(Baothanhhoa.vn) - Mỗi độ tháng 5 về, khi những bông sen đã uống đủ sinh khí đất trời, lặng lẽ nở bung những cánh mềm thơm ngát, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân đất Việt lại thao thiết gọi tên Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như suối nguồn sáng trong, dạt dào cảm xúc cho văn học - nghệ thuật. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc lại bài thơ nổi tiếng “Người đi tìm hình của nước” – Chế Lan Viên để thêm yêu mến, trân trọng, tự hào vì dải đất hình chữ S này có Bác - vị lãnh tụ tài ba, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới...

Tháng 5 nhớ Bác qua thơ

Mỗi độ tháng 5 về, khi những bông sen đã uống đủ sinh khí đất trời, lặng lẽ nở bung những cánh mềm thơm ngát, trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người dân đất Việt lại thao thiết gọi tên Người - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ như suối nguồn sáng trong, dạt dào cảm xúc cho văn học - nghệ thuật. Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 132 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc lại bài thơ nổi tiếng “Người đi tìm hình của nước” – Chế Lan Viên để thêm yêu mến, trân trọng, tự hào vì dải đất hình chữ S này có Bác - vị lãnh tụ tài ba, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới...

Tháng 5 nhớ Bác qua thơ

Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương xứ Thanh.

Đất nước đẹp vô cùng. Nhưng Bác phải ra đi” - lời mở đầu bài thơ cũng chính là lời mở đầu cho khúc ca về cuộc hành trình vĩ đại của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Bởi yêu lắm, thương lắm dải đất hình chữ S này, nhận thức sâu sắc vấn đề của dân tộc, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, người thanh niên ấy rời bến Nhà Rồng mang theo quyết tâm thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Chẳng ai hay biết rằng, quyết định của người thanh niên năm ấy đã tạo nên bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, từng bước thay đổi vận mệnh dân tộc: “Hiểu sao hết những tấm lòng lãnh tụ/ Tìm đường đi cho dân tộc theo đi”. Đi để tìm lại “sắc vàng nghìn xưa”, “sắc đỏ tương lai”; tìm lại “thế đi đứng của toàn dân tộc”, “cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”. Hành trình ấy là hành trình vĩ đại...

Con tàu rẽ sóng vượt trùng dương. Người rời quê hương xông pha giữa muôn vàn phong ba, bão táp. Người biết rõ hơn ai hết về điều đó nhưng vì đất nước, vì cuộc sống của 25 triệu con người, Người vẫn phải đi. Những lời thơ da diết, lắng đọng như tiếng thở than, xót xa: “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ/ Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương/ Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở/ Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương”.

Người rời bến cảng ra đi chỉ với hai bàn tay trắng, chẳng một lời hỏi han, động viên. Chỉ có tình yêu, nhiệt huyết, khát vọng cháy bỏng, trí tuệ siêu việt. Đó là hành trình vĩ đại, vẻ vang nhưng sao đơn độc, khổ ải quá: “Có nhớ chăng hỡi gió rét thành Ba Lê/ Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá/ Và sương mù thành Luân Đôn, ngươi có nhớ/ Giọt mồ hôi Người nhỏ giữa đêm khuya?/ Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/ Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi...”.

Bài thơ không đặc tả chân dung nhưng sao độc giả vẫn cảm nhận rất chân thực từng đêm trằn trọc, suy tư, từng cái cựa mình không yên giấc giữa muôn vàn câu hỏi: “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây?/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?/ Rồi cờ sẽ ra sao? Tiếng hát sẽ ra sao?/ Nụ cười sẽ ra sao/ Ơi, độc lập!/ Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc/ Khi tự do về chói ở trên đầu”.

Hay giây phút niềm vui vỡ òa trong niềm xúc động, nụ cười hòa cùng dòng nước mắt khi Người bắt gặp “mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Khoảnh khắc lịch sử ấy được Chế Lan Viên khắc họa trong hình ảnh thơ cô đọng mà tinh tế, xúc động vô cùng: “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin”. Trong tiếng reo vang sung sướng vì đã tìm thấy con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, khi “hình của Đảng lồng trong hình của Nước” cũng là lúc “phút khóc đầu tiên là phút Bác Hồ cười”. Phải sung sướng, hạnh phúc vỡ òa đến bao nhiêu mới có sự hòa quyện giữa hai trạng thái đối lập ấy trong cùng khoảnh khắc.

Và xuyên suốt bài thơ, độc giả dễ dàng nhận thấy, Chế Lan Viên sử dụng nhiều thủ pháp song quan và những hình tượng mang ý nghĩa sóng đôi như: sóng vỗ dưới thân tàu/ sóng quê hương; giấc mơ con/ cuộc đời con; trăm cơn mơ/ một đêm dày; mưa tuôn/ gió thổi; sắc vàng nghìn xưa/ sắc đỏ tương lai; một viên gạch hồng/ một mùa đông băng giá; đất tự do/ trời nô lệ; đêm mơ nước/ ngày thấy hình của nước; Lệ Bác Hồ/ Chữ Lê Nin; hình của Đảng/ hình của Nước; phút khóc đầu tiên/ phút Bác Hồ cười; đường đến với Lê Nin/ đường về Tổ quốc; Lê Nin mất rồi/ Bác chẳng dừng chân... Chính điều đó đã góp phần làm nổi bật hình ảnh thơ, hình tượng nhân vật, tăng giá trị biểu đạt của con chữ và làm nên sức hấp dẫn của bài thơ.

Cả cuộc đời Bác hiến dâng cho dân tộc Việt Nam, cho Nhân dân cần lao. Mọi nhẽ vui, buồn của Bác cũng xoay quanh điều đó. Bao vất vả, hy sinh của Người cũng đã được đáp đền xứng đáng. Trong rưng rưng nước mắt, Bác đã thấy được tương lai tươi sáng của dân tộc: “Nước Việt Nam nghìn năm Đinh Lý Trần Lê/ Thành nước Việt Nhân dân trong mát suối/ Mái rạ nghìn năm hồng thay sắc ngói/ Những đời thường cũng có bóng hoa che”.

Sau hơn 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Bác trở về với Luận cương Lê Nin là “kim chỉ nam”, “mặt trời soi sáng”, “cẩm nang thần kỳ”, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Việc đầu tiên Bác làm khi dấu chân chạm vào đất mẹ là lặng lẽ “hôn lên hòn đất”. Phút giây lịch sử thiêng liêng, muôn vàn xúc động. Đó là tình yêu nước, yêu Bác mênh mông, vô bến bờ: Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/ Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.

“Người đi tìm hình của nước” đã thành công khắc họa hình tượng Bác Hồ và hành trình vĩ đại của Người từ những điều giản dị, chân thành nhất. Từng lời thơ cất lên là tiếng lòng người con đất Việt với tất cả sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc trước công lao, sự hy sinh cao cả của Người.

Bài và ảnh: Nguyên Linh


Bài và ảnh: Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]