(Baothanhhoa.vn) - Là mảnh đất cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như đền Sòng, đền Chín Giếng, đèo Ba Dội, động Cửa Buồng, hồ Cánh Chim... Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn được trùng tu, tôn tạo đã và đang phát huy giá trị, là điểm đến thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Thị xã Bỉm Sơn - một vùng di tích danh thắng

Là mảnh đất cửa ngõ phía Bắc tỉnh Thanh Hóa, với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng như đền Sòng, đền Chín Giếng, đèo Ba Dội, động Cửa Buồng, hồ Cánh Chim... Từ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn được trùng tu, tôn tạo đã và đang phát huy giá trị, là điểm đến thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương.

Thị xã Bỉm Sơn - một vùng di tích danh thắngCổng Tam quan Di tích quốc gia đền Sòng Sơn.

Linh thiêng đền Sòng

Bỉm Sơn là vùng đất chứa nhiều truyền thuyết, huyền thoại gắn liền với nhiều di tích danh thắng đã được công nhận là di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh, trong đó đáng chú ý nhất là Di tích lịch sử văn hóa đền Sòng Sơn (đền Sòng). Đền Sòng thuộc phường Bắc Sơn, gắn liền với huyền thoại về Nữ thần Vân Hương, mà dân gian thường gọi là Thánh Mẫu Liễu Hạnh hay Bà Chúa Liễu. Từ xa xưa, đền Sòng gắn với Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội đã nổi tiếng linh thiêng, không chỉ người xứ Thanh mà đông đảo du khách thập phương thường xuyên hành hương về đây vãn cảnh, chiêm bái, hành lễ. Vì vậy, trong dân gian đã lưu truyền câu ca: “Đền Sòng thiêng nhất xứ Thanh” hay “Nhất vui là hội phủ Dầy/Vui là vui vậy chẳng tày Sòng Sơn”. Ngày 18-1-1993, đền Sòng cùng với 8 di tích danh thắng khác thuộc địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - danh thắng cấp quốc gia. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp ngành, các tổ chức, tầng lớp Nhân dân, đền Sòng từng bước được quy hoạch, phục hồi, trùng tu, tôn tạo với các hạng mục công trình, tạo nên sức hấp dẫn, ngày càng thu hút đông đảo khách thập phương về tham quan, hành lễ.

Sau một thời gian ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2023, Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội được tổ chức trở lại là niềm mong chờ, háo hức của người dân địa phương và du khách thập phương. Lễ hội được diễn ra từ ngày 15 đến 17-3 (tức ngày 24 đến 26-2 năm Quý Mão 2023) tại đền Sòng. Lễ hội gồm phần lễ và phần hội với nhiều hoạt động nổi bật, đặc sắc. Trong đó, phần lễ với nghi lễ rước Bát hương Linh vị, kiệu Long Đình Thánh Mẫu và kiệu Hoàng Đế Quang Trung ra đài lễ (được thực hiện chiều 16-3, tức chiều 25-2 âm lịch) tại Cung cấm đền Sòng Sơn - Đài lễ. Ngày chính lễ được tổ chức vào ngày 17-3 (tức ngày 26-2 âm lịch) tại Đài lễ đền Sòng Sơn với các hoạt động dâng hương, đánh trống khai hội, thực hiện nghi thức tế lễ, biểu diễn chương trình nghệ thuật. Trong đó, tổ chức Lễ rước bóng Thánh mẫu Liễu Hạnh, kiệu Hoàng Đế Quang Trung lên Nhà bia Ba Dội về đền Chín Giếng và hoàn vị. Phần hội được diễn ra từ ngày 15 đến 16-3 (tức ngày 24 đến 25-2 âm lịch) với các hoạt động như tổ chức giải cờ tướng; thi nấu cơm; trò chơi kéo co nam, nữ; hội hầu văn thánh.

Đền Sòng Sơn là địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng sôi động khắp trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách về dâng hương, chiêm bái, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội cũng là dịp tưởng nhớ vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Tương truyền, trên đường hành quân ra Bắc đánh đuổi quân Thanh, ông đã dừng chân trên đèo Ba Dội (phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn) để hội quân, chiêu binh luyện võ, luận bàn kế sách giải phóng kinh thành Thăng Long. Lễ hội Sòng Sơn - Ba Dội thị xã Bỉm Sơn là hoạt động văn hóa truyền thống đã có từ lâu đời, phản ánh nhu cầu văn hóa, tin thần của Nhân dân trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Thông qua việc tổ chức lễ hội nhằm gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục tinh thần yêu nước, đoàn kết trong xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa các di tích, danh lam, thắng cảnh để tiếp tục đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch văn hóa của thị xã Bỉm Sơn.

Trước đó, vào ngày 10-3, tức ngày 19-2 năm Quý Mão 2023, thị xã Bỉm Sơn cũng tổ chức Lễ dâng hương động Cửa Buồng năm 2023 tri ân công đức của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và nhớ ơn công đức của các vị nhân thần, thiên thần trong tâm thức văn hóa dân gian của dân tộc Việt Nam. Động Cửa Buồng nằm trong hệ thống di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng cấp quốc gia. Quần thể di tích, danh thắng trên đất Bỉm Sơn nói chung và hệ thống hang động Cửa Buồng, phường Ba Đình nói riêng còn lưu lại nhiều giai thoại, nhiều dấu ấn liên quan đến vị Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và đại quân Tây Sơn, khi dừng chân tại đây và khi thắng trận trở về. Tương truyền động Cửa Buồng đã được vua Quang Trung lập đàn tế cầu trời, cầu đất, cầu các thần linh phù hộ cho cuộc hành quân, thần tốc nhanh chóng tiêu diệt 29 vạn quân Thanh vào đầu năm Kỷ Dậu 1789, với thiên tài, nghệ thuật quân sự khi xem xét đánh giá tình hình, bàn định kế sách, phương lược tiến quân, sách lược, ngoại giao. Với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân phường Ba Đình đã quan tâm, bảo tồn khu di tích động Cửa Buồng trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, phục vụ đời sống tinh thần, phát triển, phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch. Lễ dâng hương động Cửa Buồng trở thành ngày hội văn hóa tiêu biểu, giáo dục truyền thống lịch sử của lớp lớp thế hệ tương lai.

Phát huy giá trị di tích, danh thắng

Trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn hiện có 15 di tích lịch sử, danh thắng đã được xếp hạng. Trong đó, có 9 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia gồm: đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, đình Làng Gạo, đền Cây Vải, đồi Ông Đùng, động Cửa Buồng, đường Thiên Lý, đèo Ba Dội, hồ Cánh Chim và 6 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Nhằm phát huy giá trị di tích, danh thắng, thị xã Bỉm Sơn quan tâm đến công tác tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp các di tích. Hàng năm, UBND thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn lập báo cáo đánh giá về công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời, rà soát tiến độ thực hiện các dự án trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa; thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý di tích, sắp xếp bài trí nội thất đồ thờ, tiếp nhận công trình, đồ thờ, hiện vật do các tổ chức, cá nhân, du khách thập phương cung tiến cho các di tích theo đúng quy hoạch và thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc được cơ quan chuyên môn thẩm định, thỏa thuận, phê duyệt hồ sơ và cho phép.

Thị xã Bỉm Sơn - một vùng di tích danh thắngNhân dân và du khách tham quan, dâng hương, hành lễ tại Di tích đền Sòng Sơn.

Các di tích trên địa bàn sau khi được tu bổ, tôn tạo ngày càng phát huy giá trị, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương về tham quan, chiêm bái góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa tâm linh, nhất là các di tích trọng điểm như: đền Sòng Sơn, đền Chín Giếng, chùa Khánh Quang.

Thị xã Bỉm Sơn cũng quan tâm đẩy mạnh công tác quảng bá, tuyên truyền cho Nhân dân trong tỉnh, du khách tham quan du lịch trong nước và bạn bè quốc tế biết đến các di tích lịch sử, văn hóa ngày một nhiều hơn. Vừa qua, tại di tích đền Sòng, Thị Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Bỉm Sơn tổ chức công trình thanh niên “Chuyển đổi số” trong quảng bá các di tích cấp quốc gia đền Sòng. Khi đến đền Sòng, Nhân dân và du khách thực hiện quét mã QR Code để nhận thông tin về di tích, qua đó góp phần quảng bá di tích đến du khách được thuận tiện hơn.

Để phát huy giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch, UBND thị xã Bỉm Sơn cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và các xã, phường trên địa bàn thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin truyền thông. Cùng với đó thực hiện tốt công tác quản lý lễ hội đảm bảo an toàn, tiết kiệm, giữ được thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Từ đó, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân và thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]