khỏe không có đối thủ. “Chiến điêu” này được nhiều người mê bởi “phong cách chơi ra cánh như my (họa my), gặp đối thủ ngóc đầu lên ché”. Nó thường được xếp đứng giữa bởi tiếng ché quá mạnh, làm những con xung quanh khiếp đảm.

Chào mào từ lâu là loài chim cảnh được đông đảo giới “điểu sĩ” mê chuộng. Chỉ tính riêng tỉnh Thanh Hóa đã có 45 CLB và trường chim với khoảng 300 người chơi chuyên nghiệp. Chim chào mào quyến rũ giới chơi chim nhờ màu lông nâu xám và trắng đặc trưng; đầu và mào màu đen, chùm lông dưới đuôi màu đỏ nhạt. Khi trưởng thành, hai bên má chào mào có hai chấm màu đỏ tươi. Lúc này, phần đầu chim chào mào sẽ có 3 màu đen, đỏ và trắng, cộng thêm chóp mũ nhọn, cao vút “đội” trên đỉnh đầu cùng với hai vệt cườm màu đen đậm như chiếc khăn quàng vắt qua vai, xõa xuống trước ngực, tạo nên dáng vẻ uy dũng mà không loài chim cảnh nào có được. Ngoài dáng vẻ độc đáo đẹp mắt, chào mào còn rất siêng hót. Tiếng hót của chào mào thánh thót với nhiều âm tiết và giọng điệu chuyển liên tục. Hơn nữa, khác với các loài chim cảnh “quý tộc” như sơn ca, họa mi..., chào mào rất dễ thuần dưỡng, không đòi hỏi nhiều công phu chăm sóc và chế độ dinh dưỡng, giá bán cũng bình dân. Trung bình, giá mỗi con chim chào mào có thể từ dưới 100.000 đồng cho đến hàng chục. Tuy nhiên, có những chú chim chào mào “tuyển” giá lên tới cả trăm triệu đồng, tùy vào “đẳng cấp” và nhất là màu lông của từng con.

Thường thì mỗi “điểu sĩ” ai cũng có một vài lồng chim, mà nuôi chim thì phải khoe chứ để ở nhà một mình ngắm thì không có gì thú vị. Vì vậy cứ sáng sáng, mọi người lại mang chim đến những nơi mát mẻ, thoáng đãng để các chú chim giao lưu, cọ sát với nhau. Đây không đơn thuần chỉ là một sở thích nữa mà là một nét đẹp trong đời sống tinh thần của một bộ phận người dân thành phố. Chẳng cần quen biết từ trước, chỉ cần xách theo lồng chim thì dù thân hay lạ mọi người đều có thể hòa chung niềm vui, trò chuyện với nhau rôm rả. Họ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi để những “nghệ sĩ” chào mào có dịp khoe “mã”, đấu giọng. Anh Lê Xuân Tiến chia sẻ: “Niềm vui của tôi mỗi sáng là xách lồng ra quán café - trường chim... để ngồi nhâm nhi tách cà phê, chuyện vãn với những người cùng sở thích. Khi nào bận liên tục 2 - 3 ngày không mang chim ra tranh tài được thấy không dễ chịu lắm, mà chim bị nhốt ở nhà trông nó cũng... buồn thiu luôn”.

Một điều thú vị là, nếu trước đây góp mặt tại các cuộc thi chim hay CLB là các bậc “cha, chú” với độ tuổi trẻ nhất cũng ngoài 30, điều kiện kinh tế khá giả... thì nay người đến tham dự đa phần là thanh niên với đủ các thành phần xã hội từ giáo viên, công an, luật sư đến thợ máy, tiểu thương... Họ gắn kết với nhau bền chặt bởi cùng đam mê, sở thích với những chú chim cảnh.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Được thành lập từ năm 2012, CLB chim chào mào Tân Sơn là một trong số những CLB hoạt động mạnh, số lượng thành viên ổn định và chất lượng của những chú chim trong hội khá đồng đều. Hiện, CLB có 15 thành viên chính thức, còn chưa chính thức và chơi phong trào thì nhiều vô kể. Trung bình mỗi người có khoảng 5 lồng chim, cá biệt, có người đam mê đến mức nuôi hẳn “dàn” chim tuyển hơn chục con.

Theo kinh nghiệm của giới chơi chim cảnh, tuy rất dễ nuôi, nhưng muốn có được một chú chim chào mào hót hay và có nết chơi đẹp thì phải biết “xem tướng” để chọn được chú chim có “tố chất” tốt. Chim được chọn phải là những con chim lanh lợi, lí lắc. Cặp ức tức là hai viền lông đen bên ngực phải to, khá dài và gần đụng nhau thì mới là quý hiếm. Nói về mũ, tuy mũ chim rất phong phú, thấp, cao, to, nhỏ nhưng chỉ có hai loại thường được nuôi nhiều nhất là mũ lân và mũ rơm. Mũ rơm tức là to đều từ gốc tới đỉnh mũ cao thẳng đứng khá cong và mũ lân là cong y như sừng đầu lân vậy. Cặp chân phải to dài, tướng chim đòn dài (thân hình dài). Nếu miệng chim mỏng ngắn thì siêng hót. Riêng loại “ngũ đoản” là phải ngắn hết mới quý, như: thân hình ngắn, chân ngắn, miệng ngắn, mũ cong ngắn, đuôi ngắn, riêng ức phải dài thì mới quý.

Tiếp đó là cả quá trình chăm sóc, luyện tập khá công phu, đòi hỏi người nuôi phải rất kiên trì, hiểu rõ đặc tính từng loài để có cách nuôi chim, dưỡng chim thật tốt. Bởi, chim cũng mỗi con mỗi tính. Phải tìm hiểu xem con này thì hợp với loại cám nào, con nào thích tắm nhiều, con nào thích phơi nắng nhiều... Thông thường dân chơi chim rất hạn chế cho chim ăn thức ăn chế biến sẵn mà tự đi kiếm mồi trong tự nhiên cho chim ăn như: côn trùng nhỏ, cào cào, trứng kiến... Có khi phải vào rừng, lên miền núi, ra đồng... tìm. Nhiều người cầu kỳ, họ tự làm cám cho chim. Công thức làm cám cũng khá phong phú với nhiều tỷ lệ khác nhau, nhưng cơ bản gồm đỗ xanh đồ lên như xôi trộn với lòng đỏ trứng gà luộc, bóp vụn rồi sao khô. Ngoài ra, có thể trộn thêm một chút gia vị như nhộng, tằm và một số vị thuốc bắc... Đặc biệt, để có một bộ lông óng ả, thức ăn cho chim còn phải có ớt vừa đủ độ cay, để giữ màu đỏ nơi khóe mắt và đít của chào mào. Khi tắm cho chào mào cũng phải vào buổi trưa có nắng để chim trải chuốt làm dáng và sưởi ấm. Có vậy tiếng hót chào mào mới truyền thanh lảnh lót. Thế nên, người đời mới có những câu nói ví von như “mê chim hơn mê vợ” hay “chăm sóc chim hơn chăm sóc con”, quả không sai tí nào. Anh Tiến chia sẻ: “Thú chơi chim cảnh phải xuất phát từ lòng đam mê thực sự mới có thể lâu bền. Những người chơi theo kiểu phong trào thì chỉ thích nghe chim hót, còn việc cho chim ăn, tắm, vệ sinh lồng chim... lại coi là những việc nặng nhọc. Như thế thì không luyện được chim hay”.

Bên cạnh đó, chim cũng như người vậy phải thường xuyên tụ tập, giao lưu để chúng có cảm giác tự do, không bị bó buộc, tù tội thì tiếng hót mới lạc quan, yêu sống. Nhất là trong giai đoạn chim ra giọng, thường xuyên đưa chim đến trường chim để chim làm quen, thi thố với những con chim khác sẽ giúp chim ngày càng có “lửa”, sung sức, giọng hót càng thêm hay.

Tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, không gian thiên nhiên hẹp dần, áp lực cuộc sống, công việc vì thế cũng nhiều hơn. Do đó, thú chơi chim cảnh không dừng lại ở nét đẹp nghệ thuật dân gian thuần túy mà trở thành món ăn tinh thần, bởi “nuôi cá dưỡng tâm, nuôi chim dưỡng chí, nuôi cây dưỡng thần”. Những chú chim chào mào trở thành người bầu bạn sớm hôm, bằng giọng hót thánh thót, réo rắt, trong trẻo, nó giúp con người quên đi bao nỗi lo toan của cuộc sống thường ngày. Hạnh phúc nào bằng khi mỗi sáng nhâm nhi ly café, tận hưởng tiếng chim hót thánh thót trên cao ở giữa phố phường như được thả hồn, khỏa mình trong thiên nhiên hoang sơ, như được trở về dòng sông thơ ấu vậy.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Lê thanh hải - 13:18 23/07/22

 Trả lời

Rất tự hào về thú nuôi chim chào mào đấu hót, là món ăn tinh thần lúc mệt mỏi, được gặp gỡ và giao lưu cùng với tất cả các anh em từ nhiều vùng miền, để thỏa chí đam mê và học hỏi.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]